15/04/2013 04:44 GMT+7

Những câu chuyện từ sự thật

NGUYỄN NGỌC THUẦN
NGUYỄN NGỌC THUẦN

TT - Khi sự tưởng tượng không còn được thỏa mãn, có phải là lúc người ta quay về với sự thật?

Như câu chuyện về chàng trai trẻ McCandless với những ánh hào quang bỏ lại sau lưng, lên vùng Alaska sống đời sống hoang dã rồi chết. Thế giới chúng ta có nên xem lại những giá trị vật chất tưởng chừng vĩnh cửu của mình? Chắc là có nhưng cũng không nhiều. Bởi như chúng ta đã biết, anh đã chuốc lấy cái chết bi thảm bên một chiếc xe bỏ hoang, cùng những trang nhật ký, vài tấm ảnh tự chụp. Không ít người cho đó là kết quả thái quá của một tấm lòng hồ hởi mang màu tuổi trẻ. Nhưng cũng có người lại xem như cuộc giải thoát mang tính toàn diện mà một cuộc đời tầm thường không dễ gì có được. Một cái chết gây tranh cãi cho đến tận hôm nay. Ðiều muốn nhắc ở đây là cái chết của McCandless đã khiến Sean Penn phải mất cả mười năm thuyết phục gia đình cậu cho phép chuyển thể câu chuyện đậm tính tự vấn, u uẩn và giải thoát ấy thành phim (Into the wild).

1 Cũng xấp ngửa với khoảng thời gian 10 năm và không kém phần tranh cãi, nước Mỹ trở nên sục sôi hơn trong việc tìm kiếm một con người có cái tên là Osama Bin Laden. Câu trả lời là vào một đêm tối trời, Tổng thống Barack Obama từ Nhà Trắng trịnh trọng thông báo với toàn thế giới, kẻ nguy hiểm bậc nhất đã bị tiêu diệt. Chuyện đóng lại ở một nơi nào đó ngoài biển khơi, nơi người ta thủy táng xác Osama Bin Laden, nhưng lại là một cánh cửa mở ra cho điện ảnh (phim Zero dark thirty). Phục dựng một sự thật tưởng chừng đóng kín cũng là một nhiệm vụ lớn lao không kém phần gian khó so với sự thật đó.

Trong năm vừa qua người xem còn chứng kiến những sự thật khác dưới tên Lincoln, chân dung vị tổng thống đời thứ 16 của nước Mỹ trong phim Lincoln, rồi cuộc Giải cứu binh nhì Ryan phần 2 Argo - câu chuyện chen giữa sự thật và sự hư cấu về cuộc tẩu thoát của sáu nhà ngoại giao Mỹ bị kẹt tại Tehran.

Nhưng Argo cũng không phải là một sự thật khác thường nhất trong điện ảnh. The sessions là một ví dụ.

Mark O'Brien là một nhân vật có thật, một nhà thơ từ nhỏ đã bị liệt từ cổ trở xuống phải nằm trong một lá phổi thép, một dạng máy trợ thở. Hằng ngày anh chỉ được mang ra ngoài trong một khoảng thời gian ngăn ngắn, ban đêm anh giao tiếp với thế giới bên ngoài bằng một cái que cắm vào miệng. Anh gõ máy chữ hoặc gọi điện thoại cũng bằng cách này. Nhưng điều kỳ lạ đến vô hạn là trong anh vẫn nung nấu khao khát được trải nghiệm tình dục như những người đàn ông khác. Vậy thì nó sẽ được thực hiện như thế nào?

Vấn đề trị liệu của phương Tây - một phương cách biểu hiện tính nhân văn làm ta ngạc nhiên - họ có cả đội ngũ bác sĩ đa chức năng, trong phim gọi là "người thay thế tình dục chuyên nghiệp". Ðội ngũ này sẽ giúp những người bệnh như Mark O'Brien trải nghiệm tình dục một cách tỉ mỉ, chi tiết, chia làm sáu buổi, thăm dò, tiếp cận và cuối cùng thực hiện quan hệ tình dục thật trên bác sĩ ở phần cơ thể không thể điều khiển được nhưng vẫn còn cảm giác của Mark O'Brien. Mục tiêu trên hết của nền trị liệu này là để đem đến cảm giác an vui cho người bệnh trước khi họ từ giã cõi đời. Mark O'Brien mất năm 49 tuổi hẳn nằm trong những người thật hạnh phúc của hành tinh chúng ta.

2 Ðiện ảnh thế giới cũng từng chứng kiến một câu chuyện có thật đáng kinh ngạc khác - phim 127 hours về vận động viên leo núi Aron Ralston. Khi bị rơi xuống một hẻm núi ở Utah, anh đã phải tự cắt cánh tay mình bằng một con dao cùn để tự giải thoát.

Ðó là những sự thật phi thường trong cuộc sống con người. Nhưng có lẽ những sự thật trên một lần nữa đã bị một bộ phim tuyệt vời từ câu chuyện cho đến thủ pháp làm phim The imposter soán ngôi. Phim dựa trên câu chuyện có thật về Frederic Bourdin - kẻ mạo nhận nhân thân một cậu bé mất tích cách đó bốn năm dầu có sự khác biệt lớn về giọng nói, tuổi tác, màu tóc, màu mắt và quốc gia. Anh ta đã vượt qua các kỳ sát hạch của cả hai quốc gia để cuối cùng hoàn tất vai diễn của mình trước gia đình nạn nhân ở Mỹ... Ðến hôm nay, cậu bé mất tích trong câu chuyện trên vẫn còn là một nghi án. Frederic Bourdin bị khởi tố tội khai man và gian lận để lấy hộ chiếu Mỹ. Bị kết án 6 năm tù. Bị trục xuất về Pháp vào tháng 10- 2003. Ba tháng sau, anh ta còn có ý định ăn cắp nhân thân một cậu bé 14 tuổi mất tích tên là Leo Ballay. Những ngày tháng ở trong tù, anh ta vẫn tiếp tục dùng điện thoại tìm kiếm khắp thế giới những nạn nhân mới cho những hi vọng mới của mình. Hiện anh ta sống ở Pháp với vợ và ba đứa con. Có lẽ đây là một kết thúc dễ sợ nhất về cái gọi là hành vi của một con người.

3 Những bộ phim trên đã đặt ra cho người xem một câu hỏi về sự thật, rằng sự thật đó có phải là một xu hướng mới của điện ảnh hay không? Chắc chắn là không, khi mà sự tưởng tượng tuyệt vời của con người vẫn còn đó. Nhưng giữa vô vàn sự tưởng tượng phi thường, sự thật chắc chắn bao giờ cũng có một giá trị không thể thay đổi. Vì chỉ có sự thật mới định vị được gương mặt của con người trong tương lai, là điều mà tất cả những con người trên thế giới vẫn không ngừng tìm kiếm từ những bộ phim như thế này. Song song với việc không ngừng tìm kiếm sự thật và trải nghiệm cho cuộc sống của chính mình.

FZ96njgb.jpgPhóng to
Diễn viên John Hawkes vào vai Mark O'Brien trong phim The sessions - Ảnh: apnatimepass.com

Ngoài phim Into the wild được thực hiện năm 2007, với Emile Hirsch vào vai McCandless, nhận 2 đề cử Oscar và phim 127 hours do đạo diễn Danny Boyle thực hiện năm 2010, được 6 đề cử Oscar; các bộ phim làm từ sự thật gây ấn tượng được điểm đến đều ra đời vào năm 2012. Zero dark thirty của đạo diễn Kathryn Bigelow đoạt một giải Oscar/5 đề cử. Lincoln của đạo diễn Steven Spielberg đoạt hai giải Oscar/12 đề cử. Argo của đạo diễn Ben Affleck đoạt giải Oscar phim hay nhất và hai giải Oscar khác/7 đề cử. The sessions của Ben Lewin được 1 đề cử Oscar. The imposter của Bart Layton đoạt một giải BAFTA và 10 giải thưởng khác.

NGUYỄN NGỌC THUẦN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên