14/10/2015 12:30 GMT+7

Những cuộc chia tay xé lòng

HOÀNG ĐIỆP
HOÀNG ĐIỆP

TT - Đã đủ 3 tuổi trong khi mẹ vẫn còn phải thụ án tù, còn gia đình người thân chối bỏ hoặc họ quá khó khăn nên không thể cưu mang, những đứa con của các nữ phạm nhân sẽ được chuyển từ trại giam ra trung tâm bảo trợ xã hội.

Bé Tí nói chuyện với mẹ qua điện thoại của trung tá Vũ Hồng Kiên - Ảnh: Hoàng Điệp
Bé Tí nói chuyện với mẹ qua điện thoại của trung tá Vũ Hồng Kiên - Ảnh: Hoàng Điệp

Đó là những cuộc chia tay xé lòng giữa mẹ và con, là nỗi nhớ và vật vã cả tháng trời của đứa trẻ...

Cuộc điện thoại từ trại giam

Bữa ấy Phan Thiết mưa lớn làm cho khoảnh sân vườn mới xây dựng xong của Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Bình Thuận lênh láng một màu nước đỏ. Thấy ba Phạm Ngọc Chúc (cán bộ Trung tâm Bảo trợ xã hội Bình Thuận) nói có cán bộ từ trại giam Thủ Đức đến thăm thì Ty (một đứa trẻ đang học lớp 9) chạy liền về phòng lay bé Tí đang ngủ trưa dậy.

Thằng bé 5 tuổi, da trắng như trứng gà bóc, môi đỏ như son và đôi mắt đen to lật đật theo chị chạy sang phòng ba Chúc. Tới hồi không thấy ai là mẹ nó hết, nó không chào ba Chúc, cũng không chào khách. Khuôn mặt bí rị cứ xị ra ai hỏi gì cũng không nói.

Tí là đứa trẻ nhỏ nhất trong khu vực tầng 2 của tổ ấm. Nó đang sống cùng mẹ trong trại giam thì được đưa về đây sống với những người hoàn toàn xa lạ.

Nó lắng nghe ba Chúc nhắc đến mẹ nó, phạm nhân Đ.T.L. (hiện vẫn đang thi hành án tại trại giam Thủ Đức) và những mẩu chuyện xung quanh nó. Thằng bé tiếp tục lắng nghe, đôi mắt to tròn bắt đầu rơm rớm nước mắt, đôi môi bắt đầu run run rồi nó òa khóc nức nở.

Không ai dỗ nổi thằng bé

Khi ấy, trung tá Vũ Hồng Kiên, cán bộ giáo dục của trại giam Thủ Đức, đã liên hệ về trại giam để xin đặc cách cho phạm nhân L. gọi điện thoại nói chuyện với con trai.

Lúc này, thằng Tí dỏng đôi tai lên nghe ngóng, khi nhận ra tiếng mẹ gọi Tí ơi qua chiếc loa ngoài của điện thoại thì nó hoạt bát hẳn lên. Nó nói: “Mẹ có khỏe không? Con ngoan”. Mẹ nó ở đầu dây bên kia cũng run rẩy: “Tí ơi, con ăn nhiều cơm vào nhé, con nghe lời ông bà, ba và các mẹ, con nghe lời các anh chị nghe Tí...”.

Đầu điện thoại bên này, thằng bé chớp mắt liên hồi, miệng cứ dạ, dạ sau mỗi câu dặn dò của mẹ. Nó cũng nghẹn ngào không thể nói nên lời!

3 tuổi, phải xa mẹ

Được sinh ra trước khi mẹ phải đi thi hành án, nhưng mẹ của bé Tí không đủ điều kiện được hoãn thi hành án nên phạm nhân này đã mang theo Tí vào trại giam Thủ Đức và nuôi bé đến 3 tuổi.

“Vừa để đảm bảo quyền được đi học của trẻ, và luật cũng quy định, trại chỉ có thể để mẹ trông nom chăm sóc bé đến 3 tuổi, nên năm 2014 chúng tôi đã đưa trẻ đến Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Bình Thuận. Đây là nơi nuôi dưỡng chăm sóc các cháu mồ côi, lang thang cơ nhỡ cũng giống như nhiều đứa trẻ con của các phạm nhân khác” - trung tá Vũ Hồng Kiên nói.

Và những ngày tiếp theo của đứa trẻ tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Bình Thuận thật sự là những ngày tháng khó khăn của các bảo mẫu và người quản lý ở đây. Đang được sống với mẹ, bị đưa đến nơi ở mới, Tí khóc hết nước mắt.

“Bất kể khi nào nghe ai nhắc đến mẹ là nó khóc, khóc lớn, rồi khóc thầm, nức nở rồi nỉ non. Thậm chí, tiếng thổn thức còn ở cả trong giấc ngủ” - ông Phạm Ngọc Chúc kể.

Nhưng sau ba tuần gắn bó với trung tâm, bé Tí dần quen với các bạn, các anh chị và những người cha, người mẹ mới. Nó gọi ông Chúc là ba và gọi những bảo mẫu khác là mẹ.

“Đến lúc đó tôi lại sợ nó không còn nhớ gì về mẹ, vậy nên khi ngồi với Tí, tôi luôn nhắc lại với nó rằng nó có mẹ, có cha, nhưng bây giờ bận công tác nên gửi nó ở đây” - ông Chúc kể.

Sau khi nói chuyện với mẹ xong, bé Tí linh hoạt hẳn lên. Nó vui vẻ dẫn khách về phòng ở của mình, nơi mà nó có một chiếc giường đơn, có một ngăn tủ đựng quần áo, có một thùng đựng đồ chơi và đồ dùng cá nhân để cuối giường.

Nhặt con búp bê Doremon biết đánh trống lên, nó nói: Món đồ này hư rồi, không đánh trống được nữa. Rồi nó nhặt chiếc đèn lồng con cá đựng trong hộp cactông lên rồi khoe: Hôm Trung thu con đi rước đèn. Rồi mở ngăn tủ đựng quần áo của mình khoe: Con tự gấp quần áo đó!

Đôi mắt linh hoạt và khuôn miệng thật vui tươi. Nó trở lại vẻ hoạt bát, lanh lợi vốn có của một đứa trẻ lên 5. Nó líu lo kể về lớp học mẫu giáo, về những trò chơi vui vẻ cùng với các anh chị khác.

Ông Phạm Ngọc Chúc (mà các em gọi là ba Chúc) đang trò chuyện với bé Tí - Ảnh: H.Đ.
Ông Phạm Ngọc Chúc (mà các em gọi là ba Chúc) đang trò chuyện với bé Tí - Ảnh: H.Đ.

Biết ra sao ngày sau?

Là nơi nuôi dưỡng trẻ mồ côi, không nơi nương tựa, Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Bình Thuận từng nhận nhiều trẻ từ trại giam Thủ Đức. Có những trẻ khi mẹ mãn hạn tù đến đón về, nhưng cũng có các trẻ sau thời gian gắn bó với trung tâm lại không muốn trở về nhà.

“Đó là trường hợp bé H.X.M., 13 tuổi, con của nữ phạm nhân H.T.S.. Cháu M. được đưa vào trại năm 2007 và đến năm 2010 thì mẹ ra tù đến đón về. Tuy nhiên, khi đó M. không muốn về với mẹ mà có nguyện vọng ở lại trung tâm.

Các cán bộ tại trung tâm cũng mong muốn nếu mẹ của M. khó khăn thì có thể gửi con lại vì cháu rất ngoan, học rất giỏi. Tuy nhiên, mẹ của M. nhất quyết đưa con về Đồng Nai. Một thời gian sau, M. tìm lên trung tâm xin vào lại nhưng không được, vì hộ khẩu của M. thuộc tỉnh Đồng Nai chứ không thuộc tỉnh Bình Thuận.

Mới đây, cán bộ của trung tâm nhận được điện thoại của M. nói rằng cháu bị mẹ đánh đập dữ quá nên đã bỏ lên Sài Gòn” - ông Chúc kể chuyện và thở dài.

Ông Chúc nhớ lại khi mẹ M. đón em về, ông cũng như nhiều anh chị em đang làm việc trong trung tâm có lường được khó khăn của mẹ M. bởi chị ấy không có việc làm.

Lường trước khó khăn này sẽ ảnh hưởng đến M., nên cán bộ trung tâm đã muốn giữ M. ở lại để cho em được đi học giống như nhiều anh chị khác đã được học hành đầy đủ và tốt nghiệp đại học, có công việc làm.

“Đến giờ tôi cũng không biết cháu M. ở đâu, nó mượn điện thoại của người ta gọi để thông báo thế thôi, mà với đứa bé 13 tuổi lang thang ở TP.HCM thì không biết cháu sẽ sống thế nào” - ông Chúc buồn rầu.

Còn trung tá Vũ Hồng Kiên không ít lần chứng kiến những chuyện rơi nước mắt. Như một nữ phạm nhân trong thời gian cải tạo tại trại đã gửi con ở một trung tâm bảo trợ xã hội Biên Hòa.

“Mỗi năm trung tâm lại hai lần đưa đứa bé từ Biên Hòa lên trại giam thăm mẹ, để đứa trẻ luôn có ý thức về việc nó còn có một sợi dây máu mủ là mẹ, chứ không phải là trẻ mồ côi, lang thang đường phố. Đứa trẻ cũng mong từng ngày chờ đến khi mẹ ra tù để được mẹ đón về. Tuy nhiên, trong lần cuối cùng trở lại trại giam tìm mẹ thì mẹ nó đã hết hạn cải tạo được mấy tháng rồi”.

Nghĩa là mẹ em không tìm đến trung tâm bảo trợ để đón em. Nó bị bỏ rơi.

Trung tá Kiên kể rằng đứa bé đã khóc hết nước mắt, khản cả tiếng ở trại giam, bởi nó chờ đợi ngày mẹ ra tù để được sống cùng mẹ. Nó khao khát điều đó. Tuy nhiên, có thể do cuộc sống quá khó khăn nên mẹ nó đã không đến đón con.

“Rồi trung tâm bảo trợ xã hội sẽ nuôi đứa trẻ ấy lớn lên, nhưng vết hằn sâu và sự đau đớn tột cùng của trái tim non nớt của nó hẳn sẽ rất khó phai về cái ngày cuối cùng tìm mẹ trong trại giam ấy”.

HOÀNG ĐIỆP
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên