28/10/2017 07:25 GMT+7

Những cô gái 'bốn bể năm châu đều là nhà'

MINH TRANG - TRUNG NGHĨA (thực hiện)
MINH TRANG - TRUNG NGHĨA (thực hiện)

TTO - Bảo Ngọc, Hoàng Oanh, Phụng Yến - những "phụ nữ dịch chuyển" điển hình - chia sẻ với Tuổi Trẻ về những chuyến đi khắp thế giới của họ.

Những cô gái bốn bể năm châu đều là nhà - Ảnh 1.

Hoàng Oanh cùng trẻ em Kenya - Ảnh: NVCC

* Các bạn "xê dịch" từ khi nào? Trở thành một traveler (người du lịch) có làm bạn thay đổi suy nghĩ, cách nhìn nhận cuộc sống so với trước đó?

Hoàng Oanh (tác giả tập sách du kí Mùa hè đó gió thổi tôi đi): Chuyến đi đầu tiên của tôi bắt đầu vào năm 2010, "hết ngày dài lại đêm thâu, gái một mình đi trên đất Phi châu" (cười). Đến nay tôi đã đến hơn 40 quốc gia, vùng lãnh thổ. 

Càng đi nhiều tôi càng nhận ra mình cần phải khiêm tốn, vì thế giới ngoài kia có vô vàn những con người tài giỏi mà vô cùng khiêm nhường.

Phụng Yến (giải Én Vàng 2016): Tôi thích đi đó đi đây từ thời sinh viên và về sau trải qua nhiều chuyến dài hơi tại các điểm đến đậm nét văn hoá như Tây Tạng, Ấn Độ, Nepal, Nhật Bản, Hàn Quốc, Bhutan. 

Cuộc sống xê dịch hẳn nhiên là thú vị. Tôi còn tập yoga ở mọi nơi tôi đến! Sức sống căng tràn ở muôn nơi đưa mình hoà theo dòng đời muôn màu để sống cho thật tròn đầy, không hối tiếc, không than thở, biết cảm nhận, biết lắng nghe.

Bảo Ngọc (blogger du lịch và chia sẻ cách sống, cách nuôi dạy con trẻ): Tôi bắt đầu "xê dịch" nhiều nước khi được học bổng du học ở Úc (2012). Có nhiều nước tôi trở lại nhiều lần để trải nghiệm sâu sắc hơn. 

Những chuyến đi giúp tôi cảm nhận rõ bản thân mình hơn, thấu hiểu bản thân hơn. Và khi bạn hiểu rõ bản thân mình là ai và muốn gì, cách nhìn thế giới của bạn sẽ thay đổi. 

Tôi chu du thế giới từ khi còn là thiếu nữ 19 tuổi cho đến bây giờ đã làm mẹ thì tiếp tục dắt con gái đi.

Những cô gái bốn bể năm châu đều là nhà - Ảnh 2.

Nguyễn Bảo Ngọc tại công viên Hyde Park (London, Anh) - Ảnh: NVCC

* Ai cũng thích đi đó đi đây, bị hấp dẫn bởi du lịch nhưng lại gặp mâu thuẫn vì những trở ngại: kẹt công việc, sợ tốn kém, lo đi một mình buồn, lo điểm đến xa lạ không an toàn... Vậy, làm sao để biến một ước mơ trở thành hành động?

Hoàng Oanh: Tôi tin rằng du lịch chỉ đơn giản là một sở thích cá nhân khá tốn kém, ảnh hưởng đến sự ổn định thường ngày, đôi khi có phần mạo hiểm... Nhưng nếu sở thích đó đủ mạnh thì tự nhiên bạn sẽ có cách để thực hiện nó thôi. 

Tôi xem du lịch như một niềm vui, một phần thưởng, một món quà mình tặng cho mình ở một thời điểm nào đó trong đời.

Phụng Yến: Từ khi lớn lên và nhận biết được mình quá nhỏ bé giữa những thú vị bao la ở xung quanh,tôi đã chủ động chọn những chuyến đi. Những e dè không đủ lớn để cản trở tôi lên đường bởi đã có mục tiêu rõ ràng. 

Sau mỗi chuyến đi thì túi tiền vơi hơn nhưng tâm hồn và trải nghiệm thì giàu thêm. Nếu bạn biết mình muốn gì, bạn sẽ biết cách cân bằng và sắp xếp mọi thứ ổn thoả.   

Bảo Ngọc: Cuộc sống ngắn ngủi lắm và tiền là thứ duy nhất có thể kiếm lại được. Hãy trải nghiệm và khám phá khi có thể. Bạn không biết những điều gì tốt đẹp đang chờ đón mình đâu. 

Dĩ nhiên, các bạn phải trang bị cho mình kiến thức thật tốt, nghiên cứu và đọc nhiều, để đừng bao giờ đưa bản thân mình vào nguy hiểm.

Vì đâu họ trở thành những con nghiện xê dịch?

TTO - Không cần việc làm ổn định ngày 8 tiếng, xê dịch cho ta được sống, đi và thở một cách trọn vẹn với mơ ước, sẵn sàng học hỏi và đối mặt với cuộc sống bên ngoài bức tường an phận.

* Nhưng bạn trẻ có nên vét sạch túi cho 1 chuyến đi?

Phụng Yến: Khi đi du lịch thì một là liệu cơm gắp mắm, hai là nếu muốn "gắp nhiều mắm" thì bạn ráng làm việc kiếm tiền hoặc có kế hoạch tiết kiệm trước.

Bảo Ngọc: Tôi luôn dự trữ 20% những gì mình có để dự phòng. Có lần tôi đi chơi về thì mất việc nên 20% đó giúp tôi an tâm trong thời gian tìm việc mới.

Hoàng Oanh: Các bạn trẻ bây giờ rất năng động và giỏi. Họ hoàn toàn có thể xê dịch bằng nhiều cách khác nhau mà không phải đắn đo quá nhiều chuyện "vét túi": đăng ký đi tình nguyện cho các tổ chức phi chính phủ, đi trao đổi văn hóa, tham gia các cuộc thi mà phần thưởng là những chuyến đi...

Những cô gái bốn bể năm châu đều là nhà - Ảnh 4.

Bạn nữ Việt khám phá vùng biển El Nido (Palawan, Philippines) - Ảnh: NVCC

* Hình ảnh một cô gái đi du lịch một mình rất cá tính song thường mang đến nhiều suy nghĩ trong mắt dư luận: người thì nể, kẻ lại bảo "khùng mới đi một mình", còn các bậc phụ huynh lo sốt vó sợ con gái cưng "rủi có bề gì"…

Bảo Ngọc: Một cô gái mê những chuyến đi 1 mình là những cô gái muốn thấu hiểu nội tâm, muốn chinh phục thử thách, muốn chứng tỏ với bản thân (chứ không phải là người khác) là làm được những điều không thể. Họ có bản lĩnh và giỏi xoay trở vì các chuyến đi thường có những sự cố bất ngờ.

Hoàng Oanh: Gần đây tôi biết khá nhiều bạn nữ Việt lên đường du lịch một mình đầy tự tin và hào hứng. Người ta nghĩ gì thì cứ kệ người ta thôi. Với tôi, đó là kiểu du lịch tuyệt vời nhất mà tôi từng thực hiện. 

Một hành trình cô độc đem lại cảm giác tự do tuyệt đối. Bạn toàn quyền lên kế hoạch hành trình hay thay đổi nó vào phút chót, thực hiện những điều chưa từng làm, nhìn thấy một bản ngã khác của bản thân. Có thể qua đó bạn sẽ dũng cảm, can trường, nhạy bén, khiêm tốn, hòa đồng và trưởng thành hơn.

Phụng Yến: Thực ra, nếu được chọn lựa, tôi vẫn thích có bạn đồng hành hợp ý hơn là đi một mình. Nhưng trong trường hợp vì một lý do nào đó không có bạn mà mình lại quá muốn đến nơi đó thì "mình thích thì mình đi thôi". Đôi khi chuyến đi đó lại trở nên thú vị nhất.

Những cô gái bốn bể năm châu đều là nhà - Ảnh 5.

Bạn trẻ Việt du lịch tại Paris (Pháp) - Ảnh: NVCC

* Trên mạng có những cuộc tranh cãi chưa hồi kết về chuyện du lịch chi nhiều tiền hay ít tiền, nghỉ dưỡng sang trọng hay du lịch bụi đường, đi tận hưởng cuộc sống hay đi theo kiểu hành xác... Các bạn nhìn nhận vấn đề này như thế nào?

Hoàng Oanh: Chuyện tranh cãi này là không cần thiết. Vì mỗi người có mục đích, sở thích, điều kiện, thời gian, tài chính, sức khỏe khác nhau, nên họ có cách đi khác nhau, miễn sao họ thấy vui vẻ và thỏa mãn là được. Chẳng có cách nào là hay hơn hay dở hơn cách nào.

Phụng Yến: Tôi cũng đồng ý với Hoàng Oanh. Ai cũng có sự lựa chọn của mình. Chỉ cần dù là đi dạng gì, ta cũng là một khách du lịch văn minh và thu nhận được về mình những điều tích cực sau mỗi chuyến đi là được.

Bảo Ngọc: Bạn cứ làm gì phù hợp và có ý nghĩa với mình nhất. Chỉ cần mình vui vẻ hạnh phúc là được.

Những cô gái bốn bể năm châu đều là nhà - Ảnh 6.

Tiger's Nest (Bhuntan) - điểm đến được bạn trẻ Việt yêu thích gần đây - Ảnh: NVCC

* Giá trị của tinh thần đi đó đi đây đối với phụ nữ trẻ?

Hoàng Oanh: "Sống xê dịch" là một xu hướng phổ biến và một chuyến đi có thể giúp bạn tái tạo năng lực, nguồn vui sống, để bổ sung kiến thức và vốn sống. Nhưng cũng không nên quá tôn sùng chủ nghĩa xê dịch như một thước đo cho lòng dũng cảm, sự phóng khoáng hay một dạng nghi thức trở thành công dân toàn cầu. 

Cuộc phiêu lưu vĩ đại nhất trong đời không cần đến tấm hộ chiếu. Chẳng ích gì nếu hộ chiếu đầy ắp dấu mộc mà chủ nhân của nó vẫn nông cạn, thích khoe khoang và hay phàn nàn.

Bảo Ngọc: Luôn nhớ việc "xê dịch" để khám phá, học hỏi là để nhìn sâu, nhìn xa hơn không phải chỉ là thế giới rộng lớn ngoài kia mà còn là trong nội tại bản thân mình.

Phụng Yến: Giá trị của việc đi du lịch với tôi là mọi giới hạn đều được nới rộng: tầm mắt, khả năng, kỹ năng và suy nghĩ của bạn. Và bạn sẽ cảm nhận cuộc sống này chưa bao giờ thôi tuyệt vời.

* Một cô gái đi du lịch cần chuẩn bị điều gì quan trọng?

Bảo Ngọc: Kiến thức. Kiến thức. Và Kiến thức! Kiến thức quan trọng hơn cả tiền bạc. Bạn cần hiểu biết ở nước đó hệ thống giao thông ra sao, sân bay, khách sạn, văn hoá, tập quán, an ninh, cách giữ liên lạc với người thân khi cần thiết...

MINH TRANG - TRUNG NGHĨA (thực hiện)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên