TTCT - Mùi cơm rượu mới tỏa hương thơm nức. Hạt rượu nếp tròn vo, căng óng như những con ong non... Cụ Công Thị Dư chỉ cho tôi xem những miếng men ủ rượu nếp được lựa kỹ.Dăm sáu chục năm trước, tôi còn nhỏ, nhà ở khu phố cổ Hà Nội. Thường chỉ vào dịp Tết Đoan ngọ mùng 5 tháng năm âm lịch, khi mẹ cúng lễ xong, hạ rượu nếp và hoa quả xuống chia đều cho cả nhà thì mỗi người mới được một bát con con để nhấm nhót. Chị em tôi xúc mấy thìa là lưỡi đã líu ríu, mặt mũi đỏ ửng, nhưng vẫn say mê thòm thèm lắm. Đứa nọ nhòm đứa kia mà tị nạnh, tưởng tượng bát cơm rượu của mình là nhỏ nhất, ít nhất.Thỉnh thoảng vào những ngày chủ nhật, trên phố vẫn xuất hiện những gánh rượu nếp bán rong. Mẹ tôi bảo đó là những hàng rượu nếp từ Phú Thượng xuống. Đa phần các cô, các bà bán rượu nếp đều nhuộm răng đen, mặc áo cánh, thắt lưng màu nước dưa, vấn khăn vải trắng hay vải thâm, đội nón lá và gánh những gánh rượu nếp nhẹ tênh tênh, không trĩu nặng như những gánh ngô khoai sắn luộc, hay gánh trám, gánh ốc...Một bên quang gánh là rá rượu nếp nhơ nhỡ, phủ vải màn trắng tinh, đặt trên một chiếc chậu nhôm trắng. Bên kia là chiếc mâm nhỏ bày mươi lăm chiếc bát và những đôi đũa nhỏ xíu, đặt trên một chiếc rổ nhơ nhỡ, trong có xếp vài cái chai thủy tinh nút lá chuối khô. Tiếng rao cất lên ời ợi:- Ai rượu nếp đi! Ai rượu nếp nào!Mỗi khi có ai gọi mua, các bà các cô sẽ hạ gánh xuống, lật tấm vải màn ra, dùng đôi đũa nhỏ xới đôi ba đũa rượu nếp vào chiếc bát con. Đoạn, lấy chai thủy tinh từ đầu gánh bên kia, mở nút lá chuối, dốc vào bát rượu nếp một chút nước rượu. Thỉnh thoảng mẹ tôi cũng rộng lòng mua cho đám con nhỏ mỗi đứa một bát con con, xúc độ dăm ba đũa là hết vèo. Quà quý đắt tiền chứ nào phải rẻ rúng như xôi cháo bún bánh thường ngày đâu.Biết tính mẹ tôi sành sỏi, mỗi khi đơm rượu nếp cho chúng tôi, bà hàng lại mở hé chiếc rá rượu nếp bên trên, khua nhẹ chiếc thìa nhỏ vào chiếc chậu nhôm đặt bên dưới, múc lên một thìa nước cơm rượu đặc sánh rưới thêm vào bát rượu nếp. Mùi rượu nếp dậy lên thơm rựng. Đó mới chính là nước cốt cơm rượu. Còn nước cơm rượu trong chai là nước cốt có pha thêm nước đường để chiều đãi khẩu vị các thực khách trẻ con. Gạo nếp cẩm muốn ủ rượu phải nấu thành xôi để rượu nếp thành phẩm mềm.Mẹ tôi chỉ mua và đặt rượu nếp của bà rượu nếp Phú Thượng quen ấy. Chẳng ai biết tên bà, tất cả đều đơn giản gọi là bà rượu nếp Phú Thượng. Khi bà hàng già yếu không xuống phố được, mẹ tôi mới chuyển sang mua rượu nếp của một gánh hàng Phú Thượng khác, qua nhiều lần nếm náp và ghi nhận chất lượng đúng như ý.Một trong những bà hàng rượu nếp như thế là bà Công Thị Dư. Năm Tân Sửu này, cụ bà Dư đã sang tuổi 84. Cụ bà tóc bạc trắng, vẫn còn nguyên đôi hàm răng hạt na đen nhánh trên gương mặt nhỏ nhắn tươi duyên. Nhà cụ bà Dư nằm ngay dưới bóng cây đa cổ thụ sát ngôi đình cổ của làng Phú Gia, tên nôm là làng Gạ.Hỡi cô thắt dải lưng xanhCó về làng Gạ với anh thì vềLàng Gạ có gốc cây đềCó sông tắm mát có nghề thổi xôi.Không chỉ thổi xôi chuyên nghệ, làng Gạ còn có nhiều nghề liên quan như ủ rượu nếp, nấu cháo kê, nặn bánh trôi bánh chay. Khoảng 600 hộ dân Phú Thượng đều có nếp làm nghề quanh năm. Nhưng hiện giờ, nhà cụ bà Công Thị Dư là hộ chuyên làm rượu nếp lớn nhất trong làng. Ngày thường gia đình cụ làm khoảng mươi lăm đến vài chục cân gạo, nhưng dịp Tết Đoan ngọ thì nhận đặt hàng tới cả gần tấn gạo. Cụ Công Thị Dư. Ảnh: Vũ Thị Tuyết NhungTôi về làng Gạ chơi, gặp bà. Bà cụ mau mắn, xởi lởi: “Tôi học ủ rượu nếp từ mẹ tôi từ nhỏ. Làng này người nào cũng thế. Sáu mươi năm trước cả làng phải vào hợp tác xã, vất vả mà vẫn đói ăn lắm. Tôi phải xin với ông đội trưởng đội sản xuất, cứ mỗi tuần cho tôi nghỉ một ngày chủ nhật để đi lên phố bán rượu nếp, mới đủ nuôi bốn đứa con đấy chứ”.Tôi hỏi cụ, làm rượu nếp thì quan trọng nhất khâu nào. Cụ thủng thẳng: “Gạo tốt. Mùa hè làm nếp nhung mới. Mùa đông làm nếp cái hoa vàng. Men tốt. Men lấy từ mối quen. Đây cô xem, men ta nhé, còn nguyên vỏ trấu. Cứ mỗi cân gạo ủ 3 cái men là vừa vặn. Mùa hè chỉ đậy điệm qua loa, sang ngày thứ ba là được. Mùa đông thì phải ủ ấp kỹ lưỡng, sang ngày thứ năm, nếu trời rét quá thì phải thêm một vài ngày nữa mới chín”.Từ vài chục năm nay, cụ bà Dư đã có cô con dâu thứ ba là chị Nguyễn Thị Quý đỡ đần những công việc nặng nhọc nhất. Chị Quý nay cũng đã ngoại ngũ tuần, là người Sơn Tây về làm dâu đất Phú Gia và được bà mẹ chồng truyền nghề cho từng li từng tí. Thấm thoắt thế mà đã gần ba mươi năm. Chồng chị vốn là thương binh trong cuộc chiến biên giới phía Bắc rồi không may mất sớm. Chị ở vậy, nuôi hai con khôn lớn học hành đến nơi đến chốn chỉ bằng nghề rượu nếp.Dần dần, chị thay thế mẹ chồng đảm đương công việc sản xuất kinh doanh của gia đình. Nhưng chị không còn phải gánh rượu nếp đi bán rong trên phố như mẹ chồng ngày xưa, chỉ vừa làm vừa bán hàng tại nhà và cung cấp hàng đặt qua điện thoại. Khâu rắc men luôn do chị Quý đảm nhiệm.Chị Quý tròn trịa, đi đứng nhanh nhẹn, chân tay xốc vác, thao tác linh hoạt, khéo léo, từ vo gạo, thổi xôi, giã men, vào men, ủ rượu, việc gì cũng trôi chảy đâu ra đấy. Chị ăn nói bộc trực và mộc mạc: “Gạo nếp trắng thì em ngâm qua 3-4 tiếng, vo sạch rồi đồ xôi hai lần. Còn gạo nếp cẩm thì em thổi cơm nếp, vì nếp cẩm cứng hơn, phải thổi cơm nếp cho nó mềm. Xong rồi thì giã men, rây men, rắc đều vào xôi và cơm nếp, cho vào rá đem đậy kín là được”.Tôi hỏi, vào vụ tết mùng 5 tháng năm, hai mẹ con xoay trở thế nào với gần tấn gạo nếp, chị Quý nói: “Lúc ấy em thuê thêm 4-5 người, làm ngày làm đêm mới kịp, vo gạo, thổi xôi, khuân vác... Nhưng phần vào men vẫn phải là người nhà mình đảm nhiệm”.Huỳnh huỵch bê mấy rá cơm rượu mới ủ lên gác, chị Quý lại quày quả bê luôn mấy rá cơm rượu đã chín xuống nhà. Cụ bà Dư cẩn thận vén tấm vải trắng đậy trên rá, xúc đôi bát rượu kính cẩn dâng trên bàn thờ. Mùi cơm rượu mới tỏa hương thơm nức. Hạt rượu nếp tròn vo, căng óng như những con ong non. Cụ đưa mời tôi một bát nhỏ, múc thêm cho tôi đôi thìa nước cốt rượu đặc sánh từ chiếc chậu nhôm hứng bên dưới chiếc rá. Tôi như thấy dậy lên nỗi thèm nhớ vị thảo thơm những ngày thơ ấu xa xưa. Cụ Dư luôn thành kính dâng cúng gia tiên những chén rượu nếp đầu tiên vừa chín.Vài ba chục năm trước, khi Đài PT-TH Hà Nội còn đứng chân ở trụ sở 26 Hàng Dầu, thỉnh thoảng đám phóng viên trẻ chúng tôi lại chạy ra góc ngã tư Hàng Bè - Cầu Gỗ ăn chơi một bát rượu nếp hàng cô Luận - một hàng rượu nếp Phú Thượng cũng khá nổi tiếng. Đúng ngày Tết Đoan ngọ, người ta xúm xít vòng trong vòng ngoài chờ mua. Cô Luận mồ hôi mướt mải, giọng có lúc khản đặc. “Cái rượu nếp nhà cô Luận nó lạ lắm. Ăn cứ giòn bem bép trong miệng, thú vị thật đấy. Tôi mua thử mấy nơi không đâu được như thế, nên ba bốn chục năm tôi chỉ có ra đây thôi” - một bà khách cao niên người ở phố Tôn Đản tấm tắc. “Mà nhà này ủ rượu thế nào mà cứ đúng sáng mùng 5 tháng năm là vừa chín tới. Không sượng cũng không nát. Tài thế chứ!” - bà khách trung tuổi nhà ở phố Nguyễn Hữu Huân phấn khởi khoe bọc rượu nếp mới trên tay. Lâu lắm mới có dịp trở lại phố cổ. Tôi hỏi thăm hàng xôi nếp - rượu nếp cô Luận, ông xích lô góc phố ngẩn người ra một lát: “Cô Luận nào? Bà Luận chứ, bà ấy già lắm rồi. Nghỉ ở nhà lâu rồi. Bây giờ có đứa con gái út kia kìa. Con bé Tuyền đấy”.Ờ nhỉ! Vẫn đúng góc phố ấy, vẫn thúng xôi to đùng và những bọc rượu nếp căng phồng xếp đầy xung quanh. Khách hàng người đứng kẻ ngồi che lấp bóng dáng cô hàng nhỏ bé. Dòng thời gian có ngưng nghỉ bao giờ?■ Tags: Đoan ngọRượu nếpXôi nếpCơm rượuPhú thượng
Học toán trong thời đại AI: Ta cần nghĩ tới những điều mình có thể giúp người khác KHỔNG LOAN 19/12/2024 2011 từ
Tinh gọn bộ máy: Phải có 'đường chạy' nhất quán CAO VŨ MINH (TRƯỜNG ĐH KINH TẾ - LUẬT) 18/12/2024 1788 từ
Thuế nào chống đầu cơ bất động sản hiệu quả? TS Phan Phương Nam (Trường đại học Luật TP.HCM) 18/12/2024 1720 từ
Tin tức sáng 20-12: Chuyển viện 4 nạn nhân cháy quán cà phê; TP.HCM nhiều cơn mưa lớn đột biến TUỔI TRẺ ONLINE 20/12/2024 Một số tin tức đáng chú ý: Tỉ suất sinh của TP.HCM vẫn ở mức báo động; Chuyển 4 nạn nhân vụ cháy quán cà phê về Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai; Vinaconex muốn rút dần khỏi công ty bê tông nghìn tỉ Vimeco...
Son Heung Min ghi siêu phẩm định đoạt Tottenham thắng Man United 4-3 QUỐC THẮNG 20/12/2024 Rạng sáng 20-12, Tottenham đã đánh bại Man United 4-3 ở tứ kết Cúp liên đoàn Anh (Carabao Cup). Ngôi sao Hàn Quốc Son Heung Min đã đóng góp một siêu phẩm từ chấm phạt góc...
Điện Quang báo lỗ, ông Hồ Quỳnh Hưng không còn là người đại diện pháp luật BÌNH KHÁNH 19/12/2024 Ông Hồ Quỳnh Hưng, chủ tịch HĐQT Tập đoàn Điện Quang, không còn là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp này. Người thay thế là ông Trần Quốc Toản.
Kẻ đốt quán cà phê làm 11 người chết khai: vì bị đánh nên không kiềm chế được bản thân DANH TRỌNG 19/12/2024 Tại công an, Cao Văn Hùng tỏ ra bình thản, khai do bị đánh nên thiếu suy nghĩ, không thể kiềm chế được bản thân dẫn đến phóng hỏa đốt quán cà phê làm 11 người chết.