TTCT - Lượng phát thải tro, xỉ từ các nhà máy nhiệt điện than lâu nay vẫn là bài toán đau đầu của cơ quan quản lý và là nỗi lo ô nhiễm hằng ngày của cộng đồng. TCVN 12249:2018 - Tiêu chuẩn quốc gia về tro, xỉ nhiệt điện đốt than làm vật liệu san lấp - vừa được ban hành, nỗi lo của người dân vẫn còn đó. Tro xỉ phát sinh hằng ngày tại các nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân đang được xử lý chôn lấp tại bãi chứa. Ảnh: ĐỨC TRONG Vụ việc dùng tro, xỉ than và các loại chất thải công nghiệp khác để san lấp mặt bằng của một công ty vẫn đang trong quá trình điều tra của các cơ quan chức năng. Nhưng câu hỏi được đặt ra là nếu mẫu tro xỉ than đem san lấp được phân tích có kết quả đạt TCVN 12249:2018 - Tiêu chuẩn quốc gia về tro, xỉ nhiệt điện đốt than làm vật liệu san lấp, chẳng lẽ có thể coi hành vi của công ty đó là hợp pháp? Câu hỏi này, có lẽ, không thừa khi mới đây Bộ Xây dựng đã gửi văn bản số 2776/BXD-VLXD đến Sở TN-MT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu hướng dẫn rằng tro xỉ đốt than của một công ty “có thể sử dụng làm vật liệu san lấp mặt bằng nếu phù hợp TCVN 12249:2018”. Đầu tháng 11, VTCNews đưa tin “Bộ KH-CN lần đầu công bố tiêu chuẩn tro, xỉ nhiệt điện”. Theo đó, một quan chức Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng cho rằng: "tiêu chuẩn quốc gia về tro, xỉ nhiệt điện đốt than làm vật liệu san lấp - TCVN 12249:2018 được ban hành sẽ xử lý căn bản, hiệu quả khối lượng phát thải tro, xỉ từ các trung tâm nhiệt điện để đảm bảo dung tích kho bãi chứa trong hoạt động vận hành nhà máy hiện nay." Giải pháp sử dụng tro, xỉ làm vật liệu san lấp nền là khả thi, tiêu thụ được khối lượng lớn tro xỉ làm vật liệu thay thế các nguồn vật liệu thiên nhiên khác có ý nghĩa thực tiễn, kinh tế và làm giảm tác động môi trường. Hơn một năm trước, tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ TN-MT ngày 20-9-2017, bộ này cho biết “hầu hết lượng tro, xỉ nhiệt điện than không đáp ứng các tiêu chuẩn dùng làm vật liệu xây dựng hoặc các tiêu chuẩn/quy chuẩn cho một ngành sản xuất, được thải trực tiếp ra các bãi thải, gây tác động lớn đến môi trường. Với tình trạng gia tăng các nhà máy nhiệt điện than như hiện nay, nếu không có giải pháp xử lý triệt để tro xỉ sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường”. Còn nhiều băn khoăn Theo quyết định số 452/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 12-4-2017, mục tiêu đến năm 2020 phải sử dụng 25 triệu tấn tro, xỉ nhiệt điện than làm vật liệu san lấp mặt bằng công trình, hoàn nguyên mỏ và làm đường giao thông, bên cạnh 31 triệu tấn sử dụng cho mục đích khác (trong tổng số 108 triệu tấn tồn đọng). Nghĩa là, từ nay đến hết năm 2020, trung bình mỗi tháng sẽ có 1 triệu tấn tro, xỉ đem đi làm vật liệu san lấp mặt bằng công trình, hoàn nguyên mỏ và làm đường giao thông. Trong khi tro, xỉ than để hoàn nguyên mỏ và làm đường giao thông còn chưa cụ thể, dường như lựa chọn dễ dàng nhất đang được mở ra với việc ban hành TCVN 12249:2018 để cho phép dùng tro, xỉ san lấp mặt bằng. Nếu nghiên cứu kỹ những quy định trong TCVN 12249:2018, các nhà nghiên cứu và chuyên gia trong lĩnh vực có thể đặt ra nhiều câu hỏi về chất lượng của quá trình xây dựng tiêu chuẩn vốn đã được biên soạn và qua các khâu thẩm định của các cơ quan chức năng. Phải chăng TCVN 12249:2018 được "sáng tạo" ra từ một phép cộng số học đơn thuần giữa QCVN 07:2009/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về ngưỡng chất thải nguy hại và QCVN 40:2011/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp?? Vấn đề ở đây là, so với QCVN 07:2009/BTNMT thì TCVN 12249:2018 chỉ lấy 19 chỉ tiêu về thành phần nguy hại vô cơ, bỏ qua đến 206 chỉ tiêu về thành phần nguy hại hữu cơ - là những thành phần đã được chứng minh tồn tại trong than và tro, xỉ gồm các chất hữu cơ gây ô nhiễm bền vững như PCB, dioxin/furan, phenol... Tương tự, so với QCVN 40: 2011/BTNMT thì TCVN 12249:2018 lấy 20 chỉ tiêu vô cơ, bỏ qua 13 chỉ tiêu (trong đó bao gồm PCB) và lại áp dụng cột B ít nghiêm ngặt hơn nhiều so với cột A (nguồn tiếp nhận là nguồn cấp nước sinh hoạt). Liệu có lời giải thích nào thỏa đáng khi bỏ qua hàng loạt các chất độc hại có thể có trong than? Liệu rằng tất cả các loại chất thải công nghiệp không nguy hại khác đạt TCVN 12249:2018 như hạt nix thải (tồn tại khoảng 1 triệu tấn tại bãi thải nhà máy đóng tàu Hyundai Vinashin, Khánh Hòa), xỉ thép (phát sinh trên 1 triệu tấn/năm) cùng với hàng chục loại chất thải công nghiệp không nguy hại khác với tổng lượng thải khoảng 8 triệu tấn/năm... đều có thể sử dụng san lấp mặt bằng, như một công ty đang bị điều tra “là khả thi”, “có ý nghĩa thực tiễn, kinh tế và làm giảm tác động môi trường” hay sao? Những câu hỏi cần giải đáp Các cơ quan quản lý nhà nước đã có nghiên cứu khoa học toàn diện nào về mức độ phát tán các chất ô nhiễm có trong tro, xỉ (quan trọng nhất là các kim loại nặng và các chất hữu cơ gây ô nhiễm bền vững như PCB, dioxin/furan, phenol...) đến các tầng nước ngầm, nước mặt và đất khu vực san lấp hay chưa? Các loại tro, xỉ khác nhau, san lấp tại các vùng đất có các điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu khác nhau, san lấp trực tiếp hoặc phối trộn với các loại vật liệu xây dựng khác nhau thì mức độ tác động môi trường khác nhau. Để đi đến quyết định ban hành tiêu chuẩn trên, các nhà quản lý có tính đến những yếu tố này? Một nghiên cứu của TS Nguyễn Thị Thu Ngà về việc sử dụng tro, xỉ Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1 làm đường giao thông tại Hà Tĩnh chỉ đánh giá đặc tính cơ lý hóa của vật liệu làm đường được tạo ra khi phối trộn tro, xỉ với ximăng. Vậy còn quy mô và mức độ các kim loại nặng cũng như các chất nguy hại khác trong tro, xỉ thẩm thấu ra các tầng nước ngầm, nước mặt xung quanh “con đường tro xỉ” đó sau khi xây dựng xong thì sao? Nghiên cứu này không có tính đại diện cho toàn bộ lượng tro, xỉ của Việt Nam, hoàn toàn không thể làm dẫn chứng để nói rằng “tro, xỉ trộn lẫn với ximăng để làm vật liệu san lấp thì rất tốt...”. Phải chăng nhiều nước trên thế giới đã sử dụng tro, xỉ làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và hoặc dùng trong các công trình xây dựng nên Việt Nam cho phép dùng tro, xỉ san lấp mặt bằng là “khả thi, có ý nghĩa thực tiễn”? Thực tế, dù việc sử dụng tro, xỉ đã phổ biến trên thế giới trong hơn 50 năm qua nhưng tính đến năm 2011, tỉ lệ sử dụng tro, xỉ trung bình trên thế giới chỉ là 53,5%. Trong đó, cao nhất là Nhật Bản (96,4%), một số nước khác như Mỹ chỉ đạt 42,1%, Úc 45,8%, Ấn Độ chỉ 13,8% - chỉ hơn Việt Nam hiện nay đang sử dụng ở mức 10%, theo ông Đinh Quốc Dân - phó viện trưởng Viện Khoa học công nghệ xây dựng (Bộ Xây dựng). Điều đó có nghĩa là đến 90% lượng tro, xỉ phát thải tại Việt Nam vẫn phải chôn lấp hoặc tồn chứa lâu dài trong các bãi thải. Vậy điều gì đang cản trở khả năng sử dụng tro, xỉ của nhiệt điện than Việt Nam? Nhật Bản đạt được tỉ lệ sử dụng 96,4% vì có 3 điều kiện thuận lợi: tài nguyên thiên nhiên khan hiếm, chi phí chôn lấp rất cao (100 USD/tấn) và cuối cùng là lượng than dư (than sống còn lại sau khi đốt) trong tro, xỉ rất thấp - chỉ khoảng 6,6%. Theo thống kê của các tác giả Madawala, Eric và Ajit trong bài báo trên Springer, tính trung bình trên thế giới khi khảo sát các loại tro, xỉ với các nguồn than khác nhau, tỉ lệ than dư trong tro, xỉ là từ 2,4-10,1%. Trong khi đó, tổng hợp nhiều báo cáo nghiên cứu khác nhau cho thấy tỉ lệ than dư trong tro, xỉ nhiệt điện than Việt Nam dao động từ 15-45%, tỉ lệ này thuộc loại cao nhất thế giới! Về mặt kỹ thuật, tro xỉ có tỉ lệ than dư càng thấp thì giá trị sử dụng càng cao, nhưng ngưỡng than dư để tro, xỉ có thể sử dụng làm vật liệu xây dựng hoặc trong các công trình xây dựng tối đa là 12%, cao hơn tỉ lệ này thì phải chôn lấp. Điều này giải thích vì sao thế giới phải chôn lấp đến 46,5% lượng tro, xỉ phát sinh. Nghiên cứu của TS Nguyễn Thị Thu Ngà cũng khẳng định điều này khi thực hiện giải pháp tuyển than để giảm tỉ lệ than dư trong tro bay của nhiệt điện Vũng Áng 1 xuống dưới 6% trước khi đem vào phối trộn. Vấn đề là trong thực tế, phải đầu tư thêm bao nhiêu tiền cho các dây chuyền công nghệ tuyển than dư với tỉ lệ rất cao hiện nay xuống dưới 6% để tro, xỉ có thể sử dụng? Nếu việc đầu tư này là khả thi, sao nhiều nước phát triển như Mỹ, Úc không đầu tư các dây chuyền này để nâng tỉ lệ sử dụng tro, xỉ của nước họ lên 100%? Cần biết rằng Cơ quan Bảo vệ môi trường Mỹ (EPA) trong hướng dẫn sử dụng tro, xỉ than phối trộn vật liệu làm đường cao tốc chỉ cho phép dùng tro, xỉ có tỉ lệ than dư không quá 12%, đồng thời cảnh báo cần hết sức thận trọng và có các biện pháp quản lý chặt chẽ để ngăn ngừa phát tán các chất độc hại khi sử dụng tro, xỉ dạng rời như dùng san lấp mặt bằng. Quay trở lại với TCVN 12249:2018 vừa được ban hành, vì sao chỉ tiêu tỉ lệ than dư cực kỳ quan trọng như vậy để phân loại chất lượng tro, xỉ nhằm đánh giá khả năng sử dụng trong lĩnh vực xây dựng nhưng lại bị bỏ qua? Đây có thể sẽ là kẽ hở để bất cứ loại tro, xỉ nào cũng có thể đạt TCVN 12249:2018, từ đó có được “tấm lệnh bài” cho việc san lấp mặt bằng? Bộ trưởng Trần Hồng Hà phát biểu tại Quốc hội rằng: “Nếu các công nghệ lò đốt triệt để, siêu siêu tới hạn thì như vậy thành phần vật liệu này có thể khẳng định là trở thành vật liệu có thể tái chế, tái sử dụng, đặc biệt là các vật liệu trong san lấp, vật liệu xây dựng”. Vậy trong 26 nhà máy nhiệt điện đang vận hành mà Bộ TN-MT từng cho biết, có bao nhiêu nhà máy áp dụng công nghệ “siêu siêu tới hạn”? Trong thuật ngữ công nghệ, supercritical là “siêu tới hạn”, ultra-supercritical là “trên siêu tới hạn” và mới nhất, công nghệ advanced ultra-supercritical là “trên siêu tới hạn nâng cao”, được phân loại dựa vào nhiệt độ và áp suất hơi của lò hơi nhà máy nhiệt điện. Có lẽ ý “siêu siêu tới hạn” là nói đến ultra-supercritical, là “trên siêu tới hạn”. Theo tìm hiểu của người viết, Việt Nam hiện nay không có nhà máy nào đang vận hành mà áp dụng công nghệ “trên siêu tới hạn”, nếu kể cả các nhà máy đang xây dựng cũng chỉ có chưa đến 5 nhà máy áp dụng công nghệ “siêu tới hạn”. Đa số các nhà máy đang vận hành đều áp dụng công nghệ ngưng hơi truyền thống với thông số hơi dưới tới hạn và cận tới hạn, là những công nghệ có hiệu suất thấp, phát thải cao, thuộc loại lạc hậu nhất thế giới mà các nước đang từng bước loại bỏ và không khuyến khích đầu tư. Thống kê của World Coal Association cho thấy công nghệ “siêu tới hạn” có suất đầu tư cao hơn 20% so với công nghệ “cận tới hạn”, còn công nghệ “trên siêu tới hạn” có suất đầu tư cao hơn 40% so với công nghệ “cận tới hạn”. Các chủ đầu tư lựa chọn công nghệ có hiệu suất thấp vì rẻ, đồng nghĩa với lựa chọn này là định mức tiêu thụ năng lượng cao và phát thải ô nhiễm lớn. Họ chỉ thấy cái lợi trước mắt mà sẵn sàng bỏ qua các chi phí do các thiệt hại về môi trường và sức khỏe mà xã hội phải gánh chịu. Tìm đâu ra nhà máy nhiệt điện than tại Việt Nam áp dụng công nghệ “siêu siêu tới hạn” trong hiện tại cũng như trong ít nhất 10 năm tới để khẳng định tro, xỉ “trở thành vật liệu có thể tái chế, tái sử dụng”, “trộn lẫn với ximăng để làm vật liệu san lấp thì rất tốt”? Cơ sở khoa học và thực tiễn nào để thuyết phục được rằng việc sử dụng tro, xỉ đạt TCVN 12249:2018 để san lấp mặt bằng là không gây tác động nghiêm trọng đến môi trường và sức khỏe người dân? Câu hỏi này chúng tôi đã gửi đến cơ quan chức năng nhưng rất tiếc, vẫn chưa nhận được trả lời thỏa đáng. Với hiện trạng công nghệ nhiệt điện than và đặc điểm tro xỉ hiện nay, việc cho phép dùng tro, xỉ san lấp mặt bằng tràn lan còn nguy hại hơn chôn lấp tro, xỉ có kiểm soát tại các bãi chôn lấp tập trung.■ Tags: Tiêu chuẩn môi trườngNhiệt điện thanTro xỉTro
Tin tức sáng 26-11: Quốc hội xem xét thông qua Luật Thuế VAT; Ngành nào đang cần nhiều lao động? TUỔI TRẺ ONLINE 26/11/2024 Tin tức đáng chú ý: Quốc hội xem xét sửa Luật Thuế VAT; Số người thất nghiệp cả nước đang giảm nhưng ngành nghề nào cần nhiều lao động nhất?
Tổng Bí thư Tô Lâm trực tiếp trao đổi chuyên đề đặc biệt quan trọng THÀNH CHUNG 25/11/2024 Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu đột phá mạnh mẽ hơn về thể chế phát triển, tháo gỡ điểm nghẽn, rào cản, trong đó lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm.
Ông Trump muốn 'kinh tế hóa' Ukraine LỤC MINH TUẤN 26/11/2024 Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đang lần lượt tung ra nhiều phương án nhằm thăm dò phản ứng của tất cả các bên cho kế hoạch hòa bình Ukraine sắp tới.
Dự thảo thông tư quy chế tuyển sinh đại học: Nhiều trường kêu khó TRẦN HUỲNH 26/11/2024 Bộ GD-ĐT vừa công bố dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh trình độ đại học, cao đẳng ngành giáo dục mầm non với nhiều điểm mới.