26/12/2006 05:08 GMT+7

Những chuyện tử tế: Thắp lửa cho bếp ăn nghèo

QUANG VINH
QUANG VINH

TT - Để các bếp ăn từ thiện của bệnh viện, trạm xá ở những nơi xa xôi khắp đồng bằng sông Cửu Long luôn được đỏ lửa nhằm có chén cháo, tô canh cho bà con nghèo, một lão nông đã 80 tuổi đi khắp nơi để mót củi do bà con đóng góp từ vườn nhà, rồi lập tổ lấy củi, tổ vận chuyển, tổ cưa. Đó là hành trình thấm đẫm mồ hôi và tình người của ông Tư Xừ - Trần Văn Hùng.

Sống trên đời phải tử tế với nhau, phải có tấm lòng nhân hậu với nhau... Đó là tâm niệm của những người suốt đời làm việc thiện giải thích về nỗ lực vì người khác của mình. Với tấm lòng đó, có y sĩ quân đội khi trở về đời sống thường dân đã tự nguyện lên vùng núi cao hiến dâng phần đời còn lại của mình cho những đứa trẻ nghèo, có cô giáo dạy trường mầm non sau giờ đứng lớp tìm về các địa chỉ của những nạn nhân chất độc da cam...

Họ sống giản dị, làm việc âm thầm. Nhưng khi tiếp xúc với họ, ta thấy họ luôn tỏa sáng.

DfIeo5u2.jpgPhóng to
Ông Tư Xừ - Ảnh: Q.V.
TT - Để các bếp ăn từ thiện của bệnh viện, trạm xá ở những nơi xa xôi khắp đồng bằng sông Cửu Long luôn được đỏ lửa nhằm có chén cháo, tô canh cho bà con nghèo, một lão nông đã 80 tuổi đi khắp nơi để mót củi do bà con đóng góp từ vườn nhà, rồi lập tổ lấy củi, tổ vận chuyển, tổ cưa. Đó là hành trình thấm đẫm mồ hôi và tình người của ông Tư Xừ - Trần Văn Hùng.

Người đi mót củi

dqgmLhrY.jpgPhóng to

Ông Lê Văn Thọ (trái) đã cho mượn phần đất và cùng với ông Tư Xừ cưa xẻ cung cấp củi cho bếp ăn từ thiện ở các tỉnh miền Tây. Ảnh: Quang Vinh

Khi Bệnh viện huyện Phú Tân (An Giang) mới khánh thành - một bệnh viện được xây bởi công sức của hàng ngàn nông dân trong vùng - bà con nghèo đến điều trị rất đông, có người cơ nhỡ không chiếu chăn, không tiền mua cơm cháo.

Ông Tư Xừ đã bàn với mọi người nên tổ chức nấu nước sôi, cơm, cháo, thức ăn cung cấp miễn phí cho bà con. “Đã xây được bệnh viện rồi mà không tổ chức được bữa ăn đạm bạc rau cháo đỡ đần cho bệnh nhân nghèo bất hạnh vào viện thì lòng tui chưa an” - ông nói.

Nguồn gạo mắm, rau củ vẫn được người dân của ít lòng nhiều đều đặn gửi tới, nhưng nguồn củi đước để nấu khoảng 170 lít gạo với 300 suất cơm, cháo và hơn 500 lít nước sôi mỗi ngày thì lại không đủ. Ngày nào tổ nấu ăn cũng thông báo “bếp đang cần củi” làm ông Tư Xừ và các chú trong Hội Chữ thập đỏ huyện lo lắng. Thế nhưng các nhóm tìm lấy củi ở các nơi về cũng chẳng thấm vào đâu so với nhu cầu củi mỗi ngày, không có củi thì bếp từ thiện nguội lạnh dần.

Ông Tư Xừ bàn với Hội Chữ thập đỏ kế hoạch đi vận động, vào tận đồng sâu mò tìm củi vườn, củi nổi, củi chìm. “Ai cho củi tui cảm ơn! Ai cần dọn, chặt vườn tạp cứ kêu tụi đến...”. Ông Tư đi khắp nơi rao tìm củi, hành trình khất củi cứ đi biền biệt, mang về hàng chục hàng trăm gốc gáo còng rắn như đá chất đống cao ngất.

Hàng chục thanh niên trai tráng phải dùng đến búa tạ, be đục bổ bửa nhưng vẫn không đủ củi khô cho bếp mỗi ngày. Áp lực củi mỗi ngày một lớn, đã có thời điểm đến giờ phát cơm mà bếp vẫn le lói nguội lạnh, các bệnh nhân nghèo phải chờ đợi.

Rồi một lần chứng kiến cảnh các bác tiều phu nông dân đôi tay chai sạn, mệt mỏi thở: “Ông Tư Xừ ơi, dùng búa đục như lấy trứng chọi đá!”, ông Tư Xừ nghĩ phải làm cách khác. Ông đem sáng kiến dùng cưa máy vòng để thay cho cơ bắp ra bàn với anh em và thống nhất vận động bà con hiến đất, góp tiền để lập trại cưa vòng.

Một chủ trại cưa ở Mỹ Luông đã đồng ý bán một dàn cưa vòng còn mới với giá rẻ 28 triệu đồng; ông Lê Văn Thọ ở xã Phú Thọ (huyện Phú Tân) đã cho mượn phần đất rộng 200m2; tổ cưa gồm 36 người là bà con trong xã được thành lập và tín nhiệm đề bạt ông Tư phụ trách. Chẳng mấy chốc hàng trăm gốc cây của bà con tặng chất đống ở bệnh viện được lưỡi cưa máy xẻ thành khúc vừa vặn miệng lò.

Câu chuyện ông Tư và nông dân Phú Tân đi mót củi lan nhanh trong vùng. “Ông Tư Xừ ơi, ở vùng rừng ngập nước Bảy Núi có gốc thụ già hàng trăm năm tuổi nằm sâu dưới đất 2-3m, tới đó lấy củi đi”, “Ông Tư Xừ à, trong vàm Cái Đầm còn một cây gỗ mục to có thể khai quật làm củi cho bà con...”.

Ở đâu có củi, có gỗ mục là ông Tư đu xe đò, bám mạn thuyền tìm đến. Các công trình nạo vét kênh rạch rồi giải tỏa, cải tạo vườn tạp... hay cả xóm thương gia Bình Thủy, Bình Mỹ đã giàu lên chuyển sang bếp gas dôi ra vườn củi cũng báo tin cho nhóm ông Tư Xừ.

Có nhiều củi, bếp ăn dư lửa, ông Tư lại bàn với Hội Chữ thập đỏ đem số củi tìm được chia sẻ cho bếp ăn từ thiện khác ở các bệnh viện Tri Tôn, Long Xuyên, Châu Đốc và cả tận Sa Đéc - Đồng Tháp. Lúc đó mùa mưa lũ, củi khô cho các bếp ăn vô cùng khó khăn nhưng tìm đâu ra phương tiện, dầu xăng để vận chuyển củi viện trợ cho các bếp bạn?

Một lần nữa ông Tư lại ngược xuôi đi vận động, một chủ trại cưa giúp đỡ cho tổ cưa một chiếc trẹt 12 tấn với giá từ thiện, hai chiếc khác cũng được nhân dân góp tiền mua, rồi xe cải tiến, xe đẩy, máy cưa tay... đưa củi đi xa giúp người nghèo có bữa cơm nóng.

Còn sức là còn làm

NheRAbHE.jpgPhóng to

Trước sân tổ cơm cháo miễn phí Bệnh viện Phú Tân bây giờ lúc nào cũng có củi do các vườn nhà bà con góp tặng - Ảnh: Q.Vinh

Nhà ông Tư nằm sát lề tỉnh lộ 945 ở xã Phú Thọ, nơi ông nương náu tuổi già với con cháu, cũng đơn sơ, mộc mạc như chính con người ông. Râu tóc bạc phơ như một ông tiên, ông Tư vừa trải qua một đợt phẫu thuật dạ dày mà bác sĩ bảo là do làm việc quá sức, ăn thiếu chất, ngủ không đủ giấc.

Nghe hỏi chuyện củi ván, ông ôm ra một túi sổ ghi chép chi tiết ngày tháng, thu chi, tiền dầu xăng cho các chuyến đi tìm củi từ tháng này qua năm khác, chi chít những con số và chữ ký.

Ông không nói gì về mình mà kể từng tên, từng việc làm của anh em đã cùng ông vạn dặm lênh đênh. “Đó là chú Tâm, chú Tè, anh Năm, anh Thọ, Sáu Nhóc, Ba Phới... Các chú ấy tốt bụng lắm, tự bỏ tiền túi đổ dầu, trả tiền đò, tự lo lương thực, thức ăn rồi khuân vác củi đi khắp nơi cho các bếp ăn từ thiện”.

Câu chuyện mót củi của ông Tư luôn gắn với người dân nghèo. Ông Tư đưa mắt nhìn về phía Tri Tôn, Bảy Núi yếu ớt nói: “Trong đó có nhiều bệnh nhân lắm, mùa lũ này không biết mấy bếp ăn có đủ củi không?”.

Chiều đổ bóng trên dòng sông Tiền, ông Tư chậm chạp nhấc từng bước chân ra nhà sau. Ngôi nhà nhỏ đang bị thủy phá, bờ sông sạt lở đã lấn vào sát vách nhà. Hơn 50 năm làm việc nghĩa, hết đắp đường, xây bệnh viện trường học, đi mót củi, rồi lại lập trại cưa, cất nhà tình thương..., vậy mà ngôi nhà về già của ông Tư vẫn chông chênh chật hẹp.

Cô con gái Hồng Phượng đang là giáo viên nói: “Cha tôi thường nói với mẹ và các con rằng sẽ làm củi, nhà tình thương đến khi nào không làm được nữa thì thôi. Cha để lại cho con cháu tấm gương phước thiện, tinh thần xả thân vì mọi người. Cái đức ấy hôm nay chị em tôi đã được hưởng, đã thành giáo viên, y sĩ. Ba đứa cháu nội đều giỏi, chuyên cần, cha tôi vui lắm!”.

Bà Thái Thị Bé - chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Phú Tân, An Giang - cho biết: “Ông Tư là một trong những người có công thành lập Hội Chữ thập đỏ Bệnh viện Phú Tân, đi tới đâu cũng xin mót củi, khất củi cho bà con nghèo, cho các bếp ăn từ thiện miễn phí. Ý chí từ thiện của ông đã tạo niềm tin cho nhiều nông dân cùng sát cánh bên nhau làm việc thiện”.

--------------------------------

Ba năm qua, anh hết đi xe đạp rồi đi xe gắn máy chạy khắp các làng vận động bà con đưa trẻ khuyết tật tập phục hồi chức năng. Anh thuộc lòng từng cái tên, từng chứng co giật hay thể trạng cong queo của trẻ. “Tụi nhỏ vùng rừng núi quá thiệt thòi, mình bù lại đôi chút có thấm gì đâu”.

Kỳ tới:Trái tim người lính

QUANG VINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên