01/01/2018 11:06 GMT+7

Những con số tăng trưởng cần chạm vào sự thật

TRẦN NGỌC THƠ
TRẦN NGỌC THƠ

TTO - Thành tích kinh tế vượt bậc của năm 2017 là rất ngoạn mục, nhưng phải làm sao để mỗi người dân thấy các con số tăng trưởng được báo cáo là thật, có ý nghĩa và đáng để tự hào.

Những con số tăng trưởng cần chạm vào sự thật - Ảnh 1.

Kinh tế Việt Nam 2017 đạt nhiều thành tích tốt với hàng loạt chỉ tiêu gây ấn tượng. Tăng trưởng GDP cả năm 2017 đạt 6,81%, cao hơn mục tiêu 6,7%; lạm phát 3,53%, thấp hơn mục tiêu 4%; cùng với đó là nhiều thông tin tốt lành về thu hút vốn đầu tư nước ngoài, sự khởi sắc của thị trường chứng khoán, dự trữ ngoại hối tích lũy ngày càng cao...

Nhưng ấn tượng nhất trong các con số trên không gì khác hơn là tăng trưởng GDP. Bởi vì trước đó vào quý 2-3, nhiều dự báo của các tổ chức quốc tế và các chuyên gia đồng loạt nhận định mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7% năm 2017 là nhiệm vụ bất khả thi. 

Thêm vào đó, tăng trưởng vượt mục tiêu nhưng lạm phát lại thấp hơn mức 4% đề ra. Điều này phần nào cho thấy những cải cách sâu rộng trong điều hành kinh tế vĩ mô đã bắt đầu phát đi tín hiệu tích cực, với điểm nhấn là môi trường khởi nghiệp và đầu tư ngày càng tốt hơn so với nhiều năm trước đây.

Tuy nhiên vẫn còn đó không ít nỗi lo.

Tăng trưởng GDP giống như kích cỡ một cái bánh. Chúng lớn thêm ra nhưng không hẳn cái bánh to là tốt do các thành phần nguyên liệu tươi hay ôi cũng trộn chung hết cả vào cái bánh. Trong đó, nỗi lo lớn nhất là chiếc bánh GDP phình to này đâu đó vẫn còn chứa đựng nhiều yếu tố ngoại sinh, dễ vỡ và ô nhiễm.

Tăng trưởng ấn tượng nhưng vẫn còn dựa dẫm khá nhiều vào khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) như của Samsung hay Formosa. Giả dụ sang năm 2018 nếu Samsung không có những đột phá, liệu Việt Nam có đạt được thành tích xuất khẩu tốt như 2017?

Hoặc khi mà chúng ta đang loay hoay đếm thành tích tăng trưởng cũng chớ quên đếm lại bao nhiêu sông ngòi, vùng biển và bầu trời đang ngày càng bị đầu độc một cách cố ý với mức độ tinh vi ngày càng thượng thừa.

Chiếc bánh GDP lớn ra làm cho thu nhập bình quân đầu người bây giờ là 2.385 USD, tăng thêm 170 USD so với năm 2016 và gia nhập vào top 50 của thế giới.

Nhưng cũng đừng nên quên con số thu nhập bình quân đầu người hoàn toàn không nói lên được điều gì đang xảy ra với người dân, nếu như cùng lúc đó bất bình đẳng trong phân phối thu nhập, trong tiếng nói và trong các cơ hội tiếp cận các dịch vụ giáo dục, y tế giữa các giai tầng trong xã hội ngày càng phân hóa sâu sắc.

Những thành tích kinh tế vượt bậc của năm 2017 rất ngoạn mục, nhưng một người chiến thắng khiêm tốn chỉ nên xem đó như bước khởi đầu mới cho một chặng đường đầy cam go sắp đến, với điểm bắt đầu là năm 2018.

Các chiến lược kinh tế - xã hội và phát triển con người năm 2018 phải được nhìn nhận một cách toàn diện chứ không nên nghiêng về một cực nào đó để rồi lấy đó làm thành tích tự hào.

Tất cả phải làm sao cho mọi điều chạm được vào cuộc sống thật chứ không chỉ biết nhìn vào các con số. Phải làm sao để người dân cảm thấy được túi tiền của mình nặng thêm, đồng thời các điều kiện sống, làm việc, hệ thống phúc lợi y tế, giáo dục được cải thiện đáng kể, trộm cướp và các tệ nạn xã hội giảm đi.

Lúc đó người dân mới thấy các con số tăng trưởng được báo cáo là thật, có ý nghĩa và đáng để tự hào.

Việt Nam nằm trong nhóm tăng trưởng kinh tế tốt đẹp của châu Á Tăng trưởng kinh tế không đồng nghĩa với "hạnh phúc" Tăng trưởng kinh tế dựa vào Samsung, Formosa


TRẦN NGỌC THƠ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên