Bạn Trần Quang Hòa (ngoài cùng, phải) trong một sự kiện gây quỹ “Cơm có thịt” cho trẻ vùng cao tại Việt Nam trong những ngày còn du học ở Hoa Kỳ - Ảnh: H.TRẦN
Ở tuổi 33, Trần Quang Hòa đã đặt chân qua hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trước đó, Quang Hòa từng nhận học bổng cao học tại Hoa Kỳ cùng nhiều giải thưởng, công trình nghiên cứu trong và ngoài nước.
Cơ duyên với nghề
Quay trở lại thời sinh viên, Quang Hòa từng học cùng lúc hai trường đại học với hai ngành kinh tế và tiếng Anh.
"Tôi thi và học ngành kinh tế vì có xuất thân là dân chuyên toán. Trong khi đam mê tiếng Anh bắt nguồn từ câu chuyện bố là thuyền trưởng tàu viễn dương. Sau mỗi chuyến đi biển dài ngày, bố thường trở về với những câu chuyện đầy mê hoặc về các vùng đất xa xăm, về các nền văn hóa lạ lẫm ở phía bên kia bờ đại dương. Đầu những năm 1990, thằng nhóc trong tôi ngồi há hốc mồm khi nghe đến cái gọi là nhà hàng buffet băng chuyền tại Nhật, nơi mà thực khách muốn ăn bao nhiêu cũng được với những chiếc đĩa khẩu phần chạy liên tục" - bạn bật cười, nhớ lại.
Song song đó, hình ảnh các chính trị gia lịch lãm thường xuất hiện trên các bản tin thời sự cũng khắc dấu sâu trong suy nghĩ của bạn.
Những mẩu chuyện nho nhỏ, thú vị ấy thôi thúc Quang Hòa tìm hiểu, suy nghĩ về cách tự nhìn thấy tận mắt nét đẹp của các nền văn hóa, được đặt chân đến nhiều vùng đất và nhận ra việc học giỏi tiếng Anh chính là "bàn đạp" bắt buộc.
Và cũng chính vì khát khao làm trong lĩnh vực ngoại giao quá lớn mà ngay cả khi đang làm việc cho các tập đoàn đa quốc gia sau lúc tốt nghiệp đại học, Quang Hòa vẫn ngóng các cơ hội phù hợp. Vận may mỉm cười, bạn được chọn vào Sở Ngoại vụ Hải Phòng sau ba vòng thi căng thẳng.
"Thực chất tôi không đỗ vào phòng hợp tác quốc tế như nguyện vọng ban đầu mà được nhận về phòng lễ tân - báo chí, phụ trách công tác lễ tân ngoại giao cho các lãnh đạo thành phố khi tiếp khách quốc tế và đi công tác nước ngoài, đồng thời hướng dẫn báo chí nước ngoài hoạt động tại địa phương. Nào ngờ đây lại là một cơ hội thú vị khác và tôi vẫn được đi nhiều, nghe nhiều như mơ ước năm nào", bạn chia sẻ.
Làm công chức một thời gian, Quang Hòa quyết định tìm học bổng du học. "Ban đầu tôi chỉ cố tìm cơ hội để bước ra khỏi "vòng tròn an toàn" hay thoát khỏi nếp sống cũ. Sau đó tôi ngẫm nghĩ và thấy mình cần một ngã rẽ để thật sự hiểu bản thân cần gì, muốn gì" - bạn nói về lý do theo học cao học hành chính công tại Đại học Indiana (Hoa Kỳ) với học bổng toàn phần.
Đứng dậy từ thất bại
Dù có thành tích tốt trong học tập và làm việc ở Việt Nam, Quang Hòa cho biết giai đoạn đầu du học vẫn rất chật vật. "Điểm IELTS 7.5 vẫn không giúp tôi nói tròn vành, rõ chữ một câu tiếng Anh trong tháng đầu tiên tại Mỹ. Tôi phải tập thích nghi lại từ việc học nói, học phát biểu trong lớp, học cách hòa nhập văn hóa địa phương...", Quang Hòa nhớ lại.
Rồi cuộc sống riêng tại Mỹ của bạn cũng ít nhiều sóng gió, khiến Quang Hòa từng chểnh mảng việc học. Nhưng phải đến lúc bạn bị một giáo sư gọi lên văn phòng cảnh cáo vì tội "đạo văn" thì Quang Hòa mới chấp nhận một lần can đảm nhìn lại, tìm cách tháo gỡ các vấn đề bản thân đang gặp phải.
"Tiêu chuẩn về cách trích dẫn nguồn của trường rất chi tiết, có xác định tỉ lệ phần trăm các chữ sử dụng trùng lặp so với bản gốc... Nếu bị xác định vi phạm nghiêm trọng về "đạo văn", sinh viên có thể bị trượt môn và đồng nghĩa với việc đánh mất học bổng, phải rời khỏi chương trình học.
Tôi hoảng hốt tột độ và phải chân thành trình bày với giáo sư về cách làm, những hiểu nhầm của mình khi trích dẫn. Vị giáo sư đó đã hướng dẫn tôi rất cụ thể về cách trích dẫn học thuật phù hợp theo tiêu chuẩn quốc tế, giúp tôi hiểu và trân trọng hơn bản quyền về thông tin và nghiên cứu. Tôi cảm thấy rất may mắn khi được bà thấu hiểu và thông cảm", Quang Hòa không giấu được xúc động khi nhớ về trải nghiệm năm nào. Bạn sau đó tốt nghiệp vào tháng 8-2014.
Và bạn thừa nhận bản thân từng gặp rất nhiều thất bại, vô số thư từ chối cấp học bổng... đến mức từng hoài nghi về ước mơ và giá trị của bản thân.
"Để rồi sau này tôi nhận ra một điều là mình không nhất thiết phải thông minh nhưng phải thật sự kiên trì để có thành quả. Tôi vững tin hành trình góp phần kết nối ngoại giao các nước của mình sẽ có ít nhiều giá trị vì đó là tình yêu lớn của cuộc đời mình", Quang Hòa khẳng định.
Những "lát cắt" khó quên từ các chuyến đi
Khi là đại biểu chương trình Tàu Thanh niên Đông Nam Á - Nhật Bản (SSEAYP) năm 2015, Quang Hòa bị giãn dây chằng cơ lưng trên tàu.
"Chắc trong cuộc đời tôi chưa bao giờ nhận được nhiều yêu thương đến thế. Bạn bè trên tàu ai nấy đều hết mình giúp tôi từ việc mặc lễ phục đến đẩy xe lăn, ban tổ chức người Nhật thì lập tức thực hiện các biện pháp kiểm tra và điều trị y tế khẩn cấp... Có lẽ nhờ sự quan tâm ấm áp đó mà cuối cùng tôi đã bình phục nhanh hơn, có thể đứng dậy đại diện đoàn Việt Nam thực hiện bài thuyết trình quan trọng trước Nội các Nhật Bản", Quang Hòa nhớ lại.
Hay như khi công tác tại Sở Ngoại vụ Hải Phòng, trong một lần nhận nhiệm vụ tháp tùng đoàn công tác của lãnh đạo thành phố tại nước ngoài, bạn đã hồn nhiên yêu cầu tất cả mọi người đứng xếp hàng ngay ngắn, cầm phiếu trên tay đợi khay đồ ăn.
"Chỉ đến khi chú giám đốc Sở Ngoại vụ hốt hoảng nói nhỏ với tôi là lãnh đạo cấp cao thì không cần phải xếp hàng, không cần lấy phiếu thì tôi mới biết là mình non nớt quá. Rất may là mọi người đều hiểu và bật cười, sau này còn trêu tôi là một trong những nhân viên trẻ mà "quyền lực" nhất", Quang Hòa chia sẻ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận