Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ Online, ở các nhà ga thuộc tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) đều có những dòng chữ nổi và gạch xúc giác để hướng dẫn người khiếm thị đi lại. Những chi tiết đó được lắp đặt trên các bảng chỉ dẫn, thang máy và tay vịn…
Việc này thể hiện nỗ lực xây dựng một hệ thống giao thông công cộng thân thiện với tất cả mọi người, trong đó không quên những nhu cầu thiết yếu riêng của người khiếm thị và người khuyết tật.
Đơn cử như tại ga Bến Thành - ga lớn nhất của tuyến metro số 1, những bảng chữ nổi được trang bị để cung cấp thông tin về đường đi và giúp người khiếm thị xác định vị trí, lựa chọn hướng đi an toàn.
Song song với đó, các lối đi tại nhà ga cũng được trang bị gạch xúc giác - một loại gạch đặc biệt với các đường gờ nổi, giúp người khiếm thị dùng gậy dò đường dễ dàng nhận diện. Gạch xúc giác được thiết kế kết nối các khu vực chính như thang máy, lối lên xuống, và các cửa ra vào.
Đồng thời các nhà ga metro đều có thang máy và thang cuốn hiện đại, rộng rãi phù hợp với người dùng xe lăn, người cao tuổi và phụ nữ mang thai.
Những nút bấm trong thang máy cũng được thiết kế có chữ nổi, hệ thống loa thông báo được điều chỉnh để đảm bảo âm thanh rõ ràng, giúp người khiếm thính hoặc người có vấn đề về thị giác dễ dàng nắm bắt thông tin.
Ngoài ra, đội ngũ nhân viên tại nhà ga metro số 1 được đào tạo để hỗ trợ người khuyết tật, sẵn sàng hướng dẫn hoặc giúp đỡ khi cần.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, đại diện đơn vị vận hành cho biết metro luôn hướng đến việc tạo điều kiện thuận lợi nhất cho tất cả người dân đi tàu. Trong đó có người khuyết tật, người cao tuổi và gia đình có trẻ nhỏ. Vì vậy, tại các lối đi và thang máy luôn có lối đi ưu tiên hỗ trợ xe lăn, xe đẩy đi lại thuận tiện và nhân viên metro luôn sẵn sàng hỗ trợ người dân khi cần thiết.
Hình ảnh chữ nổi, gạch xúc giác ở ga metro:
Chữ nổi ở các máy mua vé, nút báo động... - Ảnh: THU DUNG
Tương tự, chữ nổi cũng được gắn ở nút bấm thang máy, cửa chắn ke ga với đường ray tàu... những chi tiết nhỏ này đều có ở các vị trí quan trọng, thể hiện sự quan tâm sâu sắc đến người khiếm thị và người khuyết tật khi đi metro - Ảnh: CHÂU TUẤN
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận