Cô Nguyễn Thị Thanh Thủy (thứ hai từ trái sang) và cô Hồ Thị Kim Thoa (bìa phải) hướng dẫn học viên dệt vải - Ảnh: H.ĐÔNG
Nhiều tiểu thương chợ Gò Vấp, TP.HCM đã quen hình ảnh 3 người phụ nữ ấy. Đi chợ, các cô luôn vận động mọi người bán rẻ hơn một chút cho các cô. Ban đầu ai cũng thấy lạ, nhưng giờ mọi người đã hiểu câu chuyện: mỗi ngày các cô nuôi dạy, chăm sóc, phục hồi chức năng cho 18 học viên, mỗi người một cuộc đời bất hạnh.
10 năm ngôi nhà tình thương
Ngôi nhà 3 tầng ấy luôn kín cổng, yên lặng ở số 4/17 Phạm Huy Thông, Q.Gò Vấp. Trước cửa, tấm bảng nhỏ sờn cũ, nhạt màu: "Cơ sở bảo trợ xã hội Trái Tim". Và câu chuyện bên trong ngôi nhà ấy thật đặc biệt.
Cô gái mở cổng đón tôi vào nhà, những học viên đặc biệt tầm 18, 20 tuổi hồn nhiên ào ra chào đón khách, niềm nở... Một bạn tầm 22 tuổi, tên Khang, bệnh bạch tạng và thiểu năng, cầm hai ly nước lọc ra mời tôi và cô Nguyễn Thị Thúy Hoa - người quản lý cơ sở này. Cô Hoa khen Khang và bắt đầu kể tôi nghe câu chuyện về mái ấm này.
Hoa tốt nghiệp ngành sư phạm tiểu học, sau hai năm đi dạy, Hoa về dạy tại một trường chuyên biệt ở Q.Bình Thạnh (TP.HCM). "Cơ duyên" đến khi đại diện tổ chức phi lợi nhuận NPO V-HEART của Nhật đến thăm và tặng những khung dệt cho lớp phục hồi chức năng Hoa đang dạy. Hoa học dệt để về dạy lại các em có số phận không may.
Sau khi "tốt nghiệp" lớp kỹ năng học từ người Nhật dạy cho mình, Hoa bắt đầu đi theo con đường: bảo vệ và phát triển kỹ năng sống cho các trẻ mắc bệnh Down, bại não, thiểu năng trí tuệ, giúp các em đến gần hơn với cuộc sống bình thường.
Năm 2007, những người Nhật về nước. Hoa một mình đứng ra gồng gánh nuôi dạy trẻ. Những người bạn Nhật chia sẻ tiền thuê nhà cho Hoa cùng 3,3 triệu đồng tiền lương miễn Hoa đừng bỏ những đứa trẻ tự bơi giữa cuộc đời. Hoa gật đầu.
"Tôi không tin rằng mình đã gắn bó công việc hơn 10 năm" - Hoa bày tỏ. Căn nhà to bề thế này là của một nhà hảo tâm thấy thương Hoa và những học viên nên đã cho thuê với giá tượng trưng. Hiện tại, Hoa cùng hai "cô Tấm" nuôi và dạy nghề 18 học viên. Mỗi học viên khác nhau về chứng bệnh của mình nhưng có niềm vui cùng nhau. Người dân xung quanh thấy Hoa cùng hai đồng nghiệp tất bật đủ thứ việc chạy chợ, lo bữa ăn cho học viên, ai cũng thương nên gọi là "cô Tấm".
Và những tấm lòng
Khi được hỏi về sự trợ giúp của phụ huynh, Hoa cho biết: cơ sở hoạt động phi lợi nhuận. Các bạn đủ 18 tuổi và mắc những chứng bệnh như Down, bại não hoặc thiểu năng trí tuệ đều được nhận vào để Hoa và đồng nghiệp nuôi dạy miễn phí. Hiện tại, ba "cô Tấm" đang nuôi dạy 18 học viên, hầu hết đều có gia cảnh khó khăn: mất bố mẹ, cha mẹ ly dị hoặc gia đình quá khó khăn, không đủ khả năng đưa con mình vào những trường phải đóng học phí.
Hoa giới thiệu về học viên lớn tuổi nhất: "Đây là anh Bình, 40 tuổi, anh bị thiểu năng. Anh lang thang khắp quận vì không được ai chăm sóc. Tôi phải vận động đưa về với tổ ấm này". Ở đây, mỗi sáng các học viên được người thân dẫn đến, chiều dẫn về. Với ba cô, chỉ cần gia đình học viên nói lời cảm ơn là đủ.
Hoa tâm sự: đã từng có một trường quốc tế ở Q.7 (TP.HCM) nhận Hoa về dạy với mức lương cao nhưng rồi Hoa đã ở lại. Những người Nhật xa lạ này dành cho những học viên bất hạnh của mình sự quan tâm đặc biệt, nên Hoa không đành ra đi.
Và tháng ngày qua, các cô âm thầm, chu đáo nhất có thể cho những học viên luôn ngơ ngác của mình. Dần dà, nhiều người hiểu ra việc của Hoa và đồng nghiệp. Những phần quà thường được gửi đến. Lúc thì những hộp cơm, lúc kẹo bánh, có người ghé qua gửi 20 ổ bánh mì. Tôi hỏi mãi về mong muốn của Hoa cho cơ sở của mình, Hoa chỉ mong những sản phẩm may dệt sẽ bán được để mọi thứ đỡ áp lực.
Tôi nhìn một lượt khắp cơ sở của ba cô. Những bông hoa, hình vẽ, sổ yêu thương dán đầy trên các bức tường và tất cả đều là niềm vui của các học viên ở đây. Góc phòng là những chiếc máy may, khung dệt với đủ loại vải đầy màu sắc. Học viên xếp hàng chào, tiễn tôi ra về. Cánh cổng đóng lại sau lưng, tôi luôn tin ba "cô Tấm" ở đây sẽ luôn mở ra cả một khung trời cho những đứa con đặc biệt của mình.
Tự lực cánh sinh
Cô Nguyễn Thị Thúy Hoa hướng dẫn học viên vắt sổ - Ảnh: Hoàng Đông
Cô Hoa dạy nghề dệt, may cho đồng nghiệp, cùng nhận hàng gia công. Họ may đủ thứ, bán kiếm tiền lo cho học viên.
Các cô phân công nhau, người lo làm, người lo đầu ra sản phẩm, người còn lại dạy kỹ năng sống cho các em. Có lúc hàng bán không kịp, học viên không thể bị đói, các cô đành "cầu cứu" những người bạn Nhật.
Những người bạn nơi xa ấy đáp lại bằng việc giới thiệu mái ấm này với những khách du lịch Nhật qua Việt Nam để họ ghé tặng vải.
Dần dà, Hoa cũng không muốn phiền người Nhật nữa vì họ đã giúp quá nhiều rồi. Ngoài việc tìm đầu ra cho sản phẩm thủ công của cơ sở, Hoa đi "năn nỉ" nhiều cửa hàng ăn uống bán hàng cho tổ ấm với giá "tình thương" để có tiền duy trì mái ấm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận