Có không ít chú rể nước ngoài (đặc biệt là Trung Quốc) đã tốn rất nhiều tiền cho môi giới để cưới được vợ Việt Nam, nhưng rồi phải xấc bấc xang bang khi người vợ Việt Nam bỏ về nước.
Kỳ 1: Kỳ 2:
Phóng to |
Lý Trang kể lại câu chuyện đi tìm vợ với luật sư để nhờ tư vấn - Ảnh: V.Sự |
Tìm vợ để được ly hôn
Ngồi trước mặt chúng tôi là Lý Trang (47 tuổi), một anh thợ cơ khí từ Hồ Bắc (Trung Quốc) sang Việt Nam tìm người vợ mà Lý Trang thật thà nói là đã “mua” với giá 6 vạn tệ (hơn 200 triệu đồng).
Dáng người cục mịch, nhe hàm răng cáu xỉn, Lý Trang nói anh đã sang Việt Nam từ đầu tháng 5-2014 để tìm vợ là chị Nguyễn Thị Thúy H., quê ở ấp Thanh Thọ 3, xã Phú Lâm (Tân Phú, Đồng Nai) nhưng chưa tìm được. Đó là người tuổi ngoài 30, trước khi cưới Lý Trang đã có một đời chồng.
Lý Trang kể anh không biết gì về vợ mình trước khi cưới. Gần hai năm trước, thông qua một người môi giới ở Hồ Nam, Lý Trang khăn gói sang Việt Nam để làm đám cưới.
Cuộc sống hôn nhân với người vợ Việt Nam của Lý Trang, theo lời anh, chỉ êm ấm được trong năm đầu tiên, lúc H. chưa rành tiếng phổ thông. Khi đã thuộc đường đi lối lại, có thể giao tiếp thông thạo thì H. nằng nặc đòi về Việt Nam ở. Lý Trang không đồng ý thì H. đòi ly dị và bỏ về vào đầu năm 2014.
Vậy là một lần nữa Lý Trang lại phải khăn gói sang Việt Nam tìm vợ. Lý Trang nói: “Lúc đầu tôi sang để muốn đưa vợ tôi về vì cưới nhau hai năm mà chưa sinh được con cho cha mẹ, lại tốn rất nhiều tiền, nợ trả chưa xong. Nhưng giờ tôi nản rồi...”.
Lý Trang cho biết đã tìm đến tận nhà vợ ở ấp Thanh Thọ 3 nhưng không gặp. Thương tình, một phụ nữ cùng xóm Thanh Thọ 3, cũng lấy chồng ở Hồ Nam, đã dẫn Lý Trang đi gặp chính quyền nhưng không nơi nào có thể giúp Lý Trang vì giữa anh và H. không làm đăng ký kết hôn ở Việt Nam, cũng không hề gửi ghi chú kết hôn ở Trung Quốc về nước.
Gặp chúng tôi tại văn phòng luật sư Hà Hải và cộng sự tại TP.HCM để nhờ tư vấn, Lý Trang tỏ ra mệt mỏi sau một thời gian quá dài lang thang khắp hang cùng ngõ hẻm ở Việt Nam để tìm vợ.
Lý Trang buồn bã rằng bây giờ anh cũng chẳng tha thiết đòi lại vợ để đưa về Trung Quốc, cũng không tiếc tiền nữa mà chỉ mong tìm lại được H. để ký vào lá đơn ly dị, giúp anh giải quyết nhanh thủ tục ly hôn tại tòa án ở Hồ Bắc.
Còn nếu không tìm được thì về Trung Quốc Lý Trang sẽ mất một thời gian dài rơi vào tình trạng dở khóc dở cười: mất trắng 6 vạn tệ đi theo người vợ cũ nhưng chưa thể lấy được vợ mới vì phải chờ tòa hoàn tất thủ tục ly hôn vắng mặt.
Nắm được “điểm huyệt” pháp lý này của các chú rể Trung Quốc, không ít cô gái sau khi có được ít vốn từ việc cưới chồng Trung Quốc đã bỏ về.
Ở thị trấn Cờ Đỏ (huyện Cờ Đỏ, Cần Thơ) chúng tôi gặp Bé Em, năm nay 35 tuổi, vừa trở về từ Phúc Kiến (Trung Quốc) sau hai lần lấy chồng mà chú rể đều là người Trung Quốc.
Bé Em thản nhiên kể cô từng có một đời chồng ở Việt Nam, sau khi ly dị, qua mai mối Bé Em về làm vợ một người đàn ông Phúc Kiến. Nhưng chỉ sau sáu tháng, học được chút ít tiếng phổ thông, Bé Em trốn về Việt Nam. Do lần lấy chồng Trung Quốc này Bé Em không làm giấy xác nhận độc thân nên về nước được ba tháng cô lại tiếp tục lấy chồng Trung Quốc, cũng người Phúc Kiến.
Và cũng chưa đầy năm, người dân xóm chợ thị trấn Cờ Đỏ lại thấy Bé Em trở lại. “Lần này tôi đòi ly dị mà nó (chồng) hổng chịu, tôi bỏ về luôn. Nó ngon thì sang đây kiếm tôi, năn nỉ tôi mới ký đơn” - Bé Em nói thản nhiên.
Theo một cán bộ tư pháp tại Cờ Đỏ, ở đây còn có ba phụ nữ khác lấy chồng Trung Quốc rồi bỏ về, rồi lại lấy tiếp chồng khác là người Trung Quốc. Họ không làm giấy chứng nhận độc thân để có thể làm thủ tục kết hôn tại Trung Quốc.
Còn ở xã Xuân Thắng (huyện Thới Lai, Cần Thơ), ông Lê Hoàng Sáng - chủ tịch xã - cũng xác nhận cả năm 2013 xã này không có trường hợp nào làm giấy xác nhận độc thân để lấy chồng Trung Quốc, nhưng đám cưới với chú rể Trung Quốc thì vẫn cứ... lác đác diễn ra.
“Kiểu này thì chuyện chú rể Trung Quốc sang đây đòi vợ sắp tới chắc còn hoài” - ông Sáng nói.
Tờ hôn thú của Lý Trang và chị H. được cấp tại Trung Quốc nhưng tại Việt Nam, cuộc hôn nhân này không được công nhận vì Lý Trang và chị H. không gửi ghi chú kết hôn về Việt Nam - Ảnh: V.Sự |
Quỳ giữa đường đòi lại con
Suốt cả tháng 4 vừa qua, nhiều người dân ở quận Ô Môn (Cần Thơ) không khỏi cám cảnh cho anh Cheng Yin Chun (26 tuổi), một người đàn ông từ thành phố Cơ Long (Đài Loan), qua năn nỉ nhà vợ cho được nuôi con trai.
Vợ anh Cheng Yin Chun là chị Trần Hoài T., họ cưới nhau được bốn năm và đã có đứa con trai hơn 3 tuổi. Một hôm chị T. ẵm con về Việt Nam gửi cho cha mẹ và trở lại Đài Loan dọn ra ngoài ở.
Anh Cheng Yin Chun cho biết vợ anh đã được cấp giấy thông hành ở Đài Loan và có việc làm ổn định nên không muốn tiếp tục cuộc hôn nhân nữa.
Nhớ con, anh Cheng Yin Chun và cha mẹ phải xin visa du lịch bay từ Đài Loan sang năn nỉ cha mẹ vợ cho ẵm con về nhưng bất lực.
Hàng xóm nhà chị T. nói có nhiều buổi sáng họ thấy anh Cheng Yin Chun quỳ trước cổng nhà để mong cha mẹ vợ mủi lòng cho nhận lại đứa con trai của mình.
Gặp anh Cheng khi thời hạn visa đã sắp hết, phải chuẩn bị trở về Đài Loan, anh nói đã nhờ luật sư nhưng đều bị lắc đầu vì luật pháp giữa Đài Loan và Việt Nam có sự “xung đột” trong quy định.
Cụ thể là luật Việt Nam không coi việc người mẹ tách con ruột ra khỏi cha và đưa về cha mẹ đẻ là hành vi “bắt cóc trẻ em”, tòa án sẽ không can thiệp. Còn nếu ly hôn thì đứa bé còn quá nhỏ và tất nhiên quyền nuôi con sẽ thuộc về người mẹ.
Bà Nguyễn Thị Phương Thu - trưởng phòng hộ tịch Sở Tư pháp Cần Thơ - cho biết chuyện cô dâu Việt gây khó cho chồng bằng cách bắt con đưa về Việt Nam không còn là chuyện cá biệt.
Mới đây ở huyện Vĩnh Thạnh (Cần Thơ), một chú rể Đài Loan cũng đã đứng khóc, “ăn vạ” giữa đường suốt mấy ngày vì bị cô vợ Việt Nam bắt mất con, làm chính quyền phải tổ chức cả một cuộc họp để giải quyết.
“Nhưng cũng chỉ để động viên chú rể Đài Loan thôi, còn muốn đòi lại quyền nuôi con, các chú rể chỉ có cách kiện ra tòa” - bà Thu nói.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, luật sư Hà Hải (Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết chuyện chú rể nước ngoài (chủ yếu là Trung Quốc) sang Việt Nam đòi lại vợ giờ đã thành “chuyện thường ngày ở huyện”. Pháp luật quy định với các trường hợp chỉ kết hôn tại nước ngoài thì phải có nghĩa vụ gửi ghi chú tại cơ quan lãnh sự Việt Nam tại nước ngoài và gửi thông báo kết hôn về Việt Nam. Nhưng đa số trường hợp lấy chồng Trung Quốc đều không làm ghi chú kết hôn nên cuộc hôn nhân đó không được pháp luật Việt Nam công nhận, không thể giải quyết các vướng mắc pháp lý. |
__________
Kỳ tới: Lách luật để lấy chồng
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận