04/09/2013 07:23 GMT+7

Những câu hỏi về nội lực

TS NGUYỄN SĨ DŨNG
TS NGUYỄN SĨ DŨNG

TT - Nhận định “Không đủ nội lực sẽ khó giữ chủ quyền” của nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình (Tuổi Trẻ 2-9) thu hút sự quan tâm của đông đảo bạn đọc.

SxXqIOi4.jpgPhóng to
Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng - Ảnh: V.Dũng

Tiếp sau ý kiến “Nội lực nằm trong sức dân” của thiếu tướng Lê Văn Cương (Tuổi Trẻ 3-9), chúng tôi tiếp tục giới thiệu ý kiến của tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng.

Nội lực của một dân tộc là sức mạnh bên trong của dân tộc đó. Sức mạnh này do nhiều yếu tố tạo thành, nhưng quan trọng nhất là năng lực của con người và năng lực của thể chế.

"Có hòa bình và độc lập rồi, trong xây dựng đất nước phải có tự do dân chủ thì mới có điều kiện phát triển đất nước, mang lại hạnh phúc cho mọi người"

Nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình(Tuổi Trẻ 2-9-2013)

Năng lực của con người bao gồm kiến thức, kỹ năng và phẩm chất. Cả ba phần cấu thành này đều phải phát triển thì năng lực của một cá nhân mới được bảo đảm. Tuy nhiên, có vẻ như chúng ta đang phải đối mặt với những vấn đề không nhỏ ở đây.

Ở phần kiến thức, điều đáng quan ngại là chủ nghĩa giáo điều và tính tự mãn. Chủ nghĩa giáo điều làm cho sự hiểu biết của chúng ta bị méo mó, sai lệch; tính tự mãn làm cho sự hiểu biết của chúng ta bị nông cạn, nửa vời.

Ở phần kỹ năng, sự mất cân đối giữa dạy chữ và dạy thực hành là khá trầm trọng. Chúng ta vẫn có vẻ nói giỏi hơn là làm giỏi.

Ở phần phẩm chất, vẫn còn khá nhiều câu hỏi chưa được trả lời. Những phẩm chất gì là quan trọng nhất để người Việt có thể vươn lên hội nhập thành công và thành đạt trong thế giới hiện đại, làm thế nào để giáo dục được các phẩm chất đó là một số trong những câu hỏi như vậy. Ai nếu không phải là tất cả người Việt chúng ta, mà trước hết là ngành giáo dục - đào tạo phải trả lời những câu hỏi trên.

Năng lực thể chế cũng là phần cấu thành quan trọng của nội lực. Năng lực này trước hết là năng lực của các cơ quan cấu thành nền quản trị quốc gia. Ở nước ta, đó là các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận, đoàn thể... Các cơ quan này có thật sự bổ sung giá trị cho quá trình quản trị quốc gia không; chúng đã làm tốt chức năng, nhiệm vụ của mình chưa; chúng có chồng chéo và vô hiệu hóa nhau không; và quan trọng nhất là thiết kế nền quản trị quốc gia theo mô hình như trên có đáp ứng được nhu cầu của thời đại không là những câu hỏi cần được trả lời để thấy rõ nội lực của chúng ta đang như thế nào.

Công cuộc cải cách Hiến pháp đang được chúng ta tiến hành là cơ hội rất quan trọng để tìm cách trả lời những câu hỏi nói trên, cũng là để tiếp tục cải cách thể chế nhằm phát huy hơn nữa nội lực của mình.

TS NGUYỄN SĨ DŨNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên