Bà Reiko với sản phẩm truyền thống Cơ Tu tại quán cà phê của mình ở Hội An - Ảnh: B.D.
Đưa thổ cẩm Cơ Tu ra thế giới
Ở địa chỉ số 57 Lê Lợi, Hội An có một cửa hiệu thời trang giới thiệu các văn hóa đặc trưng Cơ Tu - một tộc người ở các huyện phía tây tỉnh Quảng Nam. Bước vào cửa hiệu, khách không khỏi ngạc nhiên khi cầm trên tay những tấm áo được pha phối giữa hai loại vải khác nhau một cách tài tình: thổ cẩm Cơ Tu cùng lụa truyền thống Việt Nam.
Và người sáng tạo ra những bộ trang phục này là nhà thiết kế người Bỉ Aldegonde van Alsenoy, mà người Hội An thân gọi là Ava.
Năm nay 48 tuổi, bà Ava quốc tịch Bỉ nhưng đã sống ở Hội An nhiều năm. Qua Hội An du lịch năm 2005, không gian và cuộc sống phố cổ đã khiến nhà thiết kế thời trang này bị mê hoặc với những mái ngói cổ kính xếp thành ô trên khoảng không rộng lớn, những bức tường bằng vữa vàng xưa cũ... Bà quen một người Ý rồi lập gia đình, chọn Hội An làm nơi lập nghiệp.
Những năm 2010 trở đi, khách du lịch tới Hội An ngày một đông. Ava tìm mua lụa Việt để thiết kế các trang phục bán cho khách. Tình cờ bà chú ý tới bộ trang phục của một người Cơ Tu khi xuống trình diễn tại Hội An. Thứ vải khô cong cùng những hoa văn làm bà chú ý. Năm 2012, dự án của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) triển khai tại Quảng Nam đã kết nối nhà thiết kế này đến với những ngôi làng sản sinh ra khung dệt và nghệ nhân Cơ Tu tài hoa.
Về những ngôi làng của người Cơ Tu ở Đông Giang, Tây Giang, Nam Giang tỉnh Quảng Nam, Ava ngẩn ngơ trước những tấm thổ cẩm dân địa phương dệt ra. Nhưng khoảng cách địa lý, việc thiếu kết nối đã khiến thứ vải này gần như không ra khỏi hàng rào các ngôi làng.
Ava mang thổ cẩm và chụp hình những khung dệt để về lại Hội An, rồi lóe lên ý tưởng: khách du lịch tới phố cổ rất mê sản phẩm truyền thống, tại sao không sáng tạo ra dòng thời trang kết hợp giữa vải vóc, thổ cẩm tinh hoa thành trang phục hiện đại? Và bà bắt tay vào thiết kế, rồi ngược lên núi đặt dân làng dệt.
Các sản phẩm từ thô mộc qua bàn tay nghệ nhân cùng con mắt nhà thiết kế đã biến thành những bộ sưu tập lộng lẫy. Khách du lịch trực tiếp cầm trên tay đều ngẩn ngơ về những hoa văn, về những loại vải xơ cứng nhưng được kết hợp vô cùng khéo léo.
Ava đưa cho tôi xem một loạt bộ sưu tập thời trang kết hợp văn hóa Cơ Tu mà bà thiết kế rồi bảo hiện bà đã kết nối được với hàng trăm nghệ nhân thổ cẩm ở nhiều huyện vùng cao. Bà thiết kế và chuyển mẫu ngược lên núi, dân làng sẽ thực hiện rồi gửi xuống Hội An để hoàn thiện. Từ một cửa hiệu nhỏ ở số 57 Lê Lợi, phố cổ Hội An, Ava đã mở được thêm quầy giới thiệu sản phẩm thời trang Cơ Tu tại Đà Nẵng.
Trong câu chuyện của mình, nhà thiết kế Bỉ này nói bà luôn biết ơn Hội An - "ngôi làng trong phố" đã tạo dựng cho bà một gia đình nhỏ và sự nghiệp đúng đam mê của mình. "Hai con chúng tôi đều đặt tên theo người Việt. Hằng ngày tôi loanh quanh phố cổ, bận bịu với các khách hàng, rồi ngược lên núi làm việc với người Cơ Tu. Cuộc sống không quá phức tạp khi ở đây chúng tôi được sống đúng nghĩa với hạnh phúc của mình" - Ava tâm sự.
Nhà thiết kế thời trang Ava về thăm các làng miền núi Quảng Nam - Ảnh: B.D.
Tiếc là đến Hội An hơi trễ
Ở phố cổ, nhiều người còn biết tới bà Usuda Reiko - người đã dành nhiều thời gian làm đẹp phố cổ. Sau khi dứt việc ở Nhật, bà chọn một ngôi nhà nhỏ sát bên sông Thu Bồn, Hội An để mở quán cà phê, thực hiện dự án cuối đời.
Usuda Reiko năm nay đã tuổi 64, quán cà phê của bà không lúc nào vãn khách. Trong quán nhỏ ấy, khách tới quán không chỉ để uống cà phê, thưởng thức không gian bình yên bên sông mà còn tự tay lựa chọn những món đồ thủ công truyền thống được bà Reiko mang về từ các làng trên núi.
"Tôi lên vùng cao, thấy cuộc sống nhiều thanh niên ở đó rất vất vả. Hội An không cách quá xa nơi đó. Tôi cố gắng kết nối để các bạn tạo ra các món hàng, và tôi sẽ mở quán để bán giúp những món đồ đó" - Usuda Reiko nói.
Từng là một nha sĩ, những năm 2003 đến 2008, bà tham gia Hội hữu nghị Việt - Nhật và có những chuyến qua Việt Nam giao lưu, tặng xe đạp cho trẻ nghèo. Mỗi lần qua, Reiko đều ghé Hội An và bị phố cổ này mê hoặc.
Một ngày cuối năm 2008 trở về từ Hội An, bà nói với con gái rằng từ lâu trong suy nghĩ của bà chỉ ao ước được sống tại Hội An. Sống một mình cho tới lúc nhắm mắt ở đó.
Reiko chọn mảnh đất nhỏ bên sông. Bà tự tay thiết kế quán. Người phụ nữ Nhật ấy có một chọn lựa rất lẻ loi và theo cách chẳng giống ai: sống một mình, không người thân. Những mối quan hệ mới của bà chính là trẻ em đường phố, sinh viên ở các trường đại học, thanh niên dân tộc thiểu số.
Sự xuất hiện của bà ở Hội An làm nhiều người chú ý. Càng lạ lùng hơn khi người phụ nữ ấy mỗi ngày lại tự tay mình đi nhặt rác, làm đẹp dòng sông, rồi nói chuyện với người dân sống ven sông không xả rác ra môi trường.
Năm 2012, khi kết nối được thêm nhiều mối quan hệ, quán cà phê của bà Reiko thành điểm trò chuyện, tìm hiểu về môi trường ở Hội An. Bà dành hết thời gian để tiếp xúc với sinh viên, tự mình lên những chuyến xe ngược lên Tây Nguyên, ra tận biên giới Việt - Lào để gặp gỡ thanh niên Cơ Tu, nói chuyện với họ. Bà đặt hàng, rồi đưa về phố cổ Hội An bán những thứ họ làm ra. Nhiều thanh niên có chí hướng, muốn đi xa, được bà đưa về làm nhân viên, chỉ dạy kinh nghiệm tìm việc tại phố cổ.
Reiko nói rằng một người Nhật như bà, thật tiếc là đã tới Hội An sinh sống quá muộn. "Tôi rất thích tự mình đi bộ ra các khu chợ của người dân, tự tay mua rau, mua cá về nấu nướng. Mọi thứ rất bình dị và quá thân thuộc như chính quê hương tôi. Điều làm tôi yêu thương nhất là người dân Hội An này rất tình cảm, quý mến những người già đến từ nước khác" - Reiko nói.
Ở phố thị Sài Gòn hiện đại nhưng người ta vẫn tìm được trái sấu hay rau mùi xứ Bắc. Dân quen ẩm thực miền Trung cũng có thể mua ở các ngôi chợ "rất Quảng" hay rau quả, cá cua dân dã từ miền Tây Nam Bộ lên. Đặc biệt, những ngày cận tết này, phong vị các miền lại càng khoe sắc, khoe hương vị ở đất Sài thành...
Chọn Hội An làm nơi yên nghỉ cho mẹ
Bà Reiko tâm sự cuộc sống hiện tại của mình ở Hội An là rất tốt và bà luôn cảm thấy hạnh phúc.
Đặc biệt là mấy năm trước, khi thấy con gái quá lâu không về lại quê nhà, mẹ bà Reiko đã qua Hội An thăm con. Mẹ bà đã có khoảng thời gian dài nán lại phố cổ cùng con và chuyến đi ấy cũng là hành trình cuối cùng của mẹ Reiko. Bà qua đời tại Hội An.
Vì muốn mẹ ở cạnh mình, bà Reiko đã chọn mai táng mẹ ở nghĩa trang cùng người dân phố cổ.
"Sau này, tôi cũng rất muốn được nằm lại ở đây" - bà Reiko trải lòng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận