11/01/2021 10:10 GMT+7

Những 'công xưởng bóng đá' hàng đầu

HUY ĐĂNG
HUY ĐĂNG

TTO - Dominik Szoboszlai - người hâm mộ bóng đá có lẽ sẽ mất thêm ít lâu nữa mới ghi nhớ nổi cái tên rất khó đọc này.

Những công xưởng bóng đá hàng đầu - Ảnh 1.

Szoboszlai và Haaland là những “sản phẩm” tiêu biểu của lò đào tạo ở Salzburg - Ảnh: Reuters

Nhưng cầu thủ 20 tuổi người Hungary vừa được Leipzig mua với giá 20 triệu euro từ RB Salzburg - một trong những "công xưởng" bóng đá hàng đầu thế giới lúc này.

Khi mà La Masia ngày càng suy tàn, giới chuyên môn bắt đầu sắp xếp lại thứ tự những lò đào tạo hàng đầu thế giới hiện tại. Đó là Benfica, Ajax, Porto và Salzburg - theo đánh giá của Daily Mail. Thống kê cho thấy chỉ trong 5 năm qua, 4 CLB này đã lãi ròng tổng cộng hơn 1,1 tỉ bảng Anh trên thị trường chuyển nhượng.

1. Benfica (thu về: 677 triệu bảng; chi ra: 251 triệu bảng; lãi: 426 triệu bảng*)

Benfica xứng danh là lò đào tạo xuất sắc nhất thế giới hiện nay. Gần một nửa đội hình "thế hệ vàng" hiện tại của Bồ Đào Nha xuất thân từ lò đào tạo CLB này. Có thể kể ra nhiều cái tên như Ruben Dias (Man City mua với giá 64 triệu bảng Anh), Joao Felix (Atletico, 114 triệu bảng), Nelson Semedo (Barca, 32 triệu bảng), Goncalo Guedes (PSG, 27 triệu bảng), Renato Sanches (Bayern Munich, 32 triệu bảng)...

Từng có một giai đoạn dài Benfica lép vế trước Porto trong cuộc đua chiếm giữ ngôi vị giàu truyền thống nhất Bồ Đào Nha. Nhưng sự xuất sắc của lò đào tạo trẻ đã giúp họ lật ngược thế cờ trong những mùa giải gần đây. Trong 7 năm gần nhất, Benfica giành đến 5 chức vô địch quốc nội, thêm vào đó là 2 lần vượt qua vòng bảng Champions League.

2. Ajax (thu về: 506 triệu; chi ra: 235 triệu; lãi: 271 triệu)

David Endt - người từng có 30 năm phụ trách các vấn đề truyền thông cho đến ghế giám đốc kỹ thuật của Ajax - từng nói: "Ở Ajax, tất cả mọi người đều có cùng một hoài bão - biến những cầu thủ trẻ của đội trở thành ngôi sao lớn". Không hề quá lời khi khẳng định Ajax là lò đào tạo giàu truyền thống nhất lịch sử bóng đá.

Sau một thời gian dài chìm trong sự sa sút, Ajax dần khôi phục bản sắc khi mời được những cựu danh thủ như Van Der Sar, Overmars trở về làm việc vào đầu thập niên 2010. Và giờ là lúc họ hái quả. Chỉ trong 2 năm qua, họ đã thu về gần 300 triệu bảng nhờ bán đi những cầu thủ trẻ như De Ligt (Juventus, 77 triệu), De Jong (Barca, 77 triệu), Ziyech (Chelsea, 38 triệu), Van De Beek (M.U, 40 triệu), Sergino Dest (Barca, 19 triệu)...

3. Porto (thu về: 454 triệu; chi ra: 223 triệu; lãi: 231 triệu)

Nếu Benfica thành công với việc đào tạo những cầu thủ bản địa thì Porto lại hướng mục tiêu đến thị trường Nam Mỹ. Thay vì tập trung tối đa cho lò đào tạo, Porto tập trung gầy dựng quan hệ với những "siêu cò", phát triển đội ngũ tuyển trạch viên. Hằng năm, họ mang về 5, 6 cầu thủ từ Brazil hoặc Argentina, và bán lại trong vòng 2-3 mùa giải sau đó. 

Có thể kể ra hàng loạt trường hợp như Militao (Real Madrid, 45 triệu), Jackson Martinez (Atletico, 32 triệu), Alex Sandro (Juventus, 24 triệu)...

Đó không hẳn là tự mình đào tạo, nhưng vai trò của những CLB "trung chuyển" như Porto là rất quan trọng trong con đường đến châu Âu của các ngôi sao Nam Mỹ.

4. Salzburg (thu về: 307 triệu, chi ra: 81 triệu, lãi: 226 triệu)

Sự hiện diện của Salzburg có thể khiến nhiều người ngạc nhiên, nhưng đây lại là mô hình đào tạo kiểu mới mà các CLB bóng đá châu Âu phải học theo. Năm 2005, đội bóng số 1 nước Áo được Tập đoàn Red Bull mua lại, bắt đầu cho một kế hoạch bành trướng ra thế giới bóng đá của hãng nước uống này (sau đó không lâu, Red Bull mua luôn CLB Leipzig của Đức và biến họ thành đội bóng hàng đầu thế giới).

Salzburg bắt đầu đổ tiền vào công tác phát triển đào tạo trẻ. Năm 2014, họ khánh thành lò đào tạo mới với quy mô rất lớn, mang khẩu hiệu: "Bước lên tầm cao mới". 3 năm sau đó, đội trẻ của họ vô địch UEFA Youth League. Và giờ đây, những ngôi sao của Salzburg cũng bắt đầu được rải khắp châu Âu. 

Họ không tạo nên bom tấn nào, vì chủ yếu Salzburg được xem như đội cấp dưới của Leipzig. Nhiều ngôi sao của Salzburg được đẩy sang đội bóng cùng nhà tài trợ với cái giá phải chăng, như Szoboszlai (18 triệu), Haidara (17 triệu), Naby Keita (27 triệu). 

Earling Haaland là trường hợp hiếm hoi "xổng" khỏi tay Leipzig khi chuyển đến Dortmund. Tiền đạo trẻ này được kỳ vọng sẽ là chân sút xuất sắc nhất thế giới trong tương lai, và đừng quên công đầu của Salzburg.

* Tính trong 5 năm gần nhất.

Sự khắc nghiệt của lò đào tạo cầu thủ La Masia Sự khắc nghiệt của lò đào tạo cầu thủ La Masia

TTO - 'Chỉ khoảng 1% cầu thủ trưởng thành từ La Masia có cơ hội khoác áo đội 1 Barcelona', ông Miquel Puig - cựu quản lý tại CLB Barcelona và hiện là ông chủ Học viện đào tạo bóng đá trẻ tại thành phố Barcelona, Tây Ban Nha - chia sẻ cùng Tuổi Trẻ.

HUY ĐĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên