Không hề dùng kiếng mắt mà ông vẫn đọc rõ từng chữ một. Dưới mái tóc bạc phơ là vầng trán cao và nét mặt lạc quan, đôn hậu. Đôi mắt tinh anh, nụ cười nhiều khi hồn nhiên hết cỡ, nhất là những lúc trò chuyện có chi tiết vui nào đó.
Phủi bụi tuổi xuân
Chân dung cụ Nguyễn Đình Đầu, 104 tuổi, sống ở ngôi nhà góc đường Thủ Khoa Huân (quận 1, TP.HCM), là vậy. Nhà ông, lúc đầu là căn trệt mua lại của một công chức người Pháp hồi năm 1959, sau được nâng lên thêm hai tầng, có một tầng được dùng để chứa hàng ngàn tấm bản đồ quý.
Tầng lầu 1 có cửa kính ngó ra một trong những con đường xanh mát nhất Sài Gòn, đường Huyền Trân Công Chúa, và cũng nhìn được hai phía của đường Nguyễn Du. Đó là nơi làm việc, có chứa nhiều sách quý, dùng để nghiên cứu, cả những tài liệu ông viết được đóng thành tập mà có cái chưa xuất bản. Thời gian gần đây, một số bản đồ được chuyển từ lầu cao xuống để lên khung, chuẩn bị triển lãm.
Trên một tủ sách có bức chân dung hồi trẻ của ông, chất liệu chì than trên giấy, được một họa sĩ vẽ trên đường phố Paris năm 1958, gần Bảo tàng Pompidou khi ông đến đó tìm tài liệu, tập tành nghiên cứu. Nét vẽ kỹ lưỡng trau chuốt diễn tả được ánh mắt, gương mặt ngời sáng, mái tóc hơi bồng bềnh.
"Ấy là do giá tiền cắt tóc ở Paris khá đắt, nên tôi để cho tóc dài dài rồi cắt luôn", ông kể vui. Khi được hỏi bất ngờ về bức chân dung, ông im lặng một chặp như nhớ lại rồi nói: "Người họa sĩ vẽ truyền thần trên đường phố cũng trạc tuổi tôi. Nếu anh ấy còn sống thì cũng được trăm tuổi rồi".
Bức vẽ có hồn. Ông Nguyễn Đình Đầu để chân dung ấy phủ bụi và gần như đã quên nó, cho đến hôm nay. "Hồi ấy có khoảng 20 họa sĩ truyền thần ngồi một dãy, và tôi đã chọn họa sĩ người Việt duy nhất vẽ cho mình. Khi anh vẽ xong, tôi hỏi mấy người kia rằng bức chân dung trông có giống tôi không, mấy anh kia đều bảo giống lắm. Tôi cũng thấy giống thật".
Tôi xin phép ông mở tấm khung kính của bức tranh ra, và nhận thấy sau bức vẽ có ghi tên người họa sĩ là: Phạm Phước Hải Georges - 5 rue de l’Est... Boulogne/ Billancourt.
Đó là một trong rất nhiều chi tiết về thời trẻ của ông Nguyễn Đình Đầu.
Ông sống ở Pháp gần 5 năm, từ 1951 đến 1955, học 3 năm tại Đại học Công giáo Paris. Sau đó, ông có quay lại Pháp nhiều lần nữa. "Tôi lúc đó mới tập sự nghiên cứu, cũng như hàng triệu người tập sự nghiên cứu vậy thôi".
Nào ngờ từ một người nghiệp dư, duy trì đam mê và không ngừng học hỏi, người thanh niên đó bắt đầu có được những công trình của riêng mình.
Khi đã thành danh, ông được một số trường đại học danh tiếng của Mỹ, Úc, Nhật mời cộng tác. Ông nhớ lại, lúc ấy ông được phía Nhật tài trợ mỗi năm 5.000 USD cho việc nghiên cứu. Cũng nhờ vậy mà ông được tiếp thêm động lực, vì công việc nghiên cứu khá là tốn kém.
Ông hay đi lòng vòng Sài Gòn mua gốm Chu Đậu để phục vụ nghiên cứu, loại gốm này lúc đó còn rẻ rề. Lại ham mê mua những tấm bản đồ ở khắp nơi, từ trong nước đến ngoại quốc, hễ nghe nói chỗ nào có bản đồ là ông đến ngay. Có khi được bạn bè quốc tế gửi tặng nữa. Không phải ngẫu nhiên mà ông đến với bản đồ và bây giờ sở hữu hàng ngàn tấm quý giá.
Về kỷ niệm thời còn là học sinh Trường Bách nghệ Hà Nội (1939 - 1941), ông kể mình có năng khiếu nổi trội riêng môn họa đồ, vẽ máy móc cơ khí.
"Thầy giáo cho thời gian vẽ bốn tiếng, nhưng tôi chỉ cần hai tiếng rưỡi. Tôi có mấy người bạn, họ học giỏi những môn khác, nhưng môn vẽ kỹ thuật thì lại kém, tôi giúp họ, vẽ nhanh độ nửa giờ là xong. Giúp người khác, không ngờ lại là giúp mình ngày càng thông thạo hơn. Lúc bấy giờ, tôi có ý muốn theo ngành vẽ kỹ nghệ cấp cao. Nhưng chiến tranh Pháp - Đức ảnh hưởng, các thầy giáo người Pháp không sang dạy nữa, trường không mở Hội vẽ kỹ nghệ được. Thế là đời tôi rẽ sang hướng nghiên cứu, nhưng vẫn theo chiều hướng liên quan đến những bức họa đồ".
Vỉa tầng trăm năm
Ông Nguyễn Đình Đầu thường khởi sự từ đam mê những cái nho nhỏ, rồi dùng đam mê ấy để nghiên cứu, lần hồi những thứ sưu tầm để phục vụ nghiên cứu lại trở thành bộ sưu tập. Nhưng ông không có cái thú săm soi thưởng ngoạn cái đẹp như những nhà sưu tập, mà dùng các món vật như là đối tượng để chứng minh cho các lý luận và giả thuyết của mình.
Có ai ngờ ông cụ 104 tuổi lại đang âm thầm chuẩn bị cho một triển lãm lớn sắp diễn ra tại TP.HCM: Triển lãm bản đồ về Sài Gòn, Gia Định, Chợ Lớn và miền Nam nói chung - việc ông ấp ủ đã lâu. Ông muốn cho giới trẻ tiếp cận nguồn tài liệu quý giá, để họ thêm yêu môn sử địa, yêu vùng đất có lịch sử rất ấn tượng này của Tổ quốc mình.
Ông bồi hồi nhớ lại hồi đi học ông chỉ chơi những môn nhỏ. Ông thuần thục đá cầu và có thể giữ cho trái cầu không rơi xuống đất trong 15 phút hoặc suốt giờ ra chơi.
"Những môn vượt xa thì tôi kém, nhưng môn tại chỗ thì tôi có thể rèn luyện để chơi giỏi". Phải chăng đó cũng là một tính cách gây ảnh hưởng đến nghề nghiệp và cuộc đời. Sự tập trung là thế mạnh của cậu bé Đình Đầu. Một người vẽ họa đồ, một người thông thạo vẽ kỹ thuật cơ khí, dạy chữ quốc ngữ, rồi đến viết báo, dịch sách, nghiên cứu bản đồ và viết nên những công trình nghiên cứu giúp ích cho đời.
Khi được hỏi về lời khuyên cho giới trẻ trong việc học hành và lựa chọn nghề nghiệp, ông chia sẻ: "Ở Trường Bách nghệ mà tôi theo học, họ dạy đủ thứ như toán học, lý học, lý thuyết như một bánh xe vòng tròn công dụng thế nào, ăn khớp các bánh xe khác, làm cho động cơ chạy nhanh chậm ra sao, nguyên lý hoạt động của máy tiện, cái máy ấy quay tít thò lò, nhanh hoặc chậm tùy theo từng loại, máy quay đồ gỗ thì nhẹ nhàng hơn máy quay đồ sắt. Họ cũng dạy cách đo (đo - đong - cân - đếm trong khoa học), không dùng thước của ta mà dùng thước quốc tế, hệ mét. Những hệ thống ấy làm cho người học biết phân biệt so sánh với thước đo của người Việt, từ đó ứng dụng sao cho thuận tiện trong đời sống và trong công việc. Học lái xe thì biết rằng sức của xe này có thể vượt xe kia, phải giảm tốc độ lại khi cần.
Chuyện học là quan trọng. Nhưng học như thế nào là việc quan trọng hơn nữa. Học căn bản để có nền tảng rồi dần hiểu được những chuyện lớn hơn một cách khoa học. Đó là cốt lõi để xây dựng những con người giỏi giang, góp phần phát triển đất nước.
Việc có được nhiều bản đồ như tôi là do may rủi tôi sưu tầm được, nhưng cái chính là thông qua triển lãm lần này, tôi muốn phổ biến ý thức về cân đo đong đếm, về chuyện cư xử, chẳng hạn một người đứng đầu công việc phải biết cách mô tả công việc ấy và khi giao thiệp thì nên như thế nào. Đâu phải sinh ra là tự nhiên ta có mọi thứ mà phải rèn luyện rất nhiều. Giáo dục bây giờ phải quan tâm những chuyện ấy".
Dù bắt đầu bằng nghề gì cũng có thể trở thành một người có ích, miễn là có hoài bão và nghị lực để vượt qua những cái khó khăn, cái nghèo. Bên cạnh đó, việc giữ gìn sức khỏe tinh thần và thể chất là vô cùng quan trọng đối với mỗi người: thường xuyên tập thể dục, sinh hoạt điều độ, luôn có lòng lạc quan, tin tưởng vào bản thân và biết ơn tạo hóa cho ta sự sống.
Ông NGUYỄN ĐÌNH ĐẦU
__________________________________________
Ông Nguyễn Đình Đầu là người luôn quan tâm đến giới trẻ. Ông nhận ra mỗi thời người ta tiếp nhận văn hóa mỗi cách khác nhau. Tuổi thơ của ông khác với tuổi thơ thời bây giờ, nhưng có những chân lý bất biến: đó là sự học.
Kỳ tới: Một ngày trong đời ông cụ 104 tuổi
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận