Đam mê không chỉ giúp họ gặt hái những thành tích, giải thưởng và học bổng, mà còn là động lực nuôi dưỡng khát khao được cống hiến, đóng góp...
Học những gì có thể đóng góp cho Việt Nam
Tốt nghiệp đại học trong lĩnh vực khoa học máy tính, sắp tới cô gái sinh năm 2002 Trần Hương Lan sẽ tiếp tục theo học bậc thạc sĩ, với học bổng dành cho nghiên cứu sinh tại Trường đại học Bách khoa liên bang Thụy Sĩ vùng Lausanne (EPFL) - top 10 thế giới về lĩnh vực này.
Niềm đam mê của Hương Lan dành cho các môn STEM bắt nguồn từ khi cô còn bé, chập chững bước vào bậc tiểu học. Khi ấy, cha Lan sắm chiếc máy tính đầu tiên để cô thi Violympic toán và sau đó là các kỳ thi tiếng Anh.
Càng tiếp xúc với máy tính, Hương Lan càng phát triển sự tò mò, yêu thích. Năm cấp III, Lan gọi quyết định thi vào lớp chuyên tin của mình là một "bước ngoặt", bởi đó cũng là lúc cô được chọn vào đội tuyển học sinh giỏi và xác định con đường theo đuổi lĩnh vực khoa học máy tính.
"Mọi thứ giống như một dòng chảy, những cơ hội đến và tôi nắm bắt chúng. Ngày còn bé, tôi học vì cảm giác yêu thích. Lớn lên, tôi nhận ra điều thú vị nhất ở lĩnh vực này chính là sự thay đổi và sáng tạo. Tôi tìm hiểu những thứ mới mẻ, thỏa mãn sự tò mò khi tìm ra cách giải quyết hoặc tiếp cận vấn đề thông qua khoa học máy tính. Đó là một cảm giác như thể 'đi trước thời đại'...", Lan chia sẻ.
Năm 2023, Hương Lan có cơ hội đi học một năm tại EPFL. Không chỉ mở mang tầm nhìn và sự hiểu biết qua quá trình học tập, cô gái ham học hỏi giữ kết nối với các giáo sư, rồi ứng tuyển nghiên cứu trong các phòng thí nghiệm.
"Từ giây phút đó, tôi đã đặt mục tiêu theo học thạc sĩ tại đây. Qua quá trình nghiên cứu về ứng dụng học máy để đóng góp cho giáo dục, tôi được các thầy cô chú ý và cấp học bổng cao học", Hương Lan kể. Ngoài EPFL, Lan cũng được nhận vào Viện Công nghệ liên bang Thụy Sĩ (ETH Zurich), ngôi trường top 10 tốt nhất thế giới, theo bảng xếp hạng QS năm 2023.
Cô gái gen Z cho biết việc đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe trong quá trình làm việc cùng các giáo sư đã giúp cô rèn luyện và phát triển rất nhiều. Đó là sự chủ động, độc lập và chuyên nghiệp để đảm bảo hoàn thành dự án nghiên cứu.
"Từ khi lên đại học, tôi thấy xung quanh mình có nhiều bạn trẻ rất giỏi và nổi bật, với nhiều thế mạnh và mục tiêu theo đuổi khác nhau. Dần dà, tôi học cách đặt mục tiêu để tốt hơn chính mình trong quá khứ thay vì so sánh với người khác. Một người trẻ sẽ cảm thấy lạc lõng, giậm chân tại chỗ nếu không có mục tiêu để cố gắng", cô nhận định.
Năm 2021, Hương Lan tham dự cuộc thi International Blockchain Olympiad và "ẵm" giải nhất hạng mục y tế cho cả vòng quốc gia lẫn vòng toàn cầu với ý tưởng về bảo mật thông tin bệnh nhân, tìm phương án chữa bệnh tối ưu và cá nhân hóa.
Thời gian du học sắp tới, ngoài việc tập trung vào chuyên môn, cô còn mong muốn tham gia cộng đồng Women in STEM (nữ giới trong lĩnh vực STEM - PV) để chia sẻ mối quan tâm và tìm kiếm những hình mẫu để học hỏi, tìm cơ hội nào đó đóng góp cho Việt Nam.
"Ở các nước phát triển và các thành phố lớn, việc nữ giới theo đuổi lĩnh vực STEM khá phổ biến, trong khi tại Việt Nam lại rất hiếm hoi. Tôi mong sau này mình có thể thực hiện những dự án cộng đồng ở quê hương, giúp những nữ sinh cấp III có thể chủ động hơn trong nắm bắt cơ hội và lựa chọn", cô nói.
Công nghệ là "chìa khóa" để Việt Nam hội nhập
Với Lâm Nguyễn Thanh Thảo, cô gái tốt nghiệp ngành phân tích kinh doanh và vừa đạt được học bổng toàn phần thạc sĩ ngành công nghệ trí tuệ nhân tạo tại Đại học Quản lý Singapore (SMU), nổi bật nhất là tinh thần hướng về cộng đồng bên cạnh niềm đam mê khoa học.
Những năm cấp III tại Trường THPT chuyên Lương Thế Vinh (tỉnh Đồng Nai), Thanh Thảo "bén duyên" với STEM từ một buổi triển lãm sản phẩm khoa học, kỹ thuật. Ở đó Thảo bị "cuốn" vào các dự án công nghệ hỗ trợ giải quyết vấn đề cộng đồng.
"Xem những dự án như ghế tự động để hỗ trợ người khuyết tật di chuyển lên xuống cầu thang, tôi hiểu rằng công nghệ không xa vời mà rất gần gũi. Quan trọng nhất là công nghệ có thể ứng dụng để mang đến thay đổi tích cực, đặc biệt là giúp được những người gặp khó khăn, yếu thế", Thảo nói.
Trở về, Thanh Thảo bắt đầu mày mò tự tìm hiểu về lĩnh vực STEM và mong một ngày chính mình được tham gia trưng bày sản phẩm tại triển lãm. Mùa hè năm lớp 10, cô tìm được cơ hội tham gia dự án sử dụng công nghệ hỗ trợ các em nhỏ khuyết tật.
Dự án STEM đầu tiên rất đáng nhớ: "Chúng tôi thiết kế chương trình thực tế ảo dành cho các em nhỏ 5-10 tuổi mắc chứng bại não, co cứng nửa người. Các trò chơi sẽ khuyến khích trẻ thực hiện các động tác vật lý trị liệu, phục hồi chức năng mà bớt nhàm chán, đau đớn".
Năm 2019, dự án "Ứng dụng công nghệ thực tế ảo trong phục hồi chức năng vận động chi trên cho trẻ bại não" đã giúp Thảo đoạt giải nhất cấp trường và cấp tỉnh, sau đó là giải khuyến khích cấp quốc gia tại Cuộc thi khoa học, kỹ thuật học sinh trung học.
Bên cạnh việc học tại trường, Thanh Thảo tìm những khóa học trực tuyến trên các nền tảng như Coursera hay HarvardX để trau dồi thêm kiến thức và kỹ năng, hiểu hơn về các công nghệ.
Sau đó cô thực hành bằng cách vận dụng các kiến thức vừa học để phân tích dữ liệu, tham gia các dự án nghiên cứu hoặc thực hành. Thảo đã có ba bài báo khoa học được xuất bản trên các tạp chí hoặc nhà xuất bản ấn phẩm khoa học lớn như Procedia và Elsevier, trong đó một bài cô đứng tên tác giả chính.
Cô gái sinh năm 2002 khẳng định: bên cạnh cố gắng và nỗ lực để đạt được thành quả cho riêng mình, động lực phía sau những ý tưởng, dự án mà cô thực hiện là hướng về cộng đồng, bởi đó là hình ảnh mà Thảo thường thấy ở mẹ - người dạy cô về sự bao dung, giúp đỡ và lòng nhân ái. Mẹ cũng chính là người đã dạy Thảo thái độ cầu thị, khiêm tốn để có thể học hỏi nhiều nhất có thể.
Thanh Thảo vẫn đang ấp ủ rất nhiều ý tưởng ứng dụng khoa học, công nghệ để giải quyết các vấn đề trong cuộc sống tại Việt Nam. Năm 2021, cùng nhóm với Hương Lan trong cuộc thi International Blockchain Olympiad, Thanh Thảo cũng nhận về giải nhất cho cả vòng quốc gia lẫn hạng mục y tế trong vòng toàn cầu, với ý tưởng về bảo mật thông tin bệnh nhân. Cô mong mình sẽ truyền được cảm hứng cho các bạn trẻ theo đuổi lĩnh vực STEM, đặc biệt là nữ giới.
Đi du học là đi làm đại sứ...
Những ngày cuối tháng 7, Ngô An Hà Trang đang chuẩn bị những bước cuối cùng cho hành trình du học tại Đại học Illinois Urbana-Champaign (Mỹ) ngành kỹ thuật điện và kỹ thuật máy tính theo học bổng toàn phần.
Cũng như Hương Lan, cô gái sinh năm 2002 này "bén duyên" với STEM từ cấp I, khi tham gia các kỳ thi Violympic toán. Lên cấp II, Hà Trang chuyển dần sang yêu thích môn vật lý nhờ những bài giảng lôi cuốn từ cô giáo.
"Tôi may mắn gặp được rất nhiều giáo viên đã giúp tôi nuôi dưỡng tình yêu ngày một lớn dần dành cho môn vật lý. Tôi nhớ có cô giáo sửa bài theo cách của từng học sinh, thay vì yêu cầu chúng tôi sửa bài theo đáp án chung của cô. Chính những việc làm nhỏ nhưng đầy tâm huyết ấy đã khiến tôi nhớ mãi, có những kỹ năng và kiến thức theo tôi suốt đến mãi sau này", Trang kể.
Lên cấp III, Hà Trang tiếp tục theo học lớp chuyên lý tại Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (tỉnh Khánh Hòa), nơi cô dồn rất nhiều nỗ lực để theo đuổi lựa chọn của mình một cách nghiêm túc. Cô nhận được nhiều phần thưởng: học bổng Odon Vallet dành cho sinh viên xuất sắc năm 2020, giải ba tại kỳ thi vật lý quốc gia năm 2020, giải đồng tại cuộc thi International Blockchain Olympiad năm 2021, học bổng toàn phần dành cho sinh viên có học lực xuất sắc tại VinUni…
Hà Trang nhấn mạnh rằng 90% thành quả ấy đến từ những cố gắng nghiên cứu liên tục và bền bỉ, rèn luyện tư duy khoa học, đào sâu nghiên cứu, bên cạnh sự may mắn và năng khiếu trong lĩnh vực STEM.
"Tôi nhớ mình đã học rất nhiều, đặc biệt là sau khi tham gia đội tuyển thi quốc gia môn vật lý ở trường cấp III.
Thông thường, gia đình tôi hay đi ăn sáng, uống cà phê hoặc đi chơi vào cuối tuần, còn tôi trở về nhà học tiếp. Nhiều lúc, cách 'giải trí' của tôi là đi lòng vòng trong hiệu sách, thấy quyển nào hay về chủ đề vật lý thì dừng lại nghiền ngẫm. Tôi cũng lên các diễn đàn vật lý, chủ động tìm kiếm và học hỏi kinh nghiệm, xin tài liệu từ các anh chị đi trước", Trang kể.
Hà Trang nói trăn trở lớn nhất của cô là các bạn nữ theo học ngành STEM cứ "rơi rụng" dần theo thời gian: "Khi tôi học lớp chuyên lý ở cấp III, khoảng một nửa lớp là nữ giới. Tuy nhiên khi lên đại học, chỉ có một mình tôi đi theo ngành kỹ thuật, trong khi các bạn khác đều chọn học luật, kinh doanh, kế toán…
Tôi cũng từng được biết đội tuyển tin học của một trường, khi thi cấp tỉnh và lên đến đội tuyển quốc gia có hai bạn nữ, đã nhận về những bình luận của mọi người xung quanh rằng 'Tại sao không chọn nam mà lại phải đưa nữ đi thi'".
"Có rất nhiều học bổng STEM ở các quốc gia châu Âu và Mỹ dành cho các bạn nữ, cũng như nhiều cơ hội việc làm tại các doanh nghiệp nhằm thúc đẩy nữ giới theo đuổi lĩnh vực này", Hà Trang chia sẻ thêm.
Chuẩn bị cho hành trình du học phía trước, cô bạn sinh năm 2002 tự dặn bản thân phải tiếp tục nỗ lực: "Tôi hiểu rằng khi bước ra thế giới, mỗi du học sinh đều trở thành một 'đại sứ' của Việt Nam".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận