Dòng nước kênh 30/4 và kênh 6 Thước bị ô nhiễm nặng - Ảnh: K.T |
Có mặt tại kênh 6 thước thuộc xã Phú Tân, huyện Châu Thành trưa 31-8, PVTuổi Trẻ Online ghi nhận dòng nước kênh đục ngầu, mùi hôi rất khó chịu.
Nước đen như cà phê
Chị Thạch Thị Hường (ngụ ấp Phước Hòa, xã Phú Tân, huyện Châu Thành) cho biết gần 10 ngày nay, nước kênh 6 Thước lúc nào cũng đen như cà phê. Buổi tối, trời đứng gió, mùi hôi thối bốc lên không sao ngủ được.
“Ba hôm trước, có nhiều cá chết nổi lên. Hôm nay thì đỡ hơn, nhưng vẫn còn nặng mùi. Nếu tình trạng này kéo dài, chắc chúng tôi không chịu nổi” - chị Hường than thở.
Tại kênh 30/4 gần đó, tình trạng cũng tương tự. Nước đen ngòm và mùi hôi tanh bốc lên khiến ai chứng kiến cũng phải lắc đầu kêu trời.
Ông Liêu Hơn (ngụ cùng ấp Phước Hòa) cho biết chưa đầy hai tháng qua, dòng nước kênh 30-4 đã hai lần bị ô nhiễm nặng, bà con không dám bơm nước vào ruộng.
“Tôi dám chắc do nguồn nước thải từ kênh thẻ 25 trong Khu công nghiệp An Nghiệp gây ra”, ông Hơn cho hay.
Theo ông Hơn, kênh thẻ 25 là nơi tiếp nhận nước thải từ Khu công nghiệp An Nghiệp đổ vào. Từ đó, nguồn nước tiếp tục đổ vào kênh 30-4, kênh 6 Thước, kênh Xây Chô…
Bùn nạo vét kênh thẻ 25 được đổ vào bãi đất trống trong Khu công nghiệp An Nghiệp - Ảnh: K.T |
Nước thải nhà máy đạt chuẩn, ô nhiễm chỉ diễn ra cục bộ?
Ngày 31-8, làm việc với Tuổi Trẻ, ông Lâm Hùng Kiện - giám đốc Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Sóc Trăng - khẳng định sau khi nhà máy xử lý nước thải được nâng công suất lên 10.000m³/ngày đêm, ba tháng qua kết quả phân tích mẫu nước thải xử lý đều đạt tiêu chuẩn theo quy định trước khi thải ra môi trường bên ngoài.
“Chúng tôi theo dõi, cập nhật kết quả phân tích tại phòng thí nghiệm và kết quả tại trạm quan trắc tự động hằng ngày, không có chuyện nước thải của nhà máy xử lý gây ô nhiễm môi trường” - ông Kiện khẳng định.
Tuy nhiên ông Kiện thừa nhận gần đây đã hai lần người dân sống gần khu công nghiệp bức xúc về tình trạng ô nhiễm môi trường.
“Chúng tôi đã cử cán bộ khảo sát, giải thích với người dân và chính quyền về nguyên nhân gây ô nhiễm” - ông Kiện cho biết.
Theo ông Kiện, Khu công nghiệp An Nghiệp hoạt động năm 2009. Khi nhà máy xử lý nước thải chưa được nâng công suất, kênh thẻ 25 là nơi tiếp nhận nguồn nước thải bị ô nhiễm. Để giải quyết căn cơ, tỉnh Sóc Trăng đầu tư 450 triệu đồng nạo vét con kênh này.
Giải pháp thi công là bơm hút bùn rồi đổ vào khu đất trống trong khu công nghiệp. Thời gian thi công trên hai tháng.
“Trong quá trình bơm hút, một lượng bùn nhão theo dòng nước đổ vào các con kênh khác, gây ô nhiễm. Việc ô nhiễm này chỉ diễn ra cục bộ, khoảng 10 ngày nữa sẽ hoàn thành việc bơm hút bùn” -ông Kiện thông báo.
Dân không dám bơm nước xạ lúa Ông Lâm Huỳnh Minh Thoại - phó chủ tịch UBND xã Phú Tân - cho biết sáng 31-8 đã cử cán bộ đánh giá màu nước và dòng chảy ô nhiễm các kênh trên địa bàn. Kết quả bước đầu màu nước còn sậm hơn những ngày trước và mùi hôi cũng nặng hơn. “Nông dân chuẩn bị lấy nước để sạ lúa Đông Xuân sớm. Nhưng do nguồn nước bị ô nhiễm như vậy nên chưa ai dám làm. Vụ việc khá nghiêm trọng nên chúng tôi đã báo cáo về huyện” - ông Thoại cho biết. Trong khi đó, một lãnh đạo Chi cục Bảo vệ môi trường, Sở Tài nguyên - môi trường tỉnh cho biết chưa nhận được phản ánh của người dân về tình trạng nhiều con kênh gần Khu công nghiệp An Nghiệp bị ô nhiễm. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận