09/11/2013 12:33 GMT+7

Những chuyện kể từ Syria - Kỳ 2: Sống trong sợ hãi

PHƯƠNG MAI
PHƯƠNG MAI

TT - Chỉ sau vài tiếng đặt chân đến Syria, tôi hết hồn nhận ra những gì mình biết trước đó chỉ là một phần rất nhỏ của bức tranh sự thật.

Kỳ 1:

BICIOZXz.jpgPhóng to
Một cuộc biểu tình ủng hộ Tổng thống Assad ở Damascus - Ảnh: Phương Mai

Sunni, Shia và...

Khắp trung tâm Damascus, hàng trăm cửa hàng treo ảnh Assad, khuôn mặt nghiêm trang với đôi mắt xanh biếc của ông ta căng đầy các bancông, cửa sổ, lấp lánh trên các huy hiệu cài áo. Nhiều nhà hàng bị phe đối lập và quân nổi dậy hăm dọa tẩy chay, nhưng họ thà chịu mất khách chứ nhất định không che giấu sự ủng hộ với Assad.

Trong thời gian tôi ở lại đây, hàng chục cuộc biểu tình diễn ra với cả ngàn người hò reo tên ông, cảm ơn Nga và Trung Quốc đã bỏ phiếu chống phương Tây can thiệp quân sự. Bạn tôi nói rằng tỉ lệ ủng hộ ông Assad phải chiếm tới một nửa trong dân chúng. Đa số họ là người các tôn giáo thiểu số, tầng lớp thương nhân và rất nhiều phụ nữ có học vấn. Sự ủng hộ này ngày càng rõ khi phong trào dân chủ bị chết yểu và biến thành thánh chiến.

Layla bạn tôi là người Thiên Chúa giáo. Cô thuộc về 10% dân số, tức là 2,5 triệu tín đồ hầu như không có lựa chọn nào khác là ngấm ngầm ủng hộ ông Assad. Đơn giản vì chính sách tôn giáo của ông ta đảm bảo cho họ một cuộc sống tương đối an toàn trong một đất nước mà 75% dân số là người Hồi giáo dòng Sunni. Vì quân nổi dậy cũng bao gồm một bộ phận lớn là tín đồ Sunni cực đoan.

Layla và gia đình cô đã ngừng đi lễ nhà thờ. Mẹ cô hằng ngày đọc cho gia đình nghe các bản tin lan truyền trong cộng đồng con tin về việc tín đồ Thiên Chúa giáo bị giết, nhà thờ bị phá bỏ và các cha cố bị bắn chết. Một ngày sau khi Tổ chức Huynh Đệ Hồi giáo thắng cử ở Ai Cập, hồng y Christoph Schönborn (Áo) đã phải lên tiếng kêu gọi các nhà lãnh đạo tối cao hành động để ngăn chặn sự tuyệt diệt của Thiên Chúa giáo tại chính mảnh đất đã sản sinh ra: Trung Đông.

Layla thường kể cho tôi nghe cơn ác mộng về tương lai của cộng đồng Thiên Chúa ở Syria rồi cũng sẽ bị thảm sát giống như những gì đã xảy ra ở Iraq khi Saddam Hussein bị lật đổ: “Suốt bao nhiêu năm nay, những tôn giáo thiểu số như chúng tôi sống trong một đất nước mà dù bị cai quản bởi chế độ độc tài, nhưng được coi là tự do và cởi mở nhất Trung Đông”.

yafx5Hsx.jpg
Những người Hồi giáo dòng Shia khóc than trong thánh đường của cháu gái thiên sứ Muhammad. Việc gia đình của Muhammad bị những người trị vì đế chế Hồi giáo hãm hại và giết tàn nhẫn là nguyên nhân của sự xung đột giữa hai nhóm Hồi giáo Sunni và Shia suốt 1.300 năm qua - Ảnh: Phương Mai

Tai bay vạ gió

Suốt thời gian ngụ lại Syria, tôi chưa từng gặp ai trong tình trạng bi đát và quẫn bách như Hani. Anh là người Hồi giáo dòng Alawite, một nhánh nhỏ của Hồi giáo Shia, chiếm khoảng 10% dân số. Việc Tổng thống Assad và phần lớn quân đội của ông cũng là người thiểu số Alawite khiến những thường dân như Hani trở thành mục tiêu của quân nổi dậy Sunni.

Khi Hani đến đón tôi ở sân bay, tôi suýt nữa không nhận ra vì ngoài đời anh khác trên ảnh quá. Một chàng trai thành đạt, cơ bắp vạm vỡ, quản lý cấp cao của chuỗi nhà hàng biên giới chỉ sau có hơn một năm nội chiến đã trở thành một kẻ thất nghiệp. Lúc nào anh cũng lo sợ nhìn trước ngoái sau và tệ hơn nữa là cái bụng phệ mà tôi thường đùa là đóng vai trò ngăn cản, không cho tay trái thò sang làm phiền tay phải.

Tôi đã cười hỉ hả với hình ảnh so sánh đầy sáng tạo của mình suốt cho đến khi Hani mời cơm. Tôi phát hiện anh toàn mua đồ ăn sẵn vì không dám đi siêu thị, hay chính xác hơn là ngại xuất hiện ở chỗ đông người. “Vì sao à? - anh cười khẩy - vì tôi là người Alawite. Quân nổi dậy nói thẳng tưng không vòng vo rằng mỗi người Alawite bị giết chết là mỗi người bị giết chết vì Assad. Nếu Mai ở lại đây vài ngày thể nào cũng được chứng kiến vài cuộc biểu tình của quân Hồi giáo Sunni cực đoan vừa đi vừa hô “Tự do - Tự do! Cho đến ngày bọn Alawite bị đốt thành tro”. Nghe rất vần đúng không?”.

Chị gái của Hani sống ở Homs và đang mang bầu sinh đôi. Mỗi lần Hani gọi điện cho gia đình, tôi lại nghe thấy tiếng cười đùa vang lên ầm ĩ ở đằng sau. Khó có thể tưởng tượng là ngay lúc đó màn hình tivi chỉ toàn là khói bom và Homs đang đùng đùng bốc cháy. Anh rể của Hani là một sĩ quan quân đội cao lớn gần 2m. Gã khổng lồ này tuần trước vừa tâm sự với Hani và nước mắt ròng rã thú nhận rằng đêm nào cũng... tè ra quần vì những cơn ác mộng. Chỉ cần nhắm mắt vào chưa cần ngủ anh cũng có thể thấy cảnh vợ và con gái bị quân nổi dậy Sunni cưỡng hiếp. Khi Hani hỏi thế anh muốn đặt tên cho hai thằng con trai sinh đôi sắp ra đời là gì, đầu dây bên kia vang lên tiếng cười đắng ngăn ngắt: “Khó chi! Chỉ cần lấy tên của bất kỳ hai đồng đội tôi chết đúng ngày vợ sinh mà thôi!”.

Tôi gần như tê liệt trước sự khốn cùng của gia đình Hani. Nhất là vào thời điểm đó, báo chí trên thế giới gần như chưa hề có một cái nhìn bao quát về cuộc chiến ở đây. Họ vẫn ngây thơ cho rằng đây là một mùa xuân Ả Rập tiếp theo ở Trung Đông, nơi tầng lớp dân chủ cánh tả không phân biệt tôn giáo đang vùng lên đòi thay đổi chế độ. Hầu như chưa một phóng viên nào lọt được vào Syria lúc bấy giờ, nên thế giới vẫn hoang mang không biết rằng phong trào dân chủ đã bị chết yểu và biến thành cuộc nội chiến nhuốm màu thánh chiến giữa Hồi giáo Sunni cực đoan và Hồi giáo Shia dòng Alawite.

Không ai tin khi tôi nói với bạn bè rằng lực lượng nổi dậy chính là quân khủng bố, kể cả khi một bài viết của tôi được đăng trên Jerusalem Post. Họ cho rằng tôi đã bị quân chính phủ tẩy não. Câu chuyện về anh rể của Hani tất nhiên được coi là kiểu nói quá của một con bé dễ xúc động, bởi đã là lính của độc tài Assad thì đương nhiên phải giống như trên YouTube chứ, tức chôn sống người biểu tình rồi ngửa mặt cười lên trời ha hả chứ sao lại sợ vãi cả ra quần được.

Tôi ở lại chơi với Hani được vài ngày thì xảy ra chuyện.

Một chiều khi đưa tôi đi thăm trung tâm thành phố trở về, người hàng xóm chủ quán bán tạp phẩm nơi Hani thường ghé vào mua thuốc lá bất ngờ hỏi liệu anh có phải là tín đồ Alawite hay không. Hani không còn cách nào khác là gật đầu. Bắt đầu từ lúc đó, một bản án tử hình treo lủng lẳng trước mặt Hani. Một viên đạn bất kỳ lúc nào cũng có thể găm thẳng vào sọ. Căn hộ của anh ở Aleppo trở thành một nhà tù, mọi cửa sổ đều đóng kín, chèn kỹ và dập đinh.

Một lần khi chúng tôi đang ngồi uống trà thì bất thần có tiếng gõ cửa. Hani tái mặt ra hiệu cho tôi im lặng. Tim tôi đập thình thịch vì lo sợ. Chúng tôi ngồi yên không động đậy cho đến khi nghe tiếng bước chân mất hẳn phía dưới chân cầu thang.

“Thế nhưng cậu có ủng hộ Tổng thống Assad không?” - tôi hỏi Hani khi anh đã hoàn thành chu trình rón-rén-bước-ra-nhìn-qua-ổ-khóa, rồi quay trở lại phòng khách.

“Thế này Mai ạ. Giữa mấy cái xấu thì đương nhiên là tôi chọn cái xấu nhẹ cân nhất. Hỏi Mai nhé, giữa ông Assad và quân Sunni cực đoan luôn muốn xơi tái thủ cấp của tôi, Mai chọn ai?”.

__________

Kỳ tới: Chuyện nhà Noura và một vụ cướp

PHƯƠNG MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên