Gia đình nghệ sĩ Kim Cúc (vợ nghệ sĩ Năm Châu) ở con hẻm cư xá Chu Mạnh Trinh - Ảnh: Gia đình cung cấp
Cư xá Chu Mạnh Trinh
Khoảng thập niên 1960, có một khu cư xá rất nổi tiếng về cư dân "khủng" tập trung tại đây. Đó là cư xá Ngân hàng Đông Dương ở con hẻm 215 đường Chi Lăng, ấp Đông Nhất, xã Phú Nhuận, quận Tân Bình, tỉnh Gia Định, ngoại vi Sài Gòn (nay là đường Đoàn Thị Điểm, Phú Nhuận). Sau này vì có Trường Chu Mạnh Trinh ở đầu con hẻm, mọi người gọi cư xá Ngân hàng Đông Dương là cư xá Chu Mạnh Trinh cho dễ nhớ, dễ chỉ đường cho người Sài Gòn tìm đến dân tỉnh Gia Định.
Cư xá này nổi tiếng vì có nhiều cư dân là văn nghệ sĩ. Có lẽ gia đình nghệ sĩ cải lương Năm Châu là người có mặt sớm nhất từ năm 1957. Chính tại cư xá này, nhà thơ Du Tử Lê đã gặp "phù thủy âm nhạc" Phạm Duy để giới thiệu thơ Nguyễn Tất Nhiên cho ông phổ nhạc.
Có thể kể tên những nhà văn, nhạc sĩ dần dần kéo về đây sinh sống như ca sĩ Minh Trang - Quỳnh Giao, nhạc sĩ Hoàng Nguyên, nhạc sĩ Tuấn Khanh, nhạc sĩ Song Ngọc, nhạc sĩ Anh Tài (Tài ngò), nhà báo Hồng Tiêu - bà Tùng Long, nhà văn Vũ Mộng Long, đạo diễn Hoàng Vĩnh Lộc...
Xóm Lan Chi
Sài Gòn (thời đó là địa phận của Chợ Lớn) cũng có một xóm có tên rất nên thơ là xóm Lan Chi. Thời Pháp thuộc, đường này chỉ có một đoạn ngắn từ đường Petrus Ký đến đường An Bình mang tên là hẻm số 4.
Theo họa sĩ Tạ Tỵ, "hẻm số 4 là con lộ mới làm, mỗi khi có xe hơi chạy qua, bụi tung mù mịt. Đây là khu nghèo của thành phố Sài Gòn. Phần lớn nhà bằng cây. Cái hẻm này còn có nhiều hẻm nhỏ bấu vào nó". Sau 1954, chính quyền làm thêm đoạn đường từ Cộng Hòa (Nguyễn Văn Cừ) đến Petrus Ký (Lê Hồng Phong), mang tên Phan Văn Trị, thuộc Chợ Lớn.
Khi mới vào Sài Gòn, họa sĩ Tạ Tỵ ở trọ và mua được một căn nhà ở khu này. Sau đó các cây bút Thanh Nam, Thái Thủy, Hoàng Thư, Hồ Hữu Tường, Tô Kiều Ngân, nhà phê bình văn học Thượng Sỹ, nhạc sĩ Hoàng Trọng... cũng đến mua nhà tại đây.
Những Tạ Tỵ, Thanh Nam... đâu biết rằng trước đó có một thi sĩ dừng chân tại khu đất nghèo này khi "hành phương Nam" và đặt tên xóm là "xóm Lan Chi" (có phải cải biến từ chữ Nancy của khu Nancy?). Nhà thơ Kiên Giang từng viết: "Anh Bính ơi, tôi viết bài này gần khu phố mà anh đã ở trọ lúc làm báo Đàn Bà ở Sài Gòn trước năm 45. Bây giờ tôi đang ở xóm Nancy. Nghe nói anh cũng ở Nancy nằm trong khu vực Chợ Quán giữa ruột hai đường Nguyễn Biểu và Cộng Hòa".
Đình Phú Thạnh - con hẻm đi vào các sáng tác
Ngày nay, đi từ đường Điện Biên Phủ đến Cách Mạng Tháng 8 quẹo phải một chút là tới một con hẻm. Phía trước hẻm có một cái cổng bằng ximăng, phía trên có gắn tấm bảng cũng bằng ximăng đúc chữ "Đình Phú Thạnh" - 199 Lê Văn Duyệt rực rỡ vàng. Con hẻm này gần khu Chợ Đũi trước đây.
Những năm 1950-1960, đây là một con hẻm nghèo của người lao động chẳng thấy gì có vẻ văn nghệ nhưng lại rất văn nghệ. Nơi đây nhà văn Nhất Linh từng cư ngụ - có lẽ vào lúc ông làm tờ Văn Hóa Ngày Nay, vì nhà văn Bình Nguyên Lộc có kể đã được gặp Nhất Linh tại đây.
Trong con hẻm này, những nghệ sĩ cải lương già về mướn nhà ở những ngày cuối đời. Đây cũng là nơi các gánh hát mới thành lập hội tụ lại để tập tuồng. Nhà văn Nguyễn Thị Thụy Vũ cũng đã sinh sống trong con hẻm này khi vừa từ Vĩnh Long lên.
Trong tùy bút Mái nhà khu phố (tuần báo Khởi Hành, tháng 5-1969), bà kể con đường vào nhà mình: "Nhà của tôi quá hẹp, ở giữa xóm lao động. Chung quanh có nhà của các nghệ sĩ sân khấu về chiều, tiếng ca họ tắt mất âm vang...". Nơi đây cũng chính là bối cảnh của truyện dài Cho trận gió kinh thiên của Thụy Vũ. Đọc lại Cho trận gió kinh thiên, từ trang mở đầu đã thấy khung cảnh con hẻm đình Phú Thạnh ngày xưa với những phận người không thấy được tương lai trong một xã hội ngột ngạt như không khí con hẻm thời đó...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận