Nụ cười hạnh phúc của đôi lứa yêu nhau ở Hội An - Ảnh: B.D.
Tình duyên Việt - Đức
Khi quen và đem lòng yêu cô gái Việt Nam quê ở TP Cần Thơ, chàng trai ấy đã nói với người yêu rằng rất muốn xây dựng cuộc sống mới tại Việt Nam, và nơi tuyệt vời nhất sẽ là Hội An. Ước muốn đó đã thành sự thật...
Hôm tới thăm cô gái quê Cần Thơ Trần Thị Hồng Nhung (27 tuổi) cùng chồng sắp cưới của mình là Jens Reiser, đôi vợ chồng trẻ này đang tất bật vừa chuẩn bị những món hàng để đưa ra thị trường bán dịp Tết Nguyên đán vừa lo các thủ tục pháp lý để Jens lấy vợ người Việt Nam.
"Nhà tôi ở Cần Thơ, còn ba mẹ chồng thì ở Đức, nhưng chúng tôi dự tính không làm đám cưới ở quê nhà mà sẽ tổ chức ở một nhà hàng trên bãi biển tại Hội An. Đó sẽ là một đám cưới mà chúng tôi tin là mọi người sẽ rất nhớ" - Nhung tiết lộ.
Vừa mới chân ướt chân ráo tới Hội An, đôi vợ chồng trẻ này phải ở trên căn gác hai của một homestay nhỏ. Căn phòng chật chội, lỉnh kỉnh những mớ đồ đạc tư trang cùng các hàng hóa mà cả Nhung lẫn Jens làm ra để bán cho khách hàng.
Nhung kể rằng cô từng làm nhân viên hướng dẫn trong một "farm" hữu cơ tại Phú Quốc. Đầu năm 2018, trong một nhóm bạn từ Đức qua Phú Quốc đi du lịch, Nhung chú ý tới một chàng trai có khuôn mặt hiền lành, nụ cười luôn nở trên môi.
Chàng trai đó là Jens Reiser - quốc tịch Đức. Jens không có nhiều kiến thức về Việt Nam nên Nhung hay tìm cách hỗ trợ, cô hay nói về những cánh đồng bạt ngàn ở Đồng bằng sông Cửu Long nơi cô đang ở, về câu chuyện hạt gạo Việt Nam đã đi khắp thế giới và vào tận bữa ăn hằng ngày của gia đình Jens tại Đức.
Trong câu chuyện của mình, chàng trai Đức cũng kể với cô gái Cần Thơ về công việc bế tắc của mình ở nước sở tại. Jens nói rằng anh vốn không thích một cuộc sống quá ổn định, mọi thứ được lập trình sẵn. Ở Đức, Jens có công việc, có cha mẹ, có nhà cửa, nhưng anh chưa tìm được lẽ sống cho mình bởi cuộc sống cứ lặp đi lặp lại một môtip cũ.
Là người theo chủ nghĩa sống tự do, Nhung chia sẻ với Jens những suy nghĩ đó và trở thành bạn bè, rong ruổi khắp các miền quê dọc Việt Nam trong những chuyến du lịch. Và rồi một ngày, khi ghé qua phố cổ, cuộc sống của hai người trẻ đã đột ngột chuyển hướng khi vào thăm một tiệm hàng nhỏ ở Hội An.
Đó là một ngày cuối mùa xuân trong mưa ẩm lẫn cái rét ngọt, Jens và Nhung nắm tay nhau đi dạo phố cổ. Anh chàng người Đức bỗng khựng lại trước một tiệm vải nhỏ nằm trên đường Nguyễn Thái Học. Mùi hương ấm cúng, thoang thoảng bay ra làm chàng trai Đức khựng lại. Đó là mùi nhang trầm - món đồ xông tinh tế đặc trưng mà hầu như mỗi cửa hàng, mỗi gia đình tại phố cổ Hội An đều dùng để lấy hơi ấm. Mùi hương đặc trưng của nhang trầm đã khiến Jens bị ám ảnh.
Nhung và Jens tự tay làm sản phẩm thân thiện với môi trường để bán cho khách du lịch tại Hội An - Ảnh: B.D.
Miền hạnh phúc
Rồi hai người trẻ rời khỏi phố cổ, tiếp tục rong ruổi trên những vùng đất khác. Ngày ngỏ lời yêu với cô gái Việt Nam Trần Thị Hồng Nhung, chàng trai Đức không giấu giếm rằng bởi yêu cuộc sống ở Việt Nam, yêu cái mùi hương thoang thoảng ở một con phố đã từng nắm tay Nhung dạo chơi trong những ngày giá lạnh cuối xuân, nên Jens cảm thấy một phần cuộc sống của mình là ở Việt Nam.
Jens ngỏ lời với Nhung. Cô gái quê Cần Thơ gật đầu và lựa chọn này cũng sớm nhận được sự đồng ý của cha mẹ Jens ở Đức. Nhưng một chàng trai trẻ tuổi đôi mươi, vốn quen với cuộc sống hiện đại, đủ đầy ở một đất nước cách xa Việt Nam thì sẽ bắt đầu mọi thứ ở vùng đất mới này thế nào?
"Chồng tôi nói rằng sẽ thật tuyệt vời nếu chúng tôi có một ngôi nhà nhỏ ở Hội An, nơi mà anh từng đi qua con phố nhỏ và dừng chân trước một tiệm vải để ngửi nhang trầm. Anh ấy bảo đó là làn hương thơm đặc biệt, đi ở đâu cũng không thể cảm nhận được" - Nhung kể.
Jens và Nhung nắm tay nhau, sắp xếp đồ đạc rồi chấm một vị trí trên tấm bản đồ mà hai người mang theo: Hội An. Đó sẽ là nơi mà hai người sống những ngày đẹp nhất của cuộc đời. Nhung bảo rằng cái đặc biệt ở phố cổ Hội An mà cả hai người ngay khi mới tới đều cảm nhận được đó là sự an toàn và thân thiện tuyệt đối.
Thật hiếm hoi ở nơi nào mà khách du lịch trong nước hay ngoài nước, khách hạng sang hay khách du lịch "bụi" đều được tự do, được đối xử bình đẳng như Hội An. Cặp vợ chồng trẻ chọn một homestay nhỏ nằm ngoài rìa phố cổ để tá túc. Jens lên mạng tìm thị trường ở Hội An để kết nối đầu mối bán các vật dụng thường ngày làm từ tre, nứa. Anh là người trực tiếp nói chuyện với khách, tìm nguồn hàng.
Hôm ghé thăm căn gác trọ nhỏ của cặp vợ chồng trẻ, Jens đang cùng vợ hoàn thiện trang web để tiếp thị các sản phẩm thân thiện với môi trường. Chàng trai Đức nói rằng anh nhận thấy ở Hội An môi trường du lịch rất phát triển. Thời gian qua Việt Nam ghé thăm một số nông trại, anh nhận thấy càng ngày Hội An sẽ càng phát triển loại hình du lịch thân thiện, du lịch vì môi trường.
Đó là cơ hội để các mặt hàng dùng trong lữ hành như bàn chải đánh răng bằng gỗ, chén cốc tre... ngày càng có chỗ để tiêu thụ. "Chúng tôi làm công việc này một phần vì cuộc sống, nhưng đây thực sự cũng là niềm vui chung của hai vợ chồng. Chúng tôi được sống, được kiếm ra tiền ở một nơi như thế này là điều vô cùng tuyệt vời" - Jens nói.
Cặp vợ chồng trẻ này cũng rất hạnh phúc nói về tương lai của mình khi quyết định chọn phố cổ là quê hương thứ hai. "Chúng tôi sẽ làm quen với mọi thứ, từ đồ ăn, hàng xóm, rồi sẽ tích cóp mua một căn nhà nhỏ. Con chúng tôi sẽ lớn lên, đi học và sẽ là công dân phố cổ" - Jens khấp khởi. Còn Nhung thì nói rằng cả hai vợ chồng đều yêu mến phố cổ nên dự tính khi có em bé, đứa bé ấy sẽ được lấy tên là Hội An...
Nhiều người nước ngoài đang sống ở Hội An
Theo thống kê, hiện có khoảng 300 gia đình người nước ngoài đang sinh sống lâu dài ở Hội An. Nhiều người trong số này đã đến phố cổ làm việc, rồi lấy vợ - chồng là người bản địa. Và không ít người cũng tình cờ đến Hội An để bị mê hoặc bởi vùng đất này, rồi quyết định di chuyển, đưa gia đình tới sinh sống, nuôi dạy con cái lớn lên tại phố cổ...
---------------------
Cù Lao Chàm giờ đã là điểm đến nổi tiếng về du lịch biển Việt Nam. Nhiều khách ra hòn đảo nhỏ này vô cùng thích thú khi được đi trên các con tàu gỗ, mặc bộ đồ bảo hộ rồi lặn dưới đáy biển ngắm san hô.
Kỳ tới: Người mở đường ra đảo Cù Lao Chàm
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận