Latsavong, cao ốc lớn nhất tại Lào đang do Trung Quốc xây dựng - Ảnh: Q.Việt |
Trước đây, nhiều dự án lớn ở Lào đều do nhà thầu xây dựng từ Việt Nam sang, giải quyết được rất nhiều việc làm cho thợ Việt kiều và cả người bản xứ. Nhưng bây giờ đa số công trình lớn đều rơi vào tay Trung Quốc |
Ông Đỗ Công Hùng (Hội Việt kiều Vientiane) |
Doanh nhân Trung Quốc không chỉ lấn lướt cộng đồng Việt kiều và người bản xứ, mà còn cạnh tranh mạnh mẽ với cả doanh nhân đến từ Nhật, Thái Lan, Hàn Quốc.
Đặc biệt, ngoài thương mại, họ lấn sân nhiều lĩnh vực khác, từ kinh doanh nhà hàng, khách sạn đến xây dựng, nông nghiệp, thủy điện, khai thác khoáng sản...
Đảo chiều
Từ thủ đô Vientiane, chúng tôi vượt qua tỉnh cùng tên Vientiane, sang Xaynhabuly, rồi đến cố đô Luang Prabang. Đi đến đâu cũng thấy dấu chân người Trung Quốc.
Nhiều bảng hiệu chữ Hoa được treo trên cửa tiệm, quán xá, khách sạn dọc đường. Ngay ở các thị trấn, xóm làng nhỏ heo hút trong rừng núi bạt ngàn của Lào cũng đỏ rực chữ Hoa.
Anh Chế Quang Long, trưởng đại diện Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, chỉ cho tôi xem một khu tái định cư ở tỉnh Xaynhabuly, rồi nói: “Người Trung Quốc xây dựng đấy. Họ giải tỏa làm công trình, dân bản xứ phải di dời ra ngoài này”.
Cũng như nhiều nơi khác mà chúng tôi đã đi qua, khu tái định cư do Trung Quốc xây dựng là những căn nhà một trệt một lầu trên diện tích đất khoảng 4x10m2.
Tất cả đều giống nhau với kiểu xây gạch ở tầng dưới, tầng trên bằng gỗ với cầu thang bên ngoài. Dân Lào vui tính, rất mến khách lạ, nhưng họ không kìm được thái độ khi chúng tôi hỏi về khu tái định cư.
“Nhà cửa cất san sát nhau như phố ở nơi heo hút như thế này làm sao mà sống được! Nông dân mà chẳng có vườn, chẳng có nơi nuôi gia súc thì biết làm gì? Chất lượng xây dựng cũng tệ lắm, mới qua thời gian ngắn nhiều căn đã bị nứt nẻ, xuống cấp rồi.
Nhiều người phải bỏ nhà mới để trở lại rừng, dựng nhà tạm để trồng nương rẫy kiếm sống, chứ ở bên ngoài này thì sống bằng gì?” - một người dân Lào nói.
Trước đây, nhiều nhà xây dựng Việt Nam sang Lào thường thắng thầu. Nhưng khoảng hơn chục năm gần đây, tình hình xoay chiều.
Nhà thầu Trung Quốc đua nhau vào Lào, cạnh tranh dữ dội với mọi đối thủ. Sức mạnh tài chính cùng sự lót tay mạnh đã khiến họ thắng thầu, đặc biệt là các công trình lớn.
Ông Nguyễn Văn Thanh, từng có nhiều năm kinh nghiệm làm ăn ở Lào, thừa nhận: “Dự án nào nhà thầu Trung Quốc không nhòm ngó thì thôi, chứ họ chen vào là 90% thắng thầu. Mình rất khó cạnh tranh nổi. Chưa bàn chất lượng thế nào, chỉ cần họ bỏ thầu giá rẻ là mình đã khó theo rồi”.
Họ làm, kéo luôn nhiều công nhân họ vào theo. Họ ăn ở riêng biệt thành khu, thợ thuyền nước khác rất khó vào làm được...
Từ nhà thầu xây dựng của mình, nhiều nhà hàng, khách sạn, khu giải trí, trung tâm thương mại, khu đô thị, cao ốc Trung Quốc ở Lào mọc lên ăn theo.
Ở Vientiane, tôi đã được những người bạn Lào mới quen giới thiệu công trình hiện chiếm kỷ lục cao nhất nước này.
“Đó là khu phức hợp thương mại - giải trí - khách sạn 5 sao Latsavong, cao 28 tầng, nằm ngay cửa ngõ trung tâm thủ đô. Trung Quốc bỏ 75% với vốn đầu tư ban đầu là 100 triệu USD trong thời gian nhượng tô hàng chục năm. Nhà thầu xây dựng cũng của họ” - người bạn Lào vừa kể vừa dẫn tôi đi thực tế thêm dự án đầm Thatluang.
Một khu đô thị mới có quy mô rất lớn cũng do Trung Quốc đầu tư với tổng số vốn lên đến 1,6 tỉ USD trên diện tích 670ha, thời gian thuê đất 99 năm. Hàng trăm gia đình Lào phải di dời để nhường đất cho người Trung Quốc.
Ông Đỗ Công Hùng, ban chấp hành Hội Việt kiều Vientiane, nhận xét: “Trước đây, nhiều dự án lớn ở Lào đều do nhà thầu xây dựng từ Việt Nam sang, giải quyết được rất nhiều việc làm cho thợ Việt kiều và cả người bản xứ. Nhưng bây giờ đa số công trình lớn đều rơi vào tay Trung Quốc”.
Tình hình cũng tương tự với hàng loạt dự án thủy điện khắp Lào. Công trình nào chúng tôi đến cũng đỏ rực bảng hiệu nhà thầu Trung Quốc, và băngrôn chữ Hoa cũng được treo lên ở cả các khu tái định cư của người dân bản xứ.
Lợi thế kinh nghiệm làm ăn lâu năm ở Lào của các nhà thầu xây dựng Việt Nam đang bị Trung Quốc giành giật.
Sắp tới, khi tuyến đường sắt cao tốc Trung Quốc xây dựng ở Lào dài 420km với tổng vốn đầu tư lên đến 7 tỉ USD được đẩy nhanh tiến độ, nhà thầu họ lại càng có nhiều việc hơn, kể cả các dự án “ăn theo” như phát triển khu dân cư dọc theo trục đường này.
Bảng hiệu Trung Quốc ở thủy điện Lào - Ảnh: Q.V. |
Những ông chủ đồn điền mới
Ngoài xây dựng, người Trung Quốc cũng đang ồ ạt đầu tư vào các lĩnh vực khai thác khoáng sản và nông nghiệp, lâm nghiệp mà trước đây vốn cũng thuộc thế mạnh của các doanh nghiệp Việt.
Hành trình từ Vientiane lên Bắc Lào, anh Chế Quang Long nhiều lần chỉ cho tôi xem các khu khai thác khoáng sản và rừng cao su của người Trung Quốc.
“Họ ồ ạt đổ tiền làm khắp nơi. Những vùng đồi núi toàn là vách cao, vực sâu mà họ cũng phủ kín cây cao su. Trong khi như mình thì những địa hình hiểm trở ấy cứ để phát triển rừng tự nhiên, chỉ nên trồng cao su ở những diện tích thuận lợi cho chăm sóc và khai thác...” - anh Long nói.
Ngoài các loại cây công nghiệp như cao su, họ còn trồng cây ăn trái như chuối, bắp, xoài... Không chỉ cạnh tranh với người Việt và dân bản xứ, mà họ còn làm cho cả các chủ nông trang của Thái Lan cũng phải ngạc nhiên.
Chưa kể chất lượng, an toàn sản phẩm, chỉ riêng tốc độ mở rộng diện tích và năng suất cây trồng của các đồn điền Trung Quốc đã làm cho các đối thủ cạnh tranh rất giỏi về nông nghiệp như người Thái cũng khó đuổi kịp.
Anh Udan Tharani, một người Thái gốc Việt, làm nghề buôn trái cây ở Lào, kể: “Hồi trước, tôi hay mua trái cây ở các tỉnh Bắc Lào như Bokeo, Phongsaly.
Đây là vùng đồi núi, đất đai rất tốt. Người dân Lào có tập quán trồng cây không dùng phân bón, để mặc tự nhiên nên chất lượng trái gì cũng ngon.
Ngay cả người Thái cũng rất thích nông sản Lào, vì chúng không bị nhiễm phân bón, thuốc hóa chất. Nhưng giờ vùng này tràn ngập đồn điền Trung Quốc.
Họ qua thuê đất hoặc lấy vợ người bản xứ để đứng tên mua đất, rồi ồ ạt thuê nhân công từ nước mình sang làm đồn điền”.
Mới hơn chục năm trước, ở vùng này, người đi buôn gốc Việt chỉ cần dùng tiếng Lào hoặc Việt, nhưng giờ phải tìm thông dịch tiếng Hoa.
Có những nơi như đặc khu tam giác vàng, huyện Ton Pheung, tỉnh Bokeo, các đồng hồ đều được chỉnh lại theo giờ Bắc Kinh, xài tiền nhân dân tệ và hầu như chỉ dùng ngôn ngữ duy nhất là tiếng Hoa.
Hàng ngàn người Trung Quốc ăn ở luôn tại đây để làm chủ, làm thợ và làm cả bảo vệ, lao công để phục vụ trở lại du khách, thương nhân nước họ sang làm ăn. Không mấy bóng người nước khác lai vãng ở đây...
_______________
Kỳ cuối: Cuộc cạnh tranh vẫn tiếp diễn
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận