Những chuyện kể về con người của Yann Arthus Bertrand

KHAI NHIÊN 09/10/2015 21:10 GMT+7

TTCT - Sau bộ phim tài liệu đầu tay Home, Yann Arthus Bertrand đã tạm rời khinh khí cầu và chiếc máy bay của mình để khám phá thế giới qua một góc quay khác trong Human.

human film
human film

1. Nhiếp ảnh gia luôn trong vị thế lơ lửng và cách xa mặt đất, như chàng Cosimo (*) của Italo Calvino đã có ngày tiếp đất nhẹ nhàng sau khi dành hơn ba năm đời mình đi đến hơn 60 quốc gia, gặp gỡ hơn 2.000 con người, lắng nghe vô vàn câu chuyện, đôi khi chỉ dăm ba phút, nhưng là sự lắng kết của cả một đời sướng vui tột cùng hay đớn đau tận cùng. Những câu chuyện đều xoay quanh câu hỏi: “Điều gì khiến chúng ta là một con người?”.

Đạo diễn đặt ống kính máy quay ở một cự li gần, đối diện hơn 2.000 diễn viên không chuyên, trong một căn phòng với bức tường đen và để họ bắt đầu kể chuyện.

Điều khiến ông cảm động không chỉ bởi những câu chuyện nhuốm màu bi thương hay những tia hi vọng lóe lên đầy tin tưởng, mà chính ở những khoảnh khắc họ được trải lòng, được kể lại những ký ức hay tâm trạng chưa một lần thổ lộ. Với họ, chiếc máy quay trở thành người bạn mới gặp gỡ lần đầu nhưng có cảm tưởng đã thân thuộc từ lâu.

Một bộ phim tài liệu dài hơn ba tiếng, kết quả của ba năm cuộc đời một vị nhiếp ảnh kiêm đạo diễn luôn say mê với tự nhiên và thế giới hoang dã, giờ đây đã tìm thấy nguồn cảm hứng với những câu chuyện được đan dệt từ trải nghiệm ký ức con người.

human film
human film

2. Yann Arthus Bertrand sử dụng cùng một câu hỏi cho những người tham gia phỏng vấn. Tuy ban đầu còn ngại ngần, không biết cách bắt đầu trước những vấn đề tồn tại hằng ngày, hàng giờ, thậm chí đeo đuổi họ từng phút giây hiện sinh, nhưng không lâu sau họ đã thốt ra câu chuyện đời mình cùng những giọt nước mắt hay nụ cười, sự phẫn nộ hay niềm bình thản đến kỳ lạ.

Những câu hỏi được đặt ra xoay quanh khái niệm tình yêu, hôn nhân, về điều kiện lao động, về giá trị của đồng tiền, hạnh phúc hay sự sống và cái chết, về những cuộc tị nạn, chiến tranh, sự mất mát hay những khoảnh khắc đớn đau tưởng như không thể vượt qua, về ý nghĩa chốn nương náu của cuộc đời, một căn nhà họ sẽ trở về.

Mỗi con người mang đến một câu chuyện, góp phần tạo nên 1.001 câu chuyện, như sự cứu rỗi những tâm hồn cằn cỗi và nghèo nàn khác. Họ khiến chúng ta củng cố niềm tin con người không thể sống bằng kinh nghiệm sống của kẻ khác; nỗi đau khổ và niềm hoan hỉ của họ sẽ không thể truyền đến cho ta những kinh nghiệm, nhưng chúng có thể khiến ta an tâm rằng việc gọi tên cảm giác có thể giống nhau, song chuyện kể thì khác biệt và thế giới này được tạo nên bởi sự khác biệt.

human film
human film

3. Một chàng trai từng ngộ nhận tình yêu đồng nghĩa với việc cần làm tổn thương một ai đó, bởi lẽ từ bé cha dượng đã yêu anh bằng những lời xúc phạm. Một cô gái Tutsi trên đường bỏ trốn bị rượt bắn mà không hiểu nổi mình có tội tình gì. Hay như người con trai bị ám ảnh bởi khoảnh khắc vuột mất hơi ấm cơ thể người cha, giây phút đớn đau nhất khi ông từ giã cõi đời trên đôi tay run rẩy của anh.

Những con người tị nạn, những con người lạc lối trong những loạn lạc chiến tranh, họ phát điên khi không hiểu nổi ý nghĩa cuộc sống này là gì? Tuy nhiên đối mặt với sức nặng khôn kham của cuộc đời, con người tìm thấy sự nhẹ nhõm trong niềm hân hoan khi được ngắm mưa rơi, được uống sữa, được có chỗ ngủ, có thức ăn, có những người mang lại sự đổi thay cho đời mình.

Hạnh phúc là khi được gọi tên những người thân yêu, được phóng tay lái trên chiếc xe máy mình sở hữu, được sống đúng với giới tính, với ước mơ, với cảm xúc của mình, được trải nghiệm trước nỗi mất mát, được đi học và hiểu được đâu là bản tính nhân văn của con người. Bí mật cuộc đời họ, những trải nghiệm cuộc sống suy cho cùng mang đến cho ta cảm giác sự sống là màn trình diễn, cuộc sống là một sân khấu.

Để tồn tại, con người phải gánh trên vai những khế ước xã hội, những tập tục, những định kiến phi lý. Nhưng điều quan trọng là con người phải sắm cho mình những vai diễn thoát khỏi định mệnh sẵn có để giải phóng những ước nguyện.

Chỉ khi ở trong căn phòng của Yann Arthus Bertrand, với cảm tưởng thực tại nghiệt ngã không ở đây, con người đã tìm thấy những mảnh tâm hồn bị che lấp, chúng đôi khi xám xịt và đen tối nhưng cũng lấp lánh và đầy tin tưởng.

human film
human film

4. Thế giới của chúng ta đang được dàn phẳng, phẳng đến nỗi không quá khó để người ta có thể biết bên kia bán cầu đang xảy ra những biến cố gì. Nhưng liệu có phải thế giới này đã phẳng, đủ để người ta có thời giờ và sự nhẫn nại lắng nghe những câu chuyện của đồng loại? Nhận thấy sự hạn chế của ngôn ngữ nhiếp ảnh, Yann Arthus Bertrand tìm thấy một hình thức tối ưu cho việc chuyển tải những câu chuyện đến với người xem, đó là phim tài liệu.

Giống với dự án phim Home, Human được trình chiếu miễn phí, rộng rãi trên khắp thế giới. Yann mong muốn chuyện kể cần được lan rộng để chúng ta biết đến nhau, con người cần hiểu hơn về đồng loại của mình. Những nhân vật của Yann dù đang sống cùng ký ức buồn rầu, nhưng chưa bao giờ họ cho phép mình quên đi danh tính.■

(*): Cosimo, nhân vật chính trong tiểu thuyết Nam tước trên cây của nhà văn Italo Calvino, một người vì từ chối món ốc sên truyền thống của gia đình đã nhảy tót lên cây, anh chọn cách nhìn cuộc sống qua một khoảng cách và sống ở đấy đến hết cuộc đời.

“Tôi là một trong 7 tỉ người. Trong 40 năm qua, tôi đã chụp ảnh hành tinh và sự đa dạng nhân loại của nó, và tôi cảm thấy con người chẳng đạt được tiến bộ nào. Chúng ta không thể nào xoay xở để sống được cùng nhau.

Tại sao như thế?

Tôi không tìm kiếm lời đáp trong các con số thống kê hay phân tích, mà trong chính bản thân con người”.

Yann Arthus Bertrand

spiegel.de
spiegel.de
Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận