Sau Lộ hàng, Những con ma nhà hát là vở diễn thứ hai mà đạo diễn Lê Hoàng và NSƯT Thành Lộc cùng hợp tác làm trong vai trò tác giả, đạo diễn ở sân khấu Thiên Đăng.
Vở diễn đã từng được dàn dựng trên sân khấu Idecaf vào năm 2007. Sau gần 20 năm, Những con ma nhà hát trở lại trong phiên bản mới với chất kịch đương đại, nổi loạn và thời sự hơn.
Tiếng cười chua chát vì nghệ thuật đã biến dạng
Trong những năm gần đây, trên sàn diễn, đạo diễn Lê Hoàng có một số kịch bản sân khấu ăn khách như: Mưu bà Tú, Lộ Hàng...
Điểm chung ở các vở diễn này là đề cập trực diện đến những vấn đề gai góc của xã hội như: việc lộ clip nóng, bắt cá hai tay của các ngôi sao trong showbiz, người giàu "ăn chặn, ăn bớt", bệnh sống ảo, thói giả tạo, lừa dối nhau...
Nhiều khán giả cho rằng kịch của Lê Hoàng lạ và khó để cảm ở những lần đầu xem bởi đúng là họ đã có những giây phút bật cười sảng khoái khi thưởng thức.
Nhưng sau những tiếng cười ấy thì cần phải ngẫm thật nhiều để thấm thía được ý tứ có phần chua chát và châm biếm của tác phẩm. Những con ma nhà hát cũng là một tấn bi - hài kịch như thế.
Trong vở Đêm thiên nga được phóng tác từ tác phẩm Khúc hát thiên nga của Anton Chekhov dựng trên sân khấu Hoàng Thái Thanh, có câu thoại của nhân vật Boris:
"Tôi, nghệ sĩ Boris, sẽ để đôi hài bẩn của mình ngoài thánh đường nghệ thuật". Đây là một tuyên ngôn bất hủ của những người theo đuổi nghệ thuật thực sự.
Nhưng cái sân khấu mà vở Những con ma nhà hát tái hiện đã bị làm bẩn vì những "vết giày" của cả những người làm nghệ thuật và khán giả.
Ở đó, sân khấu phải cạnh tranh với game show khi diễn viên chạy show, về không kịp ngay giờ diễn hay đối diện với chuyện khan hiếm những kịch bản có nội dung hay, chất lượng nhưng vẫn duy trì tốt tính thương mại.
Rồi thì nguồn lực kinh tế không đủ để dựng vở, trang hoàng lại nhà hát đã rệu rã, xuống cấp.
Sân khấu đành chịu cảnh "thương mại hóa", dùng tiền tài trợ, những trò cá cược để lôi kéo khán giả.
Còn giới nghệ sĩ thì lạm dụng việc hát nhép, đạo nhái, thích đánh bài, cờ bạc, trốn thuế...
Chỉ còn lại một số người đã hết tuổi xuân, phải kiếm nghề khác để mưu sinh nhưng vẫn đau đáu với sàn diễn và khán giả.
Họ có thể thành danh vì "nghệ thuật" thì cũng có thể chết vì hai chữ ấy.
Về phần khán giả, họ đến nhà hát không phải để thưởng thức nghệ thuật mà với mục đích săn đại gia, chờ tiền thưởng cá cược, kinh doanh vé chợ đen, vé giả... Họ cũng không buồn xem trọn vẹn một vở diễn.
Chất kịch đương đại và nổi loạn
Những con ma nhà hát sử dụng hình thức "kịch trong kịch" để thể hiện. Theo dõi đến hơn nửa thời lượng, khán giả vẫn tưởng như vở kịch chưa bắt đầu. Họ hồi hộp chờ đợi để xem "vở kịch thực sự" sẽ diễn ra như thế nào.
Xuyên suốt mạch kịch, bốn nhân vật do Lê Khánh, Trương Hạ, Hữu Châu, Thành Lộc thủ vai đại diện cho bốn nhóm tính cách thường gặp ở một con người. Đó là tham tiếng, tham tiền, tham tử và tham... tất cả. Sự xuất hiện của Tuấn Khải là nút thắt cuối cùng khiến khán giả vỡ ra thông điệp của vở kịch.
Chất đương đại, nổi loạn thể hiện trong nội dung và cách dàn dựng vở kịch.
Tác phẩm đào sâu vào những vấn đề thời sự, nhạy cảm và kể điều đó theo cách ẩn dụ, ước lệ, phát huy trí tưởng tượng của người xem qua những biểu tượng và hình tượng.
Vở cũng phá vỡ những quy tắc dàn dựng thông thường khi để sân khấu bước ra đời thực.
Ở đó, nghệ sĩ và khán giả cùng tương tác và trò chuyện, tất cả cùng xoay vần với nhau trong diễn biến của câu chuyện.
Cách xử lý ánh sáng được xem là một trong những yếu tố nổi bật của Những con ma nhà hát khi thể hiện được màu sắc ma mị, gây tò mò cho khán giả.
Đến cuối cùng, người xem nhận ra "những con ma" trong nhà hát thực chất không mang tính hù dọa, có chăng đó chỉ là những tiếng nói đáng suy ngẫm để khán giả và nghệ sĩ tự vấn lại mình với hy vọng nghệ thuật sẽ không lâm vào cảnh đã chết hoặc chết rồi nhưng tưởng như bản thân vẫn còn tồn tại.
Năm 2007, Những con ma nhà hát lần đầu ra mắt khán giả trên sân khấu Idecaf. Khi ấy, Ái Như, Thành Lộc, Hồng Ánh, Minh Trí là 4 "trụ cột" chính của vở. Họ cũng "dắt mũi" người xem một cách ngoạn mục qua những diễn biến do mình tạo ra.
Nay, vở được dựng lại trên sân khấu Thiên Đăng và thêm thắt một số tình tiết vào để trọn vẹn hơn. Ở cả bản dựng cũ và mới, các nhân vật đều dùng chính tên thật của mình để xưng hô với khán giả.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận