23/06/2018 11:30 GMT+7

Những cuộc giải cứu nghẹt thở trên sóng biển

MY LĂNG
MY LĂNG

TTO - Thức trắng đêm, xuyên bão gió, chỉ để mau mau cứu được tàu bị nạn. Tàu Cảnh sát biển 9003 là minh chứng về bản lĩnh và cái tình của những người lính với bà con ngư dân.

Những cuộc giải cứu nghẹt thở trên sóng biển - Ảnh 1.

Cán bộ, chiến sĩ tàu CSB 9003 làm dây kéo để lai dắt, cứu hộ một tàu cá gặp nạn về đất liền - Ảnh: THANH NGHỊ

Giữa căn cứ lộng gió và mênh mông sóng nước của Bộ tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 (Phú Quốc), con tàu 9003 nổi bật bởi màu cam tươi rực rỡ.

Cứu hộ hai sà lan chở cát trôi dạt

Ngồi trong căn phòng chỉ huy của căn cứ vùng, thượng úy Nguyễn Thanh Nghị, chính trị viên tàu CSB 9003, nhớ lại những tháng ngày lênh đênh trên biển tham gia các vụ "giải cứu" đầy nghẹt thở.

Như kỷ niệm đáng nhớ nhất của những người trên con tàu 9003 ấy vẫn là câu chuyện tìm kiếm và cứu hộ thành công hai sà lan chở cát tự hành không người lái mang tên Buana Ocean 18 và Buana Ocean 19 (Indonesia) bị trôi dạt vào tháng 7-2016.

"Nhận được tin báo của ngư dân ở phía đông nam đảo Hòn Khoai chừng 42 hải lý có hai sà lan chở cát không người lái đang trôi dạt, ngay lập tức Bộ tư lệnh điều động chúng tôi tiếp cận hiện trường, lên phương án cứu hộ, cứu nạn hai sà lan này" - anh Nghị nhớ lại.

Sau nhiều giờ tìm kiếm, 9003 đã phát hiện, tiếp cận được mục tiêu nhưng thời tiết khi ấy rất xấu. Hai sà lan này lại quá lớn với tải trọng mỗi chiếc ước chừng 10.000 tấn, trong khi tàu 9003 chỉ nặng hơn 1.300 tấn. 

Giữa biển khơi sóng gió cấp 7, việc tiếp cận, áp sát hai sà lan này để dẫn về căn cứ là điều vô cùng phức tạp. Cái khó là hai sà lan bị tách rời nhau như hai con ngựa bất kham lồng lộn lặn ngụp trên biển. 

"Lúc đó sóng to quá, chúng tôi không thể hạ xuồng nhỏ để tiếp cận vì rất nguy hiểm! Ngay cả các tàu cá ngư dân ở cạnh đó cũng không dám đến gần vì sợ sóng đánh vỡ tàu cá.

Sau khi bàn bạc, chỉ huy tàu đã chọn ba thủy thủ khỏe nhất, bơi giỏi nhất... tìm cách đưa dây mồi sang sà lan. Khi anh em xuống nước bơi qua, trên tàu ai cũng lo sợ, bởi chỉ một sơ suất nhỏ thôi là có thể hi sinh. Sau hơn một giờ vật lộn với bão biển, đến 12h trưa 5-7 tàu 9003 mới lai dắt hai sà lan trở về căn cứ. 

Cứ tưởng vậy là thành công, ai ngờ khi chỉ còn cách đảo Nam Du chừng 4 hải lý, dông gió chợt nổi lên làm đứt dây kéo giữa tàu và hai sà lan, tiếp đó dây kéo giữa hai sà lan cũng đứt. Cả hai chiếc trôi dạt theo hai hướng. 

Nhiều anh em thấy vậy chán nản, nhưng nếu không lai dắt về có khi tàu ngư dân mình lại gặp nạn vì vô tình va phải các sà lan đang trôi vô định này. Nghĩ đến điều đó, cả tập thể tàu 9003 lại gồng mình quay tàu trở lại tìm cách dẫn về căn cứ.

"Trong đêm khuya, chúng tôi vừa dùng đèn công suất để cảnh báo cho các phương tiện trên biển biết hướng di chuyển của hai sà lan để tránh, vừa tìm cách tiếp cận trở lại. Phải đến 6h sáng 6-7-2016, tàu 9003 mới tiếp cận được sà lan Buana Ocean 18 để kết nối với dây kéo đưa về cảng Vịnh Đầm (Phú Quốc) an toàn", thượng úy Nguyễn Thanh Nghị kể.

"Sau này anh em mới biết là khi kéo hai sà lan này về trên hải phận quốc tế, sóng to quá bị đứt dây, không biết làm gì nên Công ty Wuahana International bỏ về luôn, để mặc sà lan trôi vô định".

Những cuộc giải cứu nghẹt thở trên sóng biển - Ảnh 2.

Cán bộ, chiến sĩ huấn luyện chiến thuật và bắn đạn thật trên biển - Ảnh: THANH NGHỊ

Thương ngư dân bé nhỏ...

Với nhiệm vụ trấn giữ cả một vùng biển Tây Nam, nhất là sau khi lực lượng cảnh sát biển triển khai chương trình "Đồng hành cùng ngư dân", cán bộ chiến sĩ trên tàu 9003 coi như được "biên chế" túc trực 24/24 giờ ở khu vực đảo Thổ Chu để hỗ trợ kịp thời bà con, ngư dân.

Thuyền trưởng tàu 9003, thượng úy Đặng Quang Mạnh, năm nay tròn 33 tuổi, không thể quên việc tìm kiếm tàu cá Kiên Giang bị nạn vào tháng 12-2017. "Đêm đó tàu vừa về đến Thổ Chu lúc 0h15, mới thả neo thì nhận lệnh của Sở Chỉ huy đi cứu tàu cá bị trôi dạt. Vị trí gặp nạn cách Thổ Chu 30 hải lý.

Thượng úy Mạnh nhớ lại: nhận được lệnh là cơ động ngay nhưng mùa này biển động dữ lắm. Nhìn ra cửa sổ cabin tàu đã thấy từng con sóng cao hơn 4m đánh phủ trắng tàu mà ngao ngán. Cũng vì sóng gió lớn quá nên sóng điện thoại bị gián đoạn. Kênh thông tin liên lạc với tàu cá ngư dân gần như bị chặn.

"Quần thảo nhiều giờ thì rađa phát hiện được tàu cá bị nạn đang trôi dạt. Tàu mình thì to, còn tàu ngư dân thì bé tí như chiếc lá. Nếu tiếp cận không tốt sẽ gây ra cảnh vỡ tàu cá hoặc chìm tàu ngay. Nhiều phương án được đưa ra, cuối cùng chỉ huy tàu 9003 quyết định tung dây qua cho ngư dân cột vào tàu cá "Làm dây xong mới thở phào. Nhưng về gần đến đảo Thổ Chu thì dây kéo đứt, anh em lại phải làm lại từ đầu" - Mạnh nhớ lại.

Theo thượng úy Nguyễn Thanh Nghị: "Đặc điểm của nhiệm vụ cứu hộ cứu nạn thường diễn ra trong điều kiện gấp rút, đêm tối, thời tiết phức tạp, bão gió... Phương châm của chúng tôi là cứu người bị nạn như cứu người thân của mình. Vì thế chúng tôi thường xuyên huấn luyện cho cán bộ, chiến sĩ có bản lĩnh kiên định, vững vàng, có khả năng làm tốt trong điều kiện sóng to gió lớn".

giaicuu

Cứu hộ một ngư dân bị bệnh ở đảo Thổ Chu - Ảnh: THANH NGHỊ

Trong sáu năm qua, nhất là từ năm 2015 đến nay, tàu 9003 thực hiện thành công 12 vụ cứu hộ cứu nạn với hơn 20 ngư dân được cứu sống. Đơn vị cũng phối thuộc cùng Bộ tư lệnh Vùng 2 Hải quân thực hiện nhiệm vụ bảo vệ khoan thăm dò dầu khí với hàng trăm ngày... trên biển.

Cứu 4 ngư dân lênh đênh trên biển sau khi tàu chìm

TTO - Tàu bị thủng đáy, 4 ngư dân trên tàu cá số hiệu QB 98469 TS ở Quảng Bình phải bám vào một thuyền thúng và lênh đênh trên biển, sau đó được Hải đội 2 bộ đội biên phòng Quảng Bình đưa vào bờ an toàn.

MY LĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên