Nữ diễn viên Lori Loughlin bị cáo buộc đã cùng chồng hối lộ khoản tiền 500.000 USD trong hai năm 2016 và 2017 để hai con gái của họ được nhận vào trường Đại học Nam California danh tiếng của Mỹ - Ảnh: AFP
Dưới đây là những sự kiện giáo dục đáng chú ý năm 2019:
Mỹ phá vụ gian lận tuyển sinh đại học lớn nhất lịch sử
Tháng 3-2019, đường dây 'chạy' vào các đại học hàng đầu của Mỹ bị phanh phui, trong đó dính líu đến hơn 50 phụ huynh có địa vị như diễn viên Felicity Huffman, Lori Loughlin, nhà thiết kế thời trang Mossimo Giannulli...
Theo CNN, đường dây "khủng" này do William Rick Singer - sáng lập viên công ty dự bị đại học Edge College & Career Network - cầm đầu. Người này đã dùng tiền của phụ huynh dưới danh nghĩa từ thiện để hối lộ và thực hiện các thương vụ gian lận thi cử.
Hiện tại, Singer có thể phải đối mặt với mức án tổng cộng 65 năm tù và tiền phạt 1,25 triệu USD, cùng với không ít trong số phụ huynh hối lộ có nguy cơ tù tội.
Hàn Quốc "dẹp" trường dành cho con nhà giàu
Theo Bộ trưởng Bộ Giáo dục Hàn Quốc, việc xóa bỏ các trường cho con nhà giàu là để hướng đến công bằng trong giáo dục - Ảnh: STRAIT TIMES
Đầu tháng 11-2019, Bộ Giáo dục Hàn Quốc quyết định bãi bỏ các trường trung học dành cho con nhà giàu từ tháng 3-2025. Đây là một trong nhiều nỗ lực nhằm nâng cao sự công bằng trong giáo dục.
"Năm 2025, các trường tư thục, trường chuyên ngữ và trường quốc tế sẽ chuyển đổi thành trường bình thường. Chúng tôi sẽ tạo nền tảng để xây dựng hệ thống giáo dục tín chỉ và giáo dục định hướng cho học sinh THPT", Strait Times dẫn lời bà Yoo Eun-hae - Bộ trưởng Giáo dục Hàn Quốc - cho biết.
Ngoài ra, chất lượng giảng dạy tại trường công lập cũng sẽ được chú trọng với số tiền nhà nước bỏ ra cho cải cách trong 5 năm đầu tiên vào khoảng 2.000 tỉ won (khoảng 172 triệu USD) trong 5 năm đầu tiên.
Trường học Ấn Độ cho học sinh đóng học phí bằng... rác nhựa
Học sinh Trường Akshar Forum đổi rác thải nhựa cho học phí - Ảnh: THE HINDU
Tháng 5-2019, mỗi học sinh trong số 110 em ở Trường Akshar Forum (Assam, Ấn Độ) phải mang 20 mẩu rác thải nhựa đến trường hằng tuần như một cách trả học phí. Ngoài ra, ba mẹ các em còn được yêu cầu cam kết không đốt rác thải nhựa mà phải tái chế hoặc cho con đem vào trường.
Theo AFP, việc làm này nhằm giảm áp lực về rác thải nhựa ở thị trấn vốn có đến khoảng 1 triệu người và phát sinh 37 tấn rác mỗi ngày.
Priyongsu Borthakur - phó hiệu trưởng - cho biết học sinh còn được giáo dục thu gom rác thải nhựa từ các hộ gia đình trong vùng lân cận, sau đó phân loại rác và tái sử dụng theo nhiều cách.
"Chúng tôi muốn các em sống thân thiện với môi trường ngay từ khi tuổi còn nhỏ", Borthakur nói.
Đại học Nhật không tuyển giảng viên hút thuốc
Đại học Nagasaki sẽ dừng hợp đồng với các giảng viên không bỏ thuốc - Ảnh: JAPAN TIMES
New York Times đưa tin cuối tháng 4-2019, Đại học Nagasaki (Nagasaki, Nhật) thông báo dừng hợp đồng với các giảng viên hút thuốc trừ khi họ cam kết bỏ thói quen này khi vào trường.
Trước đó, đại học này đã cấm hút thuốc trong khuôn viên trường từ tháng 8-2018, và sẽ cấm mang cả vật dụng liên quan tới thuốc lá vào trường từ tháng 4-2020.
"Một nhiệm vụ của các đại học là nuôi dưỡng nguồn nhân lực. Do đó, chúng tôi thấy cần khuyến khích đội ngũ của mình bỏ thuốc lá. Ở Nhật, một số công ty cũng đã bắt đầu ra quy định không tuyển dụng người hút thuốc", Shigeru Kono - hiệu trưởng nhà trường - chia sẻ.
Sinh viên quốc tế được ở lại Anh 2 năm sau tốt nghiệp
Anh sẽ cho phép sinh viên quốc tế ở lại 2 năm sau tốt nghiệp - Ảnh: E-GMAT
Theo Guardian, tháng 9-2019, Thủ tướng Anh Boris Johnson đưa ra chính sách kể từ năm học 2020-2021 cho phép sinh viên quốc tế sau tốt nghiệp ở lại Vương quốc Anh thêm 2 năm để làm việc.
Ông Gavin Williamson - Bộ trưởng Giáo dục Anh - cho biết thay đổi này nhằm thu hút thêm sinh viên từ các nước, đặc biệt là các bạn trẻ tài năng, đến Anh học tập, đồng thời cũng là cách thức cạnh tranh với các nước châu Âu trong bối cảnh ngày Anh rời EU sắp đến gần.
Thần đồng 9 tuổi Laurent Simons
Thần đồng Laurent Simons sẽ học tiến sĩ vào năm 2020 - Ảnh: THE NEW DAILY
Đầu tháng 11-2019, các trang báo lớn trên thế giới, trong đó có CNN, Washington Post, đưa tin thần đồng Laurent Simons sắp hoàn thành chương trình ở Đại học Công nghệ Eindhoven, chuyên ngành kỹ thuật điện và sẽ trở thành người trẻ nhất tốt nghiệp đại học khi chỉ mới 9 tuổi.
Với chỉ số IQ 145, Laurent Simons có thể lĩnh hội nhiều môn học khó chỉ trong vài ngày, trong khi người thường mất đến… 10 tuần. Năm 6 tuổi, cậu bé này đã bắt đầu học và tham gia một dự án nghiên cứu tại Trung tâm Y tế học thuật tại Amsterdam trước khi tốt nghiệp THPT ở tuổi lên 8.
Chỉ 9 tháng sau khi trở thành sinh viên, Laurent Simons hoàn thành dự án nghiên cứu ngành kỹ thuật điện và nhận bằng tốt nghiệp đại học.
Tuy nhiên đến giữa tháng 12, Alexander Simons - cha của Laurent Simons - cho biết con mình sẽ rời Đại học Công nghệ Eindhoven trước khi tốt nghiệp do bất đồng với nhà trường trong việc cho Laurent tốt nghiệp cuối năm 2019 hay giữa năm 2020.
Theo CNN, ông Alexander Simons cho biết Laurent đã được nhận theo học tiến sĩ tại một trường nổi tiếng ở Mỹ nên không thể bỏ phí thời gian đến giữa năm 2020.
Dù đam mê công nghệ và toán học, thần đồng 9 tuổi này cho biết cậu hi vọng sẽ trở thành bác sĩ chuyên khoa tim mạch trong tương lai.
Ấn Độ giới hạn cân nặng của cặp sách
Trẻ em Ấn Độ thường mang cặp rất nặng đến trường - Ảnh: Press Trust of India
Tháng 5-2019, trang Press Trust of India đăng tải chỉ thị của Bộ trưởng Bộ Phát triển nguồn nhân lực Ấn Độ, theo đó quy định trọng lượng cặp sách tối đa của học sinh lớp 1 và lớp 2 là 1,5kg, lớp 3 đến 5 là từ 2-3kg, lớp 6 đến 7 là 4kg, lớp 8 đến 9 là 4,5kg và lớp 10 là 5kg.
Theo Snikdha Misra - cán bộ phụ trách giáo dục của Bộ Phát triển nguồn nhân lực - mang cặp sách quá nặng có thể đe dọa sức khỏe học sinh, vốn là đối tượng trong giai đoạn cơ thể phát triển không ngừng. "Cần can thiệp sớm để cải thiện thể hình giới trẻ Ấn Độ", Snikdha Misra nói.
Bộ này cũng làm việc với Bộ Giáo dục Ấn Độ để hạn chế số lượng bài tập của các em trong lứa tuổi tiểu học, riêng lớp 1 và lớp 2 được miễn.
Bên cạnh đó, bộ cũng đưa ra yêu cầu giáo viên thông báo số lượng vở cần thiết cho buổi học kế tiếp, tránh để học sinh dư sách vở.
Ý đưa biến đổi khí hậu vào giáo dục bắt buộc
Ý sẽ là quốc gia tiên phong trong việc giáo dục biến đổi khí hậu - Ảnh: GETTY IMAGES
Euro News cho biết, Ý sẽ trở thành quốc gia đầu tiên đưa nội dung về biến đổi khí hậu và phát triển bền vững thành môn học bắt buộc tại các trường học.
Theo đó, vào tháng 4-2019, ông Lorenzo Fioramonti - Bộ trưởng Bộ Giáo dục Ý - cho biết tất cả trường học sẽ dành 33 giờ/năm, khoảng 1 giờ/tuần kể từ tháng 9-2020 để giáo dục cho học sinh các vấn đề biến đổi khí hậu, bắt đầu từ năm học 2020-2021.
Ngoài ra, những môn học truyền thống như khoa học, địa lý,… cũng sẽ được thiết kế dựa trên quan điểm phát triển bền vững.
"Mong muốn của tôi là muốn hệ thống giáo dục của Ý tiên phong trong việc đặt các vấn đề về môi trường và xã hội làm cốt lõi phát triển", ông Fioramonti giải thích.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận