11/09/2021 11:43 GMT+7

Những cô bé im lặng

PHẠM VŨ
PHẠM VŨ

TTO - Con số tử vong trong đợt dịch thứ tư này tại TP.HCM gieo ám ảnh vào mọi người. Mỗi ngày hàng trăm người ra đi, để lại phía sau hàng trăm gia đình với bao nhiêu đau xót.

Những cô bé im lặng - Ảnh 1.

Ba mẹ con chị Mai Thị Hạnh, Mai Hân, Thành Danh bên bàn thờ anh Võ Trung Trực - Ảnh: TỰ TRUNG

Chúng tôi đến với hai gia đình như thế ở thị trấn Tân Túc, Bình Chánh. Hai gia đình trong hàng ngàn gia đình đang đau buồn mất mát của TP.HCM.

Mai Khanh u buồn

Con hẻm ngoắt ngoéo dẫn chúng tôi vào sâu trong khu đất vườn được chia ra mấy căn nhà cấp 4 cho mấy gia đình ruột thịt. Trước sân, một tượng Phật Bà Quan Âm cầm bình nước cam lồ đứng từ bi. Dưới chân bà, ba chiếc hộp giấy có ghi tên tuổi vẫn còn nguyên chưa mở.

Cô bé Nguyễn Thị Mai Khanh mới 14 tuổi nhưng cao và có dấu hiệu bị bệnh béo phì. Được hai người cậu gọi, Mai Khanh chui ra khỏi căn nhà ọp ẹp, kéo ghế ngồi, im lặng, tay không rời điện thoại, mắt không dứt ra khỏi trò chơi liên quân chắc hẳn đang hồi gay cấn. 

Anh Nguyễn Thanh Hùng - cậu Tư của bé - kể Khanh được cha mẹ cưng lắm, nên khi bé kêu đau đầu, học không vô thì cha mẹ đã cho nghỉ học khi chưa hết cấp I. "Sau này học nghề cũng được", cha nói vậy. Mẹ làm thợ may ở nhà, quanh quẩn may vài bộ đồ cho bà con lối xóm. Mai Khanh muốn phụ, mẹ bảo "còn nhỏ, tay chân vụng về, biết gì mà làm".

Nhưng Mai Khanh chưa kịp lớn thì đầu tháng 7 vừa rồi "cơn bão" đã ập đến. Bà cô ruột của anh Nguyễn Văn Sang, cha của Khanh, ở Long An trở bệnh anh rời nhà xuống chăm sóc bà. Chừng một tuần, anh cũng sốt ho, mệt mỏi. 

Chị Tuyết Mai, vợ anh, dẫn bé Mai Khanh xuống chăm chồng, chăm bà cô. Rồi anh Sang và bà cô cùng mất ngày 10-7 ở Long An. Y tế xã đến làm xét nghiệm. Kết quả trả về: anh Sang dương tính với COVID-19. Gia đình vay mượn 50 triệu đồng thuê dịch vụ hỏa táng rồi gửi cốt lên chùa.

Mẹ và Mai Khanh quay về nhà ở Tân Túc, Bình Chánh. Mấy ngày sau đến lượt chị Mai sốt, phải vào nhập viện ở Bệnh viện Nguyễn Tri Phương. Chị cũng có kết quả dương tính. Rồi sau đó đến lượt bà ngoại, ông ngoại của Mai Khanh cùng trở bệnh. Hai người lần lượt được y tế xã đưa đến Bệnh viện hồi sức điều trị COVID-19 tại Trung tâm Thủ Đức, Bệnh viện Gò Vấp... 

"Rồi lần lượt từng chiếc hộp giấy bên trong đựng những hũ tro cốt có ghi tên mẹ Nguyễn Thị Tuyết Mai - mất ngày 5-8, bà ngoại Nguyễn Thị Lang - mất ngày 1-8, ông ngoại Nguyễn Văn Quân - mất ngày 6-8 được đưa về" - cậu Tư, của Khanh, nhắc lại từng thời điểm một, như để nhắc lại với mình rằng đây là sự thật.

"Khanh ơi, sau này con muốn làm nghề gì?" - tôi cố gắng gợi chuyện. Cô bé ngẩng đầu, mắt sáng lên một chút: "Con muốn học nghề trang điểm, làm tóc. Mẹ nói 16 tuổi sẽ cho đi học". 

Câu chuyện lại đâm vào ngõ cụt của sự mất mát, tôi thêm một chút nỗ lực vớt vát: "Mấy bữa nay đang dịch, con ở nhà với cậu, cố gắng tập thể dục giảm cân. Yên ổn rồi cô tìm chỗ cho con học nha". Cô bé gật đầu, mủm mỉm như khoe: "Bữa giờ con giảm được 8kg rồi, tại đâu có ai mua cho đồ ăn nữa".

Mai Khanh đến ôm chiếc hộp có ghi tên mẹ: "Các chị nói qua dịch mới về được, mới làm lễ cúng cho cha mẹ, ông bà được". Hai chị gái của Khanh đều đã lấy chồng, có con, ở riêng tận Long An. Từ hôm những cơn bão COVID-19 thổi vào nhà, chưa chị nào có cơ hội trở về ôm cô em gái...

Những cô bé im lặng - Ảnh 2.

Mai Khanh ôm hũ tro cốt của mẹ - Ảnh: TỰ TRUNG

Mai Hân lặng lẽ

Chúng tôi đến nhà khi Võ Ngọc Mai Hân chưa kết thúc buổi học trực tuyến đầu tiên với lớp 10C6 Trường PTTH Tân Túc. Cậu em trai Võ Thành Danh năm nay sẽ lên lớp 2 quanh quẩn bên cạnh xem lớp học trên Zoom của chị. 

Căn nhà rộng của ông Võ Văn Tấn, ông nội của Mai Hân, lặng lẽ, tịch mịch với sợi khói mỏng bay quấn lên từ vòng nhang trên bàn thờ mới lập. Anh Võ Trung Trực, con út của ông, năm nay mới 43 tuổi. Trên bàn có một đĩa mứt dừa, vài trái táo cúng thất thứ ba của anh. Chị Mai Thị Hạnh, vợ anh Trực chỉ lắc đầu, cúi mặt khi nghe hỏi chuyện.

"Bệnh này dữ quá - ông Tấn đỡ lời cho con dâu - nào chúng tôi có ngờ, có biết gì. Cuối tháng 7, công ty của Trực yêu cầu làm "3 tại chỗ" để chống dịch. Vậy là cha tụi nó xách giỏ quần áo đi, nghĩ là một tuần về thăm nhà một lần, hay ở đó chừng nửa tháng thì yên. Nào ngờ mới đi được một tuần thì xưởng thành ổ dịch. 

Trực và anh trai nó cùng làm một chỗ, cùng bị nhiễm, báo về nhà là được chuyển vào Bệnh viện dã chiến Tân Túc, gọi điện về nhà được một - hai lần, hỏi thăm sức khỏe, bảo cả nhà đừng lo lắng gì. 

Anh trai điều trị khỏi, được về rồi, còn Trực thì được đưa tiếp vào Trung tâm hồi sức ở Bệnh viện Ung bướu 2, rồi không liên lạc được nữa". 20 ngày sau lần liên lạc cuối cùng, các anh bộ đội ôm chiếc hộp đựng hũ tro cốt của anh Trực về giao vào tay chị Hạnh. Chị vẫn chưa tin được nay mình đã thành góa phụ, hai chị em Mai Hân phải mồ côi.

Những lời chia buồn nghe thật vô nghĩa, chúng tôi ngồi im lặng một lúc lâu, chị Hạnh mới mở lời: "Bữa giờ ngày tôi cũng khóc nhưng phải trốn, phải giấu không để cho con thấy kẻo nó thêm suy sụp. Người mất đã mất rồi, dịch bệnh vậy, số phần vậy, đành chịu, Không được chia tay với chồng, nhưng tôi biết anh mong tôi vững vàng, để còn lo cho con".

Danh sách các em học sinh ở TP.HCM phải mất cha, mất mẹ, hay phải mồ côi cả cha mẹ trong đợt dịch thứ tư này đã vượt con số 250.

Những người làm cha, làm mẹ phải ra đi âm thầm cô độc khi hơi thở không còn, để lại các con bơ vơ ngơ ngác khi được nhận những chiếc bình gốm hoa sen có dán tên cha mẹ.

Người ra đi không thanh thản, không nhẹ nhàng, người ở lại cũng không nguôi bàng hoàng day dứt...

Bác sĩ gửi Bác sĩ gửi 'tâm thư' hiến kế giảm tử vong bệnh nhân COVID-19 ở tâm dịch

TTO - PGS-TS Phạm Duệ, nguyên trưởng khoa chống độc Bệnh viện Bạch Mai, và đồng nghiệp vừa gửi "tâm thư" tới các cấp có thẩm quyền, nêu các giải pháp giảm tử vong cho bệnh nhân COVID-19. Được sự chấp thuận, Tuổi Trẻ Online xin đăng tải.

PHẠM VŨ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên