Những chiếc ghế của một thời cách ly tại bệnh viện, người với người cách xa để bảo vệ sức khỏe của nhau trong mùa dịch - Ảnh: DUYÊN PHAN
1. Bệnh nhân đã trở lại bệnh viện quá đông, nhưng bệnh viện vẫn còn để những vạch xanh ở lại. Chỉ không còn dòng lệnh "không ngồi vào ghế này", cũng không còn ai "theo dõi" xem bệnh nhân ngồi có đúng hay chưa.
Bệnh nhân đã được ngồi thoải mái, tôi cũng tự cho phép mình được ngồi vào một chiếc ghế gạch xanh, một chút cảm giác bồi hồi của "tự do trở lại".
Những chiếc ghế xanh chỉ nằm đó như một "vật chứng" của năm tháng "cách ly nhau" - năm tháng buồn bã cũng chưa quá xa nhưng may sao đang dần xa lạ với hiện tại. Không biết những chiếc ghế hôm nay đang nghĩ gì.
Đời ghế đi qua đại dịch cũng có cả thăng trầm, có lúc ghế cũng không được làm ghế, không phải muốn là được.
Con người trong cơn bàng hoàng COVID-19 cũng vậy, sẽ nhận ra không phải lúc nào chúng ta cũng có thể sống theo ý mình, theo đúng những kế hoạch mà được; chúng ta có thể khác đi trong những biến cố, và có dịp tiếc nhớ những đẹp đẽ dù nhỏ nhoi ta từng trải trong đời...
2. Ở phòng công chứng số 6 của quận Bình Thạnh, những chiếc ghế cho người chờ đã không còn dấu tích nào của "quãng đời giãn cách". Người với người đã được "cho phép" ngồi cạnh nhau.
Chỉ gần một năm trước thôi, bác bảo vệ đứng từ sáng sớm trên bậc thềm hướng dẫn từng người dân nghiêm túc xịt khuẩn hai tay, đưa màn hình điện thoại thẳng vào ống kính để "quét" dữ liệu vắc xin cho chuẩn, ngồi cách nhau... vừa làm đúng việc được giao bác vừa mong mọi người "ráng nha, thông cảm nha".
Người thành phố giữ gìn bản thân hơn, vì người khác hơn trong những ngày cộng đồng giành giật sự sống. Nhiều đau đớn, tiếc nuối không thể ngờ nhưng lòng thương yêu con người cũng nảy sinh không ngờ trong dông gió.
Tôi hôm nay đã ngồi khá lâu trên hàng ghế trong phòng công chứng số 6 dù đã xong việc rồi, không hiểu sao mình lại vậy. Chỉ để nhìn mọi người một chút, những bước chân đi qua đi lại, giọng người sôi nổi, những trao đổi không còn quá dè chừng lây bệnh cho nhau, thấy bình yên là thứ gì đó thực ra bình thường quá đỗi...
3. Thành phố không còn ca tử vong / Đi trên cỏ đất ấm lên từ lòng.
Những ngày thành phố quyết định ngừng phong tỏa, "sống cùng" COVID-19 để chiến thắng bệnh tật từ trong lòng COVID-19, tôi với bạn mình đã rủ nhau về quận 7 để đi chân trần trên những bãi cỏ nằm cạnh những khu đô thị sáng đèn.
Đi và lắng nghe niềm xúc động gì đó không thể gọi rõ tên trong tế bào của mình. Cảm xúc của người đã nỗ lực, đã còn lại, sống sót, trăng trên đầu và đất dưới chân. Bàn chân không giày chạm đất lạ thay không đau và giấc ngủ dường như êm đềm hơn nhiều đêm trước. Nỗi lo đã bao trùm lên thành phố mến thương bao lâu rồi, giờ đã dần tan.
Thành phố của buôn bán, tính tiền, giao hàng, không ai ngờ có lúc lấy số người còn, người mất làm niềm hy vọng mỗi ngày của mình, hôm nay đã dần không còn hồi hộp sáng chiều chờ số liệu tử vong làm trái tim muốn không thở nổi...
Hồi sinh thiệt rồi. Nhiều tuần không còn người chết vì COVID-19. Người lao động trở về, giá cả lên lên xuống xuống, chứng khoán xanh đỏ xuống lên cũng bóp nghẹt tim người... Không ở đâu hiện tại lại mạnh mẽ tưởng có thể "xóa" cả ngày hôm qua như ở thành phố này.
Nhưng thành phố giờ đây đã khác, với quá nhiều nhân chứng vật chứng sau một cuộc chia lìa. Những chiếc ghế cũng làm chúng ta nhớ ngày ngồi xa nhau, nhớ bình oxy, kháng sinh, đông máu, nhớ hơn 23.000 người ta thương đã tan vào vũ trụ... là những kỷ niệm không bao giờ vô nghĩa.
Chúng quyện lại làm sinh khí, chúng còn để lại những bài học, chúng giúp nhiều người chúng ta mưu sinh toan tính thành công hay thất bại cũng sẽ trong tâm thế của những người từng biết rõ đắng cay, sống sao cho xứng đáng, lương thiện, không phải để xứng đáng với ai mà chính là ý nghĩa với sự tồn tại thiêng liêng của chính bản thân mình.
Tôi tự hỏi sao những hàng ghế nằm im đâu đó vẫn làm cho mình nghèn nghẹn khi nhớ lại. Có lẽ vì tôi và hàng triệu người dân thành phố vẫn chưa thể nào quên... ngày hôm qua.
Tháng 6-2022
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận