Cấp giấy chứng nhận nhà, đất trong 15 ngày
Theo nghị định 01/2017 của Chính phủ (có hiệu lực từ 3-3), thời gian thực hiện các thủ tục hành chính về đất đai giảm đáng kể so với quy định cũ. Đơn cử, thủ tục đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (gọi tắt là GCN) cho người nhận chuyển nhượng nhà, đất là 15 ngày (quy định cũ là 30 ngày).
Thủ tục đăng ký, cấp GCN khi thay đổi tài sản gắn liền với đất là 15 ngày (quy định cũ là 20 ngày). Thủ tục cấp lại GCN bị mất là 10 ngày (quy định cũ là 30 ngày).
Thời gian cấp lần đầu GCN là 30 ngày; thời gian thực hiện thủ tục giao đất, cho thuê đất là 20 ngày không kể thời gian thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng; thời gian cho phép chuyển mục đích sử dụng đất là 15 ngày…
Nghị định này cũng quy định chi tiết về 5 trường hợp đáng lưu ý được cấp GCN, gồm có hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất có vi phạm pháp luật đất đai trước ngày 1-7-2014; đất được giao không đúng thẩm quyền; diện tích đất tăng thêm so với giấy tờ về quyền sử dụng đất; đất xây dựng khu đô thị, khu dân cư nông thôn, khu sản xuất kinh doanh có nhiều mục đích sử dụng đất khác nhau; trường hợp đã chuyển quyền sử dụng đất nhưng chưa sang tên.
Giao dịch điện tử trong lĩnh vực bảo hiểm
Nghị định 166/2016 (có hiệu lực từ 1-3) quy định người dân có thể đăng ký tham gia giao dịch điện tử trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.
Đồng thời, việc cấp sổ; giải quyết, chi trả các chế độ bảo hiểm; giám định, thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế và việc trao đổi thông tin liên quan đến việc thực hiện chế độ bảo hiểm cũng được thực hiện bằng giao dịch diện tử.
Cũng theo nghị định này, các trường hợp nộp chứng từ bảo hiểm xã hội điện tử được thực hiện giao dịch điện tử qua cổng thông tin điện tử của Bảo hiểm xã hội Việt Nam hoặc tổ chức I-VAN 24 giờ trong ngày và 7 ngày trong tuần.
Cơ quan tiếp nhận sẽ gửi thông báo xác nhận đã nhận được chứng từ bảo hiểm xã hội điện tử đến địa chỉ thư điện tử của người nộp chậm nhất 15 phút sau khi nhận được chứng từ bảo hiểm xã hội điện tử gửi đến.
Chứng từ bảo hiểm xã hội điện tử theo quy định tại nghị định này có giá trị pháp lý như hồ sơ, chứng từ, thông báo và các văn bản bằng giấy theo quy định của pháp luật.
Phải có từ 10 triệu đồng trở lên/tháng mới được chơi casino
Lần đầu tiên, Việt Nam thí điểm cho phép người Việt chơi tại điểm kinh doanh casino ở các dự án đầu tư khu dịch vụ, du lịch và vui chơi giải trí tổng hợp có casino hợp pháp.
Những người muốn chơi casino nêu trên phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau:
a) Phải là người đủ 21 tuổi trở lên và có đầy đủ năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật Việt Nam;
b) Có đủ năng lực về tài chính để tham gia chơi tại điểm kinh doanh casino. Người chơi phải chứng minh được có thu nhập thường xuyên từ 10 triệu đồng/tháng trở lên hoặc thuộc diện chịu thuế từ bậc 3 trở lên theo quy định tại Luật thuế thu nhập cá nhân.
Bộ Tài chính sẽ hướng dẫn cụ thể hồ sơ chứng minh người chơi có đủ năng lực tài chính.
c) Phải mua vé tham gia chơi tại điểm kinh doanh casino. Mức vé là 1 triệu đồng/24 giờ liên tục/người hoặc 25 triệu đồng/tháng/người;
d) Không thuộc đối tượng bị người thân có đầy đủ năng lực hành vi dân sự trong gia đình là bố, bố nuôi, mẹ, mẹ nuôi, vợ, chồng, con ruột có đơn đề nghị doanh nghiệp kinh doanh casino không cho phép chơi tại điểm kinh doanh casino;
đ) Người Việt Nam được phép vào chơi tại điểm kinh doanh casino chỉ được sử dụng tiền đồng Việt Nam để đổi đồng tiền quy ước và được đổi đồng tiền quy ước ra đồng Việt Nam trong trường hợp chơi không hết hoặc trúng thưởng.
Nghị định 03/2017 (có hiệu lực từ 15-3) có thời gian thực hiện thí điểm 3 năm. Sau 3 năm thí điểm, Chính phủ sẽ tổng kết, đánh giá và quyết định việc tiếp tục cho phép hoặc có thể chấm dứt không cho phép người Việt chơi casino tại Việt Nam.
Ba loại hình đặt cược được phép kinh doanh
Theo nghị định 06/2017 (có hiệu lực từ 31-3), có ba loại hình đặt cược được phép kinh doanh là đặt cược đua ngựa, đặt cược đua chó, đặt cược bóng đá quốc tế.
Đối với đặt cược đua ngựa, đặt cược đua chó: sản phẩm đặt cược dựa trên thứ hạng của ngựa đua, chó đua khi về đích trong cuộc đua ngựa, đua chó do doanh nghiệp kinh doanh đặt cược tổ chức theo quy định.
Đối với đặt cược bóng đá quốc tế: sản phẩm đặt cược dựa trên tỉ số của trận đấu, hiệp đấu, các sự kiện xảy ra trong trận đấu và thứ hạng trong giải thi đấu.
Trận đấu, giải thi đấu được lựa chọn làm căn cứ kinh doanh đặt cược bóng đá quốc tế phải là các trận đấu, giải thi đấu bóng đá quốc tế được Liên đoàn Bóng đá quốc tế (FIFA) công bố, phê chuẩn.
Bộ VH-TT&DL công bố danh mục các trận đấu, giải thi đấu bóng đá quốc tế được lựa chọn làm căn cứ kinh doanh đặt cược bóng đá quốc tế.
Người tham gia đặt cược phải đủ 21 tuổi trở lên, có đầy đủ năng lực hành vi dân sự và không thuộc các trường hợp bị cấm theo quy định (như: cán bộ quản lý, điều hành, nhân viên và bố, mẹ, vợ, chồng, con ruột của cán bộ quản lý, điều hành doanh nghiệp kinh doanh đặt cược tham gia đặt cược của chính doanh nghiệp mình tổ chức; các đối tượng thuộc diện bị người thân trong gia đình là bố, mẹ, vợ, chồng, con ruột có đơn đề nghị doanh nghiệp kinh doanh đặt cược không cho tham gia đặt cược…).
50km cao tốc phải có một trạm cấp cứu Theo thông tư số 49/2016 của Bộ Y tế (có hiệu lực từ 1-3), tối thiểu 50km đường bộ cao tốc phải có một trạm cấp cứu. Trạm cấp cứu trên cao tốc được tổ chức lồng ghép với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có sẵn trên tuyến đường cao tốc đi qua bao gồm trạm y tế xã/phường; trung tâm y tế quận/huyện có chức năng khám bệnh, chữa bệnh; trung tâm cấp cứu 115; bệnh viện nhà nước và bệnh viện tư nhân. Mở tài khoản, người 15 tuổi không cần có tài sản riêng Theo thông tư 32/2016 của Ngân hàng Nhà nước (có hiệu lực từ 1-3), có bốn đối tượng cá nhân được mở tài khoản thanh toán tại ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, gồm: 1. Người từ đủ 18 tuổi trở lên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; 2. Người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi không bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự; 3. Người chưa đủ 15 tuổi, người hạn chế năng lực hành vi dân sự, người mất năng lực hành vi dân sự mở tài khoản thanh toán thông qua người đại diện theo pháp luật; 4. Người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi mở tài khoản thanh toán thông qua người giám hộ. Như vậy, ngoài việc bổ sung đối tượng thứ 4 thì quy định mới không còn yêu cầu người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi phải “có tài sản riêng bảo đảm thực hiện nghĩa vụ trong việc mở tài khoản thanh toán” như quy định cũ. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận