08/06/2020 15:00 GMT+7

Những chuyến đi phượt truyền cảm hứng

MY LĂNG
MY LĂNG

TTO - Biến cố ập đến, chàng thanh niên lành lặn phải chấp nhận mình là người khuyết tật. Rũ bỏ sự mặc cảm, chàng trai ấy đi phượt, để truyền sự tự tin và cảm hứng cho người khuyết tật, rằng họ vẫn có thể đi du lịch, tận hưởng cuộc sống.


Những chuyến đi phượt truyền cảm hứng - Ảnh 1.

Phan Vũ Minh thích thú chụp ảnh hoa cà phê trong chuyến đi phượt lên Tây Nguyên tháng 3-2020 - Ảnh: V.P.

Trên Facebook cá nhân của mình, Phan Vũ Minh, chàng trai 29 tuổi đến từ miền Tây (Vĩnh Long), cập nhật nhiều hình ảnh về những chuyến đi phượt với nụ cười rạng rỡ. Chuyện không có gì đáng nói nếu Minh không phải là người khuyết tật, cuộc sống phải gắn với chiếc xe lăn.

"Những hình ảnh và câu chuyện của Minh là động lực để các bạn khuyết tật có niềm tin bước qua khỏi rào cản của chính mình, sống vui vẻ hơn, dám làm điều mình muốn, mình thích.

Anh Châu Thành Toàn (một tình nguyện viên)

Ra khỏi nhà và phá bỏ giới hạn chính mình

Dù phải ngồi xe lăn, Minh đã leo lên tận đỉnh Lang Biang (Lâm Đồng), đặt chân tới đèo Hải Vân - thiên hạ đệ nhất hùng quan, lăn xe lên tận Eo Gió (Bình Định), đèo Cả (Phú Yên)... 

Có người nhắn tin hỏi: "Bạn làm ngành gì mà được đi nhiều nơi vậy? Nhìn bạn mình rất ngưỡng mộ". Có người bày tỏ sự thán phục: "Cô rất khâm phục con. Cô chưa bao giờ tự đi lên đỉnh Lang Biang".

Những bức ảnh của Minh không chỉ có cảnh đẹp, mà người trong ảnh - dù ngồi xe lăn nhưng rất thần thái, phong cách thời trang trẻ trung, nhẹ nhàng và sành điệu khiến người xem xuýt xoa khen ngợi.

Minh sinh ra không phải là người khuyết tật. Minh bị bệnh dị dạng mạch máu tủy ở thắt lưng rồi ảnh hưởng xuống chân. Đang học năm thứ hai Trường trung cấp Tây Sài Gòn ngành tài chính - kế toán, Minh trải qua ca phẫu thuật nhưng không may bị liệt từ đó.

Phải trở thành người khuyết tật ở cái tuổi đẹp nhất, chàng trai trẻ suy sụp, tuyệt vọng và đau khổ tột cùng. 

Ở tuổi 20, Phan Vũ Minh quyết định về quê cha mẹ ở Long An. Không muốn chới với trong đau đớn và than trách, cũng không muốn dựa dẫm cha mẹ, Minh tìm hiểu rồi mua cây giống hoa hồng leo ghép Thái Lan về, chăm sóc rồi bán lại. Một tháng trừ tất cả chi phí, Minh kiếm được 15 - 20 triệu đồng. 

"Mình bán hoa hồng leo để xem khả năng mình làm được gì, và cũng muốn chứng minh cho cha mẹ thấy: dù có chuyện gì xảy ra với con, con vẫn tự nuôi được mình. Nếu cha mẹ có chuyện gì con cũng tự sống được" - Minh giải thích.

Nhưng thế giới ngoài kia rộng lớn quá, thú vị quá, Minh lại khát khao muốn được đi xa hơn, đến những nơi chưa được đặt chân tới. 

"Từ hồi bị liệt, mình không nghĩ mình tự đi phượt được. Nếu có đi thì chắc ngồi sau người khác chở chứ mình cũng không tự chạy được. Nhưng nhìn trên tivi, báo chí thấy cảnh đẹp đất nước, mình khao khát muốn đi để được tận hưởng những cảnh đẹp đất nước mình" - Minh kể.

Đến nay, Minh đã đặt chân tới hơn 30 tỉnh thành, từ miền Nam, Tây Nguyên ra tới Huế. Do xe khó chạy nên tất cả chuyến đi phượt với cháu mình, Minh là người chở. 

"Khi chạy xe, mình không nghĩ mình là người khuyết tật. Mình thấy vui và tự tin lắm. Như được bay đến vùng đất mới vậy, háo hức, háo hức" - anh chàng mỉm cười nói.

Lên rừng, xuống biển, Minh cũng đã được đặt chân tới. Phú Quốc xa xôi vậy, Minh cũng đến rồi. Minh bảo đi nhiều nơi nhưng chưa thấy hoàng hôn nơi nào đẹp như ở Phú Quốc. Chuyến đi xa nhất là phượt từ Vĩnh Long đến Huế, trong một tháng. 

"Mình rất thích những công trình kiến trúc lăng tẩm ở Huế. Sông Hương nghe trong thơ ca nhiều, được nhìn thấy bên ngoài thật sự rất đẹp, nước trong, yên bình" - Minh nói.

Chi phí tất cả chuyến đi cùng cháu cũng là bạn đồng hành thân thiết 3 năm nay, Minh tự lo.

Người khuyết tật cũng có thể đi phượt

Lúc đầu đi phượt, Minh không chụp hình. 

"Sau mình nhận ra nhiều bạn khuyết tật không dám đi du lịch, nghĩ rằng người khuyết tật thì không đi phượt được nên mình chụp ảnh đăng lên Facebook. Chia sẻ về những chuyến đi không phải để khoe mà là để mọi người thấy mình không may mắn nhưng vẫn sống vui vẻ, vẫn đến được chỗ này chỗ kia chiêm ngưỡng cảnh đẹp của Tổ quốc, được ăn những món ngon của nhiều vùng miền, được gặp những người bạn mới. Mình muốn mang đến sự lạc quan và tự tin cho nhiều người khuyết tật để họ xóa bỏ suy nghĩ: người khuyết tật thì không thể đi chơi, không thể đi phượt được" - Minh cho hay.

Minh không đăng quá nhiều cảnh đẹp mà chú ý chọn những ảnh mình cười tươi, thể hiện niềm vui khi được đến một nơi xa lạ, được chiêm ngưỡng vẻ đẹp đất nước để truyền niềm vui, năng lượng tích cực cho người xem. 

"Người khuyết tật lúc nào cũng rụt rè, mặc cảm, thụ động - Minh tâm sự - Mình đi phượt, trước hết là thay đổi bản thân mình, thay đổi quan điểm của cha mẹ mình, rằng người khuyết tật có thể làm được nhiều việc như người bình thường. Mình muốn gửi đến thông điệp cho nhiều bạn không may mắn khác: khi mình thích làm gì, muốn làm gì thì cứ cố gắng làm, đừng lo sợ".

Những bức ảnh, những câu chuyện trong các chuyến đi của Minh không chỉ truyền cảm hứng, sự lạc quan cho những người đồng cảnh ngộ mà cả những người chân tay lành lặn, bình thường. 

Có người nhắn tin kể đang gặp bế tắc trong công việc, rất buồn chán nhưng khi nhìn thấy những hình ảnh của Minh, họ thấy khó khăn của họ nhỏ bé lại và có động lực để vượt qua. Facebook của Minh ngày càng có nhiều người trong cộng đồng phượt biết tới, kể cả người ở nước ngoài cũng nhắn tin muốn kết bạn.

Sau này, Minh kết hợp đi phượt với làm thiện nguyện. "Khi Facebook mình có nhiều người trong cộng đồng phượt biết tới, mình nghĩ mình sẽ vì cộng đồng nhiều hơn chứ không phải vì bản thân mình nữa. Lần tới Đà Nẵng, lẽ ra đi chơi thăm thú cảnh đẹp thì mình theo một chị hay đi phượt, tối đó đi bán nước gây quỹ cho nhóm thiện nguyện giúp đỡ học sinh nghèo hiếu học. Mình nhận ra, không phải được sống cho mình mới là hạnh phúc mà sống vì người khác cũng là hạnh phúc" - Minh cười rạng rỡ nói.

Chụp ảnh cưới miễn phí cho người khuyết tật Chụp ảnh cưới miễn phí cho người khuyết tật

TTO - 51 tuổi, chị Nguyễn Thị Yến mới kết hôn với anh Lê Trọng Việt (53 tuổi). Hồi đó, chị Yến ở trong Mái ấm Mùa Xuân (Q.Tân Bình, TP.HCM), nơi nương tựa của một số người khuyết tật, khó khăn.

MY LĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên