24/03/2023 10:03 GMT+7

Kỳ 1: Leo ngọn dừa, kiếm tiền triệu

Chuyện tìm vàng ở đồng ruộng miền Tây nghe cứ như bác Ba Phi nói dóc, rồi thợ săn chuột số 1 ở Cà Mau, ông già cụt tay bắt cá thần sầu, "thần trôm" Tân An...

Những chuyện ngồ ngộ ở miền Tây - Kỳ 1: Leo ngọn dừa, kiếm tiền triệu - Ảnh 1.

Những người bán mật ong ruồi ở chợ Bến Tre - Ảnh: HÙNG ANH

Những câu chuyện ngồ ngộ nghe xong cứ tròn mắt, tưởng lạc vô xứ sở miền Tây heo hút trăm năm trước.

"Nghề này mần có tiền nhưng phải thiệt tinh mắt à nghen. Nếu trúng, mỗi ngày kiếm được gần 2 triệu đồng. Nhưng mà ngày nào cũng leo lên, tuột xuống 40-50 cây dừa cao trật ót, mệt lắm anh ơi", Luân nói.

Nghề săn mật ong trên đọt dừa rất ngán mấy ông rắn. Các ổng cũng đủ thứ dữ thần, từ rắn hổ đến rắn lục dữ tợn, lì lợm bà cố.
Tư Minh

Ngày leo lên, tụt xuống... 40 lần

Sau khi gửi chiếc xe gắn máy vào nhà người quen, Luân (Nguyễn Văn Luân, 34 tuổi, xã Châu Bình, huyện Giồng Trôm, Bến Tre) cầm sợi dây ni lông lớn cỡ ngón chân cái thắt vòng tròn và con dao nhỏ bén ngót, tà tà đi vào vườn dừa xanh mát, cây nào cây nấy cao hơn chục mét.

Thấy tôi cứ nhìn sợi dây ni lông, Luân cười giải thích: "Sợi dây này dân leo dừa, leo cau gọi dây nài. Nó giữ cho hai bàn chân người leo sát vào thân cây rất chắc chắn, an toàn".

Không chút vội vàng, Luân bước đi đủng đỉnh dưới bóng dừa, trong khi mắt cứ ngước lên trời, quan sát thật kỹ từng tàu lá xanh mướt, từng quày dừa trên củ hủ. Bỗng nhiên anh ta kêu nhỏ "đây rồi" và dừng lại dưới một gốc dừa.

Tôi nhìn lên ngọn dừa, chẳng thấy gì khác lạ. Trong khi đó Luân ngậm con dao nhỏ vào miệng, xỏ hai chân vào sợi dây nài áp sát vào cây dừa, hai tay vịn chặt thân cây, rồi dùng sức đôi chân đẩy cả người leo thoăn thoắt lên phía củ hủ trong tư thế như một con nhái.

Luân vắt vẻo trên ngọn dừa, tìm ổ ong ruồi Ảnh HÙNG ANH

Luân vắt vẻo trên ngọn dừa, tìm ổ ong ruồi Ảnh HÙNG ANH

Tới sát củ hủ dừa, Luân dừng lại ngắm nghía, sau đó dùng dao cắt nhè nhẹ vào cuống tàu lá dừa xanh. Trong vài phút, tàu lá xụ xuống gần sát thân dừa nhưng Luân không cắt cho lìa rơi xuống đất.

Anh thận trọng lấy gói thuốc lá trong túi áo rút một điếu, châm lửa đốt, khiến tôi nghĩ thầm: "Tay này đợi lúc xuống đất rồi hút thuốc không được hay sao mà phải hút lúc treo người trên cây cho cực khổ vậy kìa?".

Nhưng thật lạ, tôi thấy Luân cứ rít thuốc liên tục với tốc độ rất nhanh, rồi bao nhiêu khói thuốc đều được anh phun thẳng vào một điểm của tàu lá dừa vừa bị anh cắt.

Ngay lúc đó, một bầy ong đông đúc từ tàu lá dừa bay ra tán loạn. Lúc này anh ta mới dùng một tay giữ tàu lá dừa, tay kia dùng dao cắt cho tàu lá đứt hẳn, rồi nhanh nhẹn cầm tàu lá đem xuống đất.

Lúc Luân đem tàu lá xuống, tôi nhìn thấy một tổ ong có kích thước cỡ bàn tay người lớn xòe ra đang gắn chặt phía dưới cuống lá dừa, vài con ong vẫn còn bay quanh.

Dùng con dao khéo léo cắt một phần vỏ cuống tàu dừa để lấy tổ ong, Luân giải thích: "Này ong ruồi, sống tự nhiên, mật nó rất quý và mắc tiền vì hút mật hoa dừa để tạo thành mật ong, nhưng tổ ong nhỏ, số lượng mật trong mỗi tổ rất ít.

Với kích cỡ này, khoảng 10 tổ mới được một xị (250ml) mật. Một lít mật ong ruồi có giá 1,6 triệu đồng, trong khi mật ong nuôi giá chưa tới 500.000 đồng/lít. Trong tổ ong chia làm hai phần, phần sáp sát với cuống tàu dừa là nơi chứa mật, sáp bên dưới là chỗ của đàn ong non".

Nói xong, Luân đến bụi chuối cắt một tàu lá nhỏ gập đôi rồi bọc bên ngoài tổ ong, dùng dây chuối buộc hai đầu cuống tàu dừa có tổ ong rồi xách đi. Anh ta cho biết phải bọc lá chuối bên ngoài để tổ và mật ong không bị ánh nắng mặt trời sấy khô.

Suốt cả buổi sáng, anh thả bộ tà tà hết vườn dừa này sang vườn dừa khác, phát hiện thấy tổ ong là xỏ nài thoăn thoắt leo lên cây, xế trưa đã thu hoạch hơn 40 tổ ong ruồi lớn nhỏ.

Áo ướt đẫm mồ hôi, Luân vẫn cười, nói: "Bữa nay vầy là được rồi, về thôi, chắc khoảng 1 lít mật. Nghề này mần có tiền, nhưng cần phải tinh mắt. Mà nói thiệt, mỗi ngày cứ leo lên, tuột xuống 40-50 cây dừa cao trật ót, mệt dữ lắm anh ơi".

Trên đường đi có nhiều người gọi lại hỏi mua, nên chỉ thời gian ngắn anh ta đã bán hết những tổ ong ruồi.

Những chuyện ngồ ngộ ở miền Tây - Kỳ 1: Leo ngọn dừa, kiếm tiền triệu - Ảnh 3.

Một tổ ong ruồi khủng vườn dừa được thợ săn tìm thấy - Ảnh: HÙNG ANH

Tiếng oan khó gỡ

Anh Nguyễn Văn Minh, một tay chuyên săn mật ong ruồi quê ở Mỏ Cày Nam (Bến Tre), cho biết nghề này chỉ kiếm ăn được những tháng mùa nắng, bởi thời điểm này ong luôn tích trữ đầy mật trong tổ.

Mùa mưa, ong đóng đầy tổ nhưng trong tổ hầu như không có mật. Nhưng nếu mùa mưa, tổ ong có mật thì dân ăn ong cũng không dám hành nghề vì thân cây dừa luôn trơn trợt, nhiều hiểm nguy rình rập người leo cây.

"Ong ruồi không nhất thiết phải đóng tổ trên ngọn dừa mà có thể đóng tổ ở bất cứ đâu, miễn là có hoa trái cho nó hút mật. Vì vậy xung quanh các vườn nhãn, chôm chôm... đều có ong ruồi làm tổ.

Nhưng từ lâu mật ong ruồi trong vườn dừa được đánh giá là tốt nhứt. Cho nên dân săn mật ong ruồi thường di chuyển khắp các vườn dừa ở Bến Tre, Tiền Giang, Vĩnh Long, Trà Vinh để hành nghề, có mật ong ở đâu là bán luôn ở đó, nhiều khi đi cả tuần, nửa tháng mới về nhà", anh Minh kể.

Theo tay thợ săn ong này, nghề săn mật ong ruồi chịu nhiều tiếng oan. Lang thang trong các khu vườn cây ăn trái tìm tổ ong, gặp chủ vườn tốt bụng, thông cảm thì họ sẵn sàng cho thợ bắt ong vô. Nếu gặp người khó tính, họ chẳng những xua đuổi không cho vô, mà còn lớn tiếng nghi ngờ "ban ngày dọ thám, ban đêm ăn trộm", rồi hăm he báo công an.

Gặp những trường hợp đó, dân săn mật ong chỉ biết "ngậm bồ hòn làm ngọt" cho khỏi chuốc phiền phức vào thân và ghi nhớ khu vườn đó để tránh xa.

Nhưng tiếng oan dân săn mật ong ruồi gặp nhiều nhất là chuyện bán mật ong giả, mật ong thiệt. Anh Tư Bình, dân săn mật ong ruồi ở Châu Thành (Bến Tre), kể: "Hôm nọ tụi tui trèo dừa mệt muốn le lưỡi mới lấy được mấy cái tổ ong đầy mật, bọc lá chuối đem về thì dọc đường có người kêu lại hỏi mua.

Họ xem tới xem lui, chê mắc, trả giá ỏng eo nên tui không bán. Chỉ có vậy mà họ la lối om sòm, nói tụi tui dùng kim tiêm loại nhỏ bơm nước đường vào tổ ong rồi đem đi bán. Tui tức mình, thách họ nếu làm được như vậy thì làm thử tui coi. Nhưng họ cứ la ó làm nhiều người khác nhìn tụi tui như dân lừa đảo, thiệt là tức".

Theo anh Bình, ở các ngăn nhỏ chứa mật của tổ ong, sau khi đầy mật sẽ được lũ ong thợ bịt kín bằng sáp. Vì vậy, nói thợ săn mật ong dùng kim tiêm bơm nước đường vào các ngăn chứa mật của tổ ong rồi bịt kín lại để bán mật giả là điều hết sức phi lý.

Một chuyện khác mà thiên hạ hay bàn tán là mật ong ruồi được bán ngoài chợ chưa chắc là mật thật vì đã được vô chai nhựa, dù bày bán kèm với các miếng sáp chứa ong non.

Nghe chuyện này, bà Châu, người chuyên bán mật ong ruồi ở chợ Bến Tre, cười cười nói: "Tụi tui bán mật ong ruồi đã nhiều năm, ngày nào cũng ngồi đây, nếu bán mật giả chắc người ta để tụi tui yên ổn buôn bán à? Nhưng thôi, miệng đời muốn nói gì thì nói, tụi tui làm ăn đàng hoàng, chẳng quan tâm".

Theo anh Minh, có nhiều cách để phân biệt mật ong thật, mật ong giả khi mua. Phổ biến nhất là dùng lá hành tươi nhúng vào mật từ 5 phút đến 10 phút. Nếu lá hành bị héo và chuyển sang màu xanh đậm là mật ong thật.

Cách thứ hai là cho một ít mật ong lên lòng bàn tay và xoa đều. Nếu là mật ong thật thì sẽ thấy nhơn nhớt và da tay có cảm giác nóng rát.

*****************

"Do cây trôm cổ thụ, linh thiêng, nên nhiều người cho rằng cây đã thành thần, trời đánh cũng hổng chết".

>> Kỳ tới: “Cây trôm thần”, trời đánh hổng chết

Chuyện chép trên chuyến xe xuyên miền TâyChuyện chép trên chuyến xe xuyên miền Tây

TTO - Người đàn ông không quen ngoài 50 chủ động nhường chỗ trên chuyến xe giường nằm cho bà cụ hơn 80 tuổi một mình lên xe dọc đường và ân cần chăm sóc bà cụ suốt chặng đường dài...

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên