Tại sự kiện TikTok Safety Summit 2024 do TikTok tổ chức lần đầu tiên tại Việt Nam ngày 11-6, các chuyên gia đã bật mí bộ công cụ sẵn có giúp các bậc cha mẹ quản lý, kiểm soát con cái tham gia trên môi trường số.
Tính năng Gia đình thông minh
Tính năng này cho phép cha mẹ liên kết tài khoản TikTok của mình với con để quản lý thời gian truy cập, cài đặt chế độ hạn chế và tin nhắn trực tiếp.
Theo đó, cha mẹ có thể trực tiếp quản lý hoạt động tìm kiếm của con về người dùng, hashtag, âm thanh và các nội dung trực tuyến. Với chế độ bình luận, cha mẹ quyết định đối tượng có thể bình luận trên video của con (mọi người, bạn bè hoặc không có ai), cũng như đối tượng có thể xem các video mà con bạn đã thích.
Đặc biệt, cha mẹ có thể thiết lập chế độ riêng tư hoặc công khai đối với tài khoản của con. Với chế độ riêng tư, cha mẹ sẽ là người quyết định đối tượng có thể nhìn thấy nội dung của con mình. Còn với chế độ công khai, bất kỳ ai cũng có thể tìm kiếm và xem nội dung của con.
Cha mẹ cũng có thể chủ động thêm những từ khóa có thể dẫn đến những nội dung không mong muốn xuất hiện trước mắt con mình. Từ đó tạo thành một bộ thiết lập riêng được cá nhân hóa đặc biệt trên nền tảng, giúp ngăn chặn nội dung có chủ đề vượt ngoài lứa tuổi hoặc có bối cảnh phức tạp nhắm đến đối tượng từ 13 đến 17 tuổi.
Một trong những mối quan tâm rất lớn của đông đảo phụ huynh tại Việt Nam hiện nay là quản lý thời gian xem mạng của con. TikTok có công cụ cho phép cha mẹ dùng quyền giám hộ của mình để tùy chỉnh giới hạn thời gian sử dụng hằng ngày cho thanh thiếu niên, bao gồm việc thiết lập các giới hạn thời gian khác nhau tùy vào các ngày trong tuần.
Bên cạnh đó, nền tảng còn cung cấp bảng phân tích thời gian sử dụng trong tính năng Gia đình thông minh nhằm đưa ra tóm tắt về thời gian sử dụng nền tảng, số lần mở ứng dụng và phân tích chi tiết tổng thời gian được sử dụng vào ban ngày và ban đêm. Điều này giúp cha mẹ dễ dàng nắm bắt hành vi sử dụng của con mình, qua đó có thể đưa ra cách kiểm soát hợp lý.
Biện pháp phù hợp, tôn trọng quyền riêng tư của trẻ
Theo ông Ngô Tuấn Anh, phó chủ tịch Hiệp hội an ninh mạng Việt Nam: "Phụ huynh có thể tham gia các khóa đào tạo trực tuyến để hiểu biết, nhưng về nhà thì chúng ta chỉ kiểm soát được bằng giải pháp kỹ thuật mà thôi, kết hợp với nhận thức. Nhưng giải pháp kỹ thuật phải làm sao để giải quyết được hai vấn đề".
Thứ nhất, nó phải đơn giản dễ dùng. Chẳng hạn, việc chặn một địa chỉ website hay ứng dụng không mong muốn với các doanh nghiệp là bình thường bởi họ có quản trị mạng chuyên nghiệp với các thiết bị chuyên dụng. Nhưng trong gia đình, bố mẹ vẫn muốn con vào Internet học trực tuyến nhưng không muốn con vào mạng xã hội vì nó không tốt thì phải làm thế nào?
Thứ hai, "Bên cạnh việc đơn giản thì chi phí họ bỏ ra cũng phải hợp lý, người ta chấp nhận được. Chứ nếu bây giờ để giải quyết vấn đề đó mà phải bỏ ra chi phí tương đương với học phí của con chẳng hạn thì chắc chắn không gia đình nào sử dụng được cái đó. Những vấn đề như vậy cần có những giải pháp làm sao cho đơn giản, thuận tiện, dễ dùng và quan trọng là chi phí hợp lý để các gia đình sử dụng được", ông Tuấn Anh chia sẻ.
Trong một phương diện khác, bà Nguyễn Phương Linh, viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý phát triển bền vững (MSD), cho rằng: "Con trẻ được tiếp nhận sớm với công nghệ, và công nghệ đã phát triển với tốc độ nhanh chóng. Do đó cha mẹ, người giám hộ và người chăm sóc có thể gặp khó khăn để giám sát có hiệu quả các hoạt động của trẻ em trên môi trường mạng. Việc không theo kịp và cấm đoán ngăn chặn mang lại tác dụng ngược".
Do đó, theo bà Linh, những người lớn nói chung, các bậc cha mẹ nói riêng, cũng cần tuân thủ một số nguyên tắc để có thể bảo vệ trẻ em an toàn trên mạng nhưng không gây ra những tác động ngược đến thái độ, cách ứng xử và sự phát triển của trẻ.
Theo đó, dù nắm quyền giám hộ nhưng cha mẹ cần phải là những người tìm hiểu và tôn trọng quyền trẻ em, đặc biệt là quyền riêng tư. Đi kèm với đó là việc tuân thủ pháp luật, các quy định, tiêu chuẩn cộng đồng của các nền tảng dịch vụ mạng.
Với kiến thức và năng lực hiểu biết của mình, cha mẹ phải biết phân loại nội dung theo độ tuổi, đồng thời có các cảnh báo phù hợp dành cho trẻ em, thanh thiếu niên trong các trường hợp có thể gây hiểu lầm, hoặc bắt chước, hoặc hành động nguy hiểm…
"Tôi đánh giá cao TikTok trong nỗ lực không ngừng cải thiện, đổi mới và đưa ra cách tiếp cận và giải pháp cho những vấn đề liên quan đến an toàn, an ninh mạng, đóng góp vào môi trường số an toàn, lành mạnh, và bền vững tại Việt Nam", bà Linh cho biết.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận