“Tôi là người đơn giản” - Lodo giải thích khi nói về lựa chọn Hội An làm bến đỗ cuối đời - Ảnh: B.D.
Đến Hội An vì... mê biển
Tuy nhiên, không nhiều người biết "cha đẻ" của tour du lịch độc đáo này là một người đàn ông gốc Ý. Ông hiện là giám đốc Công ty lặn biển Hải Bàn (Hội An) và cũng là một trong những người nước ngoài đã chọn Hội An làm quê hương thứ hai.
Đó chính là ông Lodovico Ruggeri - "người mở đường" cho du lịch biển Cù Lao Chàm, năm nay đã 62 tuổi. Quyết tâm "ở tới cuối đời với Hội An", vị giám đốc người Ý này đã dựng cho mình một ngôi nhà trước bờ biển tại phường Cửa Đại, Hội An.
Lodovico cho biết trước đây mình sống và làm việc ở Ý. Gia đình ông có một xưởng may nhỏ nhưng cuộc sống không làm ông thấy hài lòng.
Ông nói rằng khi hai vợ chồng ông có một cậu con trai thì giữa hai người có xích mích. Ông ly hôn và để lại toàn bộ xưởng may cho vợ rồi ôm đồ lang thang khắp thế giới để tìm niềm vui của mình.
Ông qua Nepal, Ấn Độ, Malaysia..., rồi trong một lần cùng bạn tới Hội An - Việt Nam, ông được đi trên thuyền buồm ra đảo Cù Lao Chàm và cuộc sống của ông thay đổi từ chuyến đi đó.
"Lodovico thích biển, trong mỗi giấc ngủ luôn thấy mình bơi lội thỏa thích trong đại dương. Nhưng Lodo đi Nepal hay Malaysia thì không thích những nơi đó lắm, biển đẹp nhưng Lodo luôn cảm thấy không thật sự an toàn" - ông già Ý kể lại.
Năm 2002, khi được bạn dẫn ra Cù Lao Chàm, Lodo như bị mê hoặc bởi hòn đảo hoang sơ này.
Ông trở về Ý rồi gói ghém đồ đạc, lần trở lại hòn đảo nhỏ bé mà vô cùng tuyệt vời này của Việt Nam. Ông nói với cậu con trai đầu của mình rằng nếu sau này không có thông tin về cha, cậu hãy về Cù Lao Chàm ở Việt Nam mà hỏi, ông sẽ có mặt ở đó để đón cậu.
Những tưởng đó là một lời nói nhất thời, không ngờ mấy tháng sau con trai Lodovico thấy cha mình không về lại Ý nữa. Lodovico vượt biển ra Cù Lao Chàm, trong đầu ông mường tượng ý nghĩ sẽ là người đầu tiên khai phá du lịch, đón khách ra hòn đảo hoang sơ này.
Đó là thời điểm cuối năm 2002, một người đàn ông Ý tất tả ôm đống hồ sơ lên UBND TP Hội An xin được mở công ty về tàu biển chở khách ra Cù Lao Chàm tham quan, làm dịch vụ lặn biển.
Nhận hồ sơ, những lãnh đạo ở phố cổ đành lắc đầu, bởi lúc đó quy định chưa cho phép người nước ngoài mở công ty ra Cù Lao Chàm mà phải liên danh với một doanh nghiệp trong nước.
Được hướng dẫn, Lodovico đã ngay lập tức kết nối với công ty thương mại tại Hội An để hoàn tất các thủ tục.
Lặn biển đang rất hấp dẫn ở Cù Lao Chàm - Ảnh: B.D.
Khuấy đảo đáy biển Cù Lao Chàm
Đến Hội An giờ đây rất nhiều du khách chọn cho mình tour theo những đội tàu gỗ để ra các bãi biển đẹp như ngọc, khoác trên người bộ đồ bảo hộ rồi quăng mình xuống biển để ngắm đáy đại dương, nhìn thế giới lung linh kỳ ảo dưới mặt biển.
Lặn biển là một trong những tour du lịch hấp dẫn và tạo ra giá trị nhiều nhất ở Cù Lao Chàm được chính quyền ủng hộ.
Công ty Hải Bàn mà Lodovico làm giám đốc là một trong những doanh nghiệp đang khai thác loại hình du lịch này và cũng chính là đơn vị đầu tiên đã mở đường đưa khách ra Cù Lao Chàm.
Lodovico cho biết sau hai năm làm việc dưới hình thức liên doanh với đơn vị nhà nước tại Hội An, năm 2004 các quy định của luật pháp được nới rộng.
Ông đứng ra thành lập công ty, mua sắm đội tàu, tuyển nhân sự để mở doanh nghiệp đưa khách ra đảo Cù Lao Chàm.
Tuy nhiên, ngay cả việc có khách ra đảo thì để khách được thỏa thích du lịch ở hòn đảo này cũng là điều rất khó.
Các đơn vị trên đảo quản lý địa bàn rất chặt, Lodovico phải vừa giải thích với khách, vừa cố gắng giữ tour, giữ khách chờ đợi ngày du lịch bùng nổ.
Ông già Ý mê biển hơn cả cuộc sống của mình, hằng ngày vẫn kiên trì theo những chuyến tàu đưa khách ra đảo, chấp nhận vừa nuôi công ty lớn mạnh, vừa phục vụ đam mê của mình.
Năm 2009, hồ sơ danh sách các khu dự trữ sinh quyển thế giới với Cù Lao Chàm được đệ trình và được UNESCO chính thức xướng tên.
Khách ùn ùn tới Hội An và bến Cửa Đại trở nên chật chội như nút cổ chai. Lodovico đứng trên cửa biển, nhìn khách ra đảo say mê thỏa thích lặn biển, thưởng thức đặc sản, ngắm nhìn san hô. Hiện nay, du lịch Cù Lao Chàm đã là một thương hiệu lớn.
Hòn đảo nhỏ bé này từ chỗ không ai biết đã tới mức quá tải, mỗi năm trên 400.000 lượt khách. Và ông già Ý thấy mình đã là một phần ở trong đó.
Lodovico nói tiếng Việt rất giỏi, không chỉ tiếng Việt mà âm điệu của ông cũng rất... Quảng. Ông già này còn "khoe" rằng cả hai đứa con của ông không chỉ nói thạo tiếng Việt mà còn nói được... tiếng Quảng.
"Ví dụ người Quảng nói từ "ăn" thì sẽ nói là "eng", đi học thì nói là "đi... hạc"" - Lodovico cười dí dỏm.
Ông Trần Văn Khoa - người bạn Hội An của Lodovico - kể rằng ông đã "rất kinh ngạc" khi lần đầu tiên tới nhà và trò chuyện với Hải và Thiên - hai con trai của Lodovico.
"Nếu không nhìn khuôn mặt mà chỉ nghe tiếng nói thì không ai nghĩ Hải và Thiên là người nước ngoài" - ông Khoa nói.
Lodovico tâm sự rằng cả hai vợ chồng (người vợ sau) đã quyết định sống lâu dài tại Hội An. "Bởi tôi là người đơn giản. Tôi tìm được chính mình ở đây. Nhiều bạn bè nước ngoài của tôi họ nói không tốt về Việt Nam, nhưng tôi hiểu rất rõ vấn đề của họ.
Chính tôi cũng từng bị nói là "thằng khùng" khi bỏ quê hương ở Ý qua Hội An sinh sống. Chỉ khi hiểu và yêu một nơi nào đó thì người ta mới biết cái mình lựa chọn là gì" - Lodovico nói.
Đóng góp nhiều cho du lịch Hội An
Phó chủ tịch UBND TP Hội An Nguyễn Văn Sơn cho biết Lodovico là người đã có rất nhiều đóng góp cho du lịch Hội An cũng như Cù Lao Chàm. Mô hình lặn biển du lịch của ông đã mở đường cho du lịch ra đảo, kéo thêm khách tới Hội An để có kết quả như ngày nay.
Hiện nay ngoài lặn biển, Lodovico còn mở trường dạy lặn, đào tạo thợ lặn biển từ trình độ sơ cấp đến lành nghề để đi làm việc tại các khu du lịch biển nổi tiếng. Ở giai đoạn thành thục và trở thành thợ, việc đào tạo sẽ được Lodovico miễn chi phí.
Buổi tối, khách du lịch tản bộ qua cầu Cẩm Nam, phố cổ Hội An, đều chú ý ánh đèn và dòng chữ Nhật trước một cửa hiệu nhỏ.
Trong đó, những đứa trẻ con em Hội An đang ngồi học, và trước mặt chúng là ba thầy giáo tóc bạc trắng đang say sưa giảng tiếng Nhật.
Kỳ tới: Ba thầy giáo Nhật ở Hội An
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận