TTCT - Những chú bồ câu được xem là biểu tượng cho hòa bình còn là những chiến binh trên bầu trời và được người chơi chăm sóc như những vận động viên thực thụ. Một đàn bồ câu đua đang tập luyện của Hội Bồ câu đua Hàng Xanh. Ảnh TRỌNG NHÂN Thú vui được “công nghệ hóa”Anh Nguyễn Văn Thuận (33 tuổi, TP Tân An, Long An) tới cuộc hẹn với tôi, mang theo chiếc balô chứa đầy giấy chứng nhận thắng giải ở các cuộc đua lớn nhỏ và chiếc cúp vàng lưu niệm. “Hơn 20 tuổi, tôi đã lang thang khu Chợ Lớn coi mấy chú người Hoa chơi bồ câu đua rồi tập tành. Ngay năm đầu tiên, bồ câu của tôi đã có giải” - anh kể.Hồi chú bồ câu của anh Thuận thắng cuộc đua Tuy Hòa - Sài Gòn năm 2014 do Hội Bồ câu Sài Gòn tổ chức, giải thưởng cho quán quân năm đó tới 40 triệu đồng. Cộng các khoản thưởng của anh em trong hội, đủ cho anh mua chiếc xe SH. Có người nài nỉ hỏi mua nhà vô địch của anh giá hơn chục triệu để làm bổn (giống) nhưng anh từ chối. Mỗi chặng đua đường trường thường quy tụ 100-300 “chiến binh” tinh nhuệ thuộc trên dưới 100 “căn cứ” (chuồng nuôi) giàu kinh nghiệm khắp Sài Gòn. Tất cả chiến binh được thành viên trong ban tổ chức gọi là nài đem đến địa điểm xuất phát. Cự ly tính theo đường chim bay: Từ 200-300km, nơi khởi hành có thể là Phan Thiết, Phan Rang, từ 300-400km là Tuy Hòa, Quy Nhơn, trên 700km là Đà Nẵng.Anh Nguyễn Văn Thuận và một chiến binh. Ảnh: TRỌNG NHÂN Trước hành trình, ban tổ chức buộc vào chân chim chiếc vòng bên trong có dãy số bí mật, che bằng lớp thẻ cào. Hai cánh của chim in thêm dấu mộc giáp lai xác nhận chặng đua, giúp ban tổ chức hạn chế trường hợp gian lận và xác định các thứ hạng của vận động viên.Theo bản năng, bồ câu sẽ bay về căn cứ, nơi chúng được nuôi dưỡng. Thấy bóng chim đội nhà từ xa, người chơi phải nhanh tay chuẩn bị đón rước, rồi nhắn tin thật nhanh dãy số bí mật bên dưới lớp thẻ cào về cho ban tổ chức. Nếu trùng khớp, chiến binh sẽ được xác nhận về đích hợp lệ.Ông Ngô Hồng Văn (47 tuổi), biệt danh Mười Lửa, phó chủ nhiệm Hội Bồ câu đua Hàng Xanh (TP.HCM), chia sẻ: thẻ cào, dãy số bí mật được các hội nhóm phát triển theo thời gian để môn chơi ngày càng chuyên nghiệp. Trước năm 2010, những màn tranh tài bồ câu đua thường diễn ra tự phát, chủ yếu để bắt độ. Ban tổ chức dùng số seri trên những tờ tiền để đánh dấu các chiến binh nhưng đặt thêm luật người chơi phải chạy báo tin. Bồ câu tới căn cứ, người chơi tức tốc đem đến đúng vị trí ban tổ chức đợi sẵn mới được tính thành tích, vô tình phát sinh chuyện đua xe máy giữa những người chơi.“Giờ chúng tôi dùng công nghệ, dựa vào định vị xác định quãng đường chim bay, sau đó tính ra vận tốc của chim. Chiến binh nào có vận tốc lớn nhất sẽ thắng cuộc. Có người còn viết phần mềm cập nhật tình trạng của các chiến binh. Người chơi lên máy tính là biết được con nào đã về, chưa về, biết được thành tích của các đối thủ, bảng xếp hạng tức thì”, ông Mành Lửa nói.Ông Mành Lửa cùng một chiến binh của mình. Ảnh: TRỌNG NHÂN Chế độ cho vận động viênThường mỗi con chim chỉ có thể thi đấu trong một mùa giải, gồm 3-7 chặng đua phân bổ suốt một năm dương lịch. Đầu năm, người chơi mua vòng kiềng từ đơn vị đăng cai tổ chức giải đua. Quan trọng là “chọn mặt gửi vàng” con nào trong số những chim non của mình để đeo vòng kiềng. Khi đã đeo là xác nhận con chim ấy chính thức được tuyển vào đội bay của người chơi. Luật chơi bắt buộc phải là bồ câu non để tạo sự công bằng cho từng năm và cũng để người chơi thể hiện tài huấn luyện cho chiến binh của mình từ khi chúng mới chào đời. Sau đó bắt đầu những khóa huấn luyện, chuyến tập huấn. Chim khoảng 3 tháng tuổi có thể tập bay đua, khởi đầu từ những chặng 500m, 1km dần tăng độ khó lên vài chục đến vài trăm cây số. Đích của mỗi chặng đua luôn là căn cứ nơi chim đang sinh sống.Mỗi người tự lên giáo án, có người thích cho bồ câu bay cự ly ngắn cỡ vài cây số nhưng với tần suất cao, khoảng vài lần mỗi ngày. Có người một tuần cho chim đi xa, một tuần cho chim bay gần. Có người lại cho chim “cày ải” với cường độ nặng nề. Một số tay chơi khu Chợ Lớn vẫn truyền tai nhau cẩm nang rèn quân của những ông “tướng” Đài Loan khi sang Việt Nam: Cho chim luyện miết đoạn Phan Rang - Sài Gòn, ngày nào cũng bay.Dãy số bí mật được gắn vào chân chim. Ảnh: Trọng Nhân Nhưng phương án này không được đa số dân chơi bồ câu ở Sài Gòn tán đồng. Anh Lý Văn Hậu (35 tuổi, ngụ Q.10), hơn 10 năm chơi bồ câu đua, chia sẻ: chuyện tính toán điểm rơi phong độ cực kỳ quan trọng. Cần tiết chế thể lực cho các chiến binh trong những ngày cận cuộc tỉ thí thay vì bung hết sức, tránh trường hợp chim kiệt sức trước giờ G.Chế độ ăn uống cho chim được đặc biệt chú trọng với nhiều loại thuốc bổ như vitamin hỗ trợ chuyển hóa canxi, thảo dược giúp chắc xương, phát triển thể hình, men hỗ trợ tiêu hóa giúp hấp thụ tốt chất dinh dưỡng…Bổn chim cũng được săn đón. Các chiến binh đời cha mẹ càng mạnh mẽ sẽ có xác suất cho ra những dòng con tài năng cao hơn. Vì vậy chim đoạt các giải cao được tranh nhau mua để làm giống cho những năm tiếp theo, giá 10-30 triệu đồng/con có thành tích nổi trội.Có người tìm bổn từ những nơi có khí hậu tương tự VN như Thái Lan, Ấn Độ, Trung Quốc… rồi cho giao phối với những con ưu tú ở nhà. Có người tìm giống ở tận châu Âu. Như chiến binh thuộc hàng kiện tướng của ông Mành Lửa với chiến tích 5 lần thắng giải trong 7 cuộc từng tham gia là con lai của cặp bồ câu cha mẹ từ Bỉ và Hà Lan. Camera quan sát bồ câu ở căn cứ của ông Mành Lửa. Ảnh: TRỌNG NHÂN Thú chơi cũng lắm công phuTay chơi Mành Lửa, hiện kinh doanh gia vị ở Chợ Lớn, cho biết chi phí thức ăn cho chim, đi tập huấn, các cuộc thi… trung bình mỗi năm khoảng 1,5-2 triệu đồng/con. Đội tuyển khoảng 30 chiến binh ngốn 45-60 triệu đồng. “Nuôi 30 chiến binh nhưng vô cuộc đua chỉ chọn ra 5 con, phần vì thương tích khi tập luyện”, ông Mành Lửa nói.Tuy nhiên với nhiều người chơi, cảm giác hạnh phúc là thấy chúng vượt trùng dương bay về tổ. "Cảm giác chờ đợi ấy lạ lắm, như trông ngóng người thân từ phương xa về nhà" - anh Lý Văn Hậu mô tả. Sau những chuyến đi xa, bồ câu đều bay về ríu rít cúc cu khi nhìn thấy chủ. Đến cự ly tới 1.000km, chim vẫn gắng sức trở về. Có chiến binh sau hành trình ấy vừa đáp xuống tổ là làm “cái rầm”, như một vận động viên marathon kiệt sức khi qua vạch đích.Anh Hậu nói những chiến binh không về nhà phần lớn đã “tử trận” trên đường do đại bàng ăn thịt, hoặc rơi vào tầm ngắm của những tay bắn chim... Trừ khi chết, bằng không dù bị thương đến đâu, chim cũng trở về nhà. “Có lần, một chú bồ câu của tôi mình mẩy đầy thương tích do bị chim cắt tấn công, vậy mà cũng cố gắng về với tôi. Nhìn nó, tôi rưng rưng muốn khóc”, anh Hậu kể. Loài chim hòa bìnhAnh Nguyễn Văn Thuận đang chuẩn bị một dự án khởi nghiệp độc đáo từ loài chim quen thuộc này. Anh đang tìm thuê đất để gầy dựng đàn bồ câu trắng, dưỡng sao cho thật đẹp lông để đi… dự sự kiện. Một số đơn vị tổ chức sự kiện tại Long An đã đánh tiếng cần những đàn bồ câu trắng chuyên nghiệp để tham gia các lễ hội, những buổi khai trương, khánh thành…Người ta kỳ vọng màn thả chim bồ câu trắng tung bay lên nền trời xanh sẽ tạo được điểm nhấn cho các sự kiện. “Thay vì thả bong bóng, thả bồ câu sẽ đẹp hơn, không gây hại cho môi trường lại mang thông điệp về sự hòa bình”, anh Thuận nói.Xuất phát từ kinh thánh của Do Thái giáo và Kitô giáo, sau 150 ngày trận đại hồng thủy tràn ngập mặt đất, con tàu Noah chở gia đình của Noah cùng nhiều loài động vật may mắn sống sót. Ông Noah cho thả một chú chim bồ câu bay tìm phương hướng, ít lâu sau chim bay về, trên mỏ gập theo một nhành ôliu. Ông biết rằng nước đã dần rút, lũ dữ thôi dâng và đất trời dần trở lại bình yên. Từ đó, chim bồ câu trở thành hình ảnh tượng trưng cho sự hòa bình.Chú bồ câu New Kim đắt giá nhất thế giới. Ảnh: AP 36 tỉ đồng mua một con chimTheo từ điển bách khoa Britannica, chim bồ câu xuất hiện ở hầu như khắp nơi trên thế giới, ngoại trừ những vùng thời tiết giá lạnh nhất thế giới. Đến nay, khoảng 250 loài được biết đến, 2/3 trong số chúng xuất hiện ở vùng nhiệt đới Đông Nam Á, Úc và các đảo phía tây Thái Bình Dương.Chim bồ câu sở hữu một nhóm tế bào thần kinh giúp chúng xử lý những thay đổi về hướng, cường độ và phân cực của từ trường xung quanh. Nhờ sự nhạy cảm này, chúng có thể định hướng với độ chính xác cực cao bằng cách dựa vào từ trường của Trái đất. Đây cũng là đặc tính giúp bồ câu có thể nhớ đường về nhà dù phải bay hàng ngàn cây số.Theo nhiều tài liệu, những cuộc đua bồ câu hiện đại lần đầu tiên được ghi nhận vào giữa thế kỷ 19 tại Bỉ. Từ đó, thú chơi này lan sang các nước châu Âu như Pháp, Hà Lan, Anh… Đến thế kỷ 21, phong trào đua bồ câu ở châu Âu giảm nhiệt nhưng lại bắt đầu tạo cơn sốt ở châu Á, đặc biệt là Trung Quốc. Năm 2020, con bồ câu tên New Kim tại Bỉ được một doanh nhân người Nam Phi đặt mua với giá 1,31 triệu euro (khoảng 36 tỉ đồng), được xem là chim bồ câu đua đắt nhất thế giới. Tags: Bồ câuĐua bồ câuChiến binh trên bầu trờiThẻ cào mã sốĐường đuaThắng cuộc
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Tin tức thế giới 22-11: Nga sẽ bắn thêm tên lửa Oreshnik; Triều Tiên cảnh báo chiến tranh hạt nhân BÌNH AN 22/11/2024 Nga đã dùng tên lửa đạn đạo siêu vượt âm tầm trung để đánh Ukraine; Ông Matt Gaetz rút khỏi đề cử bộ trưởng tư pháp Mỹ;
Xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu quả tại TP.HCM: Giải pháp thiết thực cho giai đoạn mới CẨM NƯƠNG 22/11/2024 TP.HCM tổ chức hội thảo trọng điểm, tập trung đổi mới phương thức lãnh đạo, tinh gọn bộ máy, hướng tới kỷ nguyên mới quản lý hiệu quả và phát triển bền vững.
Yoga vì sức khỏe, nào phải 'phông bạt' với đời THU HƯƠNG 22/11/2024 Dư luận lại một lần nữa dậy sóng khi mạng xã hội lan truyền những hình ảnh về một nữ du khách 37 tuổi, người Hà Nội, đã có động tác yoga phản cảm tại Cung điện Gyeongbokgung - Hàn Quốc.
Lập lờ sữa và nước uống từ sữa DƯƠNG LIỄU 22/11/2024 Sữa tươi, sữa hạt, sữa trái cây... với hàng trăm thương hiệu, chủng loại trên thị trường khiến người tiêu dùng hoa mắt. Loại nào mới đáp ứng nhu cầu khuyến nghị về dinh dưỡng?