Những câu chuyện về đàn bà - NXB Phụ Nữ |
Nhạc sĩ Tuấn Khanh đi gặp nhiều mảnh đời phụ nữ, cảm ngộ từng thân phận mà theo cách nói của anh là “vẫn đang ngày đêm chắt chiu xây dựng đất nước này”.
Từ hành trình đó, anh chấp bút kể lại “Những câu chuyện về đàn bà”, thực ra là kể lại một phần chuyển động của đất nước của ngày hôm nay, từ hình bóng của những người phụ nữ đang bám lấy quê hương như chính cuộc sống của mình.
Những câu chuyện được tác giả ghi nhận lại thật đắt, thật đáng để cộng đồng cùng suy ngẫm về những bài học còn day dứt mãi trong từng tình tiết.
Tác giả Tuấn Khanh có dịp tâm sự với bạn đọc những gì còn “ẩn sau hàng chữ” mà dung lượng một quyển tạp văn chưa đến hai trăm trang chưa thể tải hết được trong buổi giao lưu sáng 16-10 tại Đường sách TP.HCM.
Tuấn Khanh kể về chị Bé đưa đò ở Cồn Sơn - Cần Thơ. Ai đến Cồn Sơn cũng đi trên chiếc đò của chị Bé, nhưng không ai biết nhiều về chị, không ai biết chị đưa đò từ năm 15 tuổi đến nay đã tròm trèm tuổi 40.
Chị Bé đưa đò bất kể nắng mưa, không những miễn phí cho dân Cồn Sơn từ 5g sáng đến 9g đêm, mà có ngày, “rất nhiều chuyến, chị chở chỉ một học sinh, thậm chí chỉ một con vịt được gửi qua bên kia bờ”.
Cũng không mấy ai biết chị Bé có cái tên thật hay: Nguyễn Hoàng Dịch Thủy, và điều thắc mắc của Tuấn Khanh hẳn càng ít ai để ý: tứ cố vô thân, chị Bé sống bằng gì với sự cho đi thanh thản như vậy?...
Và còn nhiều, rất nhiều trường hợp như vậy, một người đàn bà vá xe ở lề đường nhưng không giấu vẻ tự hào khi nói về con mình vào đại học. Niềm vui con mình rồi không còn phải làm cái nghề cơ cực như mẹ đã làm cho người phụ nữ ấy vượt qua tất cả kham khổ thường ngày?
Đọc Tuấn Khanh, rồi nghe anh tâm sự, thấy sao mà cuộc đời đa đoan quá, người viết như anh cũng đa đoan quá.
Nhưng anh vẫn thản nhiên, bảo rằng "tôi viết mỗi ngày để nhắc mọi người và tự nhắc mình rằng chúng ta đang quên những điều đang đổi thay trên chính quê hương mình".
Sẽ không khó hiểu khi đặt cách diễn đạt của anh vào sự nhận biết của mỗi người: quê hương ta đang thay đổi ra sao, và ta đang làm gì trong dòng chảy đó...
Về phần mình, Tuấn Khanh tự nhận rằng anh mong những trang viết của mình có thể giúp người đọc nhận ra cái “đồng bào tính” trong cộng đồng. Ở đó có sự hi sinh không ngừng của những người phụ nữ đang cần mọi người chia sẻ, góp thêm cùng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận