28/04/2013 10:35 GMT+7

Những chuyến bay đặc biệt

QUỐC VIỆT
QUỐC VIỆT

TT - “Những anh lính Bắc Việt được không vận cơ hạng nặng C130 của Mỹ chở... về quê thăm vợ ngay trong lúc chiến tranh vẫn còn ác liệt. Chuyện như đùa nhưng là sự thật hoàn toàn, mà chính tôi cũng mấy lần được ngồi ghế bay từ Sài Gòn ra Hà Nội đoàn tụ vợ con” - nhắc kỷ niệm những chuyến bay đặc biệt từ trại Davis, đại tá Hà Cân bật cười.

Kỳ 1: Kỳ 2:

qOdHAcKa.jpgPhóng to
Nón cối và mũ tai bèo xuất hiện trên trực thăng do phi công quân đội Sài Gòn lái - Ảnh: vnmilitaryhistory

Tuy nhiên, ông cũng tâm sự đó chỉ là một phần “vui nho nhỏ” của trận chiến đặc biệt giữa lòng đối phương. Đa số chuyến bay ông và đồng đội tham gia đều thực hiện những nhiệm vụ nặng nề, căng thẳng, thậm chí có thể không trở về...

“Cầu không vận” C130

Có hai loại máy bay thường xuyên được Mỹ và Sài Gòn sử dụng chuyên chở đối phương ở trại Davis là C130 và trực thăng UH1. Không vận cơ hạng nặng C130 làm cầu nối vận chuyển giữa Sài Gòn và Hà Nội. Còn trực thăng UH1 chủ yếu để bay các chặng ngắn trong miền Nam. Đường từ Hà Nội đến trại Davis của đại tá Hà Cân vòng qua hơn nửa đường bay Trái đất, cuối cùng mới đáp xuống được Tân Sơn Nhất.

Hồi tưởng kỷ niệm này, ông cười kể chặng bay đầu tiên của mình đến Sài Gòn bằng IL18 của hàng không Liên Xô Aeroflot, hạ cánh ở Matxcơva, Paris, rồi mới lên Boeing 707 Air France để qua Thái Lan.

Quá cảnh ở sân bay Bangkok, đại tá Hà Cân chạm mặt trực diện với quân đội Sài Gòn khi chuyển sang chiếc C47 do phi công sư đoàn 5 không quân Việt Nam cộng hòa lái. Ở trại Davis suốt từ đầu năm 1973 đến cuối tháng 4-1975, đại tá Hà Cân và đồng đội còn nhiều dịp ngồi khoang “hạng nhất” C130 do chính phi công Mỹ lái. Đây là chuyến bay được thực hiện mỗi tuần vào sáng thứ sáu để nối liên lạc giữa trại Davis và Hà Nội. Đó cũng là phương tiện tiếp tế công khai chủ yếu của Hà Nội cho người của mình đang ở đất đối phương. Nhân “cầu không vận” đặc biệt này, nhiều sĩ quan, chiến sĩ ở trại Davis đã quá giang ra thăm Hà Nội. Ngược lại, một số sĩ quan, mật vụ, phóng viên của Sài Gòn cũng ra tìm hiểu thủ đô Hà Nội.

Đại tá Hà Cân kể do C130 là máy bay quân sự chỉ có băng ghế dọc nên có những chuyến bay ông đã ngồi sát vai với sĩ quan Sài Gòn. Ông vẫn nhớ mãi đại tá Tiến, gốc Hà Nội, đeo huy hiệu nhảy dù với dáng phong trần của người từng trải trận mạc. Ngồi bên ông suốt chuyến bay, nhưng tay sĩ quan dù trầm ngâm ít nói, chỉ nhìn qua cửa sổ ngắm quê hương thuở nào của mình. Ở Hà Nội từ sáng đến chiều, đến lúc về đại tá Tiến có vẻ còn trầm ngâm hơn.

Tuy nhiên, với những người “quá giang” chuyến bay đặc biệt này như đại tá Hà Cân thì niềm vui mong đợi dưới đường băng Gia Lâm chính là đoàn tụ vợ con. Ông kể: “Chỉ được gặp ba giờ ngắn ngủi nhưng ý nghĩa lắm! Nhiều cặp vợ chồng xa cách nhau bao năm đã kịp có giọt máu thiêng liêng trong khoảnh khắc ít ỏi mà vô giá này”. Ba giờ vàng tính sít sao từng phút. Các cặp vợ chồng được chuẩn bị sẵn chăn gối trong một căn phòng “chiêu đãi sở” của sân bay Gia Lâm. Anh em về lại trại Davis thường đố vui trần phòng sơn màu gì, vì lúc ấy đâu ai còn tâm trí nào ngó lên trên ngoài gương mặt vợ. Đại tá Hà Cân đi C130 ra Hà Nội năm chuyến, chỉ ba chuyến hạ cánh được, hai chuyến phải vòng về vì lý do thời tiết. Trong đó có một chuyến tết mà họ nhận định có thể tổ bay đối phương cố tình không hạ cánh để cắt quà xuân Hà Nội chuyển vào. Họ biết điều này, vì ngay trước đó máy bay Hãng Aeroflot vẫn lên xuống an toàn ở Gia Lâm.

SrYiqKd8.jpgPhóng to
Phút giải lao thân thiện trong cuộc họp giữa đoàn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam VN và đoàn Việt Nam cộng hòa - Ảnh tư liệu

Dưới cánh UH1

Nếu như bay C130 thường khá êm đềm với những người trong trại Davis vì được nối liền với Hà Nội thì dưới cánh trực thăng UH1 thường căng thẳng hơn. Đại tá Nguyễn Bạch Vân, trợ lý tướng Trần Văn Trà, người tham gia trại Davis từ thời đầu cho đến ngày 30-4-1975, vẫn nhớ mãi ông đã có những chuyến bay “khá xóc” bằng UH1. Tuy nhiên, không phải do kỹ thuật của phi công hay máy bay trục trặc mà là sự biểu lộ thái độ với đối phương.

Nhắc kỷ niệm UH1, đại tá Nguyễn Quang Biểu, nguyên sĩ quan phiên dịch trại Davis, kể chính mình đã dính đạn phòng không quân giải phóng khi phi công bay sai hành lang an toàn. Để những chuyến bay nối liền trại Davis với các vùng căn cứ, đường bay an toàn được quy định. Nếu bay ra khỏi hành lang đó đồng nghĩa gây chiến và dưới mặt đất có quyền bắn hạ. Đường bay dày nhất là Sài Gòn - Lộc Ninh phải bám sát quốc lộ 13. Có chiếc bay trật khỏi đường đã bị bắn hạ. Ngày đại tá Biểu bay trên UH1 với các sĩ quan Sài Gòn từ Pleiku đi Đức Cơ, Tân Cảnh, giám sát trao trả tù binh bị mây mù. Tổ lái đã bay quá điểm hạ cánh quy định, lạc vào vùng giải phóng. Ông đang ngồi trên máy bay thì nghe đạn phòng không nổ lụp bụp bên dưới và có cả tiếng đạn xuyên vào thân máy bay. Phi công hốt hoảng lái ngược ra khẩn cấp.

Tuy nhiên, ngoài những chuyến đi đầy nặng nề, căng thẳng dưới cánh trực thăng UH1, đại tá Hà Cân cũng có các kỷ niệm xúc động với chuyến bay này. Ông từng được bay từng chặng dọc suốt bờ biển miền Trung để rung động với cảnh đẹp quê hương. Đặc biệt, trong một chuyến ngồi UH1 do phi công Sài Gòn cầm lái đi trao trả tù binh ở Thiện Ngôn, Tây Ninh, ông đã gặp được người em trai bao năm xa cách của mình. Hoàn cảnh nhà ông cũng như bao gia đình khác trên đất nước này phải ly tán vì chiến tranh. Cha con ông ngược ra Bắc, mẹ và em ông xuôi vào Nam. Máy bay hạ cánh xuống Thiện Ngôn, ông tận dụng thời gian nghỉ trước giờ trao trả tù binh để đi tìm em trong vùng giải phóng.

Ông gặp được cả em trai, em dâu và cháu. Vui mừng hội ngộ mà nước mắt cứ rơi xuống tán rừng...

Những ngày ở giữa Sài Gòn, tướng Trà đã thể hiện cái tầm và tâm của mình. Chính ông đã quyết định cuộc đoàn tụ đặc biệt cảm động của hai anh em ở hai bên chiến tuyến ngay trong trại Davis.

Vào làm việc với trại khi ấy có Bùi Thiện Khiêm, thiếu tá công binh quân đội Sài Gòn, chuyên lo điện nước. Mỗi lần vào trại Davis, viên sĩ quan này luôn quan sát như tìm kiếm ai đó. Cán bộ an ninh của đoàn liền tiến hành theo dõi, rà soát danh sách trong trại, phát hiện có một cán bộ phiên dịch của đoàn tên Bùi Thiện Hùng.

Một hôm, thiếu tá Bùi Thiện Khiêm nhìn thấy anh Bùi Thiện Hùng đi ngang qua, đã lao lên ôm chặt và bật khóc: “Anh Hùng ơi. Em là Khiêm đây!”... Sự việc vỡ ra là khi anh Bùi Thiện Hùng tập kết ra Bắc, người em trai 10 tuổi Bùi Thiện Khiêm kẹt lại và sau đó vào quân ngũ Sài Gòn.

Đại tá Vũ Nam Bình, trưởng ban bảo vệ nội bộ trại Davis, báo cáo tướng Trà. Tướng Trần Văn Trà xúc động khi nghe chuyện và trả lời: chuyện này cũng bình thường trong chiến tranh, đất nước bị chia cắt, biết bao gia đình phải phân ly mà. Cứ để cho anh em họ được gặp nhau thêm...

Chính nhờ vậy, hai anh em ruột thịt, hai người lính hai bên chiến tuyến, đã tiếp tục được gặp gỡ nhau, hàn huyên chuyện gia đình...

(Theo lời kể của đại tá VŨ NAM BÌNH)

____________

Kỳ tới: Trao trả tù binh

QUỐC VIỆT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên