Võ sư Vittorio Cera trong một lần thăm thầy Chiếu tại Việt Nam - Ảnh: FBNV
Võ sư Nguyễn Văn Chiếu vừa mất ở tuổi 72 hôm 4-2.
Dù chỉ tập luyện Vovinam trong thời gian ngắn nhưng tôi luôn ngưỡng mộ cách dạy, cách sống của thầy Chiếu. Thầy đã khiến tôi và gia đình mình có tình cảm đặc biệt với võ Việt, với người Việt và văn hóa Việt Nam.
Vincent Portier
Võ sư Nguyễn Văn Chiếu là người góp công lớn trong việc quảng bá Vovinam ra thế giới. Kể từ chuyến đi đầu tiên đến Belarus vào năm 1997, đến nay ông đã giới thiệu, biểu diễn và truyền dạy môn võ Vovinam ra gần 20 nước khác.
Nhớ mãi mái nhà của thầy Chiếu
Không chỉ ân cần chỉ bảo cho các học trò, ngôi nhà của ông ở quận 8, TP.HCM cũng là nơi cưu mang cho các võ sinh nước ngoài gặp khó khăn về kinh phí mỗi khi tìm về Việt Nam trau dồi võ học. Không chỉ cho tá túc, ông và gia đình còn lo cả bữa ăn hằng ngày cho họ.
Lứa học trò nước ngoài đầu tiên từng sang Việt Nam năm 1999 và những năm 2000 đều không bao giờ quên mái nhà của võ sư Nguyễn Văn Chiếu. Vì thế, khi nghe tin ông mất, tất cả đều sắp xếp công việc để bay sang Việt Nam tiễn đưa thầy Chiếu.
Nhiều người đã thay hình đại diện trên Facebook, để hình mình và thầy Chiếu như là một sự tri ân. Võ sư Vittorio Cera - chủ tịch Liên đoàn Vovinam Ý - thậm chí còn làm cả một video clip đưa lên mạng để tưởng nhớ và dành tặng người thầy vừa mất. "Xin chào thầy. Tôi xin dành tặng thầy video về những khoảnh khắc tuyệt vời của chúng ta trong 22 năm qua" - ông viết.
Xin được để tang thầy
Vittorio Cera là một trong những học trò nước ngoài đầu tiên của võ sư Nguyễn Văn Chiếu. Năm 1998, ông Chiếu sang Tây Ban Nha quảng bá Vovinam và gặp Vittorio Cera. Hớp hồn bởi môn võ Việt, Vittorio khăn gói sang thọ giáo võ sư Nguyễn Văn Chiếu một năm sau đó. Tấm lòng và sự đối đãi của ông Chiếu khiến Vittorio Cera coi ông như người cha thứ hai của mình.
Tháng 8-2013, võ sư Nguyễn Văn Chiếu từng hôn mê cả tháng những tưởng không qua khỏi. Vittorio Cera khi đó sang Việt Nam du lịch, nghe tin này đã đến thăm ông và khóc nức nở.
Vittorio Cera thường hay nhắn tin hỏi thăm và luôn được thầy trả lời ngay. Nhưng cả tuần qua, ông nhắn tin thì thấy thầy chỉ đọc chứ không trả lời. Nhưng ông cũng chỉ nghĩ là thầy bận thôi chứ không nghĩ là thầy yếu rồi mất. Công việc dạy Vovinam trong trường học chính quy tại Ý không thể vắng mặt, nhưng Vittorio Cera khi nghe tin cũng cố gắng xin nghỉ hai ngày và mua vé máy bay ngay để về Việt Nam tiễn đưa thầy vào hôm nay (7-2).
Không chỉ Vittorio Cera, các học trò ở CLB Vovinam tại Ý cũng mong muốn xin được đeo băng tang trên áo để bày tỏ tình cảm với vị chưởng môn. Vittorio Cera kể: "Chủ nhật tới, ở Ý có giải thi đấu Vovinam, chúng tôi sẽ tổ chức một phút mặc niệm cho thầy. Dù thầy mất nhưng chúng tôi sẽ tiếp tục phát triển Vovinam và cố gắng truyền đạt những gì thầy đã dạy".
Võ sư Mohamed Djouadj (Algeria) và Florin Macovei (Romania) đến viếng võ sư Nguyễn Văn Chiếu chiều 6-2 sau khi vừa xuống máy bay - Ảnh: HOÀNG GIANG
"Chạy đua" để về viếng thầy
Với võ sinh ở một số nước, ngoài chuyện thu xếp công việc, họ còn phải gấp rút xin cấp visa nhằm kịp sang Việt Nam đưa tiễn người thầy đáng kính. Chủ tịch Liên đoàn Vovinam Algeria, châu Phi và khối Ả Rập Mohamed Djouadj là trường hợp như thế. Sợ không kịp xin visa, Djouadj nhờ người bạn đang làm việc ở Việt Nam mua vòng hoa đi viếng và thắp nhang thay mình ngay hôm đầu tiên của lễ tang.
Bên cạnh đó, Djouadj liên lạc với Đại sứ quán Việt Nam tại Algeria để nhờ giúp đỡ. Mong muốn của ông được Đại sứ quán Việt Nam chấp thuận, vì ở Algeria phong trào Vovinam phát triển rất mạnh với hơn 20.000 người tập luyện khắp cả nước. Hơn nữa, Djouadj thường cùng Đại sứ quán Việt Nam tổ chức giải Vovinam Cúp đại sứ với sự tham dự của các nước châu Phi.
Djouadj chia sẻ: "Tôi gặp võ sư Chiếu lần đầu tiên vào hè 2005 tại TP.HCM. Đó là một người thầy luôn mỉm cười và khiêm tốn. Năm 2011 tôi mới có dịp tiếp xúc với ông nhiều hơn ở Giải Vovinam thế giới lần 2 tại TP.HCM. Tình cảm của tôi càng tăng lên khi chứng kiến thầy yêu thương tất cả võ sinh nước ngoài, giúp đỡ và kêu gọi mọi người cùng đoàn kết. Năm 2012, thầy từng đến Algeria, giám sát khóa đào tạo 2.000 võ sinh và tiến hành thành lập Liên đoàn Vovinam châu Phi.
Thầy luôn mở cửa nhà mình để đón các võ sinh nước ngoài về ăn ở và luyện võ. Bất cứ khi nào tôi đến thăm Việt Nam, ông luôn đón tôi với một nụ cười và cái ôm thật chặt. Dù mang bệnh đi lại khó khăn từ năm 2013 nhưng thầy vẫn dành thời gian quý giá của mình hướng dẫn kỹ thuật Vovinam cho tôi.
Khi nghe tin thầy mất, tôi dường như không thể tìm được từ ngữ nào để bày tỏ nỗi đau và nỗi buồn sâu sắc để chia sẻ với đại gia đình Vovinam về sự mất mát này. Ông là người đã dành cả cuộc đời của mình để phát triển và truyền bá Vovinam trên toàn thế giới".
Tôi cố gắng sang Việt Nam vì quá thương thầy!
Không sang Việt Nam được, các võ sinh CLB Vovinam Trường ĐH Liege (Bỉ) đã làm lễ tưởng niệm thầy Chiếu - Ảnh: CLB cung cấp
Sự đối đãi chân tình của võ sư Nguyễn Văn Chiếu đã thu hút rất lớn tình cảm của các võ sinh nước ngoài. Ngay cả những người vì bận rộn, không thể tiếp tục tập Vovinam như Vincent Portier, nghe tin thầy mất liền lập tức bay về Việt Nam.
Vincent tập Vovinam tại Pháp năm 1999 và cũng từng sang nhà thầy Chiếu luyện võ. "Anh ấy nghỉ tập từ năm 2004 vì quá bận bịu công việc. Nhưng hễ nghe tin ba tôi sang Pháp hay anh ấy về Việt Nam là luôn tìm gặp.
Nghe tin ba tôi mất, anh ấy cứ liên lạc chia buồn với gia đình suốt. Rồi khá bất ngờ, anh báo mình đã tìm được vé máy bay về Việt Nam để kịp ngày đưa tang ba tôi" - chị Nguyễn Thanh Nhã, con võ sư Chiếu, kể.
Trao đổi trước khi có mặt tại TP.HCM vào chiều 7-2, Vincent chia sẻ: "Do công việc tại Pháp của tôi rất bận, tôi dự định chỉ gọi điện thoại chia buồn với gia đình thầy. Nhưng vì quá thương thầy, tôi đã cố gắng sang Việt Nam một ngày để tiễn đưa thầy".
Lễ tang của võ sư Nguyễn Văn Chiếu có mặt khá nhiều võ sinh và quan chức các nước. Ngoài Vittorio Cera (Ý), Mohamed Djouadj (Algeria), Vincent Portier (Pháp), còn có Florin Macovei (chủ tịch Liên đoàn Vovinam Romania, tổng thư ký Liên đoàn Vovinam thế giới), Sudorruslan (cố vấn Liên đoàn Vovinam châu Âu), Harry Arlequin (chủ tịch CLB Vovinam Ozoir la Ferriere, Pháp), Jerôme Taisant (trọng tài Vovinam quốc tế, Pháp)...
Đây là những người từng nhiều lần đến Việt Nam tập huấn và ăn ở tại nhà thầy Chiếu. Ngoài ra, quan chức Vovinam ở các nước Đông Nam Á như Indonesia, Myanmar, Campuchia... cũng đều có mặt.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận