Tàu sân bay đô đốc Kuznetsov - Nguồn: Businessinsider |
Thứ hai tuần trước 14-11, “Đô đốc Kuznetsov” đã ra mắt bằng một cuộc xuất kích của các Su-33 mà tàu này chở theo. Thế nhưng, tại sao lại là Su-33 chứ không phải là Mig-29K được xem là thế hệ sau tân tiến hơn?
Đài Nga Russia Today hôm thứ tư 16-11 loan tin: “Hôm thứ ba, quân đội Nga đã phát động một chiến dịch chống khủng bố quy mô lớn tại hai tỉnh của Syria với sự tham gia tấn công của (tàu sân bay) “Đô đốc Kuznetsov” và tàu khu trục “Đô đốc Grigorovich” thuộc một hải đội của Nga ngoài khơi bờ biển Syria ở phía đông Địa Trung Hải”.
Đồng thời với việc loan tin, đài này tung luôn video “Nhiệm vụ chiến đấu đầu tiên: Nhân viên đài RT chứng kiến chiến dịch của tàu sân bay Nga ở Syria”.
Quảng bá sức mạnh Nga
Đoạn video về phi vụ tác chiến đầu tiên từ chiếc Đô đốc Kuznetsov đương nhiên là độc quyền của phóng viên đài Nga RT.
Đoạn video hội đủ những hình ảnh HD, góc quay, dàn dựng hậu kỳ, âm thanh... của một mẩu phim quảng cáo, là chuyện đương nhiên trong mục tiêu tâm lý chiến, quảng bá cho sự hiện diện của Nga ở Syria và Địa Trung Hải, cho sức mạnh quân sự của Nga và cho tính quyết đoán chiến lược của Tổng thống Nga Putin, người mà theo báo Nga đang được dư luận Nga mong sẽ tiếp tục giữ chức tổng thống lần thứ... tư.
Phóng viên RT tường thuật: “Phải mất nửa giờ trên một chiếc máy bay trực thăng để đến được tàu sân bay từ căn cứ không quân của Nga trong tỉnh Latakia, Syria.
Khi chúng tôi đến, các máy bay đang bận thực hiện các chuyến bay thực hành và hoàn thiện động tác cất cánh, hạ cánh và cơ động trên không với mục tiêu cuối cùng là đánh bại chủ nghĩa khủng bố ở Syria...
Tất cả máy bay trên boong tàu được trang bị đầy đủ vũ khí và sẵn sàng cho nhiệm vụ chiến đấu, mang theo bom 500kg với độ chính xác cao, sẽ phát nổ chỉ trong vòng 1,5m quanh bất kỳ mục tiêu nào được nhắm tới.
Con tàu này, được đóng bởi Nhà máy đóng tàu Biển Đen, có thủy thủ đoàn gần 2.500 người, chở theo hàng chục máy bay chiến đấu và máy bay trực thăng.
Máy bay chiến đấu có cánh chủ lực của tàu này là máy bay phản lực đa nhiệm Sukhoi (Su-33), có thể chiếm lĩnh ưu thế trên không, bảo vệ hạm đội, không kích yểm trợ, đặc biệt là trực tiếp yểm trợ hỏa lực đổ bộ tấn công, trinh sát cùng thả mìn trên biển”.
Những chiếc Su-33 trên tàu sân bay đô đốc tham gia cuộc không kích Syria - Nguồn: The Sun |
Qua hôm sau 17-11, đã có tin từ thủ đô Damascus của Syria về kết quả mỹ mãn của chiến dịch không kích đầu tiên từ tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov: “Phản lực cơ Nga hạ được ba chỉ huy cao cấp “thánh chiến Jihad”...
Các cuộc không kích đầy uy lực do các máy bay phản lực chiến đấu Su-33 trực tiếp thực hiện từ tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov trên Địa Trung Hải. Kết quả các cuộc không kích này, do các tiêm kích Su-33 thuộc không đoàn của tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov thực hiện, là việc cả một băng nhóm thuộc tổ chức Jabhat al-Nusra bị tiêu diệt trong tỉnh Idlib...
Có ít nhất 30 tên, trong đó các chỉ huy cao cấp, bị giết trong cuộc tấn công này. Các thủ lĩnh khét tiếng này là Muhammad Helala, Abu Jaber Harmuja và Abul Baha Al-Asfari”.
Chuyện “mẹ hát (máy bay Nga), con khen hay (truyền thông Syria)” như trên là đương nhiên nhằm mục đích (1) thể hiện tính chính nghĩa của sự hiện diện và hoạt động quân sự của Nga tại Syria và đề cao uy lực của quân đội Nga, cho dù chỉ với một tàu sân bay độc nhất là chiếc Đô đốc Kuznetsov chở máy bay!
Trong lớp sương mù thông tin đó, đương nhiên phía Nga thỉnh thoảng phát không các thông tin chọn lọc. Tỉ như một đoạn video phát trên YouTube ai cũng có thể xem, được một tờ báo Mỹ, thậm chí đại chúng như tờ Cơ Khí Phổ Thông (Popular Mechanics) đăng tải lại hôm 2-11 và bình luận với tựa đề: “Xem các máy bay chiến đấu đến và đi”.
Tác giả Kyle Mizokami viết: “Truyền hình nhà nước của Matxcơva phát đi một cảnh quay HD ngoạn mục một hải đội tàu chiến của Nga đang trên đường tới Syria, bao gồm cả các hoạt động trên sàn đáp của tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov.
Các đoạn video, được tải lên YouTube, cho thấy chiếc Kuznetsov đang tung các tiêm kích thượng thặng Sukhoi (Su-33) ở nhiều góc quay, kể cả cảnh trong buồng lái và cảnh quay dây cáp móc vào đuôi khi hạ cánh.
Các video còn cho thấy một trong những chiếc Su-33 sử dụng đường dốc trượt tuyết nhảy cầu của tàu sân bay để hỗ trợ cất cánh, một kỹ thuật mà các tàu sân bay của Hải quân Hoàng gia Anh cũng sẽ sử dụng...”.
Đặc điểm của Su-33
Đoạn video tỉ mỉ cho thấy đường băng cất cánh của tàu Đô đốc Kuznetsov được thiết kế theo kiểu trượt tuyết nhảy cầu (ski jump).
Thiết kế này không tạo sức ép nơi khung máy bay và phi công như khi cất cánh được hỗ trợ bằng máy phóng (catapult).
Điều này cho phép trọng lượng máy bay nhẹ hơn vì ít phải tăng cường cấu trúc khung, đồng thời ngăn ngừa được sự mất tri giác do lực G (gia tốc tối đa: +8 G).
Với kiểu cất cánh này, động cơ đốt hậu được khởi động sớm hơn nên khi đã lên trên không, máy bay sẽ có được góc tấn công lớn hơn giúp lên cao tốt hơn.
Chính vì thế mà Su-33 có tốc độ thăng thiên lên đến 325m/giây, đạt đến trần bay 17.000m. Tuy nhiên cũng chính vì thế máy bay cất cánh kiểu này không thể mang tải trọng nặng, tức ít vũ khí và nhiên liệu hơn và đây chính là vấn đề.
Tờ Cơ Khí Phổ Thông mô tả tiếp: “Ngoài các tiêm kích Su-33, chiếc Đô đốc Kuznetsov còn mang theo các máy bay chiến đấu đa chức năng Mig-29 KUB, tương đương dòng F/ A-18F Super Hornet của Mỹ.
Các cường kích Su-25, được cho là cũng được chiếc Đô đốc Kuznetsov mang theo, không thấy xuất hiện. Trong đoạn video, các trực thăng Kamov Ka-27 Helix bay cùng với tàu Kuznetsov trong tư thế sẵn sàng giải cứu các phi công lâm nạn”.
Có thể thấy tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov được trang bị cả hai loại chiến đấu cơ Su-33 và Mig-29K, song vấn đề ở chỗ chỉ có loại Su-33 là được sử dụng trong phi vụ mở màn hôm thứ hai (14-11).
Những đặc điểm của Su-33 đã rõ. Thế còn Mig-29K? Tại sao lại không sử dụng Mig-29K khi máy bay này được cho là hiện đại hơn Su-33?
Đây không phải lần đầu tiên tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov được tung hô trước dư luận. Trước đó, truyền hình Nga từng phát đi những mẩu video “độc quyền” về tàu sân bay này, thỉnh thoảng vén lên “bức màn bí mật” về nó mà NATO đang ráo riết đeo bám bằng mọi cách để lượng giá - tỉ như một tàu ngầm hạt nhân lớp Virginia của Mỹ đeo bám trên biển Barentz, sau đó là một tàu ngầm của Hà Lan trên Địa Trung Hải. |
>> Kỳ tới: Mig-29K đã rơi như thế nào?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận