Những phi công cấp 1 của trung đoàn tiêm kích 935 - Ảnh: My Lăng |
"Khi bay anh em phi công phải thực hiện nhiều động tác nhào lộn, đòi hỏi thể lực phải cực tốt, sự tập trung cao độ đến mức căng thẳng nên sau mỗi ban bay, phi công sẽ bị sụt khoảng 1kg” - một phi công của trung đoàn 935 cho biết.
Thể thao cũng là nhiệm vụ
Đại tá phi công cấp 1 Trần Quốc Toản cho biết: “Lên trời khác với ở dưới đất lắm. Không phải đơn giản là chỉ ngồi kéo, đẩy, thực hiện các thao tác. Áp suất thay đổi, nhào lộn ở độ cao chênh nhau quá lớn, mới ở độ cao 6.000m vù một cái đã xuống tới 1.000m. Cho nên việc rèn luyện thể lực rất quan trọng”.
Riêng với phi công, luyện tập thể thao là nhiệm vụ. Chế độ luyện tập thể lực của phi công rất nghiêm ngặt để rèn luyện tiền đình, khả năng chịu tải.
Hằng ngày ngoài bốn bài tập thể dục buổi sáng, chạy bộ từ 3 - 6km sáng và chiều, họ phải hoàn thành chế độ thể thao hàng không bắt buộc (1 - 2 giờ gồm những món: vòng quay trụ, xà, tạ, chạy bền...) và thể thao tự chọn. Nhưng đặc biệt trước ngày bay, phi công được miễn tập thể thao hàng không.
“Trong các môn thể thao hàng không thì quay trụ và đu quay hàng không là vất vả nhất. Mỗi lần tập là một lần máu dồn lên não. Nhưng món này sẽ trợ giúp nhiều nhất cho phi công trong các chuyến bay, làm tăng sức chịu đựng của phi công.
Khi bay, nhất là bay biển, nhào lộn một cái là ngửa mặt lên trời xanh, nhoáy một cái là biển. Trời xanh. Biển cũng xanh. Việc quan trọng nhất khi tập thể thao hàng không là để khắc phục cảm giác sai khi thực hiện các bài bay nhào lộn, bay biển, bay diễn tập, bay đêm...” - anh Phạm Văn Sơn (trợ lý thể thao trung đoàn 935) cho biết.
Trước ngày bay, phi công không được về nhà mà phải ngủ trong đơn vị để... đảm bảo sức khỏe. Đúng 21g, phi công phải tắt điện đi ngủ.
“Độc thân cũng không được đi chơi về trễ quá 9g tối. Có khi 4 - 5 ngày bay nhiệm vụ, phi công phải ở trong đơn vị không được về dù nhà chỉ cách mấy trăm mét” - đại tá Đào Quốc Kháng, chính ủy trung đoàn 935, cho hay.
Chủ nhiệm quân y hoặc y sĩ hàng không sẽ đi kiểm tra, “điểm danh” từng phi công một. Trước ban bay, quân y sẽ kiểm tra sức khỏe cho phi công. Ai đủ các điều kiện cho phép mới được bay.
Phi công quân sự luôn được ưu ái đặc biệt so với các lực lượng khác trong một đơn vị không quân từ quần áo, giày, ăn uống, phòng ở...
Trung tá Lê Như Hoài - chủ nhiệm hậu cần trung đoàn 935 - cho biết: “Quần áo công tác bay của phi công phản lực là bộ áo liền quần, được thiết kế theo mẫu của Nga với những tiêu chuẩn rất khoa học. Quần áo được may từ một loại sợi tổng hợp có khả năng chống cháy, thấm mồ hôi rất cao, giúp phi công thoải mái nhất”.
Ngoài ra, trước khi lên máy bay, phi công được trang bị thêm “quần kháng áp” được thiết kế với những phần khoét rất ngộ nghĩnh, lạ mắt.
Chiếc quần đặc biệt này có tác dụng khi phi công kéo quá tải, nó sẽ tự động thổi phồng, ép chặt vô mạch máu giúp phi công không bị thiếu máu não đột ngột, không bị choáng.
Người ta bảo ăn sướng như phi công. Từng được các anh mời dùng bữa trưa nhiều lần, tôi thấy sướng thì chưa biết nhưng phi công buộc phải ăn hết một khẩu phần “hoành tráng” gồm thịt gà luộc, thịt bò xào, trứng chiên, rau luộc, cơm, canh... để bù lại sức lực hao phí sau ban bay.
Phi công chiến đấu có chế độ ăn uống đặc biệt: ăn theo định lượng và duyệt giá hằng tháng. “Nghĩa là không cần biết giá cả lên xuống như thế nào nhưng phải luôn đảm bảo bữa ăn có đủ những định lượng quy định. Giá cả bao nhiêu trên duyệt bấy nhiêu” - chủ nhiệm hậu cần trung đoàn 935 giải thích.
Trong quân đội, chỉ duy nhất phi công có chế độ ăn đặc biệt này. Mỗi ngày, khẩu phần ăn của phi công phải đảm bảo đủ 4.680 calo. Bắt buộc phi công phải ăn hết.
Phi công bắt buộc phải mặc quần kháng áp trước khi lên máy bay - Ảnh: Thuận Thắng |
Đẳng cấp phi công chiến đấu
Khi tiếp xúc với các phi công, những con số khác nhau trên phù hiệu cài ở ngực áo của mỗi người khiến chúng tôi rất tò mò. Có người số 1, người số 2, người số 3 và có phi công không có số nào.
Hỏi ra mới hay đó là ký hiệu phân biệt đẳng cấp, trình độ của phi công. Đẳng cấp và trình độ ấy căn cứ trên lượng giờ bay tích lũy và nội dung bay (điều kiện khí hậu, thời tiết), khả năng xử lý tình huống, sử dụng vũ khí... Cấp thấp nhất đương nhiên không có số, là những phi công mới ra trường rồi đến cấp 3, cấp 2. Đẳng cấp nhất là cấp 1.
Đại tá Trần Quốc Toản (phi công cấp 1) cho biết: “Phi công cấp 3 là người có trên 400 giờ bay, còn cấp 2 phải trên 500.
Những người từ 900 giờ bay trở lên sẽ được công nhận là phi công cấp 1. Nhưng thật ra để đạt được phi công cấp 1 rất khó, nhất là trong khoảng 15 năm gần đây. Có người bay cả đời, hơn 900 giờ bay vẫn chưa được công nhận là phi công cấp 1.
Ngoài giờ bay còn đòi hỏi bản lĩnh, khả năng xử lý tình huống bất trắc, khả năng sử dụng vũ khí trong những lần bay diễn tập. Phi công cấp 1 có thể bay được bốn loại khí tượng: giản đơn ngày, phức tạp ngày, giản đơn đêm và phức tạp đêm; trong mọi điều kiện thời tiết đều có thể cất hạ cánh được”.
Trung đoàn không quân 935 hiện có hơn 10 phi công cấp 1 - một con số đầy kiêu hãnh mà các trung đoàn chiến đấu đều mơ ước.
Người vinh dự trở thành phi công cấp 1 ở độ tuổi trẻ nhất hiện nay tại trung đoàn 935 là thượng tá Nguyễn Khắc Hoàng. Anh trở thành phi công cấp cao nhất khi mới mang quân hàm đại úy!
Tuy nhiên trên thế giới, đẳng cấp của phi công giữa các nước rất khác nhau. Nga, Mỹ có những “phi công siêu cấp” (super pilot) với số giờ tích lũy “khủng”: trên 1.000 giờ bay.
Nhưng trong kháng chiến chống Mỹ, nhiều phi công “không số” của không quân Việt Nam còn rất non trẻ, có giờ bay tích lũy rất ít ỏi như: Phạm Ngọc Lan, Phạm Thanh Ngân, Phạm Văn Cốc, Nguyễn Đức Soát, Nguyễn Văn Bảy... đã bắn hạ 7, thậm chí 8 - 9 “super pilot” của không quân Mỹ vốn rất dày dạn kinh nghiệm chiến trường.
Khi trung đoàn 935 được thành lập (ngày 21-5-1975), đích thân Đại tướng Võ Nguyên Giáp vào tận sân bay Biên Hòa giao nhiệm vụ: phải nhanh chóng làm chủ các loại máy bay thu được của Mỹ và quân đội Sài Gòn để đối phó với tình hình mới. Lúc đó trung đoàn mới chỉ có “những đứa con bị bỏ rơi”: máy bay F-5. Nhưng chỉ sáu ngày sau khi trung đoàn ra đời, ngày 27-5 phi công Nguyễn Văn Nghĩa đã bay thành công chuyến F-5 đầu tiên, mở đầu cho chiến dịch khai thác F-5. Và họ đã khiến những chiếc F-5 làm được những điều mà ngay cả nhà sản xuất cũng không ngờ tới. Phi công 935 đã chuyển những chiếc F-5 từ tiêm kích phòng không thành tấn công mặt đất. Họ đã xuất kích hàng ngàn chuyến, đánh “tan nát” các sở chỉ huy, phá hủy các trận địa phòng thủ... của Khmer Đỏ, tạo ưu thế chiếm lĩnh trận địa thuận lợi cho các lực lượng khác. Trung đoàn 935 đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Đặc biệt, trung đoàn có hai phi công cũng được phong tặng danh hiệu này là đại úy Nguyễn Văn Kháng và đại úy Lê Khương. |
__________________________
Kỳ tới: Những phút nghẹt thở cứu Su-30
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận