Vui lòng nhập Email
Email Không đúng định dạng
Vui lòng nhập Họ & Tên.
"Nhất định phải trở lại nơi này", chúng tôi tự nhủ sau chuyến tác nghiệp dài ngày ở vùng lũ tang thương Nặm Păm (Sơn La). Thực hiện lời hứa, tôi cùng đồng nghiệp trở lại vào những ngày giáp Tết Mậu Tuất.
Hơn một tháng trước tết, tôi được phân công về lại vùng lũ tìm hiểu cuộc sống của bà con sau lũ ổn định ra sao, tết này họ có cái tết đủ đầy không.
Bắt chuyến xe khách từ bến xe Mỹ Đình, Hà Nội, tôi cùng đồng nghiệp Dương Liễu lên xe trở lại xã Nặm Păm, huyện Mường La, tỉnh Sơn La.
Trở lại Nặm Păm
Bên trái là một ngôi nhà ở Nặm Păm bị nước lũ tàn phá hồi đầu tháng 8-2017. Bên phải là hình ảnh những ngôi nhà lắp ghép mới dựng ở Nặm Păm giúp bà con có nhà đón tết - ẢNH: HÀ THANH
Chúng tôi chẳng thể quên được chuyến đi dài ngày đầu tiên trong tâm lũ quét Nặm Păm: 23 ngày tác nghiệp. Từng phi xe máy hơn 100km đi thẳng vào tâm bão Nam Định, từng đi bộ gần 5 giờ đồng hồ mới tiếp cận được tâm lũ ở Bát Xát, nhưng đây là lần đầu tiên chúng tôi chứng kiến sự tàn phá khốc liệt của cơn lũ dữ ở mảnh đất Nặm Păm.
Sau lũ, đại diện báo Tuổi Trẻ và Tỉnh đoàn Sơn La đến thăm hỏi và trao hỗ trợ cho gia đình có người thân bị mất trong cơn lũ - ẢNH: HÀ THANH
Tháng 8-2017, cả xã Nặm Păm chìm trong nước mắt. Người chết, người mất tích, hàng ngàn hộ dân mất nhà cửa sống trong cảnh màn trời chiếu đất.
Tôi bị ám ảnh khi chứng kiến giọt nước mắt vô vọng của cô bé Quàng Thị Xuân gào thét tìm bố, tìm anh giữa đống đổ nát. Tôi bật khóc trước sự sẻ chia của bộ đội Trung đoàn 754 (Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Sơn La) với anh Lò Văn Cu bị mất mẹ, mất vợ, mất con, mất nhà cửa. Mỗi ngày bộ đội nấu thêm bát cơm và gọi anh vào lán ăn đủ hai bữa.
Phụ nữ Nặm Păm hăng say lao động, trồng rau, trồng nương lúa quanh nhà. Họ bắt tay vào tái thiết cuộc sống sau trận lũ dữ - ẢNH: HÀ THANH
Chuyến trở lại này, Sơn La đón chúng tôi bằng cái nắng xuân ấm áp. Dòng suối Nặm Păm không còn tỏ ra hung hãn, bà con có thể băng suối để lên đồi, lên nương sản xuất.
5 tháng sau trận lũ dữ, cuộc sống nơi đây đang dần hồi sinh. Hơn 328 ngôi nhà lắp ghép được hoàn thành tại 6 điểm tái định cư mới. Từ con đường nhựa trải dài, ruộng nương hay nếp nhà bị lũ cuốn phăng nay đổi thay từng ngày.
Một nếp nhà mới được dựng lên. Chủ nhà vui mừng cho biết ngôi nhà sẽ kịp hoàn thành đón tết - ẢNH: HÀ THANH
Bà con Nặm Păm đã chuyển về ở những căn nhà lắp ghép mới. Một số hộ dân từ bao đời nay quen với nếp nhà sàn người Thái đang nhờ anh em, hàng xóm đến giúp dựng lại căn nhà sàn mới cho kịp tết.
Có nhà mới, dù nhiều hộ vẫn chưa có điện, có nước nhưng ai ai cũng mong chờ một cái tết đầm ấm. Bà con chỉ mong có thêm ký gạo nếp thật dẻo, thật thơm gói bánh chưng tết.
Tôi nhớ như in chuyến trở lại này. Không còn cảnh tượng đẫm nước mắt tang thương, máy ảnh và máy quay của chúng tôi mang những thanh âm mới.
Đó là khoảnh khắc khi đám trẻ con nhảy dây, vui đùa sau giờ tan học. Đàn ông khỏe mạnh xin đi xây kè bao ngăn dòng suối Nặm Păm. Còn phụ nữ chăm chỉ lên nương, lên rẫy, chăm bẵm cây xoài, cây nhãn Nhà nước vừa hỗ trợ.
Vượt dòng suối Nặm Păm, phóng viên Dương Liễu theo chân bà con lên nương ghi hình bà con Nặm Păm sản xuất - ẢNH: HÀ THANH
Để có được cảnh quay trẻ em học bài trong đêm, chúng tôi phóng xe máy đến bản tái định cư thôn Huổi Liếng (Nặm Păm) cách nơi bản cũ bị xóa sổ khoảng 2km. Chỉ 2km nhưng phải vòng qua mấy quả đồi, nếu không phải "tay lái lụa" e chừng khó tiếp cận được nơi ở cao ráo này.
Khó nhất là cả bản không có điện. Dù cố gắng bắt khoảnh khắc thật nhanh nhưng lúc trở ra thì bóng đêm đã bao trùm mấy quả đồi. Ở miền sơn cước này, tắt mặt trời thì màn đêm và giá lạnh ập xuống rất nhanh.
Để ghi lại cảnh đêm ở bản Huổi Liếng, chúng tôi phải băng qua mấy quả đồi mới đến được, lúc trở ra thì trời đã tối mịt - ẢNH: HÀ THANH
Cô chị đồng nghiệp cầm lái bật hết đèn pha xe máy, tôi ngồi sau bật thêm đèn pin nhưng chẳng khá khẩm mấy.
Chỉ quan sát được khoảng 50m đường phía trước, chúng tôi không định hướng trước được đâu là vực sâu, đâu là ngõ cụt. Hai chị em đành dò dẫm đường, hễ thấy không giống đoạn đường từng đi là tôi xuống xe đi tiền trạm, có lần suýt sẩy xe vì ngõ cụt. Hơn 30 phút sau, chúng tôi mới trở ra đường lộ an toàn.
Sau 6 ngày, chúng tôi rời Nặm Păm về lại thủ đô đón những người hùng của đội tuyển U23 Việt Nam. Trong lòng có chút tiếc nuối, giá như ở những điểm tái định cư sớm có điện thì bà con sẽ có cơ hội được xem những trận cầu tuyệt vời này.
Nhưng chúng tôi lại mừng cho bà con với lời khẳng định của bí thư huyện ủy Mường La: Tết này mỗi hộ dân Nặm Păm sẽ có gạo nếp để nấu bánh chưng đón tết.
Vùng lũ Sơn La hồi sinh sau 5 tháng - Video: DƯƠNG LIỄU
"Trái tim" Sủng Hoảng 2
Tạm gác lại tình yêu dành cho những chàng trai của U23 Việt Nam, tôi cùng phóng viên ảnh Nam Trần tiếp tục xách balo ngược lên TP. Lào Cai, khi hay tin tuyết đang rơi ở thị trấn Sa Pa.
Đồng nghiệp kể, từng tác nghiệp trong cảnh chìm ngập tuyết ở thị trấn Sa Pa dịp giáp tết 2016 mới thấu cái rét cước tay, cước chân giữa cái lạnh miền sơn cước.
Băng giá trên đỉnh Ô Quy Hồ
Ngày thứ hai, chúng tôi cùng phóng viên báo bạn đến đỉnh Ô Quy Hồ, băng giá vẫn đang phủ kín nơi này, nhiệt độ giảm sâu dưới 0 độ C. Nhiệm vụ chụp hình là của anh bạn đồng nghiệp. Còn tôi quay phim, phỏng vấn người dân.
Đây là lần đầu tiên tôi phải tác nghiệp trong băng giá. Chiếc áo lông vũ đủ sưởi ấm thân nhiệt, song đôi tay tôi tê cứng vì phải tháo găng mới dễ dàng quay phim, còn đôi chân mang tận hai đôi tất dày vẫn cước hết hai ngón chân cái.
Một lần bất cẩn, tôi trượt chân té ngã khi đi trong băng tuyết, rất may phương tiện tác nghiệp an toàn. Chúng tôi thường nói vui: "Người có thể ngã, nhưng máy móc thì không".
Đáng tiếc là chúng tôi "cố thủ" ở thị trấn Sa Pa 3 ngày liền, đã leo lên tận đỉnh Fansifan nhưng không săn được cảnh tuyết rơi. Trong ba ngày chỉ ghi nhận được không khí người dân đổ xô lên đỉnh săn tuyết và cảnh người dân mưu sinh trong giá rét.
Nhưng nhớ nhất là ngày thứ ba tìm đến xã Bản Khoang, chúng tôi quyết định cuốc bộ từ đầu xã, đi xuống thăm từng hộ dân, từng đứa trẻ ở đây.
Gần 5 năm về trước, nơi đây từng bị xóa sổ. Năm năm sau lũ, chúng tôi vui mừng chứng kiến người dân Bản Khoang có nhà cửa khang trang, trẻ em yên tâm học tập trong ngôi trường mới.
Điểm tái định cư Sủng Hoảng 2 nhìn từ trên cao. Đang bay flycam, phóng viên ảnh không ngừng xuýt xoa trước cảnh đẹp mới ở nơi này - ẢNH: NAM TRẦN
Gác lại cảnh săn tuyết Sa Pa, tôi cùng đồng nghiệp an tâm bắt ngay chuyến xe trung chuyển về lại TP. Lào Cai với nhiệm vụ chính trong chuyến đi này: về lại vùng lũ Sủng Hoảng 2, thuộc huyện Bát Xát.
Còn nhớ tháng 8-2016, trận lũ khủng khiếp quét qua cuốn phăng 16 ngôi nhà trong thôn. Không thể ở lại nơi cũ, chính quyền bố trí cho 35 hộ dân Sủng Hoảng 2 về tái định cư ở nơi mới, cách nơi cũ khoảng 10km.
Cậu bạn đồng nghiệp rất giỏi bay flycam, và cậu không bỏ lỡ cảnh tượng tuyệt đẹp khi nhìn nơi tái định cư mới từ trên cao. Vừa điều khiển flycam, cậu ta vừa xuýt xoa chỉ cho tôi xem khung cảnh tuyệt đẹp: Sủng Hoảng 2 được bố trí giữa quả đồi hình trái tim, có ruộng bậc thang bao quanh chẳng khác ở Mù Cang Chải là bao.
Bữa cơm có thịt
Đây là cái tết thứ hai của bà con Sủng Hoảng 2 ở nơi mới. Bà trưởng thôn Chảo Kiểu Mẩy vui mừng thấy cô cậu phóng viên đến vui tết với dân bản, đùa nghịch với trẻ con trong thôn.
Bà nhớ, cậu phóng viên này (phóng viên ảnh Nam Trần - PV) từng ngồi "cáp treo" qua suối để đến với bà con trong cơn lũ dữ. Tháng 8-2016, dòng suối hung hãn chia cách thôn bản, Sủng Hoảng 2 bị cô lập.
Chính quyền chỉ còn cách duy nhất là bắc ròng rọc qua suối, "cáp treo" bà trưởng thôn nhắc là cái rọ sắt treo lủng lẳng để tiếp tế lương thực. Đồng nghiệp của tôi phải ngồi trong rọ sắt đó mới đến được với bà con. Và trận lũ năm đó, báo Tuổi Trẻ là đơn vị đầu tiên chuyển tải hình ảnh Sủng Hoảng 2 nhanh nhất đến cho bạn đọc.
Sau lũ, có nhà, có điện, có nước, có đường đi lại, bà con Sủng Hoảng đã ổn định cuộc sống - ẢNH: NAM TRẦN
Bà trưởng thôn cũng nhớ, tròn một năm sau cơn lũ, cô phóng viên này - là tôi - liều lĩnh lội qua suối nhờ sự giúp sức của hai thanh niên trong thôn ghi lại khoảnh khắc khó khăn của bà con dân bản.
Một năm sau lũ, dòng suối vẫn chưa bớt hung hãn cuốn đường đi tạm của bà con, người dân phải liều mình qua suối mới lấy được lương thực cho tuần kế tiếp.
Khoảnh khắc hồn nhiên vui đủa của những đứa trẻ ở thôn Sủng Hoảng 2 - CLIP: HÀ THANH
Trở lại đây dịp giáp tết, chúng tôi may mắn được cùng bà con làm bánh chưng gù ngày tết - là món bánh truyền thống của người Dao đỏ. Tết này, bà con nói vui hơn vì có nhà, có điện, có nước, có đường đi lại đầy đủ.
Tác nghiệp xong xuôi, chúng tôi chào bà con để trở ra vì sợ trời tối nhanh. Ấy vậy mà bà Chảo Liều Mẩy và trưởng thôn nhất quyết không đồng ý, nhất định phải ăn được bữa cơm tết, uống chén rượu thuốc với bà con.
Bữa cơm có thịt, những đứa trẻ ở Sủng Hoảng 2 vui như hội vì lâu lắm mới được ăn cơm ngon như thế này - ẢNH: NAM TRẦN
Sau lũ đến bao thóc kiếm còn khó, bà con chỉ ăn cơm trắng với bát rau rừng. Nay bà Mẩy mua hẳn một ký thịt lợn đãi khách. Nhìn bữa cơm chuẩn bị tươm tất, có rau cải đắng, có thịt lợn, đám trẻ con trong nhà nhìn đĩa thịt không rời mắt.
Bữa đó đám trẻ con là vui như hội vì được ăn một bữa cơm đã đời đầy ắp thịt.
Đồng nghiệp tặng tôi một bức hình với trẻ em nơi đây. Những đứa trẻ đáng yêu chỉ mong có quần áo mới đón tết - ẢNH: NAM TRẦN
Rời Sủng Hoảng 2, chúng tôi quay về thủ đô làm việc khi chỉ còn hơn một tuần nữa là đến tết. Nghỉ ngơi mấy hôm, tôi tiếp tục chuẩn bị hành trang lên đường.
Chuyến đi kế tiếp này tôi sẽ xuôi về miền Trung, về lại tâm bão Hà Tĩnh từng bị hứng chịu trong cơn cuồng phong của bão số 10 vừa qua.
Ám ảnh thác Khanh
Ngày tìm về dòng thác Khanh (xã Phú Cường, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình) chúng tôi vẫn không khỏi ghê sợ trước sự dữ dằn của thiên nhiên.
Hơn hai tháng trước, nửa quả đồi ụp xuống lúc rạng sáng, 18 người bị vùi lấp, xóm Khanh trắng vành khăn tang.
Không một xe ôm nào đồng ý chở chúng tôi. Về lại thác Khanh, mưa vẫn trút xuống, cả một vùng dân cư chưa hết bàng hoàng, không ai dám quay lại hiện trường vụ sạt lở. Chính quyền cắm biển cảnh báo người dân không được lại gần vì có nguy cơ tiếp tục sạt lở.
Tết này những hộ mất nhà cửa ở xóm Khanh nói cố gắng dựng nhà mới ở gần đường quốc lộ. Không một ai quay lại "vùng đất chết".
HÀ THANH
Tin cùng chuyên mục
Vui lòng nhập Tên hiển thị
Vui lòng nhập Email
Email Không đúng định dạng
Vui lòng nhập Email
Email Không đúng định dạng
Mật khẩu không đúng.
Thông tin đăng nhập không đúng.
Tài khoản bị khóa, vui lòng liên hệ quản trị viên.
Có lỗi phát sinh. Vui lòng thử lại sau.
Nhập mã xác nhận
Đóng lạiVui lòng nhập thông tin và ý kiến của bạn
XThêm chuyên mục, tăng trải nghiệm với Tuổi Trẻ Sao
Từ ngày 1-1-2023, Tuổi Trẻ Online giới thiệu Tuổi Trẻ Sao - phiên bản đặc biệt dành riêng cho các thành viên với nhiều chuyên mục và trải nghiệm thú vị, bao gồm: Tư vấn pháp luật, Hỏi chuyện sức khỏe; Xem nhật báo sắc nét trên mạng (E-paper), Tuổi Trẻ Live (trực tiếp các sự kiện thời sự nóng bỏng, hấp dẫn).
Tuổi Trẻ Sao được thiết kế thông thoáng với tất cả các trang, chuyên mục và video đều không có quảng cáo hiển thị, không làm ngắt quãng sự tập trung của bạn đọc.
Bằng cách đóng góp Sao, thành viên Tuổi Trẻ Sao có thể tham gia các hoạt động và tương tác trên nền tảng Tuổi Trẻ Online như tặng Sao cho tác giả và các bài viết yêu thích, đổi quà lưu niệm trong chương trình, đăng ký quảng cáo, mua sắm trực tuyến.
Báo Tuổi Trẻ phát triển Tuổi Trẻ Sao nhằm từng bước nâng cao chất lượng nội dung, tăng khả năng kết nối, tương tác và thực hiện các nội dung mới theo nhu cầu của số đông công chúng.
Chúng tôi hy vọng Tuổi Trẻ Sao sẽ góp phần chăm sóc, phục vụ và mang lại những trải nghiệm mới mẻ, tích cực hơn cho cộng đồng độc giả của Tuổi Trẻ Online.
TTO
Tuổi Trẻ Sao
Thông tin tài khoản ngày
Tài khoản được sử dụng đến ngày | Bạn đang có 0 trong tài khoản
1 sao = 1000đ. Mua thêm sao để tham gia hoạt động tương tác trên Tuổi Trẻ như: Đổi quà lưu niệm, Tặng sao cho tác giả, Shopping
Tổng số tiền thanh toán: 0đ
Thanh toán
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận