07/07/2018 16:11 GMT+7

Những cuộc giải cứu trong hang động - Kỳ 1: Cuộc giải cứu tại Úc năm 1988

D.KIM THOA
D.KIM THOA

TTO - Các tai nạn trong hang động như vụ việc xảy ra với 13 thành viên trong đội bóng thiếu niên của Thái Lan tuy không nhiều nhưng không phải chưa từng có. Trên thực tế, đã có những tình huống nan giải không kém đã được hóa giải.

Những cuộc giải cứu trong hang động - Kỳ 1: Cuộc giải cứu tại Úc năm 1988 - Ảnh 1.

Đạo diễn nổi tiếng James Cameron (trái) và thợ lặn hang động Andrew Wight trong một cuộc trả lời phỏng vấn chung năm 2011 - Ảnh: MAILTIMES

Trong trí nhớ của ông Peter Wolf - giám đốc quốc gia của Hiệp hội Thợ lặn hang động Úc, vụ việc ở hang Pannikin Plains (Úc - 1988) khá giống với những gì lực lượng cứu hộ đang phải đối mặt tại hang Tham Luang (Thái Lan - 2018). Cùng là những nhóm người bất ngờ bị kẹt lại trong hang do cơn mưa lớn đột ngột trút xuống, song điểm khác biệt là ở hang Pannikin Plains, nhóm người mắc kẹt là các thợ lặn hang động chuyên nghiệp chứ không phải các chú bé đá bóng Thái Lan.

Ngày mắc kẹt bất ngờ

Nhắc tới cuộc giải cứu nhóm 13 thợ lặn ở hang Pannikin Plains nằm dưới đồng bằng Nullarbor, người ta phải nhớ tới một cái tên, đó là chuyên gia khám phá hang động người Úc, ông Andrew Wight. Vào năm 1988, ông chính là người dẫn đầu đoàn thám hiểm đi vào hang Pannikin Plains của Úc.

Vào thời điểm ấy, hang Pannikin Plains là một trong số ít những hang động ngập nước và dài nhất thế giới, thuộc hệ thống hang chằng chịt khoảng 34km dưới lòng đất cho tới nay vẫn chưa được khám phá hết. Nó từng được mệnh danh là "đỉnh Everest của các hang động dưới lòng đất", và là điểm đến hấp dẫn cho những chuyến phiêu lưu khám phá mạo hiểm nhất của các thợ lặn hang động.

Đoàn thám hiểm do ông Wight dẫn đầu đã có hơn một tháng bơi lặn trong đó để thám hiểm hệ thống hang động và mọi sự đều rất ổn. Tuy nhiên tới ngày cuối cùng, khi cả đoàn đang hì hục vận chuyển các thiết bị chuyên dụng ra khỏi hang thì tai nạn ập tới.

Một cơn mưa dông lớn khủng khiếp với sức gió giật lên tới 100km/h trút xuống, chỉ trong vòng 20 phút lượng nước mưa trút xuống đã bằng cả lượng mưa trong hai năm. Giống như luồng nước xối xả ộc ra từ một cái bồn tắm tháo nút, trong vòng 2 giờ đồng hồ, khoảng 300 triệu lít nước điên cuồng đổ vào hang. Đất trong hang bắt đầu lở ra, đá cuốn theo dòng xoáy và bất ngờ ụp cả xuống bít kín toàn bộ lối vào hang. Chưa hết, khu vực giữa hang đổ sập khiến 15 thành viên bị kẹt lại trên một mỏm đá nhỏ cỡ chừng chiếc bàn ăn ở khu vực giữa hang. Hai người thợ lặn trong nhóm may mắn thoát được ra ngoài, trong khi 13 người còn lại rơi vào tình cảnh bị "chôn sống" ở lòng hang nằm dưới độ sâu 100m trong khi nước vẫn tiếp tục dâng.

Họ không thể xuống mà cũng không bơi ra được vì nước lũ cuốn theo cả đá tảng đang sùng sục bủa vây xung quanh. Ông Wight nhìn sang một người thợ lặn khác, ông Vicky Bonwick, lúc này cũng đang ngồi tạm trên mép đá cạnh đó. Hai người hoảng hồn khi phần nóc hang bắt đầu rã ra và rơi xuống.

Vicky đã đuối sức rồi, hãy chấp nhận số phận của chúng ta đi.

Ông Andrew Wight

Những cuộc giải cứu trong hang động - Kỳ 1: Cuộc giải cứu tại Úc năm 1988 - Ảnh 3.

Cảnh trong bộ phim cứu hộ hang động do ông Wight viết kịch bản - Ảnh cắt từ video

27 giờ đối mặt tử thần

Tình cảnh lúc này chỉ còn hai lựa chọn, hoặc họ cứ ngồi nguyên đó chờ đội cứu hộ và hi vọng nóc hang không sập xuống chôn vùi cả nhóm, hoặc phải cố tìm đường thoát thân giữa bốn bên là nước lũ mù mịt với đất đá sôi réo xung quanh mỏm đá cả nhóm đang cố thủ. Cách duy nhất để thoát thân nhưng mọi người đều nói không thể thực hiện lúc này là bám vào dây thừng bên ngoài thả vào và leo qua vô số tảng đá lổn nhổn đang lấp kín lối vào. Nếu chọn cách đó, họ phải chấp nhận một khả năng rất lớn sẽ bị những tảng đá này nghiền nát trong khi chúng đang cuồn cuộn theo nước trôi vào.

"Mong muốn sinh tồn bùng lên mạnh mẽ và trí óc chúng tôi hoạt động với công suất tối đa để nghĩ về mọi phương thức có thể thoát ra" - ông Wight nói. Vào thời điểm đó, nhóm cứu hộ cũng đã tính tới việc cho nổ thông phần lối vào hang rồi khoan thêm các lỗ khác xuyên vào khu vực hang chính có nhóm thợ lặn mắc kẹt. Song ông Wight thuyết phục họ để ông hướng dẫn mọi người theo một kế hoạch thoát thân khác.

Những cuộc giải cứu trong hang động - Kỳ 1: Cuộc giải cứu tại Úc năm 1988 - Ảnh 4.

Bên trong hang Pannikin Plains - Ảnh: CAVEAUSTRALIA

Sau 5 giờ suy tính, ông Wight quyết định. "Vicky đã đuối sức rồi, hãy chấp nhận số phận của chúng ta đi" - ông nói. "Nước đã tạm rút đủ ở mức có thể bơi thật nhanh để thoát thân. Rất có thể chúng ta sẽ bị những tảng đá đập vào người, nhưng ngay cả như vậy thì vẫn còn tốt hơn là ngồi bó tay chịu chết khi mái hang sập xuống trên đầu" - người dẫn đầu đoàn thám hiểm đã có lựa chọn.

Thế là tất cả cùng bơi, leo trèo và cố gắng vượt qua hành trình tìm lối ra. Ông Wight và mọi người đã bám vào sợi dây thừng bên ngoài thả vào, bất chấp rủi ro vượt qua đất đá và nước xiết, thoát khỏi hang với sự hỗ trợ của lực lượng cứu hộ bên ngoài. Từng người, từng người một, sau 27 giờ đối mặt với tử thần, tất cả 13 thợ lặn đã thoát thân an toàn. Những năm về sau, khi nhớ lại sự kiện kinh khủng năm đó, ông Wight vẫn rất ấn tượng về cách mọi người trong nhóm đã đoàn kết và hợp tác với nhau hiệu quả như thế nào để cùng nhau thoát khỏi hang thành công.

Ngay trong lúc nguy nan nhất, ông Wight cũng đã sắp xếp để một người thợ quay phim trong nhóm ghi lại hành trình gian khổ trong hang của họ, để nếu có thể, bán bộ phim tài liệu này nhằm chi trả cho những phí tổn bỏ ra trong chuyến thám hiểm hang động Pannikin Plains. Bộ phim đó (sau được công chiếu với tên gọi Nullabor Dreaming) gồm những hình ảnh "không thể trung thực hơn" về chuyến cứu hộ kinh hoàng 13 con người bị kẹt lại trong hang đã không chỉ mang lại lợi ích kinh tế như ông Wight dự kiến, mà còn đưa ông trở thành nhà sản xuất phim và truyền hình nổi tiếng, đặc biệt trong các bộ phim tài liệu về thiên nhiên và đại dương.

Một nghiên cứu của Mỹ công bố năm 2016 cho biết trong khoảng thời gian 1980-2008, chỉ riêng tại Mỹ đã có 1.356 trường hợp "những người khám phá hang động yêu cầu giải cứu".

Còn theo Tổ chức Cứu hộ hang động (Cave Rescue Organisation) lâu đời nhất tại Anh, kể từ khi thành lập năm 1935 tới nay họ đã tham gia hỗ trợ 2.927 trường hợp. Trong số đó có 745 trường hợp cứu hộ trong các hang động, số còn lại trên núi, trong các hầm mỏ không còn khai thác và những nơi khác.

*****************

Kỳ tới: Thông điệp cầu cứu

Giải cứu đội bóng Thái: Nhiều bài học cho Việt Nam

TTO - Có mặt tại cửa hang Tham Luang trong mấy ngày qua, chuyên gia hang động Howard Limbert đã có những quan sát cận cảnh công tác cứu hộ. Báo Tuổi Trẻ có cuộc trao đổi riêng với vị chuyên gia người Anh này.

D.KIM THOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên