Trong nhiều trường hợp, nhờ giỏi “hỏi cung” cơn đau mà một bác sĩ thạo nghề thừa sức đưa ra chẩn đoán lâm sàng bách phát bách trúng.
Theo cách nghĩ thông thường, chỗ nào bệnh thì chỗ đó phát cơn đau. Thật ra, kiểu đau thật thà này không nhiều, chủ yếu là cơn đau thần kinh, còn lại, phần lớn là “bệnh một đằng đau một nẻo”. Y học gọi đây là cơn đau quy chiếu.
ZH - những vùng da “quy chiếu”
Những vùng da ký gởi cơn đau này có tên là Zakharin Head (ZH). Có khá nhiều ZH trên cơ thể, trong đó có một số đã quen thuộc với nhiều người.
Nổi tiếng nhất là đau thượng vị (trên rốn và dưới mũi xương ức): là ZH điểm của bệnh dạ dày, tá tràng, tụy tạng. Nếu đau hạ sườn phải: bệnh ở gan, mật, đôi khi của phổi, thận. Đau ở vùng trên rốn: bệnh ở ruột, thoát vị rốn, viêm ruột thừa mới bắt đầu. Đau vùng dưới rốn: bệnh nhiễm trùng tiểu, bệnh đại tràng... Đau hông thắt lưng: bệnh thận, nhiễm trùng tiểu, táo bón... Hố chậu phải lại là nơi gửi gắm cơn đau nức tiếng của bệnh viêm ruột thừa, buồng trứng, thoát vị bẹn, bệnh Crohn, thai ngoài tử cung, sỏi niệu, viêm túi thừa... Còn hố chậu trái: liên quan đến đại tràng, thoát vị bẹn, hội chứng ruột kích thích, sỏi niệu quản, thai ngoài tử cung, xoắn buồng trứng…
Cơn đau lang thang
Ngoài việc chọn các ZH để lên tiếng, những cơn đau còn có thể được dẫn đi khá xa gọi là cơn đau lan tỏa. Đau thắt ngực của nhồi máu cơ tim, phát tích giữa ngực, trước tim và có thể lan lên cổ, vai, hàm, mặt trong tay trái. Còn cơn đau quặn mật bắt đầu từ hạ sườn leo lên tận vai phải…
Tại sao bệnh một đằng lại đau một nẻo vậy? Bởi tại tủy sống có một vùng tế bào thần kinh đặc biệt tiếp nhận chung đường dẫn thần kinh cảm giác từ da, cơ xương và nội tạng rồi dẫn lên não khiến não không phân biệt được nguồn gốc cơn đau và tiếp tục nhầm lẫn gửi lệnh phát cơn đau đến vùng da ZH tương ứng. Nguồn cơn của cơn đau lan tỏa lại đơn giản là do dẫn truyền thần kinh chạy rông từ nhánh thần kinh này sang nhánh thần kinh khác.
Tất nhiên, vị trí đau cũng chỉ là một trong nhiều triệu chứng bệnh. Bên cạnh nó có các kiểu đau như: đau từng cơn, quặn thắt, đau nhói, đau như bóp nghẹt, như dao đâm…mà người ta có thể khai thác để sáng tỏ thêm bệnh tật.
Những cơn đau “cõi trên”
Ngoài ra, còn có một kiểu đau có phong cách tương tự nhưng ly kỳ hơn: đau tâm lý. Từ rối nhiễu tâm lý ở người mắc hysteria (bệnh giả đò), hưng - trầm cảm, tự kỷ ám thị, tâm thần phân liệt, người bệnh có những cơn đau khó hiểu, mơ hồ, có khi hệt như một cơn đau thắt ngực, đau đầu, có khi yếu liệt như nhồi máu, đột quỵ tới nơi. Bác sĩ khám, xét nghiệm nát nước không tìm được gì bất thường, hóa ra, bệnh của cơn đau “cõi trên” này lại đơn giản: rối loạn tinh thần bắc cầu làm rối thần kinh, nhất là thần kinh thực vật, gây co thắt mạch máu khiến nội tạng bị thiếu máu nuôi, thiếu oxy, kích hoạt cơn đau.
Đặc điểm của đau tâm lý là trơ với mọi loại thuốc giảm đau. Việc điều trị, chủ yếu trông cậy vào các liệu pháp tâm lý, tâm thần. Nhiều bệnh nhân mòn dép hết bệnh viện này sang bệnh viện khác, có trong tay cả xấp xét nghiệm, không tin là những cơn đau đớn của mình là do tâm lý, tới khi chịu phép điều trị tâm thần thấy bớt mới vỡ ra.
Biết chút ít vẫn hơn tù mù
Không chỉ giúp ích cho bác sĩ, mà với đương sự, hiểu được sự tình của cơn đau dù sơ sài vẫn đỡ lo hơn là tù mù chẳng rõ “ruột gan phèo phổi” gặp tai ương chỗ nào. Nó cũng giúp đương sự có “chẩn đoán phân biệt” sơ bộ trong trường hợp “nước sôi lửa bỏng” trước khi được thầy thuốc chẩn đoán chính xác.
Nắm nội tình của cơn đau còn giúp ích trong chiêu điều trị thử để chẩn đoán nếu cần. Chẳng hạn không chắc cơn đau thắt lưng là của thận hay cơ bắp, ta có thể thử xoa bóp, chườm nóng, thoa thuốc giảm đau, nếu sau đó cơn đau dịu lại hoặc biến mất thì đích thị bó cơ lưng nào đó là vấn đề chứ bệnh thận khó lòng qua trị liệu “bong gân trật khớp” mà khỏi được.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận