Một sáng kiến… “ma quái”
Gần đây, làng Kepuh ở huyện Sukoharjo, tỉnh Trung Java, Indonesia, đang bị “ma ám”. Ngay cả vào đêm trăng sáng, bất ngờ vẫn có những hình nhân trắng bệch, bí ẩn nhảy cái đùng ra doạ những người qua đường không có chút phòng bị nào. Sau đó, chúng lướt đi dưới bầu trời đêm trăng tròn vành vạnh…
Đó là cái thứ ma Pocong, còn được gọi là "Ma Liệm". Người Indonesia, và cả người Malaysia, tin rằng con ma đó là linh hồn của một người chết bị mắc kẹt trong tấm vải liệm của nó.
Trong điện ảnh Indonesia, các phim ma về Pocong thường cho chúng nhảy như… thỏ. Bởi, theo các vị đạo diễn, Ma Liệm Pocong luôn bị sợi dây buộc tùm tấm vải liệm ở dưới chân, khiến chúng không thể bước đi như con người.
Tuy vậy, theo truyền thuyết dân gian do người xưa kể lại, Pocong có khả năng… bay và dịch chuyển tức thời khắp vũ trụ. Niềm tin vào sự tồn tại của Pocong phát triển đặc biệt ở các đảo Java và Sumatra, bên Indonesia.
"Chúng tôi muốn tạo ra… sự khác biệt và hiệu ứng răn đe, vì Pocong rất ma quái và đáng sợ.” - anh Anjar Pancaningtyas, người đứng đầu một nhóm trai tráng tình nguyện trong làng, nói với hãng tin Reuters.
Nhóm của Pancaningtyas hoá trang thành các “Pocong”, phối hợp với cảnh sát để thực hiện sáng kiến ma ám độc đáo của họ, với hy vọng dân làng sẽ hạn chế ra ngoài, ở nhà mà tránh dịch.
Trớ trêu làm sao, vì từ lúc lũ “Pocong” bắt đầu xuất hiện trong tháng này, chúng lại tạo ra… tác dụng ngược. Thay vì giữ chân dân làng trong nhà, bọn “Pocong” lại thu hút họ tò mò ra… ngó một cái, khi chúng xuất hiện.
Tuần tra Pocong hoá ra… Pocong gác cổng
Vi vậy, cái ban tổ chức trong bóng tối nọ đã thay đổi... chiến thuật. Họ chỉ tung ra các cuộc "tuần tra Pocong" ngẫu nhiên, bất ngờ. Dựa trên sự mê tín lâu đời trong dân gian, họ hy vọng đội "Pocong” sẽ khiến dân làng Kepuh ở trong nhà một cách an toàn, tránh sự lây lan của virus Covid-19.
Từ lúc “Pocong” hoành hành, các bậc cha mẹ và trẻ em đã không rời khỏi nhà của họ, theo ông Karno Supadmo, một người dân trong làng. "Dân Kepuh bớt tụ tập, hoặc ở lại trên đường phố sau những buổi cầu nguyện buổi tối." - ông Supadmo nói với hãng tin Reuters.
Tuy vậy, có vẻ thêm một lần nữa, cái giải pháp “siêu nhiên” ấy lại… đổi chiến thuật. Theo báo Jakarta Post, ra ngày 2-4-2020, những người trẻ tuổi ở ấp Kesongo, hóa trang thành các “Pocong”, nay… ra mặt công khai đứng gác cổng làng Kepuh. Các “Pocong” không còn núp lùm để bất ngờ hù dân, mà đứng canh cổng làng từ 8 giờ tối tới nửa đêm mỗi ngày.
“Pocong” kiểm tra giấy tờ với từng người khách đến làng, và hỏi về mục đích chuyến thăm của họ. “Pocong” cũng đảm bảo cư dân tuân thủ các hạn chế của chính phủ đối với các cuộc tụ họp xã hội.
"Pocong không phải là để làm cư dân sợ hãi. Thay vào đó, chúng tôi muốn... giáo dục cư dân về việc virus Covid-19 gây ra cái chết.” - ông Anjar Panca, người gác đền thờ Hồi giáo Al Himmah của Kesongo, giải thích – “Đó là một liệu pháp sốc, vì mọi người thường chú ý hơn tới bất cứ điều gì liên quan đến cái chết.”
“Trong ba ngày qua, không có người dân nào được nhìn thấy đi ra ngoài vào ban đêm. Rõ ràng, họ sợ… con ma giả.” - ông Anjar kể thêm với báo Jakarta Post.
Pocong, Virus, và cả Siêu anh hùng cùng vào cuộc”
Ở Indonesia, tổng thống Joko Widodo đã chống lại việc phong toả toàn quốc để kiềm chế Covid-19. Ông kêu gọi mọi người thực hành giãn cách xã hội và giữ vệ sinh tốt.
Tuy nhiên, với tỷ lệ tử vong vì Covid-19 ở Indonesia từng cao nhất châu Á, một số cộng đồng đã quyết định áp dụng các biện pháp trong tầm tay họ. Chẳng hạn, làng Kepuh đang dùng hình ảnh “Pocong” ma quái để áp đặt cư dân làm theo việc giãn cách xã hội, kể cả hạn chế di chuyển ra khỏi làng.
Ở một làng khác - làng Galang, thuộc huyện nông thôn Tây Manggarai, ở Đông Nusa Tenggara, các chức sắc địa phương cũng viện đến thần thoại và văn hóa dân gian địa phương để ngăn người dân ra ngoài vào ban đêm.
“Cần sử dụng các truyền thuyết, hoặc văn hóa dân gian địa phương, để bất ngờ ‘túm chân’ họ, khiến họ sợ hãi, để ngăn họ ra ngoài trong đại dịch Covid-19. Tổ tiên của chúng ta thường làm điều đó để doạ trẻ em ra ngoài vào ban đêm ấy mà.” – ông Marianus Samsung, trưởng làng Galang, nói vậy với tờ Jakarta Post.
Trong khi đó, các cảnh sát giao thông ở huyện Mojokerto của Đông Java đã đội nón bảo hiểm mang hình virus corona phóng lớn khi ra đường làm nhiệm vụ khử trùng xe cộ và thông báo cho người dân địa phương về các biện pháp phòng ngừa chống lại Covid-19.
Theo phó giám đốc cảnh sát huyện Mojokerto, thông điệp của họ gởi tới người dân thật rõ ràng: “Hãy cảnh giác, nhưng đừng… hoảng sợ. Giữ một khoảng cách và tránh xa đám đông.”
Việc “chế tạo” nón bảo hiểm virus corona của cảnh sát Indonesia là sự sao chép từ cảnh sát giao thông ở bang Chennai, bên Ấn Độ. Tuy vậy, cảnh sát Indonesia cũng sử dụng cả những thứ “đặc sản bản địa”, như hoá trang thành những Siêu anh hùng trong văn hoá đại chúng ở đất nước Vạn Đảo, để giúp mọi người nhận thức về các mối nguy hiểm của đại dịch toàn cầu Covid-19.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận