Các cầu thủ Nhật thắng Tây Ban Nha cả về chiến thuật lẫn tinh thần thi đấu tại World Cup - Ảnh: REUTERS
Anh Ernesto - một nhà báo tự do người Tây Ban Nha - khi trao đổi với chúng tôi trước thềm lượt đấu cuối cùng đã tỏ ra lo lắng về đội Nhật.
Các đại gia không còn dám chủ quan
Về lý thuyết, Nhật Bản cần một trận hòa có tỉ số trước Tây Ban Nha, đồng thời hy vọng cặp đấu Costa Rica và Đức cũng hòa nhau. Đó có lẽ là con đường khả thi nhất để "các samurai xanh" lách qua khe cửa hẹp.
"Nhưng tại sao Nhật lại muốn hòa? Tôi nghĩ họ sẽ muốn chiến thắng. Tôi luôn tin tưởng HLV Enrique, nhưng tôi cũng lo sợ rằng người Nhật đủ sức làm nên bất ngờ", anh Ernesto nói. Và nỗi lo của anh Ernesto hóa thành sự thật. Người Nhật khao khát chiến thắng, đồng thời họ cũng đã có những phương án cho khao khát đó.
Những gì mà Nhật Bản thể hiện trước Tây Ban Nha cũng gần tương tự với cái cách Saudi Arabia đã làm khi gây sốc cho Argentina, Iran quật ngã Xứ Wales, Morocco đánh bại Bỉ, hay Úc buộc Đan Mạch phải ôm hận.
World Cup 2022 tràn ngập những bất ngờ như đã dự đoán từ trước giải, một phần vì môi trường và lịch thi đấu quá khác biệt, một phần vì khao khát của chính các đội bóng cửa dưới.
Với khao khát đó, HLV Herve Renard của Saudi Arabia đã giương một chiếc bẫy đặc biệt dành cho Argentina ngay ở lượt trận ra quân. Ai cũng nghĩ đội bóng Ả Rập sẽ co cụm tử thủ, và vấn đề với Messi cùng các đồng đội chỉ là làm cách nào khoan phá hàng phòng ngự đó.
Nhưng rồi Saudi Arabia chủ động dâng cao đội hình, sử dụng bẫy việt vị và tràn lên vây hãm khung thành đối phương khi Argentina lơ là.
Cũng với khao khát đó, Morocco khiến Bỉ choáng váng khi vùng lên tấn công dữ dội ở hiệp 2, trong lượt đấu thứ 2 bảng E. Ít ai ngờ một đội bóng có lịch sử hết sức bình thường ở World Cup như Morocco (bị loại ngay từ vòng bảng 4 trong 5 kỳ tham dự trước đó) lại dám liều lĩnh đến vậy trước ứng viên vô địch của giải.
Iran - đội tuyển chưa từng vượt qua vòng bảng trong 5 lần tham dự trước đây - cũng đã ấp ủ một giấc mơ cho World Cup 2022. Họ mạnh dạn chơi tấn công trong hầu hết các trận đấu vòng bảng, và đánh bại được Xứ Wales, đội tuyển có nhiều ngôi sao đẳng cấp thế giới.
Iran và Saudi Arabia không thể đẩy giấc mơ của mình đi xa hơn giai đoạn vòng bảng, nhưng sau kỳ World Cup này, còn đại gia nào dám chủ quan khi đối đầu họ, những nền bóng đá nhỏ đến từ Tây Á, Đông Á hoặc Bắc Phi?
Cầu thủ Đức buồn bã khi phải dừng chân ở vòng bảng - Ảnh: REUTERS
Những bài học từ người Nhật
Trên tất cả, chiến thắng của tuyển Nhật trước Đức và Tây Ban Nha là biểu tượng cho kỳ World Cup thú vị này. "Samurai xanh" không chỉ thắng, họ còn tạo ra một loạt bài học cho các nền bóng đá lớn. Bài học đầu tiên là sự đoàn kết.
Tuyển Bỉ đã chia tay kỳ World Cup đầy hy vọng của họ theo cách buồn tủi nhất có thể. Đá 3 trận, "những con quỷ đỏ" chơi dở cả 3, trận nào cũng bị đối thủ ép sân, và trận nào cũng dẫn đến những lục đục nội bộ phơi bày lồ lộ trên các mặt báo.
De Bruyne tự chê bai toàn đội là quá già, Hazard lên tiếng đồng ý, Vertonghen cùng Courtois tức tối đáp trả, rồi sau đó cả đội cãi nhau đến mức suýt ẩu đả...
Ngay cả "xe tăng Đức" cũng vậy. Chỉ một trận thua đã khiến từ HLV Hansi Flick cho đến các trụ cột như Gundogan, Muller lên tiếng công kích lẫn nhau. Trong khi đó, người Nhật đã giữ vững được sự đoàn kết của họ sau thất bại bất ngờ trước Costa Rica.
Trên hành trình vượt qua vòng bảng ngoạn mục của Nhật, không thể không nhắc đến thái độ thiếu nghiêm túc của Tây Ban Nha. Các học trò HLV Moriyasu đã chơi một trận xuất thần, nhưng mọi thứ vẫn bắt nguồn từ thái độ thi đấu rất khó hiểu của "bò tót".
Giai đoạn nửa cuối hiệp 1 và đầu hiệp 2, các hậu vệ, tiền vệ Tây Ban Nha liên tục chuyền về cho thủ thành Unai Simon, rồi cùng ngắm nhìn thủ môn của mình thực hiện hàng loạt pha xử lý mạo hiểm trước mặt đối thủ.
Chẳng có gì để biện minh về mặt chiến thuật, đó đơn giản là sự cợt nhả. Cũng với thái độ cợt nhả đó, Rudiger của Đức đã bị chỉ trích tơi bời khi thua Nhật trong trận ra quân.
Cầu thủ Bỉ buồn bã khi phải dừng chân ở vòng bảng - Ảnh: REUTERS
Không ít người hâm mộ đưa ra "thuyết âm mưu" rằng Tây Ban Nha đã cố tình "nhường" ngôi đầu bảng cho Nhật nhằm tránh đối thủ mạnh Croatia. Quả thật nhờ việc xếp nhì bảng mà giờ đây Tây Ban Nha chỉ gặp Morocco - dù có phong độ cao vẫn kém hẳn Croatia về đẳng cấp.
Nhưng đừng quên, đã có thời điểm Tây Ban Nha bị tuột khỏi tầm tay tấm vé đi tiếp - đó là khi Costa Rica vươn lên dẫn trước Đức 2-1 trong trận đấu cùng giờ.
Nếu đại diện Bắc Trung Mỹ - Caribê bảo toàn được tỉ số, Tây Ban Nha phải trả giá cho một trong hai thứ - hoặc thái độ cợt nhả, hoặc sự tính toán phi thể thao của họ.
4 năm trước, người Nhật cũng từng bị chỉ trích dữ dội vì toan tính phi thể thao, khi vờn bóng qua lại trên phần sân nhà khoảng thời gian cuối trận đấu với Ba Lan để bảo toàn hiệu số và chỉ số fair-play nhằm giành vé đi tiếp.
Và rồi sau trận, HLV Akira Nishino phải đứng ra xin lỗi, cũng như đền đáp người hâm mộ bằng một trận đấu đôi công hồn nhiên, phóng khoáng cực độ trước Bỉ.
Đó là bài học cuối cùng mà bóng đá Nhật mang đến cho các đại gia dự World Cup, bài học nhận trách nhiệm để rồi từ đó hồi sinh.
"Ghi bàn vào lưới tuyển Đức vui hơn"
Chia sẻ với tờ The Japan Times sau chiến thắng chấn động 2-1 trước Tây Ban Nha, Ritsu Doan nói: "Tôi bước vào trận đấu này với tâm thế nhất định phải thắng. Dù rất vui sau khi ghi bàn vào lưới Tây Ban Nha, nhưng tâm trạng này không giống với lúc tôi ghi bàn vào lưới tuyển Đức. Khi ấy nụ cười của tôi có vẻ vui hơn trận đấu hôm nay".
Ritsu Doan đã có một ngày thi đấu bùng nổ khi thực hiện thành công cú dứt điểm từ xa ở phút 48 hạ gục thủ thành Unai Simon.
Chỉ 3 phút sau, anh tiếp tục tạo ra đường chuyền cho Kaoru Mitoma giúp tiền vệ này có pha kiến tạo tuyệt vời từ đường biên ngang cho Ao Tanaka ghi bàn ở phút 51. Trong trận thắng tuyển Đức hôm 23-11, Ritsu Doan đã ghi bàn gỡ hòa 1-1 ở phút 75.
"Tối nay tuyển Nhật có thể thoải mái ăn mừng một chút, rồi ngày mai chúng tôi sẽ quay lại luyện tập với tinh thần cao nhất", Ritsu Doan nói.
MINH ĐĂNG
Vì sao Đức và Bỉ thất bại?
Báo chí Đức đã gọi sự thất bại của đội nhà là "sự kết thúc của một quốc gia bóng đá vĩ đại". Nhà báo Matthias Brugelmann của tờ Bild viết: "Trước đây bóng đá thế giới từng run sợ trước chúng ta, nhưng giờ đây Đức chỉ là một chú lùn bóng đá".
Cựu tuyển thủ Đức Thomas Hitzlsperger đặt ra những câu hỏi cơ bản cho bóng đá Đức: "Chúng ta có thực sự giỏi không? Chúng ta có thực sự có nhiều cầu thủ giỏi như chúng ta nghĩ không?".
Phân tích về lý do dẫn đến sự sụp đổ của tuyển Đức, cựu danh thủ Lothar Matthaus nhận định: "Đó là sự sụp đổ của hàng thủ, họ mắc nhiều sai lầm và quá dễ dàng với các đối thủ trước Nhật Bản cũng như Costa Rica. Đừng ngạc nhiên vì sao thất bại nếu mắc những sai lầm như thế. Đó là những khoảnh khắc có thể hoán đổi cơ hội và cả vận mệnh của một đội tuyển".
Nếu thất bại của tuyển Đức ở World Cup 2022 là "cơn địa chấn" thì sự gục ngã của tuyển Bỉ dù bất ngờ nhưng lại... nằm trong dự tính.
Tuyển Bỉ đã quá già khi những cầu thủ thuộc "thế hệ vàng" của họ như Vertonghen, Witsel, Eden Hazard, Mertens, Toby Alderweireld, Kevin De Bruyne... đều đã qua tuổi 30 và có lẽ như đây là kỳ World Cup cuối cùng của họ.
Tuy nhiên, ngoài gánh nặng tuổi tác, lý do chính khiến tuyển Bỉ thất bại là do sai lầm của HLV Roberto Martínez. Báo De Standaard (Bỉ) viết: "HLV Roberto Martínez đặt cược một tuyển Bỉ tả tơi có thể tiến sâu ở giải đấu. Nhưng với hàng thủ chơi thiếu nhịp nhàng và sự thiếu sắc bén trên hàng công, Bỉ đã gục ngã từ vòng bảng".
Trong khi đó, chuyên gia của Goal.com cho rằng Bỉ thất bại là do... Kevin De Bruyne. Tờ này có bài viết mang tiêu đề: "De Bruyne vừa là nạn nhân, vừa là nguyên nhân khiến Bỉ tan vỡ ở World Cup".
Cây bút Mark Doyle bình luận: "Tuyển Bỉ đang dần mờ nhạt theo thời gian. Thế hệ vàng của họ đã mất đi vẻ rực rỡ. Vì vậy, điều cuối cùng mà Roberto Martínez cần là nhưng cầu thủ xuất sắc nhất của ông góp tiếng nói mạnh mẽ để đẩy mạnh dàn đồng ca.
Nhưng De Bruyne đã không làm được điều đó. So với phong độ ấn tượng đã thể hiện ở CLB Manchester City, De Bruyne chỉ là phiên bản lỗi của chính mình".
Q.THẮNG
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận