Khoa học phục vụ cho thể thao là điều chúng ta thường được nghe. Giờ đây, thể thao phục vụ cho khoa học lại là một câu chuyện thú vị khác mà giới đua thuyền mang đến. “Turn the tide on plastic” (thay đổi cách sử dụng đồ nhựa) - khẩu hiệu của mọi chiếc thuyền tham gia những cuộc đua trên biển. Ảnh: XS Sailing Những cơn bão, sấm chớp, sóng thần, cá mập... được xem như những thách thức lớn mà các thủy thủ phải vượt qua trong những cuộc đua thuyền kéo dài nhiều tháng trời, và xử lý rác thải là một nhiệm vụ “bổ sung” để chuyến hải trình thêm phần ý nghĩa. Tận dụng những cuộc đua Liz Wardley là một nữ thủy thủ dày dạn kinh nghiệm của những cuộc đua thuyền lừng danh thế giới. Thời gian cô sống trên mặt nước thậm chí nhiều hơn trên đất liền. Điều gì khiến Wardley e sợ nhất? Không phải những loại thiên tai kể trên, bởi Wardley đối mặt chúng quá thường xuyên, năm nào cũng như nhau. Nhưng có một thứ ngày càng khiến Wardley phải lo lắng: rác thải trên đại dương ngày một nhiều lên. Vài năm trở lại đây, các nhà khoa học đã liên tục cảnh báo về tình trạng ô nhiễm ở đại dương, nguyên nhân chính là rác thải nhựa. Thống kê của Đại học liên bang Viễn Đông Nga (FEFU) cho thấy khoảng 80% rác thải nhựa bị tống xuống đại dương. Những loại hạt nano carbon và nano silicon có trong loại rác thải này giết chết những sinh vật ở đại dương. Nhiều khoa học gia khẳng định đến năm 2050, đại dương sẽ nhiều rác thải hơn cá. Hiển nhiên, vấn nạn này ảnh hưởng trực tiếp đến những người đi biển như Wardley. Nhưng họ có thể giúp được gì ngoài việc hạn chế xả rác? Câu trả lời rất thú vị. Suốt cuộc đua Volvo Ocean Race mới đây, Wardley thực hiện một công việc đặc biệt mỗi ngày. Cô thả một loại dụng cụ lọc xuống dưới nước tại những khu vực biển mà mình đi qua, và sau đó giao cho các tổ chức nghiên cứu môi trường khi thuyền ghé trạm. Đều đặn khoảng 15 phút như vậy mỗi ngày, Wardley cung cấp những số liệu tuyệt vời về nhiệt độ, nồng độ carbon dioxide, độ mặn, hàm lượng tảo, độ axit trong nước... Những kết quả này được gửi đến các phòng thí nghiệm ở Đức. Công việc đó có ích gì? Rất nhiều. Đầu tiên, nó giúp các nhà khoa học có thêm dữ liệu, những thống kê về các vùng biển trên toàn thế giới, về mức độ ô nhiễm, nồng độ carbon... Qua đó, người ta có thể định vị tốt hơn rác thải nhựa đang trôi nổi trên đại dương. “Thật tuyệt vời. Tôi đã sử dụng bộ lọc ở những nơi tôi đi qua, và họ đã tìm ra rác thải. Tôi không phải là một nhà khoa học, nhưng em gái tôi là một nhà sinh học. Cô ấy nghĩ tôi nên được gọi là một khoa học gia - thủy thủ” - Wardley đùa khi trả lời phỏng vấn của Hãng tin AP về công việc “tay trái” bên cạnh thú vui chơi thuyền buồm của mình. Những vận động viên thuyền buồm như Wardley lại được giới khoa học “tận dụng” rất triệt để, bởi đó là cách làm có tính kinh tế cao. Những cuộc đua đắt tiền như Volvo Ocean Race nhận tài trợ từ những doanh nghiệp giàu có. Những người tham gia cuộc đua này có điều kiện chu du khắp thế giới bằng đường biển trong khoảng thời gian liên tục (Volvo Ocean Race tổ chức 3 năm một lần, nhưng mỗi cuộc đua kéo dài 8-9 tháng). Chưa kể, không phải nhà khoa học nào cũng đủ sức khỏe và kinh nghiệm hàng hải để lăn lộn giữa đại dương như Wardley. Cứ mỗi lần Vestas 11th Hour Racing - chiếc thuyền của đội Wardley - cập một bến cảng, họ lại giúp những nhóm nghiên cứu môi trường tiết kiệm được 10.000 USD. Những chiếc thuyền “2 trong 1” Đua thuyền là một trong những môn thể thao đắt giá nhất hành tinh. Hồi tháng 9, tỉ phú mê thể thao Jim Ratcliffe - người giàu nhất nước Anh - một phen khuấy động làng đua thuyền khi mạnh tay chi ra 141 triệu USD thành lập đội đua cho riêng ông, có mặt nhà vô địch Olympic Ben Ainslie. Thật ra, chuyện các tỉ phú, giới quý tộc, hoàng gia đầu tư cho những môn thể thao đắt đỏ như đua thuyền là bình thường. Độ hấp dẫn, cuốn hút, truyền thông đại chúng và đơn giản là niềm đam mê là những yếu tố giúp môn thể thao này thu hút họ. Trừ đam mê, khoa học có lẽ không có điều nào trong những điều đó. Những người như Ratcliffe cảm thấy bị tổn thương vì nước Anh đã 167 năm không vô địch America’s Cup, nhưng không mấy ai quan tâm đến việc đại dương đang hấp hối thế nào vì rác thải. Nhưng họ không nhất thiết phải đối đầu hay căm ghét nhau. Trong trường hợp này, những nhà khoa học về môi trường may mắn có một kênh quảng bá tuyệt vời qua thể thao. “Cứu sống đại dương”, hay “thay đổi cách sử dụng nhựa” là những khẩu hiệu thường được nhắc đến ở các giải đua thuyền hàng đầu thế giới. Ban tổ chức đặt ra một loạt quy định chặt chẽ hạn chế tối đa việc sử dụng đồ nhựa của các vận động viên trong cuộc đua. Loại chai nước có bộ lọc muối khỏi nước biển - biến nước biển thành nước uống - được sử dụng rộng rãi, kính râm của vận động viên làm từ lưới đánh cá tái chế, các loại quần áo được tinh giảm lượng nhựa còn 2/3... Nhiều chiếc du thuyền lớn dùng trong các cuộc đua sau này cũng được dành tặng giới khoa học. Chiếc Vava II trị giá 150 triệu USD được ông chủ hào phóng mang cho các khoa học gia "mượn". (Ảnh: classshipwrights.com.au) Vava II - chiếc du thuyền trị giá 150 triệu USD của doanh nhân người Thụy Sĩ Ernesto Bertarelli - được ông hào phóng đem cho những khoa học gia “mượn”. Khi Bertarelli không có việc dùng đến trong những sự kiện lớn, Vava II được đem đi nghiên cứu về cá mập và san hô ở Ấn Độ Dương. Ngày càng có nhiều chiếc thuyền buồm và du thuyền thể thao đắt giá trên thế giới được đem cho giới khoa học mượn với hình thức tương tự. Đó là thành quả từ những nỗ lực của Hiệp hội Những người giữ biển (International Seakeepers Society). 90% ngân sách những chuyến nghiên cứu ngoài đại dương là để thuê thuyền. Giờ đây, các nhà khoa học có trong tay loại phương tiện tối tân nhất, với chi phí thấp nhất. Ari Friedlaender, một nhà khoa học chuyên nghiên cứu về cá voi được cho mượn chiếc du thuyền thể thao E Cruz, cho biết: “E Cruz cho phép chúng tôi thu thập mẫu vật từ mặt nước và gom được lượng dữ liệu gấp đôi so với khi sử dụng những chiếc thuyền cũ trước đây. Nếu không có sự hỗ trợ này, chúng tôi đã không thể đạt được những mục đích khoa học của mình”. Dưới sự vận động của Seakeepers, nhiều tỉ phú khi bước vào cuộc chơi đua thuyền còn chi thêm tiền để xây dựng phòng nghiên cứu khoa học trong khoang thuyền của họ, điển hình như tỉ phú Mỹ Ray Dalio - người sở hữu chiếc Alucia nổi tiếng. Từ một sân chơi thể thao dành cho giới quý tộc, thượng lưu, những cuộc đua thuyền giờ đây mang thêm sứ mệnh cứu rỗi đại dương. ■ Khoa học cũng cần từ thiện Không chỉ tận dụng phương tiện và nhân lực, giới khoa học còn được giúp đỡ tiền bạc trực tiếp qua những cuộc đua thuyền đắt giá. Mới đây, sự kiện trưng bày du thuyền Monaco đã gây quỹ được 27 triệu USD cho dự án bảo tồn biển ở xứ sở công quốc nằm bên bờ Địa Trung Hải này. Những cuộc đua thuyền cho giới thượng lưu cái nhìn về biển cả rộng lớn và trách nhiệm của họ. Emily Penn, nhà thám hiểm môi trường nổi tiếng, nói với CNN: “Đại dương là sân chơi của họ. Nếu không có một đại dương khỏe mạnh, toàn bộ ngành công nghiệp du thuyền, những cuộc đua thuyền sẽ không thể vận hành đúng cách. Tôi đã đi rất nhiều, và khi trở lại một nơi sau 12 tháng, tôi gần như không thể nhận ra những rặng san hô. Chúng bị tẩy trắng và sự sống biến mất”. Tags: Đua thuyềnĐại dươngÔ nhiễm biểnThể thao phục vụ khoa họcThám hiểm môi trườngNghiên cứu cá voi
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
TP.HCM nằm trong nhóm 5 thành phố lún nhanh nhất thế giới THANH HIỀN 22/11/2024 Nghiên cứu mới đây của tạp chí khoa học Nature Sustainability cho thấy TP.HCM nằm trong nhóm 5 thành phố bị lún nhanh nhất thế giới.
VTV lên tiếng vụ xe biển xanh vượt 2 ô tô làm xe tải đi chiều ngược lại lao xuống cống HỒNG QUANG 22/11/2024 'Đài truyền hình Việt Nam lấy làm tiếc về sự việc nghiêm trọng này và sẽ chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng cùng gia đình tài xế xe tải để giải quyết vụ việc theo đúng tinh thần thượng tôn pháp luật', VTV thông tin.
Đình chỉ nhiều kiểm toán viên, có cả ‘phó tổng’ từng ký báo cáo tài chính SCB BÌNH KHÁNH 22/11/2024 Một số kiểm toán viên thuộc các công ty nổi tiếng như Ernst & Young Việt Nam, KPMG vừa bị đình chỉ đến hết năm 2024. Ngoài ra, Kiểm toán DFK Việt Nam và Moore AISC cũng có kiểm toán viên bị đình chỉ.
Nhân viên quán bia kể lúc đập khóa, dập tắt ngọn lửa trong căn nhà bốc cháy HỒNG QUANG 22/11/2024 Phát hiện đám cháy bùng lên trong căn nhà khóa cửa, 3 người đàn ông làm việc ở quán bia gần đó đã tiếp cận để phá khóa. Họ sau đó dùng bình cứu hỏa để dập tắt ngọn lửa.