Hằng ngày, học sinh ở bản Tý, bản Khuổi Dạc, xã Thanh Mai, huyện Chợ Mới (Bắc Kạn) vẫn phải qua suối trên cây cầu gỗ ọp ẹp này - Ảnh: NGỌC QUANG |
Mỗi bước chân, mỗi vòng quay của bánh xe lại khiến cây cầu rung lắc, tròng trành. Ván gỗ sàn cầu khá thưa phát ra những tiếng lộc cộc khô khốc. Phía dưới, dòng suối mùa cạn trơ những khối đá mấp mô lổn nhổn...
“Là xã nghèo và đặc biệt khó khăn, huyện cũng nghèo nên dù biết có nguy hiểm cho dân và xã cũng kêu nhiều, huyện cũng kêu nhiều lên tỉnh, nhưng hết năm này qua năm khác cầu vẫn không được làm |
Ông Lường Văn Nam (phó chủ tịch UBND xã Thanh Mai, huyện Chợ Mới, Bắc Kạn) nói về nỗi bất lực không có tiền làm cầu cho dân đi |
Bỏ việc để canh cầu
Khi thấy đám trẻ qua cầu an toàn, bà Nông Thị Hiệp và ông Hoàng Thông Lành (cha mẹ của đám trẻ) mới thở phào. Cả hai đều cho biết mỗi ngày phụ huynh trong thôn bản Tý, bản Khuổi Dạc phải bỏ công ăn việc làm ra cầu đưa đón con mới yên tâm.
Ông Lường Văn Nam, phó chủ tịch UBND xã Thanh Mai, cho biết lần nào họp hành hay tiếp xúc cử tri dân đều phản ảnh về chuyện cầu dân sinh. Theo ông Nam, xã Thanh Mai nằm sát sông Cầu nên có nhiều khe, suối đổ ra sông, suối Thanh Mai lớn nhất chạy dọc xã có đến năm cây cầu.
Trong đó 3/5 cầu vào bản là cầu gỗ do dân tự làm từ vài chục năm nay. Cứ mỗi mùa lũ, cầu bị cuốn trôi thì dân lại kiếm tre, cột, gom góp ván gỗ cũ làm cầu tạm. Mấy chục năm nay, biết bao thế hệ người dân hai bản này vẫn hằng ngày qua lại trên cây cầu gọi là tạm bợ đó.
Ông Nguyễn Văn Lương, trưởng bản Tý, cho biết cây cầu gỗ ọp ẹp này là cầu nối chính, gần nhất để 93 hộ dân người Dao, Tày, Nùng... (trên 500 nhân khẩu) sống ở bản Tý, Khuổi Dạc đi lại hằng ngày, ra trung tâm xã, về huyện. Vì bản nằm cuối nguồn nên chỉ cần những trận mưa to kéo dài như hồi cuối tháng 7, đầu tháng 8 này thì nước dâng cao ngập cầu gỗ khiến dân bản Tý, Khuổi Dạc bị cô lập hoàn toàn.
Cây cầu gỗ bắc qua suối chỉ dài 12m, nhưng mỗi khi mưa lũ về thì gần 100 hộ dân chỉ biết quanh quẩn trong nhà, có gì ăn nấy. Học sinh nghỉ học hết... Tương tự cầu bản Tý, ở xã Quảng Chu cách đó vài chục kilômet cũng là nơi có nhiều cầu gỗ ọp ẹp đang chờ... sập. Cầu gỗ bản Nhuần (nối đường chính của xã vào hai bản Nhuần 1, Nhuần 2) là cầu như vậy. Cầu này do dân tự làm gần 20 năm nay, nhưng mỗi ngày vẫn oằn mình gánh đỡ biết bao lượt người qua lại...
Trên 200 cầu chờ xây mới
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Hoàng Hiệp, phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Bắc Kạn, cho biết theo khảo sát của tỉnh, hiện toàn tỉnh có đến 246 cây cầu bị hư hỏng, xuống cấp cần được đập bỏ xây mới hoặc sửa chữa (riêng sửa chữa cũng cần kinh phí khoảng 70 triệu đồng/cầu).
Thế nhưng đến lúc này mới chỉ có 11 cầu trong số đó được xây mới. “Tỉnh nghèo nên dân kêu thì chúng tôi cũng không thể một lúc làm từng đấy cây cầu được. Tỉnh lại kêu và chờ sự đầu tư từ trên, từ lòng hảo tâm giúp đỡ của các tổ chức, doanh nghiệp từ thiện” - ông Hiệp nói.
Theo ông Hiệp, do địa hình chia cắt nên việc xây cầu ở Bắc Kạn cũng phải tính toán thật kỹ: chỗ nào làm cầu treo, chỗ nào làm cầu cứng, chỗ nào làm đập tràn. Làm cầu cứng thì có khoảng 1 tỉ đồng cũng làm được, nhưng cầu treo hay đập tràn phải có 5 - 7 tỉ đồng, thậm chí 10 tỉ đồng mới làm được.
Ông Hiệp ngậm ngùi: “Muốn làm cầu thì phải có tiền, trong khi Bắc Kạn là một trong những tỉnh nghèo nhất nước. Mỗi năm, như năm 2014 toàn tỉnh thu chưa đến 450 tỉ đồng và năm nay đến thời điểm cuối tháng 8 cũng mới chỉ thu được 50% con số 450 tỉ đồng của năm trước. Số thu toàn tỉnh chỉ bằng 7% số chi, nên hằng năm trung ương vẫn phải cấp trên 90% bù khoản chi của tỉnh”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận