27/07/2010 07:00 GMT+7

Những chàng trai cứu hộ

HỮU TRÍ
HỮU TRÍ

TT - Xông vào đám cháy, lặn ngụp xuống bùn sâu vớt xác chết, phá dỡ đống đổ nát cứu người bị nạn... Đó là công việc hằng ngày của những chàng trai cứu hộ ở TP.HCM.

8uTTwAsI.jpgPhóng to

Chỉ một phút sau chuông báo động, đội cứu hộ cứu nạn chuyên nghiệp lao ra xe, chuẩn bị xuất phát - Ảnh: Hữu Trí

Để làm được điều đó hằng ngày họ phải trải qua các chương trình luyện tập nặng nhọc. Cuộc sống sinh hoạt, vừa thao luyện vừa chờ chuông báo động không phải ai cũng biết và chia sẻ được.

Vẫn tập khỏe với... trà đá!

Từ sáng sớm, đội cứu hộ cứu nạn chuyên nghiệp và Đội Cảnh sát phòng cháy chữa cháy (CSPCCC) Q.1 bắt đầu ngày thao luyện mới với các bài tập thể lực. Những kiểu khởi động cho một ngày “rèn xác” thường là chạy bộ, hít xà đơn. Sau giờ ăn sáng, cả đội trực hơn 20 thành viên tiếp tục các bài tập chuyên môn khác như võ, đu dây trên không, sử dụng bình khí tài, lặn...

“Ở đây tập luyện là một chuyện nhưng ra hiện trường phải tùy cơ ứng biến. Vậy nên chúng tôi ngày nào cũng tập cho nhuần nhuyễn, tạo thành thói quen để phản xạ tốt với mọi tình huống” - chiến sĩ Nguyễn Phạm Quốc Dũng, đội cứu hộ cứu nạn chuyên nghiệp nói.

Đội cứu hộ cứu nạn chuyên nghiệp được thành lập từ năm 2006 và hiện nay có gần 40 người, mỗi người luân phiên trực tròn một ngày, nghỉ một ngày, còn lính nghĩa vụ và các chiến sĩ chưa có gia đình thì đóng suốt trong doanh trại.

Anh Đào Quốc Trung, cán bộ trong ban chỉ huy của đội, nói nửa đùa nửa thật: “Nghề này nguy hiểm, tiếp xúc nhiều với xác chết, lặn ngụp dưới bùn dơ. Thế nên nghe lính cứu hộ là con gái bỏ chạy hết trơn, số anh em còn độc thân nhiều lắm”.

Phía nửa sân bên này đội cứu hộ cứu nạn chuyên nghiệp tập leo dây trên không thì phía sân bên kia đội CSPCCC Q.1 luyện cách sử dụng bình khí tài. Tập một lúc toát mồ hôi, các chiến sĩ trẻ chạy đến thùng trà đá gần đó “tiếp nước”.

Anh Ngô Thanh Dũng, trưởng đội CSPCCC Q.1, nói: “Nghề này luôn đối diện với mọi tình huống nguy hiểm có thể xảy ra nên đòi hỏi các chiến sĩ phải đa năng, từ tiếp cận vào trong hiện trường tai nạn đến bảo vệ và đưa nạn nhân trở ra an toàn. Tập luyện khó nhọc vậy đó nhưng chỉ cần bình trà đá kia thôi là có thể tập hết ngày, ngày nào cũng vậy”.

Còn anh Đào Quốc Trung vừa gặm bánh mì vừa cho biết: “Tiền lương ở đây không cao, hưởng theo quy định bình thường của chiến sĩ công an. Phụ cấp tiền ăn và luyện tập mỗi tháng chỉ 300.000 đồng/người nhưng anh em ai cũng có tinh thần rất cao”.

Ám ảnh chuông báo động

Anh Trần Minh Tuấn làm ba năm trong đội cứu hộ cứu nạn chuyên nghiệp cho biết: “Sau một ngày tập luyện và trực chuông báo động ai nấy cũng mệt và chỉ muốn nghỉ ngơi lấy sức. Còn lúc có những vụ tai nạn lớn chúng tôi phải túc trực tại hiện trường suốt”.

Anh Tuấn cho biết như trong vụ tai nạn sụp giàn giáo công trình xây dựng tại khu Phú Mỹ Hưng, Q.7 vào năm 2008 làm một công nhân chết và một người khác bị vùi trong đống đổ nát, suốt một tuần ròng rã các anh phải ở đó vật lộn với đống đổ nát tìm thi thể nạn nhân. Ai mệt thì thay phiên nhau ra mua bánh mì, cơm hộp ăn lấy sức rồi vào làm tiếp.

Trong phòng nghỉ của các chiến sĩ làm việc cứu hộ cứu nạn, trang phục tác chiến của mỗi người được treo gọn gàng một góc riêng. Khi nghe tiếng chuông, bất kể đang làm công việc gì cũng phải bỏ đó, vớ lấy bộ đồ rồi chạy nhanh ra xe đang chờ sẵn. “Nhiều lúc cơm vừa bày ra đã phải bỏ đấy chạy đi. Có người đang tắm nghe chuông chạy ra, thân mình đầy bọt dầu gội”, chiến sĩ trẻ Nguyễn Phạm Quốc Dũng nói.

“Ở đây mọi người đều hiểu tính chất quan trọng của chuông báo động như thế nào. Sau một ngày trực về nhà nghỉ ngơi, nhiều lúc nghe tiếng gì giống chuông báo động ở đâu đằng xa cũng giật mình. Khi đó mới biết là không phải và thấy mình đang ở nhà”, anh Phan Huỳnh Hữu Định thuộc đội CS PCCC Q.1 cho hay.

kVAP0mk7.jpgPhóng to

Tập luyện hằng ngày là một nhiệm vụ của các chiến sĩ - Ảnh: Hữu Trí

Anh cứu hộ đẹp trai

Chuyện là một cô gái có vấn đề về tâm lý đã khỏa thân đứng dưới cầu Kiệu (Q.3) đòi tự tử. Nhận nhiệm vụ, anh em trong đội chạy đến nơi để khuyên cô này trở lên. Sau khi mặc lại quần áo, cô gái cứ một mực đòi gặp “một anh cứu hộ đẹp trai” mới chịu cho bế lên xe về công an phường. Hết anh này đến anh khác ra trình diện nhưng cô gái vẫn lắc đầu. Đến lượt chiến sĩ Nguyễn Tấn Huy thì cô gái gật đầu cái rụp.

“Hôm ấy cô gái mệt quá dựa người vào mình ngủ ngon lành trên xe. Làm nghề này đôi khi cũng dở khóc dở cười lắm”, Huy nói.

HỮU TRÍ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên