Những chuyến tàu đi qua

CÚC YÊN 22/04/2017 02:04 GMT+7

TTCT- Thi thoảng vài buổi sáng đi làm hay vài buổi tối về muộn, tôi phải dừng xe trước một thanh chắn sọc trắng đỏ, nghe tiếng còi tàu rúc lên từ xa vọng đến mỗi lúc một gần. Chỉ sau vài cái chớp mi là những thanh âm xình xịch, những toa tàu xanh đỏ lướt qua trước mắt.

Minh họa: VIIP
Minh họa: VIIP

 

Còn nhớ, khi chỉ là cô bé 5-6 tuổi, tôi hay ngồi ở bến sông nhìn về phía núi và chờ đợi chỉ để được dán mắt theo những đoàn tàu.

Dưới chân núi ấy là một ga xép tên Lạc Sơn, tàu chỉ dừng độ dăm ba phút. Còn bến sông tôi ngồi cách nhà ga ấy cả chuyến đò dài. Với khoảng cách xa tít như thế thì đoàn tàu tôi nhìn thấy chỉ bé bằng một ngón tay, một ngón tay có nhiều đốt ngoằn ngoèo.

Tôi thích nhìn những đốt lóng tay ấy khi chuẩn bị rúc vào hang rồi từ từ biến mất. Và chỉ sau vài tích tắc, đoàn tàu ấy lại hiện ra.

Tôi không nhớ rõ ông nội đã chỉ tôi phân biệt tàu xanh, tàu đỏ là tàu chở khách, tàu chở hàng như thế nào nhưng tôi thích đoàn tàu màu đỏ hơn, vì có lẽ trên nền xanh ngắt của dãy núi, đó là thứ rực rỡ nhất, sống động nhất.

9 tuổi, tôi ngồi trên một toa tàu và đi một chuyến đi dài, bỏ lại sau lưng nhà ga ấy, con sông ấy, dãy núi ấy...

Suốt chuyến đi tôi chỉ đưa mắt qua khung cửa sổ, quét tất cả mọi thứ con tàu lướt qua như một cái rađa. Khi tàu đi qua những phố thị, tôi nhìn thấy những con người ngồi trên xe máy, xe đạp, trong ôtô, đứng trước thanh chắn sọc trắng đỏ và chờ đợi.

Khi lướt qua những gương mặt, những đôi mắt không quen biết, chưa bao giờ tôi thôi tự hỏi: “Họ đang nghĩ gì? Họ có biết về người đang ngồi trên tàu không?”.

20 tuổi, tôi có hành trình dài của riêng mình khi tự vác balô bước lên một chuyến tàu. Luôn đặt vé ngồi sát cửa sổ và mắt tôi lại miết theo những núi, những cây, những biển, những người... Lại vẫn câu hỏi: “Họ đang nghĩ gì?”.

Nhưng bấy giờ có thêm một câu hỏi mới: “Nếu tàu dừng lại, họ có muốn được ngồi trên tàu, rời khỏi nơi họ đang ở đó, đứng đó để tìm một điều gì đó mới mẻ hơn không?”.

Giờ đây, tôi trở thành con người đứng trước thanh chắn ấy và trở thành nhân-vật-được-hỏi của tôi ngày xưa.

Hôm qua, hôm trước, trước nữa... tôi đã nghĩ gì khi đứng nhìn đoàn tàu lướt qua? Tôi đã luôn nghĩ, liệu có một con bé nào đó, nhìn đám đông có tôi, rồi tự hỏi như tôi hồi xưa không? Liệu có ánh mắt nào đó phóng ra khung cửa sổ và quan tâm tới ý nghĩ của đám đông chờ tàu chúng tôi ở phố thị này?

Có những ngày, tôi sửng sốt nhìn đám đông đang thể hiện khả năng phán xét trên mọi bình diện ngoài kia và tự hỏi: “Họ đang nghĩ gì? Họ có thực sự đang như thế không?”.

Đôi lúc tôi bỗng ước mình có khả năng đọc được ý nghĩ người khác như chàng Jack trong phim X-men - Thế hệ đầu. Rồi tôi sợ tôi sẽ làm một con người rúm ró nấp sau cánh cửa trong thế giới chật hẹp của riêng mình.

Nhưng không, tôi giở lại cuốn sổ cũ và gặp câu “thần chú”: “Hãy nhìn bạn bằng đôi mắt đẹp”. Giờ thì tôi nhân câu này rộng ra, tôi nhìn mọi thứ bằng “đôi mắt đẹp”. Đó không phải là trò tự mị, chỉ là một cách học chấp nhận của riêng tôi. Mọi thứ dù tệ tới cỡ nào, cũng có điều không (đến nỗi) tệ ở đâu đó.

Cách đây nhiều năm, tôi luôn tự dằn vặt mình bởi những câu “giá như...”. Nhưng bây giờ, tôi không nói câu đó nữa. Tôi chấp nhận mọi thứ, mọi chuyện, mọi người, mọi điều đến - đi, xảy ra hay ở lại với mình đều vốn dĩ là do duyên nợ.

Cho dù mình làm khác đi, sao dám chắc nó sẽ không như thế. Cái khác đi đó, cũng chỉ là mình suy diễn.

Hầu hết mọi người đều không muốn bị thương, tất nhiên, tôi cũng thế. Vậy mà đôi lúc tôi thốt nhiên buồn khủng khiếp khi tôi chọn cho mình những cảm xúc an toàn.

Nhưng tôi đâu giấu được niềm yêu đời tha thiết, thế là tôi sẵn sàng chấp nhận bị thương để lao đi. Lao đi không sợ hãi. Sợ có ngăn được những tổn thương không? Hay tôi cứ việc sống dấn thân, cứ làm, cứ yêu hết mình, nếu sai mình sẽ sửa. Miễn là mình có sửa?

Có những ngày, đứng trước thanh chắn sọc trắng đỏ, đôi lúc tôi ước mình là cái nhà ga Lạc Sơn nhỏ bé kia, cứ đứng yên nhìn những đoàn tàu dừng lại dăm ba phút rồi lướt qua. Đôi lúc tôi ước mình là đoàn tàu, có thể ghé ga này, đỗ ga kia.

Rồi tôi nghĩ, có lẽ làm cô bé ở trong toa tàu là tốt nhất, dù 9 tuổi hay gấp vài lần số tuổi ấy thì cũng có thể tự do với ý nghĩ, với hàng lô lốc tưởng tượng của riêng mình.

Và khi 9 tuổi người ta không thể nhảy tàu nên rất cần có một hay nhiều sân ga. Nhưng khi gấp ba hay bốn lần số tuổi ấy thì mỗi người không nhất thiết phải cần một bến đợi nào nữa.

Không cần một nhà ga nào hết, cứ sẵn sàng lên tàu, nếu không muốn tiếp tục cuộc hành trình, mình vẫn có khả năng nhảy tàu đó, biết không?■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận