Một trường hợp mang thai sinh con ở tuổi vị thành niên tại Bệnh viện Phụ sản Cần Thơ - Ảnh: T.LŨY
Đa số các trường hợp mang thai ở tuổi vị thành niên là ngoài ý muốn, do thiếu hiểu biết, nhiều bé gái đã trở thành bà mẹ khi còn cắp sách đến trường.
Cần cung cấp thông tin, tư vấn cũng như dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục đầy đủ cho các em mọi lúc mọi nơi, không nên che giấu úp mở. Nên thông tin từ khi các em còn trên ghế nhà trường, từ các buổi sinh hoạt vui chơi của các tổ chức đoàn thể địa phương. Ở đó cần có các chủ đề về tình yêu, tình dục, phòng tránh thai, nguy cơ nhiễm khuẩn lây truyền qua đường tình dục... cho các em hiểu.
Bác sĩ Nguyễn Hữu Dự (giám đốc Bệnh viện Phụ sản Cần Thơ)
Làm mẹ ở tuổi teen
Sáng 24-10, tại khoa sản bệnh Bệnh viện Hùng Vương, một cô gái với khuôn mặt rất trẻ, dáng vóc bé nhỏ từ buồng bác sĩ tư vấn bước ra từng bước chậm rãi, nặng nhọc. Từ xa, một người con trai chạy đến dìu cô gái này đến giường bệnh. Trên đầu giường, hồ sơ bệnh án ghi: "Sản phụ H.T.N., 17 tuổi, quê quán Long An, thai nhi 18 tuần tuổi".
Một trường hợp khác điều trị ở khoa sản A, Bệnh viện Từ Dũ là C.T.M.H. (Hóc Môn, TP.HCM) mới 19 tuổi đã là mẹ của một đứa con 2 tuổi và đang mang thai lần thứ hai. Chiều 23-10, H. đến Bệnh viện Từ Dũ khám thai lần 2 khi thai nhi được 22 tuần tuổi.
Không chỉ ở TP.HCM, ở các tỉnh miền Tây, các bác sĩ báo động tình trạng mang thai, sinh con tuổi vị thành niên cũng nhiều, đơn cử như Cần Thơ.
Sinh con hay phá thai đều nguy hiểm
Theo số liệu của Bệnh viện Phụ sản Cần Thơ, trong 8 tháng đầu năm 2018, bệnh viện đã tiếp nhận hơn 315 trường hợp mang thai vị thành niên đến khám và sinh con.
Trong năm 2017 có đến 747 trường hợp trẻ vị thành niên nhập viện, trong đó có 725 nhập viện để sinh. Đặc biệt có đến 261 trường hợp chuyển dạ có chỉ định mổ lấy thai, trong đó nguyên nhân chính là do khung chậu người mẹ nhỏ.
Rất nhiều trường hợp mang thai vị thành niên phải nhập viện trong tình trạng cấp cứu. Mới đây bệnh viện này đã nhận 3 trường hợp sản phụ chưa được 18 tuổi. Trong số đó, sản phụ P.T.A. (16 tuổi, quê Vĩnh Long) nhập viện cấp cứu và sinh non khi thai chỉ vừa 34 tuần tuổi.
A. chia sẻ khi biết mình có thai em không biết làm thế nào, lúc đó em cũng không dám nói chuyện với cha mẹ nên đã tìm cách giấu mọi người, quấn bụng thật chặt để che giấu. Cho đến ngày phải đi cấp cứu, mọi chuyện vỡ lở, gia đình mới biết em có thai...
Còn sản phụ L.T.Y. (15 tuổi, quê Hậu Giang) mang thai ngoài ý muốn nên giấu gia đình và chỉ đến khi bụng to gia đình mới biết. Bé Y. phải nhập viện cấp cứu ở địa phương, sau đó phải chuyển lên Bệnh viện Phụ sản Cần Thơ do thai 36 tuần, nhịp tim thai bất thường/suy thai... phải mổ cấp cứu.
Theo các bác sĩ, thai phụ tuổi vị thành niên đối mặt với rất nhiều tai biến sản khoa, nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe, tính mạng của mẹ và bé trong suốt thai kỳ, trong cuộc "vượt cạn". Trẻ vị thành niên mang thai, sinh con có tỉ lệ trẻ dị tật cao. Sau sinh, nếu các em không được người thân quan tâm, dễ dẫn đến trầm cảm, rối loạn tâm thần...
Có bé mang thai khi mới 12 tuổi
Bác sĩ CK II Nguyễn Hữu Dự - giám đốc Bệnh viện Phụ sản Cần Thơ - băn khoăn: "Con số trẻ vị thành niên mang thai và sinh con trong thời gian gần đây rất đáng báo động, có trường hợp cá biệt bé gái mang thai khi chỉ mới 12-13 tuổi. Ở độ tuổi này, về phát triển thể chất lẫn tâm sinh lý, các em chưa sẵn sàng cho việc làm mẹ, có thể trở thành gánh nặng cho cả gia đình và xã hội. Đa số các em đến từ vùng nông thôn, vùng sâu, đã nghỉ học và không có việc làm ổn định...".
Theo khảo sát của các bác sĩ sản khoa, các em vị thành niên mang thai cho biết các em không hề biết mình có thai khi bụng chưa to lên bất thường. Do phần lớn các em thiếu kiến thức về chu kỳ kinh nguyệt, một số em không hề hay biết mình đã hành kinh hay chưa, không quản lý được chu kỳ của mình nên không phát hiện trễ kinh.
Chỉ khi có các dấu hiệu ồ ạt như tăng cân, thay đổi sắc tố da hay buồn nôn, thèm ăn bất thường, đi tiểu nhiều hơn... thì mới phát hiện ra. Khi đó, hầu hết các em lo sợ không dám đến các cơ sở y tế để khám và tư vấn, mà thường chỉ ra nhà thuốc mua que thử thai nhanh. Khi kết quả là dương tính, nhiều em rơi vào khủng hoảng, dẫn đến những suy nghĩ tiêu cực và tìm cách che giấu...
Thông tin từ Bệnh viện Phụ sản Cần Thơ, đa số trường hợp mang thai và sinh con ở tuổi vị thành niên bị ảnh hưởng tâm lý, vượt qua cuộc sinh nở khó khăn cũng như cơn đau đẻ chưa từng có khiến tâm lý của các sản phụ vị thành niên trở nên nhạy cảm, dễ rơi vào hoang mang, trầm cảm. Theo đó, chứng trầm cảm sau sinh dao động từ 7-37%. Tỉ lệ mắc các triệu chứng trầm cảm sau sinh gia tăng cao trong 3 tháng đầu sau sinh.
Nguy hiểm khó lường
Khám cho sản phụ tuổi vị thành niên cấp cứu tại Bệnh viện Phụ sản Cần Thơ - Ảnh: T.LŨY
Theo bác sĩ Huỳnh Thanh Liêm, nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe, tâm lý khi mang thai trong độ tuổi vị thành niên (dưới 18 tuổi) là rất lớn.
Do trẻ em gái dưới 18 tuổi có cấu tạo bộ phận sinh sản chưa hoàn thiện về chức năng, mang thai ở tuổi này sản phụ dễ gặp các nguy cơ dọa sẩy, đẻ non.
Trong quá trình mang thai, cơ thể chưa phát triển đầy đủ dẫn đến thiếu máu, thai kém phát triển, dễ bị thai chết lưu hoặc sinh con thiếu cân, suy dinh dưỡng. Bên cạnh đó, ở độ tuổi quá trẻ, bộ khung xương chậu của trẻ nữ chưa giãn nở như người trưởng thành, gây cản trở quá trình chuyển dạ dẫn tới sinh khó, có thể phải can thiệp bằng các thủ thuật và phẫu thuật.
Trong quá trình mang thai, tử cung chưa phát triển đầy đủ phải chịu áp lực căng giãn trải qua gần 9 tháng mang thai, dễ dẫn đến sự co hồi kém gây đờ tử cung... Các nhóm cơ tử cung cũng chưa thực sự phát triển tốt, thành cơ tử cung mỏng dễ xảy ra biến chứng trong quá trình sinh con.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận