03/11/2015 09:37 GMT+7

Những câu hỏi “quen tai” sẽ mãi còn?

 VIỄN SỰ (viensu@tuoitre.com.vn)
VIỄN SỰ ([email protected])

TT - Việt Nam có những con số gây rùng mình khi có đến 16% mẫu thịt heo được kiểm nghiệm có chất tạo nạc salbutanol. Những câu hỏi “quen tai” sẽ mãi còn?

Tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội sáng 2-11, đại biểu Đinh Thị Phương Khanh (Long An) và Nguyễn Sĩ Cương (Ninh Thuận) đã dùng trọn bảy phút để phát biểu về hai vấn đề: sử dụng chất cấm trong chăn nuôi và sản xuất phân bón giả.

Đại biểu Khanh nêu con số rùng mình khi có đến 16% mẫu thịt heo được kiểm nghiệm có chất tạo nạc salbutanol.

Còn đại biểu Cương nêu ra thông tin có những loại phân bón giả mà hàm lượng dưỡng chất chỉ đạt 20 - 30% theo đăng ký, làm người nông dân mua về phải điêu đứng. Cả hai đại biểu sau khi trình bày vấn đề đều nêu lên câu hỏi mà cử tri gửi gắm cho họ, rằng phải chăng cơ quan chức năng bất lực trước vấn nạn này?

Bảy phút cho một bài phát biểu là không dài, hai vấn đề mà đại biểu Nguyễn Sĩ Cương và Đinh Thị Phương Khanh nêu lên vì thế cũng lọt thỏm trong hàng chục vấn đề mà hơn 40 đại biểu đã phát biểu trong ngày. Nhưng điều đáng nói là vấn đề hai đại biểu nêu đã nghe rất “quen tai” ở Quốc hội trong nhiều kỳ họp.

Xem lại báo cáo của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri trước kỳ thứ 10, thứ 9, rồi thứ 8... của Quốc hội khóa XIII đều thấy đây là những vấn đề mà cử tri và nhân dân kiến nghị đến Quốc hội.

Mỗi kỳ họp lại có những đại biểu trình bày. Rồi vẫn như bà Khanh, trong cuối bài phát biểu lại nêu những bất cập làm cơ quan chức năng khó xử lý đến nơi đến chốn những người đang làm tổn hại đến kinh tế và sức khỏe của cộng đồng.

Câu chuyện vậy là không còn dừng lại ở chất cấm hay phân bón giả nữa. Cái lớn hơn là vấn đề cử tri gửi gắm, câu hỏi cử tri chất vấn mãi chưa được giải quyết.

Trước kỳ họp này, chúng tôi từng hỏi ông Nguyễn Văn Pha - phó chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam - về chuyện này.

Vừa là đại biểu vừa là người làm nhiệm vụ tổng hợp kiến nghị cử tri, ông Pha nói đúng là có những vấn đề mà kỳ họp nào cử tri cũng ý kiến, cũng đòi hỏi.

“Tôi nghĩ rằng những vấn đề như thế, thà rằng phải chấp nhận khó khăn để giải quyết dứt điểm, còn hơn là cứ để nhùng nhằng mãi” - ông Pha nêu quan điểm.

Còn ông Cương, sau bài phát biểu ở Quốc hội đã chia sẻ với Tuổi Trẻ, việc đại biểu cứ nhắc đi nhắc lại một vấn đề nào đó ở Quốc hội cũng là điều bình thường. Vì đó là vấn đề mà cử tri gửi gắm, giao phó cho đại biểu.

Ông Cương cho rằng sự quyết liệt cao nhất của Quốc hội trước những vấn đề lặp đi lặp lại ấy tối đa chỉ là cụ thể thành nghị quyết hoặc đưa vào chương trình giám sát của Quốc hội. Nhưng cái đích xa hơn, giải quyết tận gốc vấn đề hơn là Chính phủ, các bộ ngành phải có những quyết định cụ thể để giải quyết.

Những người dân, cử tri ngồi trước màn hình trực tiếp xem phiên thảo luận ở Quốc hội chắc rồi sẽ lại buồn lòng lần nữa nếu kỳ họp tới, rồi khóa tới Quốc hội lại vẫn phải nhắc lại những bức xúc của hôm nay.

VIỄN SỰ ([email protected])
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên