11/01/2020 11:36 GMT+7

Những 'chuyện tình' ở Hội An - Kỳ 2: Thương anh, em hãy về Hội An

THÁI BÁ DŨNG
THÁI BÁ DŨNG

TTO - Federico Barocco mặc chiếc áo phông dẫn chúng tôi tới xem từng món đồ xưa ở các làng quê mà anh đã sưu tầm, đưa về bài trí tại nhà hàng nhỏ ở phố cổ Hội An. Anh tự nhận mình là "người Việt" và sẽ chọn phố cổ làm bến đỗ cuối cùng của cuộc đời...

Những chuyện tình ở Hội An - Kỳ 2: Thương anh, em hãy về Hội An - Ảnh 1.

Federico Barocco cùng vợ trong trang phục áo dài khăn đóng tại lễ cưới - Ảnh: Rico

Dựng "bảo tàng" văn hóa Việt

Federico Barocco là tiến sĩ khảo cổ học người Ý. Câu chuyện anh tới Hội An và trở thành gia đình người nước ngoài đầu tiên mua nhà ở phố cổ này cũng bắt đầu từ một chuyện tình đầy lãng mạn giữa anh và vợ: gặp nhau tình cờ trên một chuyến tàu ra đảo Cù Lao Chàm, rồi phố cổ là nơi họ chọn để xây dựng tổ ấm của chàng đến từ Ý, nàng từ Pháp.

Giữa trưa, Rico (tên gọi thân mật của Federico Barocco) say sưa trò chuyện với khách để giới thiệu bộ sưu tập gốm sứ, cổ vật và các đồ dùng xưa mà mình đã lặn lội cóp nhặt suốt mấy chục năm anh ở Việt Nam trong nhà hàng của mình tại số 36 Trần Phú, phố cổ Hội An. Người đàn ông Tây này nói tiếng Việt thành thạo tới mức gây ngạc nhiên.

"Là người đến từ châu Âu, nhưng giờ linh hồn của tôi là của Việt Nam. Tôi rất đau xót khi thấy người Việt đã bán đi chính những cổ vật, đồ đạc gốc gác cội nguồn của mình. Tôi có bao nhiêu tiền đều dồn hết vào mấy thứ đồ này, về sau sẽ kể cho khách du lịch và các bạn trẻ về Việt Nam bằng những đồ vật như thế này" - Federico Barocco nói khi đứng trước một chiếc tủ gỗ đựng những mẩu sành sứ mà anh nói có từ thời Champa.

“Tôi yêu mến cuộc sống ở đây. Hội An quá đỗi thanh bình và lý tưởng đối với cả tôi và gia đình. Chúng tôi làm việc, đưa con đi học và mỗi ngày trôi qua là một ngày tràn ngập hạnh phúc. Tôi đọc sách và biết Hội An đã có nhiều người Ý qua buôn bán rồi khi chết thì được chôn cất ở đây. Khi già đi và nằm xuống, tôi cũng sẽ chọn Hội An như họ.

Rico nói

Nhà hàng của Rico dành nhiều gian để bày biện các cổ vật, vật dụng dùng trong đời sống người xưa. Trên góc tường xẩm ximăng, một chiếc cân thủ công làm bằng thép được treo lên ngay ngắn. Dưới đó đặt một bộ mâm cơm được chạm bằng gỗ. 

Ở một góc khác, Rico tận dụng không gian để treo lên những khuôn làm bánh đục bằng gỗ. "Cửa hàng này tôi thuê lại của một người dân Hội An. Trước đây nhà hàng là một tiệm bánh cũ của người Hoa, trên nền nhà hiện nay vẫn còn dấu tích của gác bếp, những viên đá tai mèo khổ lớn vẫn còn nguyên vẹn" - anh nói.

Federico Barocco cho biết anh tốt nghiệp ngành khảo cổ học tại Roma, Ý. Năm 2001, anh ra trường và qua Lào làm việc trong một dự án hợp tác khảo cổ của chính phủ nước này với UNESCO. Dự án này có một hợp phần liên quan tới Việt Nam nên hai năm sau đó, Federico Barocco được yêu cầu qua Việt Nam.

Những chuyện tình ở Hội An - Kỳ 2: Thương anh, em hãy về Hội An - Ảnh 3.

Federico Barocco cùng vợ và hai con nhỏ tại Hội An - Ảnh: Rico

Chuyện tình chàng Ý - nàng Việt

Federico Barocco kể rằng năm 2009, nhóm khảo cổ của anh có một dự án tại đảo Cù Lao Chàm - nằm cách phố cổ Hội An một chuyến lênh đênh bằng tàu gỗ ở thời điểm đó. 

Một buổi sáng, Rico cùng các chuyên gia nhổ neo chiếc tàu gỗ rời cảng Cửa Đại để ra thám sát tại Cù Lao Chàm thì bắt gặp một nhóm gia đình người nước ngoài đang loay hoay ở bến tàu.

"Lúc đó, du lịch ra Cù Lao Chàm chưa phát triển, tàu thuyền không dễ dàng như bây giờ. Gia đình người nước ngoài đó nói rằng họ tới Hội An lần đầu và rất muốn ra Cù Lao Chàm để tham quan. Nhưng tàu thuyền không có nên họ rất lúng túng, đành phải quay về" - Federico Barocco kể.

Là người làm khảo cổ, biết nguyện vọng rất thật của gia đình kia là tới tham quan các di chỉ người Chăm ngoài đảo nên Rico hội ý với các đồng nghiệp rồi nhận lời cho nhóm khách nọ lên tàu. Chuyến tàu gỗ khởi hành ra biển, đó cũng chính là chuyến đi đầy duyên phận mà anh và vợ đã tìm được nhau.

Cô gái Đào Thu Thanh có mặt trong chuyến ra biển là một người gốc Việt, qua Pháp sống cùng gia đình năm lên 2 tuổi. Cuộc trò chuyện của chàng chuyên gia Ý với cô gái Pháp đã dẫn tới một câu chuyện tình đẹp như tiểu thuyết sau đó: Federico Barocco nhanh chóng thương nhớ Thanh. Khi cô về Pháp, những cuộc điện thoại tâm tình được nối dài. Rồi ba tháng sau, Federico Barocco ngỏ lời.

Rico mở điện thoại khoe với chúng tôi tấm hình ngày cưới mà anh đã chụp cùng vợ. Đám cưới ấy diễn ra tại nhà hàng của mẹ anh tại Pháp. Chú rể là anh và cô dâu không ai khác chính là Đào Thu Thanh.

Một điều vô cùng đặc biệt của lễ cưới ấy, đó là một lễ cưới thuần Việt - thuần Hội An đúng nghĩa. Cô dâu mặc áo dài khăn đóng, chú rể mang trang phục của Việt Nam và bức màn sân khấu chính được viết chữ "Song - Hỷ" của một đám cưới tại Việt Nam. 

Chàng tiến sĩ Ý kể rằng vì anh yêu mến Hội An, muốn xây dựng hạnh phúc với người vợ cùng gia đình của mình trên quê hương thứ hai này nên anh đã có những tháng ngày theo đuổi, thuyết phục người yêu không mệt mỏi.

"Tôi gọi điện cho Thanh hằng ngày. Ở nước Pháp, cô ấy nói rằng mọi thứ đã ổn định, nếu hai người lấy nhau thì sẽ về châu Âu sinh sống. Nhưng tôi bảo rằng thân hình của anh ở châu Âu, nhưng trái tim đã ở Hội An mất rồi, nên nếu thương nhau anh mong em hãy về Hội An cùng anh. 

Chúng ta sẽ mua một căn nhà nhỏ ở ngoại ô, sẽ sinh những đứa con, sẽ dạy chúng lớn lên ở một nơi quá đỗi tuyệt vời thế này" - lời thủ thỉ của chàng tiến sĩ Ý kéo dài qua hàng tháng trời, cuối năm 2009, Đào Thu Thanh - cô gái quốc tịch Pháp, gốc Việt - đã gật đầu đồng ý.

Federico Barocco giờ đã là một chuyên gia gạo cội của lĩnh vực khảo cổ học tại Việt Nam trong giới nghiên cứu về văn hóa Chăm. Anh luôn được yêu mến bởi năng lượng làm việc và tấm lòng yêu mến Việt Nam không bao giờ vơi. Anh cũng đặc biệt gắn bó với khu đền tháp Mỹ Sơn và các dự án khảo cổ tại Quảng Nam.

Rico nói khi cưới Thanh, chính tay anh đã tìm khắp Hội An mua áo dài khăn đóng, mua cả sính lễ, trầu cau, cắt chữ rồi đón máy bay về Ý nhờ cha mẹ tổ chức lễ cưới. 

Thu Thanh dù rất buồn khi phải xa gia đình, nhưng cô biết Rico yêu mình thật lòng. Bức tranh về mái ấm nhỏ đầy cỏ hoa tại Hội An cũng thật sự là điều mà một cô gái không nhiều toan tính như cô ao ước.

Cưới xong, Rico dẫn Thanh về Hội An, chọn một mảnh đất nhỏ ở phường Cẩm Nam - ngoại ô phố cổ - để mua rồi dựng nhà, bắt đầu cuộc sống. 

Rico và Thanh cũng là gia đình ngoại quốc đầu tiên mua nhà ở Hội An. Hằng ngày, Rico miệt mài với các dự án khảo cổ của mình, còn Thanh thì kinh doanh nhà hàng trong phố cổ.

Khi đem lòng yêu cô gái Việt quê ở Cần Thơ, chàng trai Đức ấy đã nói với người yêu rằng rất muốn xây dựng tổ ấm ở Hội An, và đứa con hoa trái của tình yêu cũng sẽ mang tên Hội An.

Kỳ tới: Con chúng mình sẽ mang tên Hội An

Những Những 'chuyện tình' ở Hội An - Kỳ 1: Tới Hội An... nhặt mo cau

TTO - Chỉ loanh quanh 61km2 với một con phố cổ 'đi dăm phút đã về chốn cũ' nhưng với nhiều người nước ngoài, Hội An như 'người tình' không thể chia tay. Và họ đã chọn nơi đây làm quê hương thứ hai để tái lập nghiệp, hưởng thụ cuộc sống...


THÁI BÁ DŨNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên